Phong Thủy Huyền Không phần 19-Phương Pháp Chọn Hướng Nhà (Phần 4)


Tiểu Không Vong 

Tuyến Tiểu không vong: nếu tuyến Đại không vong là những tuyến nằm ngay lằn ranh của 2 hướng, thì tuyến Tiểu không vong là những tuyến nằm ngay lằn ranh của 2 sơn. Như chúng ta đã biết, trên la bàn gồm 360 độ được chia ra 8 hướng, mỗi hướng chiếm 45 độ. Trong mỗi hướng lại được chia ra làm 3 sơn, nên mỗi sơn chiếm 15 độ. Cho nên tổng cộng có 24 sơn trên la bàn, và vì vậy cũng có 24 tuyến Tiểu không vong chính như sau:

- Hướng BẮC: gồm những tuyến: 352 độ 5, 7 độ 5, và 22 độ 5. 
- Hướng ĐÔNG BẮC: những tuyến: 37 độ 5, 52 độ 5, và 67 đô 5. 
- Hướng ĐÔNG: gồm những tuyến: 82 đô 5, 97 độ 5, và 112 độ 5. 
- Hướng ĐÔNG NAM: những tuyến: 127 độ 5, 142 độ 5, và 157 độ 5. 
- Hướng NAM: gồm những tuyến: 172 độ 5, 187 độ 5, và 202 độ 5. 
- Hướng TÂY NAM: những tuyến: 217 độ 5, 232 độ 5, và 247 độ 5. 
- Hướng TÂY: gồm những tuyến: 262 độ 5, 277 độ 5, và 292 độ 5. 
- Hướng TÂY BẮC: những tuyến: 307 độ 5, 322 độ 5, và 337 độ 5. 

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì ta thấy tất cả những tuyến Tiểu không vong cuối cùng của mỗi hướng như 22 độ 5 của hướng BẮC, 67 độ 5 của hướng ĐÔNG BẮC, 112 độ 5 của hướng ĐÔNG... cũng chính là những tuyến Đại không vong. 

Cho nên trên thực tế, những nhà có hướng phạm phải những tuyến Đại không vong bao giờ cũng kèm thêm vấn đề phạm cả tuyến Tiểu không vong nữa. Chính vì vậy mà mức độ phát sinh tai họa của chúng mới càng thêm mãnh liệt. 

Ngoài 24 tuyến Tiểu không vong chính ở trên, còn cần phải để ý đến những tuyến nằm gần khu vực đường ranh giới giữa 2 sơn, nhưng cũng chia thành những trường hợp khác biệt như sau: 

1) Những tuyến nằm ở phần giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn thuộc Địa nguyên Long, 1 Sơn thuộc Thiên nguyên Long (xin xem lại bài “24 sơn-hướng và Tam nguyên Long): thì tất cả những tuyến nằm gần tuyến Tiểu không vong chính trong khoảng cách là 1 độ rưỡi - dù là bên trái hay bên phải của nó – cũng đều bị coi là những tuyến Tiểu không vong. 

Thí dụ: Hai sơn NHÂM và TÝ của hướng BẮC được phân chia bởi tuyến vị 352 độ 5. Đó là tuyến Tiểu không vong chính. Nhưng vì NHÂM thuộc Địa nguyên Long, còn TÝ thuộc Thiên nguyên long, cho nên tất cả những tuyến nằm cách tuyến vị 352 độ 5 trong phạm vị 1 độ 5 – dù là bên phải hay bên trái của nó – như các tuyến 351 độ, 352 độ, 353 độ, 354 độ cũng đều là những tuyến Tiểu không vong cả. Nhưng các tuyến như 350 độ 5, hoặc 354 độ 5 thì lại không còn được coi là những tuyến Tiểu không vong nữa, vì đã cách tuyến Tiểu không vong chính hơn 1 độ 5 rồi. 

Một điều cần nói thêm là vì giữa Địa nguyên long với Thiên nguyên long trong cùng 1 hướng bao giờ cũng có vấn đề trái nghịch âm-dương, nếu Thiên nguyên long là sơn âm thì Địa nguyên long sẽ là sơn dương, và ngược lại, cho nên những tuyến Tiểu không vong nằm giữa 2 sơn (hướng) này còn bị gọi là những tuyến “sai lạc âm-dương” hoặc “âm-dương sai thố”. 

2) Những tuyến nằm ở phần giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn thuộc Thiên nguyên Long, 1 sơn thuôc Nhân nguyên Long: thì chỉ có tuyến vị chính giữa 2 sơn mới bị coi là tuyến Tiểu không vong mà thôi. Tuy nhiên trên thực tế thì những tuyến Tiểu không vong này đều vô hại. Lý do là vì trong cùng 1 hướng thì sơn thuộc Thiên nguyên Long bao giờ cũng cùng âm-dương với sơn thuộc Nhân nguyên Long. Mà vì đã nằm trong cùng 1 hướng, lại cùng 1 khí âm hoặc dương, nên dù có nằm chồng lên đường phân giới giữa 2 sơn cũng vẫn không sợ khí bị pha tạp hay hỗn loạn. 

Cho nên nguyên tắc chính của Huyền không vẫn là vấn đề thuần khí. Khí đã thuần thì có thể kiêm nhiều, khí không thuần thì dù 1 độ cũng không kiêm, còn những tuyến vị Đại-Tiểu không vong chỉ là những mức độ ấn định sự kiêm hướng sai lạc quẻ (Đại không vong) hoặc âm-dương (Tiểu không vong) đã tới mức độ tối đa, cực kỳ hung hiểm rồi vậy. 

Thí dụ: Hai sơn TÝ và QUÝ thuộc hướng BẮC được phân chia bởi tuyến vị 7 độ 5, nên trên lý thuyết thì đó là tuyến Tiểu không vong chính. Nhưng vì TÝ là âm sơn, thuộc Thiên nguyên Long; còn QUÝ cũng là âm sơn, thuộc Nhân nguyên Long. Giữa chúng không có sự khác biệt về âm-dương (vì cùng là âm sơn) hay tính chất (cùng thuộc hướng BẮC). Cho nên ngay cả những nhà có tuyến vị là 7 độ 5 (tức trùng với tuyến Tiểu không vong) cũng không sao cả. 

3) Những tuyến nằm giữa 2 sơn, nhưng 1 sơn là Nhân nguyên long, 1 sơn là Địa nguyên Long: đây chính là trường hợp của những tuyến Đại không vong đã nói ở phần trên. 

Như vậy nếu xét kỹ thì thật ra trên la bàn chỉ có 8 tuyến Đại không vong và 8 tuyến Tiểu không vong chính mà thôi. Bên cạnh chúng còn có thêm 1 số tuyến nằm trong khoảng cách 1 độ 5 ở 2 bên cũng đều được xem là những tuyến vị Đại-Tiểu không vong cả. Còn ngoài ra, những tuyến vị nằm giữa 2 sơn thuộc Thiên nguyên Long và Nhân nguyên Long trên thực tế không phải là Không vong. Còn những tuyến nằm giữa 2 sơn thuộc Nhân nguyên Long và Địa nguyên Long là trường hợp Đại không vong rồi vậy. 

Xét về mức độ tác hại thì những hướng Tiểu không vong cũng gây ra nhiều tai họa cho những ai sống trong căn nhà đó, như gia đình đổ vỡ, ly dị, tài lộc hao tán, dễ bị thưa kiện, hình ngục, người sống trong nhà cũng thường bất chính, hay vi phạm luật lệ, phạm pháp hoặc trộm cắp, hung dữ, lại dễ thấy ma quỷ... Cho nên sách “Trạch vận tân án” mới viết những nhà phạm tuyến Tiểu không vong (tức âm-dương sai thố) thì thường là “tiến, thoái lưỡng nan, không tạo dựng nổi uy quyền, danh tiếng. Lại chuốc kiện tụng, thị phi, trở thành bại cục (cách thất bại), hao tổn công sức”. 

Ngoài những tuyến Đại-Tiểu không vong ở trên thì trong 1 số sách vở còn đề cập đến những đường phân giới của 64 quẻ tiên thiên, và cũng xem những tuyến đó là Đại không vong. Rồi gộp hết tất cả những tuyến đó, cộng với những tuyến Đại-Tiểu không vong chính và gọi chúng là những tuyến “BẤT KHẢ LẬP” (tức những tuyến vị không thể chọn để lập hướng nhà hay mộ). 

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì thấy những đường phân giới của 64 quẻ Tiên thiên thật ra cũng trùng với những tuyến vị “Phân châm” hoặc “Phân kim” trên Tưởng bàn (tức 1 loại la bàn do Tưởng đại Hồng làm ra), mà trong đó, cách tính để chia tuyến vị của 64 quẻ Tiên Thiên như sau: lấy 64 quẻ chia cho 8 hướng, thì mỗi hướng có 8 quẻ. Mỗi hướng tổng cộng có 45 độ, chia cho 8 quẻ thì mỗi quẻ chiếm 5 độ, còn dư 5 độ. Để phân chia cho đồng đều, Tưởng đại Hồng xếp 5 quẻ tiên thiên vào phần giữa của mỗi hướng (tỗng cộng là 40 độ). Còn khu vực tiếp giáp giữa mỗi hướng thì để chừa ra mỗi bên là 2 độ 5 (tổng cộng là 5 độ). Khu vực này được coi là khu vực “xuất quái” (ra khỏi quẻ hay hướng). 

Như vậy, tổng cộng độ số của 8 quẻ (40 độ) và khoảng trống ở gần ranh giới giữa 2 hướng (5 độ) là 45 độ, tức đã bao hàm hết 1 hướng. Nếu tính như vậy thì tất cả mọi tuyến vị chính giữa của 24 sơn đều nằm trên đường phân giới của 64 quẻ Dịch. 

Đó là lý do tại sao có 1 số trường phái Phong thủy (nhất là Tam hợp phái) thường cho rằng tuyến vị chính giữa của 24 sơn là những tuyến “Đại không vong”, cho nên khi lập hướng nhà hay mộ thì họ thường tránh những tuyến vị đó, mà kiêm sang bên phải hoặc trái 3 độ, chứ không dám lấy đơn hướng. 

Đây là 1 sai lầm, chẳng những vì họ đã không biết tới vấn đề hướng nhà phải thuần khí, mà còn có thể kiêm không đúng độ số, vì không phải tọa-hướng nào cũng có thể kiêm 3 độ, mà còn tùy thuộc vào những sơn mà chúng tọa lạc là âm hay dương. 

Hơn nữa, hướng kiêm 3 độ cũng là lằn ranh giới giữa chính hướng và kiêm hướng, nên nếu kiêm không cẩn thận, hướng đó có thể đã ra ngoài chính hướng và thuộc về kiên hướng, nên có thể đang từ tốt biến thành xấu... 

Ngoài ra, vì các sách vở cổ xưa hoặc đã thất bản, hoặc cố tình không nói tới lý do tại sao lại đem 64 quẻ Tiên thiên vào trong la bàn. Nhưng theo thiển ý của người viết thì có lẽ chỉ là dùng để phụ đoán thêm tính chất của từng hướng nhà mà thôi (như trường hợp Nhị thập bát tú...), chứ không phải mục đích là để chọn phương hướng. 

Chính vì vậy mà tuy Tưởng đại Hồng vẫn đưa 64 quẻ Tiên thiên vào trong la bàn do ông chế tạo, nhưng khi chọn hướng thì vẫn lấy đơn hướng (tức là đè lên đường phân giới của quẻ Dịch). Điều này chứng tỏ đường phân giới của 64 quẻ Tiên thiên thật ra không có giá trị gì về phương diên lập hướng cả. 

Đối với những nhà phạm tuyến Đại-Tiểu không vong tuy rằng rất xấu, nhưng nếu biết cách hóa giải thì cũng có thể biến xấu thành tốt mà xử dụng được, chứ cũng không phải nhất quyết vì chúng thuộc những tuyến "bất khả lập" nên hoàn toàn không xử dụng được. Vấn đề này sẽ được nói trong 1 dịp khác. 

Ngoài ra, đối với trường hợp những nhà có tọa-hướng thuộc Thiên nguyên Long kiêm Nhân nguyên Long, hoặc Nhân nguyên Long kiêm Thiên nguyên Long tuy có thể kiêm nhiều mà không sợ phạm Không vong, nhưng vẫn phải kiêm đúng pháp độ, tùy theo tọa-hướng thuộc sơn dương hay âm. Nếu thuộc sơn dương thì có thể kiêm tới 7 độ, nếu là sơn âm thì chỉ có thể kiêm tới 6 độ mà thôi.

Nguồn tin:Chuyên gia phong thủy Bình Nguyên Quân



Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn