Kỳ 11: Ngoại cảm của một trường hợp điển hình
Năm 1998, ở độ tuổi 46, cô thanh niên xung phong năm xưa, xin được gọi tắt là Năm, quê tại Thái Thụy, Thái Bình, bất ngờ phát hiện ra khả năng tìm mộ người chết. Nghe theo tiếng gọi của đồng đội đã khuất hiện còn nằm rải rác khắp nơi, chị Năm vào Bình Dương tổ chức tìm mộ. Theo tin đồn, chị cùng bạn bè đã tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tình cờ người viết được theo dõi một buổi tìm mộ của chị. Bài viết dưới đây là một cố gắng nhận chân bản chất quá trình tìm mộ của chị.
Khoảng 8 giờ 30 ngày 10/5/2000, tôi và một nữ phóng viên báo Lao động tại TP.HCM có mặt tại căn nhà mà cô Năm thuê tại xóm Giếng máy cũ, phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Khoảng 30 người quây lấy căn phòng khách nhỏ, nơi cô Năm dùng làm điện thờ. Đó là người đi tìm hài cốt đang chờ đến lượt được cô Năm giúp đỡ.
Đầu tiên người nhà phải đăng ký vào sổ những thông tin sơ bộ về bản thân và liệt sĩ, như tên tuổi người đi tìm, quan hệ với liệt sĩ, tên tuổi liệt sĩ, ngày nhập ngũ, địa bàn hoạt động, ngày, địa điểm và hoàn cảnh hy sinh. Thông tin về nơi chôn cất nếu có thì càng tốt. Phân thân qua... lên đồng?
Khi đến lượt, người đi tìm mộ được gọi vào ngồi trước mặt cô Năm sau khi đặt một chút vàng mã trên bàn thờ hay trên mặt bàn đối diện. Phải nói thật là số vàng mã này được bán rẻ (khoảng 5.000 đ) tại một quán nhỏ trước ngõ. Cô Năm chắp tay khấn vái, miệng lẩm nhẩm vài câu tụng niệm rồi giật mình, đầu hơi ngả về sau: Cô đã phân thân qua lên đồng để trở thành một “đức ông”, với giọng nói khàn khàn theo kiểu phụ nữ giả giọng đàn ông (chứ không phải giọng đàn ông như mọi người vẫn truyền tụng). Cô xưng là “ông”, gọi liệt sĩ là “chú” và đóng vai người trung gian để liệt sĩ nói chuyện với người thân. Cô ghi chép thông tin về liệt sĩ trên một tờ giấy nhỏ màu vàng bằng tiếng Việt và bằng một thứ chữ loằng ngoằng như chữ Hán. Cuối tờ giấy cô vẽ sơ đồ ngôi mộ, có chia thành các vùng đánh số kèm lời ghi chú như rừng, ruộng nước, nhà cửa... Cô tung mấy đồng xu để xác định hài cốt đang nằm ở vùng số mấy. Trước khi tung cô khấn liệt sĩ, đại loại kiểu: “Hãy chỉ cho con chú biết chú đang nằm ở đâu nhé”. Tung lần đầu chưa được thì cô tung lần 2, lần 3... cho đến khi được mới thôi.
Tôi hỏi mấy người xem “ông” là ai, mọi người đều lắc đầu không biết. Căn cứ vào thái độ của mọi người đối với “ông”, tôi thấy hầu như không ai tin rằng, cô Năm đang “nhập hồn lãnh tụ”, theo lời cô tuyên bố.
Những trường hợp ly kỳ
Trường hợp 1: Một anh thanh niên ngoài 30 tìm được mộ cha khá dễ dàng khi anh biết rõ cha anh hy sinh trong một trận đánh và tất cả hài cốt trong trận đó đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. “Ông” chỉ anh vào nghĩa trang, tới dãy bên trái rồi tìm ngôi mộ thứ ba. Đó chính là mộ cha anh, với đặc điểm bên cạnh có khóm hoa màu vàng hay đỏ gì đó (tôi không nhớ chính xác). Theo lời những người theo dõi và tổng kết thì đây là trường hợp hết sức may mắn vì ít khi quá trình tìm kiếm lại dễ dàng đến thế!
Trường hợp 2: Một chị phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi đi tìm mộ cha là liệt sĩ chống Pháp. Đọc lời khai cha chị mất ở Bình Thuận, “ông” kêu ngay: “Rộng thế này thì tìm làm sao được!”. Nhưng rồi “ông” cũng cố giúp gọi hồn cha về bên chị. Vừa cắm cúi vẽ sơ đồ, “ông” vừa nói: “Ngày xưa các chú đi đánh giặc anh dũng, sao bây giờ lại mềm yếu thế. Chú cứ khóc như thế thì cha con nói chuyện với nhau thế nào được!”. Chị phụ nữ nức nở, mọi người chứng kiến đều xúc động. “Ông” cũng nói thêm, bên cạnh hài cốt cụ thể còn “mấy cái cúc áo”. Cuối cùng, “ông” cũng tìm được nơi chôn cất hài cốt. Đáng tiếc là nó lại nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận, nên không cách nào lấy lên được. Trước nỗi đau khổ của người con, “ông” đưa ra giải pháp lưỡng toàn: “Coi như đã biết nơi cất hài cốt, còn hồn của chú ấy thì đã ở đây. Vậy ngày rằm tới con mang bát hương tới đón về thờ cúng. Thế là vừa biết hài cốt ở đâu, vừa thờ được hồn cha”. Làm sao mà có một giải pháp tối ưu hơn thế được nữa cơ chứ?!
Trường hợp 3: Một chị phụ nữ trung niên đi tìm mộ anh là liệt sĩ chống Mỹ. Trường hợp này không có gì đặc biệt cho lắm. Khi biết cốt còn ở trong rừng (lời khai của thân nhân), “ông” nói: “Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi”. Chị phụ nữ liền nói: “Bây giờ là ruộng sắn”. “Ông” nói ngay: “Thì ông cũng bảo thế”. Mọi người ồ lên thán phục khả năng thấu thị phi thường của “ông”.
Đây là trường hợp đã tìm mấy lần nhưng chưa thấy. Khi mấy cựu chiến binh vẫn hợp tác với cô Năm Nghĩa vào thưa với “ông” rằng, họ đã đến tận nơi chôn cất, nhưng do địa hình thay đổi nên không thể xác định được cốt nằm ở đâu. “Ông” nói ngay: “Cứ đào đi, nếu chỗ này không thấy thì đào chỗ khác. Không đào thì sao mà biết được”.
Sau khoảng 5-6 trường hợp, “ông” phán: “Thôi cô Năm đã mệt, hãy để cô nghỉ một lát”. Thế là sự phân thân tạm dừng, cô Năm lại trở thành cô Năm với giọng Bắc quen thuộc với mọi người. Trong số báo tới, tôi sẽ phản bác các thông tin này bằng việc sử dụng tâm lý, tâm thần học, cụ thể là nhân cách phân ly và đa nhân cách, và vì sao chúng ta lại có thể dễ dàng tin như vậy.
Kỳ 12: Bản chất hiện tượng phân thân qua lên đồng
Giới đồng cốt thường tuyên bố họ lên đồng là để tiếp xúc với “người cõi âm”, nói chuyện với người chết, giúp người sống tìm gặp “vong” người thân đã mất... Và sự phân thân của cô đồng (đóng vai một người hoàn toàn khác: tên tuổi khác, giới tính khác, gia cảnh khác, phương ngữ khác...) thường được coi là dấu hiệu “ma nhập”, khi “hồn” của người chết nhập vào cô. Dưới ánh sáng khoa học, cụ thể là môn tâm lý và tâm thần học, sự phân thân qua lên đồng chỉ được giải thích đơn giản bằng các rối loạn tâm thần nhân cách phân ly hay đa nhân cách.
Cô đồng J.Z. Knight nổi tiếng nước Mỹ những năm 1980 - 1990
Phân ly nhân cách là hiện tượng đóng vai người khác, thường hay gặp ở người lúc nhỏ bị ngược đãi. Thực ra đó là một cơ chế bảo vệ, khi người ta tìm cách thoát ly về mặt tinh thần ra khỏi một thực trạng khó khăn. Chẳng hạn một phụ nữ Mỹ khăng khăng khẳng định mình là Đức đồng trinh, mà nguyên nhân chỉ là vì người chồng mới đi xa về nên hoạt động tính dục hơi thái quá. Còn theo GS tâm lý Robert Baker tại ĐH Kentucky, cô đồng J.Z. Knight nổi tiếng nước Mỹ những năm 1980 - 1990 từng nhập vai một người da đỏ tên là Ramtha sống từ 35 ngàn năm trước! Nói chung, đó là những trường hợp đóng vai một cách vô thức. Còn trong trường hợp cô Năm thì không hoàn toàn như vậy, vì cô luôn “hiệu chỉnh” cách phát ngôn sao cho đẹp lòng người!
Cách ứng xử
Muốn hiểu bản chất của quá trình tìm mộ, cần lý giải cách ứng xử của “đức ông” khi giải quyết những trường hợp cụ thể. Và với cái nhìn mang tính phê phán khoa học, có thể tìm ra sự thật ẩn giấu dưới bức màn thần bí.
* Trường hợp 1: Anh thanh niên tìm được mộ cha khá dễ dàng vì anh khai rõ là cha anh hy sinh trong một trận đánh cụ thể. Tất cả hài cốt liệt sĩ trong trận đó đều đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. Chắc chắn chị Năm đã biết điều đó. Và có thể chị cũng đã đến thăm nghĩa trang. Tại đó, sơ đồ và đặc điểm một số ngôi mộ đã được ghi nhớ một cách vô thức vào trí nhớ của chị. Đó là hiện tượng ký ức ẩn giấu rất quen thuộc với giới tâm lý học. Trong hiện tượng đó, ta nhìn thấy, nghe được, đọc ra, thu nhận một số thông tin mà không biết là ta đã biết chúng. Vì ta không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hoặc vì ẩn giấu nên ta không biết). Khi chúng bất chợt hiện ra ở ý thức, ta rất ngạc nhiên không hiểu từ đâu và vì sao ta lại biết chúng.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp (Ảnh: Caxahoc.vn)
Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong lĩnh vực dị thường, rất nhiều hiện tượng lạ có thể giải thích bằng hiện tượng này. Chẳng hạn một nhóm du khảo dừng chân nghỉ trưa tại một gốc cây to. Bỗng trong đầu người trưởng nhóm vang lên mệnh lệnh: Hãy đi chỗ khác ngay! Mệnh lệnh cứ lặp đi lặp lại mãi cho đến khi cả nhóm vội vàng rời khỏi gốc cây. Giây lát sau, một cành cây to rơi xuống. Tai họa chắc chắn xảy ra nếu nhóm trưởng không tuân theo mệnh lệnh “siêu hình”. Đó là sự tiên tri hay thần linh mách bảo? Câu trả lời là ký ức ẩn giấu. Vừa dừng chân nghỉ, nhóm trưởng vô tình nhìn thấy cành cây trên cao đang lắc lư (cảm nhận một cách vô thức). Cần lưu ý là trường nhìn của chúng ta khá rộng, nhưng về mặt ý thức, ta chỉ cảm nhận được những gì ta chăm chú nhìn thôi; phần còn lại thuộc về vô thức. Và chính vô thức người trưởng nhóm đã cứu nhóm du khảo.
Ở đây cũng vậy, khi được yêu cầu, chị Năm qua “đức ông” vô hình, đã tùy tiện gán một ngôi mộ cho anh thanh niên, với niềm tin tưởng rằng, hành động đó sẽ được hoan nghênh từ nhiều phía. Có ai đi tìm mộ mà lại hy vọng không tìm được mộ!
* Trường hợp 2: Đây là trường hợp khá điển hình minh họa cho thủ thuật quen thuộc của giới đồng cốt: tìm mọi cách đánh vào tình cảm con người. Khi tình cảm dâng cao thì lý trí xuống thấp; và người ta dễ dàng chấp nhận mọi phán quyết của cô đồng. Khi chị phụ nữ nức nở vì thấy “ông” bảo hồn cha chị đang khóc lóc thảm thiết, nói gì mà chị chẳng tin! Thông tin về “mấy cái cúc áo” thì là kết quả của kinh nghiệm, vì áo trấn thủ thời chống Pháp rất bền.
Khi người viết kể với một phóng viên báo An ninh thế giới, anh liền cho biết, nói hài cốt nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận là không đúng vì tòa nhà này có từ thời Pháp thuộc. Còn việc mang bát hương tới đón “hồn” về thờ hoàn toàn thuộc về tín ngưỡng, nên khoa học không cần phải giải thích.
*Trường hợp 3: Trường hợp này là minh họa rõ ràng cho một thủ thuật khác của giới lên đồng: nói dựa theo phản ứng của người cầu hồn trước những lời thăm dò nước đôi mà cô đồng khéo léo đưa ra đúng lúc. Câu nói của “ông”: “Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi” là mồi câu. Người tìm mộ đã mắc câu khi mách: “Bây giờ là ruộng sắn”. Và “ông” chỉ việc phán: “Thì ông cũng bảo thế” là ung dung giật được con cá mong ước: sự thán phục và tin tưởng của mọi người. Sau đó “ông” nói gì người ta cũng tin!
Rồi những lời phán của “ông”, rằng cứ phải đào tìm hài cốt, chỗ này không thấy thì đào chỗ khác, không đào thì thấy làm sao được (!) là những điều quá hiển nhiên, theo kiểu “mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông”, ấy vậy mà chẳng ai phản đối cả. Tôi thấy chị phụ nữ cũng thất vọng, nhưng chị tế nhị không nói ra. Trường hợp này còn thú vị ở chỗ, vừa vào là “ông” trách ngay: “Hồn anh cô trách cô sao bây giờ mới đi tìm”. Chị phụ nữ phản ứng: “Vì gặp nhiều khó khăn nên nay mới đi tìm được, sao không thông cảm mà lại trách”. Thế là “ông” vội hòa giải: “Người ta đã hy sinh vì dân vì nước, nay trách móc chút ít cũng được chứ sao”. Sao mà “ông” khéo thế!
Thế hóa ra cô Năm không có một chút công trạng gì hay sao? Có lẽ không phải như vậy, vì theo lời đồn thì hình như cô có khả năng cảm xạ.
================================================== =============
Thông tin bên lề:
Để hiểu đúng hoạt động của các nhà ngoại cảm
Sự kiện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng phải lên tiếng bác bỏ những tin đồn không đúng sự thật liên quan đến các "dự đoán" của chị cho thấy hoạt động của các "chuyên gia tìm mộ" đặc biệt này còn nhiều "vùng mờ" khiến dễ dẫn đến những cách hiểu sai về bản chất một lĩnh vực nghiên cứu còn chưa nhận được đồng thuận trong giới khoa học. Chính vì thế, công chúng càng cần một thái độ thận trọng, tỉnh táo và cầu thị khi tiếp cận những thông tin "ngoại cảm".
Tối 6.9, sau khi lên Lạng Sơn chuẩn bị lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, về tới Hà Nội, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã dành cả buổi tối kể cho PV Thanh Niên về hành trình tìm mộ liệt sĩ của chị trong nhiều năm qua, đặc biệt là việc tìm thấy di cốt của lãnh tụ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị giặc Pháp hành quyết năm 1932 tại TP Hải Phòng.
Không giấu được nỗi bức xúc, Bích Hằng tâm sự: “Hôm qua 5.9, em lên Lạng Sơn để chuẩn bị làm lễ cầu siêu cho các liệt sĩ. Khi vào một ngôi chùa, bà con phật tử đang tụng kinh đã vồ vập hỏi em: “Thế Hằng bị bắt, được thả ra lúc nào vậy?". Em trả lời: “Cháu không bị bắt”. Thời gian qua, em cũng rất xúc động khi có những cụ cựu chiến binh, lão thành cách mạng gọi điện thoại cho em và khóc, hỏi xem em đang bị giam giữ ở đâu để các bác làm đơn "xin thả cho cháu ra". Em nói với các cụ: “Cháu là con của một người lính và còn là con cháu của hàng vạn người lính khác đã nằm xuống ở các chiến trường hoặc đã trở về nhưng còn mang trong người bao thương tích chiến tranh. Do vậy cháu không bao giờ làm cho những người lính phải hổ thẹn. Nên các bác cứ yên tâm. Tuy hiện nay dư luận miệng người - sóng biển không ai có thể lấp được, nhưng mọi người đều quan tâm và ưu ái đến cháu”.
Bích Hằng cho biết trong nhiều năm qua, bằng khả năng “đối thoại ngoại cảm” của mình, chị đã giúp đỡ thông tin cho các gia đình tìm được hơn 1 vạn mộ liệt sĩ và mộ thất lạc (trong đó, tìm quy tập được hơn 6.000 ngôi mộ và xác định mộ vô danh là 4.000 trường hợp). Chị cũng cho biết, đã cung cấp thông tin xác thực để các cơ quan, tổ chức, địa phương và gia đình tìm thấy phần mộ của các nhà yêu nước, nhà cách mạng, anh hùng lực lượng vũ trang như: Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Trí Phú, nhà văn Nam Cao, Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân, Vũ Văn Hiếu, Vũ Thị Kính, Đậu Văn Ngôn... Đáng chú ý, với di cốt các lãnh tụ cách mạng, tất cả đều đã được cơ quan nghiên cứu khoa học xét nghiệm DNA trước khi công bố kết quả.
Nhiều trường hợp bịp bợm
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - Tin học ứng dụng UIA (cơ quan phối hợp với Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ văn hóa truyền thống) tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội, nơi chủ trì hợp tác nghiên cứu việc tìm mộ liệt sĩ trên địa bàn cả nước, cho biết: “Những người có khả năng ngoại cảm có năng lực “nhìn xuyên qua thời gian và không gian”. Họ như một nhà phiên dịch cho một thế giới khác với khả năng “đối thoại ngoại cảm” với người đã khuất”. Ông Khanh khẳng định Phan Thị Bích Hằng là một trong 15 nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt tìm mộ liệt sĩ đã cộng tác với Trung tâm UIA, có hồ sơ tại đây và đã được UIA kiểm định như: Nguyễn Văn Liên, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Thị Nguyện, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Lư, Trần Văn Tìa, Phan Huy Lập, Vũ Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Ngọc Hoài... Bên cạnh những người này, ông Khanh cho biết còn hơn trăm người khác đang tự nhận “ngoại cảm” cũng đi tìm mộ liệt sĩ, mộ thất lạc nhưng có tới 90% là “ngoại cảm dỏm” bịp bợm để kiếm tiền.
Thanh Nien Online
================================================== =======
Tất cả cũng chỉ nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Có câu: khi người ta gặp phải những chuyện chính bản thân không kiểm soát được thì người ta lại cho rằng nó có liên quan đến thánh thần ma quỷ. Từ xưa đến nay vẫn vậy: ví dụ mưa bão, bóng đêm.... Và thế là tâm linh hình thành và được duy trì dựa vào một cội nguồn chắc chắn như thế.