Giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 9 - Kỳ 10


Kỳ 9: Truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda
 



Bản đồ vùng Tam giác quỷ Bermuda 


Tam giác Bermuda, hay tam giác quỷ nằm ở vùng Tây Bắc Đại Tây Dương, trên một vùng rộng lớn gồm vịnh Florida, Mỹ, quần đảo Bahama và quần đảo Carribe, nơi nhiều máy bay và tàu thuyền bị mất tích. Tam giác Bermuda là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Các chuyến bay thương mại hay tư nhân cũng dày đặc trên bầu trời. 

Đây là vùng biển thường xuất hiện các cơn bão bất ngờ. Từ Hè tới cuối Thu cũng thường có cuồng phong. Kết hợp với sự nhộn nhịp cả trên bầu trời và dưới mặt nước, nên không lạ khi người ta ghi nhận được nhiều vụ máy bay hay tàu thuyền mất tích không để lại dấu vết, nhất là khi các phương tiện truyền thông hiện đại chỉ xuất hiện trong nửa cuối thế kỷ 20. 

Văn hóa dân gian thường gắn các vụ mất tích với các hiện tượng dị thường, sự mất hiệu lực của các qui luật vật lý hay người ngoài hành tinh. Điều đó góp phần tạo nên truyền thuyết tam giác quỷ. 

Lịch sử truyền thuyết 

Theo các tác giả truyền thuyết, chính Christopher Columbus (người phát hiện châu Mỹ) là người đầu tiên viết về sự kiện lạ tại khu tam giác, khi ông và thủy thủ đoàn nhìn thấy “những đốm sáng nhảy nhót lạ lùng nơi chân trời”. Nay giới nghiên cứu cho rằng, đó có thể chỉ đơn giản là lửa nấu ăn trên xuồng hay trên bãi biển của thổ dân người Taino. 
 



Tam giác quỷ Bermuda là khắc tinh của tàu thuyền 


Truyền thuyết thời hiện đại bắt đầu từ bài viết ngày 16/9/1950 của nhà báo Jones. Hai năm sau tạp chí Fate đăng bài Bí mật biển cả ngay cửa sau nhà ta của George Sand về các vụ mất tích, trong đó có chuyến bay 19 của phi đội 5 chiếc cường kích TBM Avenger thuộc hải quân Mỹ. 

Nghiên cứu của Kusche 

Lawrence David Kusche, thủ thư nghiên cứu tại ĐH bang Arizona, Mỹ, đã phản bác xu hướng trên trong tác phẩm Giải mã bí ẩn tam giác Bermuda, năm 1975, khi kiên trì lần theo các vụ mất tích. Cách nghiên cứu của ông nhiều khi đơn giản đến bất ngờ: ông xem mục thời tiết trên báo tại các thời điểm mất tích và nhận thấy, sự thật không giống như lời kể trong truyền thuyết. Ông đi tới các kết luận quan trọng: 

1) Tỷ lệ mất tích tại tam giác Bermuda không hề lớn hơn tỷ lệ tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới. 

2) Trong một khu vực nhiều bão nhiệt đới, sự mất tích không có gì là bí ẩn; đồng thời các tác giả truyền thuyết thường không tính tới các cơn bão đó. 

3) Con số mất tích được phóng đại vì các nghiên cứu lỏng lẻo; chẳng hạn một con tàu được tính là mất tích, nhưng khi nó trở về bình yên sau đó thì không được đưa ra khỏi danh sách. 

4) Một số vụ được xem là mất tích không hề xảy ra, như một máy bay được cho là rơi trước hàng trăm nhân chứng tại vịnh Daytona, Florida, năm 1937; kiểm tra báo chí thời điểm đó thì không tìm thấy thông tin như vậy. 

Vì thế Kusche khẳng định: “Huyền thoại tam giác Bermuda là huyền thoại được tạo dựng... (và) được nuôi dưỡng nhờ nhiều tác giả vô tình hay hữu ý dùng các quan niệm sai, suy luận kém và xu hướng giật gân hóa”. 

Kết luận của Kusche có được thực tiễn ủng hộ hay không? Hãng bảo hiểm biển Lloyd’s nổi tiếng tại London xem tam giác Bermuda không nguy hiểm hơn các vùng biển khác nên không tăng phí bảo hiểm. Các đường bay và các tuyến hải trình vẫn tấp nập tàu thuyền với đầy ắp thương gia và khách du lịch trên khoang. Chẳng ai vì truyền thuyết mà bỏ qua cơ hội làm ăn hay thưởng ngoạn các khu du lịch nổi tiếng trong vùng. 

Các giải thích tự nhiên 

* Methane hydrates: Một cách giải thích tập trung vào các vùng khí methane hydrates trên đại dương. Thực nghiệm tại Australia cho thấy, các bọt khí có thể gây chìm con tàu mô hình vì làm giảm mật độ nước. Người ta giả định sự giải phóng khi hydrates theo chu kỳ từ các vụ núi lửa dưới đáy biển phun trào sẽ tạo ra các vùng nước nhiều bọt khí. Tàu thuyền lọt vào vùng này sẽ chìm rất nhanh mà không hề thấy bất cứ một tín hiệu cảnh báo nào. Sách trắng của Mỹ năm 1981 có viết về sự xuất hiện khí tại vùng biển Đông Nam. Tuy nhiên một vụ thoát khí lớn đến mức gây chìm tàu thì chưa hề xảy ra tại Tam giác Bermuda hàng ngàn năm qua. 

* Lệch hướng la bàn: Nhiều tác giả viết về thực tế này mà không chú ý rằng, kim la bàn chỉ các cực từ trái đất. Tại Mỹ, chỉ một đường thẳng từ Wisconsin tới vịnh Mexico là có hướng kim la bàn chuẩn (vì đường thẳng này trùng với đường nối hai từ cực trái đất). Giới thủy thủ biết rõ điều này. 

* Cuồng phong: Như bất cứ nơi đâu trên Trái đất, các cơn bão khủng khiếp này là nguyên nhân hàng đầu của các vụ mất tích tại vùng tam giác. 

* Dòng hải lưu vùng vịnh: Dòng hải lưu này xuất phát từ vịnh Mexico, tới vịnh Florida rồi chảy lên Bắc Đại Tây Dương. Là một con sông trong đại dương, nên nó dễ dàng cuốn trôi một thủy phi cơ hay một con thuyền nhỏ chết máy. 

* Sóng lớn bất thường: Những cơn sóng lớn bất thường có thể xuất hiện tại một vùng biển đang yên bình, như từng xảy ra tại vùng đất mới năm 1982. Tuy nhiên tam giác Bermuda không phải là địa điểm thích hợp với cách giải thích này, và nó cũng không đúng với các trường hợp máy bay mất tích. 

Tác động của con người 

* Sai sót của con người: Đây là nguyên nhân hàng đầu được giới chức quan tâm trong các vụ mất tích. Và tam giác Bermuda cũng không phải là ngoại lệ. 

* Hoạt động phá hoại: Hoạt động này gồm chiến tranh và hải tặc. Trong hai cuộc thế chiến, số vụ mất tích tại Bermuda tăng cao so với bình thường. Hải tặc có truyền thống trong vùng từ ngày phát hiện Tân thế giới và nay vẫn còn hoạt động, tuy không bằng nhiều vùng biển khác trên thế giới. 

Kết luận 

Truyền thuyết tam giác quỷ Bermuda một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, con người là loài động vật thích nghe và dễ tin các hiện tượng dị thường, các hiện tượng nằm ngoài hiểu biết đương đại. Dường như đó cũng là một kiểu “phân ly” để thoát khỏi thực tại nhiều ràng buộc mà chúng ta đang sống.

Kỳ 10: Về Uri Geller, nhà tâm linh “lừng danh thế giới”!

Tại sao Uri Geller trở thành nhà tâm linh nổi danh nhất lịch sử là một vấn đề thú vị cần được giải thích rõ ràng trong lĩnh vực dị thường học. Trong 40 năm qua, đây là chủ đề thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận. 

Nhân thân

Uri Geller sinh ngày 20/12/1946 tại Tel Aviv, Israel, bố mẹ là người Do Thái gốc Áo - Hung. Ông được đặt tên theo người dì chết do tai nạn. Geller tự nhận có họ với nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud về đằng mẹ, một thông tin không được xác nhận. Năm 11 tuổi, ông theo gia đình chuyển tới đảo Síp và theo học một trường trung học Cơ đốc nhưng chưa tốt nghiệp. Năm 17 tuổi Geller nhập ngũ và bị thương năm 1967. Năm 1968-1969, Geller làm người mẫu ảnh và bắt đầu trình diễn trên một sân khấu nhỏ.

Sau khi xem ảo thuật gia người Anh David Berglas trình diễn, Geller bắt đầu “bẻ cong thìa” theo kỹ thuật học được từ Berglas. Những năm 1970, ông nổi danh tại Mỹ và châu Âu vì khả năng tâm linh và trở thành người biểu diễn toàn thời gian trên truyền hình. Ông tuyên bố có khả năng thần giao cách cảm, viễn di sinh học và cảm xạ học (bẻ cong thìa, mô tả bức tranh giấu kín, điều khiển đồng hồ ngừng chạy, chạy nhanh hay chậm hơn... bằng “sức mạnh ý chí”). Theo lời kể thì khả năng của Geller huyền diệu đến mức, ngay tại nhà khán giả xem truyền hình, thìa nĩa và vật dụng kim loại cũng cong tít!

Trong khi được sùng bái tại Mỹ thì tại Israel, Geller bị tố cáo trước pháp luật về việc dùng ảo thuật để “bẻ cong thìa bằng ý nghĩ”. Tòa án Israel từng phạt Geller phải trả lại tiền cho khán giả. Năm 1968, một tạp chí ảo thuật Israel đăng tải cách thức làm cong thìa hoàn toàn giống màn trình diễn của Geller. 

Khẳng định khả năng tâm linh là sự thật, từ 1974, Geller đi vòng quanh thế giới với câu chuyện, ông nhận được khả năng từ hành tinh Hoova thuộc hệ mặt trời khác và từ đĩa bay có tên Trí tuệ bầu trời. Chính câu chuyện hấp dẫn này, cùng sự cả tin của công chúng Mỹ, đã giúp Geller trở thành “nhà tâm linh nổi tiếng nhất lịch sử”. 

Hiệu ứng Geller 

Giới ảo thuật nhanh chóng nhập cuộc. Năm 1982, James Randi, nhà ảo thuật lừng danh, đồng sáng lập Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI được thành lập tại Mỹ năm 1976 nhằm ngăn chặn sự mê tín mới đã xuất bản cuốn Sự thật về Uri Geller, trong đó bóc trần mọi khả năng tâm linh của Geller. Năm 1985, ảo thuật gia Ben Harris xuất bản cuốn sách chuyên khảo về các kỹ thuật bẻ cong thìa. Các sách tương tự cũng xuất hiện tại nhiều nước châu Âu. Trong một cuốn sách về lịch sử ảo thuật, Christer Nilsson nhận xét gay gắt: “Chúng ta biết Uri Geller chỉ là người tạo ảo giác không hơn không kém”.

Tuy nhiên điều mà Nilsson và những người như ông không thấy là khả năng dị thường của Geller trong việc thu hút dư luận. Giới khoa học phải đưa ra thuật ngữ “hiệu ứng Geller” để mô tả khả năng của một người, vốn không hơn ai về ảo thuật, trong việc tạo ra ảnh hưởng to lớn lên thế giới hiện đại và trong việc lôi cuốn công chúng đủ mọi trình độ tin vào “thiên tài” của mình. Uri Geller cũng tuyên bố kiếm được nhiều triệu đô la Mỹ từ các công ty dầu mỏ do dùng cảm xạ phát hiện vàng và dầu sâu trong lòng đất, đôi khi chỉ bằng cách vẫy tay trên bản đồ(!). Khi được yêu cầu, ông từ chối nêu tên các công ty vì “những lý do tế nhị”. 

Một số tuyên bố của Geller hay của những người si mê ông còn khó tin hơn nữa. Năm 1989, ông nói tiếp xúc với Ủy. ban Liên Xô về phát triển và sử dụng công nghệ vũ trụ trong khoa học và kinh tế và đề nghị dùng sức mạnh tâm linh sửa chữa các vệ tinh trên quỹ đạo. Lời đề nghị bị từ chối. Cũng theo lời ông, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA nhờ ông thu hồi ăng ten bị mất trên Galileo, con tàu thám hiểm hệ mặt trời. NASA phủ nhận thông tin này. Geller cũng đề nghị dùng viễn di sinh học để thu hồi máy quay phim bị bỏ quên trên mặt trăng trong chiến dịch thám hiểm Apollo; đến nay nó vẫn trong tay chị Hằng vì NASA bỏ ngoài tai lời đề nghị. Geller cũng được gán cho nhiều khả năng “phi thường” như biến kim loại thành vàng, phát hiện vị trí thuyền Nô-ê mất tích sau cơn Đại hồng thủy, làm các đồ vật biến mất rồi lại hiện ra... 

Nổi tiếng tại Tòa án 

Uri Geller còn nổi tiếng vì “thành tích” tại tòa án, điển hình là cuộc chiến pháp lý dai dẳng với James Randi, kẻ thù không đội trời chung của Geller và các nhà tâm linh giả hiệu khác. Là nhà ảo thuật lừng danh, Randi thực hiện được mọi “khả năng tâm linh” của Geller chỉ đơn giản bằng sự khéo léo của bàn tay. 

Năm 1990, Geller kiện Randi ở tòa án Nhật vì những nhận xét của ông trên báo chí xứ Phù Tang. Vì Randi không tiến hành các thủ tục bảo vệ nên ông bị phạt 500 ngàn yên (4.400 USD). Randi không nộp phạt và tuyên bố, sẽ không trả một đô la, thậm chí một xu cho bất cứ ai kiện ông, do ông hành động chỉ vì chân lý khoa học. 

Năm 1991, Geller kiện Randi cùng Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI và đòi bồi thường 15 triệu đô la vì những nhận xét gay gắt của Randi trong bài phỏng vấn trên tờ Diễn đàn thông tin quốc tế. Ngày 27/7/1993, tòa án Washington bác bỏ cáo buộc và phạt Geller 149.000 USD cho phí tổn của CSI trong vụ kiện. Geller kháng án và ngày 9/12/1994, tòa thượng thẩm Columbia giữ nguyên án sơ thẩm với nhận xét: “Xét lịch sử thích kiện cáo của bên nguyên, tòa không thấy sự tùy tiện nào trong án phạt”. 

Từ đó Randi luôn đối mặt với các vụ kiện của Geller, khiến một quỹ tư nhân được thành lập để quyên tiền giúp Randi hầu kiện. Đồng thời Randi cũng góp 10.000 USD lập một giải thưởng nay lên tới một triệu USD để trao cho bất cứ nhà ngoại cảm hay tâm linh nào thực hiện được một màn trình diễn với sự kiểm soát của ông. Gần 1.000 người đã tới thử sức nhưng chưa một ai nhận được tiền. 

Lịch sử kiện cáo của Geller còn kéo dài khá ly ky, với sự kiện tháng 11/2000, ông kiện công ty chuyên sản xuất trò chơi video Nitendo, vì nhân vật Pokemon “mang các đặc trưng riêng” của ông. Cụ thể là Pokemon có các khả năng tâm linh và biết bẻ cong thìa bằng ý nghĩ! Ông đòi bồi thường 60 triệu bảng Anh (100 triệu USD) nhưng không được chấp nhận. 

Đến đây chúng ta đã có thể tìm ra nguyên nhân giúp Uri Geller trở thành nhà tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó là sự kết hợp thú vị và khôn khéo giữa ước vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người, mà theo nhà tâm lý Susan Blackmore thì nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác, và hiệu ứng Geller, là khả năng thu hút dư luận lạ thường của một người có khả năng ảo thuật không hề nổi trội. Nói cách khác, Geller trở nên nổi tiếng chỉ vì... chúng ta muốn như vậy!