Phật giáo Việt Nam


Phật giáo Việt Nam là Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam, Phật giáo Việt Nam mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo của các nơi khác trên thế giới. Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam. Theo thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ Việt Nam năm 2005, hiện có gần 10 triệu tín đồ Phật giáo [1], còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử[2] và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường...

Lịch sử

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử (ở Hưng Yênngày nay) học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra) trong khoảng các năm 168-189[3].

Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ) được phiên âm trực tiếp thành "Bụt"[3], từ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa[3], Bụt được coi như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ "Bụt" bị mất đi và được thay thế bởi từ "Phật". Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm thành "Phật đà", "Phật đồ" rồi được rút gọn thành "Phật". ( Cần thông tin rõ ràng về khác biệt của Tiểu thừa và Đại thừa. Hiện nay sự phân bố của hai dòng này như thế nào ? )

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lýnhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 17, vua Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư Khánh Hòa và Thiện Chiếu [4].

Tóm lại, lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn:

  • từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp;
  • thời Nhà Lý - Nhà Trần là giai đoạn cực thịnh;
  • từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái;
  • từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn phục hưng.

Đại thừa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam là Thiền tôngTịnh Độ tông và Mật tông.

Thiền tông

Thiền tông (còn được biết là Zen hay Ch'an) là một tông phái Phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) sáng lập ra ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 6. "Thiền" là cách gọi tắt của "Thiền na" (Dhyana), có nghĩa là "Tĩnh tâm", chủ trương tập trung trí tuệ để quán định (thiền) nhằm đạt đến chân lý giác ngộ của đạo Phật. Theo Thiền tông, "thiền" không phải là "suy nghĩ" vì suy nghĩ là "tâm vọng tưởng", làm phân tâm và mầm mống của sanh tử luân hồi[5]. Cách tu theo Thiền tông đòi hỏi phải tập trung toàn bộ công sức và thời gian cộng với phải có khả năng đốn ngộ. Yêu cầu đó chỉ có những kẻ căn cơ cao mới có được nên người tu thiền thì nhiều nhưng người chứng ngộ quả thật rất là hiếm hoi[6]. Tuy nhiên lịch sử Thiền tông ở Việt Nam cũng có một lịch sử rõ ràng hơn cả.

Dòng thiền tu thứ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam do nhà sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) lập ra. Ông là người Ấn Độ, qua Trung Quốc rồi đến Việt Nam vào năm 580, tu tại chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu), thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và truyền cho tổ thứ hai là Pháp Hiền. Dòng thiền này truyền được đến 19 thế hệ[7]. Dòng thiền tu thứ hai do Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc lập ra vào năm 820, tu tại chùa Kiến Sơ, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Dòng thiền này truyền được đến 17 đời[7]. Dòng thiền thứ ba do Thảo Đường, người Trung Quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành và được vua Lý Thánh Tông giải phóng khỏi kiếp nô lệ và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069. Dòng thiền này truyền được đến 6 đời[7]. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông, dưới sự hướng dẫn của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, xuất gia và lên tu ở núi Yên Tử, thuộc huyện UÔNG BÍ, Quảng Ninh, thống nhất các thiền phái tồn tại trước đó và lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Sau này, một số thiền phái khác xuất hiện như phái Tào Động dưới thời Trịnh-Nguyễn, phái Liên Tôn vào thế kỷ 16-19 (có trụ sở tại chùa Bà Đá và chùa Liên PháiHà Nội), phái Liễu Quán (Liễu Quán là tên một vị tổ thuộc dòng Lâm Tế) vào thế kỷ 18(miền Trung), phái Lâm Tế dưới thời nhà Nguyễn (miền Trung, và sau này phát triển ở miền Nam).

Thiền tông Việt Nam đề cao cái "tâm"[8]: "Phật ở tại tâm", tâm là Niết Bàn, hay Phật. Trần Nhân Tông viết trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo:

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền." dịch: "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền."

Tịnh độ tông

Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu dựa trên tha lực của Phật A Di Đà [9] là chủ yếu, tuy nhiên vẫn có tự lực. Phật Thích Ca Mầu Ni có lần thuyết giảng: "Một viên đá dù nhỏ đến mấy mà ném xuống nước thì nó cũng chìm, nhưng nếu một hòn đá dù to đến mấy mà đặt trên bè thì nó cũng nổi".

Có một cõi cách biệt với lục độ, gọi là Thế giới Cực Lạc - Nơi không có sự luân hồi, do đức Phật A Di Đà (tiếng Phạn:Amitabha) tạo nên. Nơi đây hoa báu rất nhiều, rất trang nghiệm, thanh tịnh, nhiều vị đại bồ tát nhứ Quán Thế Âm, Đại Thế Chí Bồ Tát ... và bạn đồng tu => Môi trường rất tốt để tu chóng đạt vị quả. Việc tu hành như viếng chùa, làm việc thiện để tích công phước đức, tụng danh Phật A Di Đà đến khi "Nhất tâm bất loạn", đọc các chú như Chú Đại Bi.... Do đây là thời mạt pháp, yêu quỷ hoành hành, chúng sanh căn cơ thấp kém nên việc tu Tịnh Độ là điều tối cần thiết và đúng đắn. Vì vậy Tịnh Độ tông là tông phái phổ biến khắp cõi Việt Nam. Đi đến đâu ta cũng gặp người dân tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật" (có nghĩa là "Nguyện quy y đức Phật A Di Đà"). Tượng Phật A Di Đà là tượng có mặt ở khắp mọi nơi và có mặt từ rất lâu đời.

Mật tông

Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ[10]. Cũng còn gọi là Lạt Ma tông, Mật tông là sự hợp nhất giới luật của thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) và nghi thức tác pháp của Kim Cương thừa. Bước quyết định trong nghi thức này là lễ Quán Đỉnh (Abhiseka) do một vị sư cả (guru hay "lạt ma") ban phép cho người đệ tử được nhập thiền định tâm vào một vị Phật cụ thể bằng cách đọc chân âm (mantra), suy niệm đồ hình Mạn đà la (mandala) và thực thi ấn quyết (mudra) để đạt đến độ thăng hoa loại bỏ ý niệm nhị nguyên (duality) đặng nhập vào Chân Như, vào cõi Không. Trạng thái đó được biểu tượng bằng Kim cương chử (Vajra). Để làm chủ được các nghi thức tác pháp của Mật tông (còn gọi là Kim Cương thừa - Vajrayana) thì điều tiên quyết là phải thấu hiểu giáo nghĩa củaBát-nhã-ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) của Long Thọ và Vô Trước. Giáo nghĩa Bát-nhã-ba-la-mật-đa được gọi là "Nhân thừa", và giáo nghĩa Kim Cương thừa được gọi là "Quả thừa". Tương truyền rằng Mật tông do đức Phật Đại Nhật khởi xướng. Mật tông có hai bộ kinh cơ bản là Đại Nhật kinh và Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh. Như vậy, từ thế kỉ thứ 3 đến thế kỉ thứ 7, Thiền tông Việt Nam mang đậm giáo nghĩa Tam Luận tông của Long Thọ, mà đặc biệt là tư tưởng Bát-nhã-ba-la-mật-đa của Long Thọ và Vô Trước. Các thiền sư thuộc Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi không chỉ uyên thâm về Phật pháp mà nhiều vị rất có uy tín với triều đình và biểu thị rõ ý thức độc lập tự chủ của đất nước. Các thiền sư Pháp Thuận, Ma Ha (thế kỉ thứ 10), Sùng Phạm (thế kỉ 12),... đều làm cố vấn cho nhà vua không chỉ việc đạo mà cả việc đời, việc ngoại giao. Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi còn kéo dài mãi đến thế kỉ 19[cần dẫn nguồn]. Đặc biệt, các thiền sư dòng Tì Ni Đa Lưu Chi thường có hình thức tu tập "Tổng Trì Tam Muội" (Dharani samadhi), một hình thức tu tập phổ biến của Mật giáo (Tantrism), dùng chân âm kết hợp với ấn quyết trong trạng thái đại định để giữ được thân, khẩu, ý. Ở Hoa Lư (Ninh Bình), một cột kinh Phật bằng đá vào thế kỉ thứ 10[11] có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tối Thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một thần chú phổ biến của Mật tông, đã được phát hiện.

Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh,...

Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam

Tượng Phật Tổ phủ sơn, Việt Nam

Trên bước đường truyền bá và hội nhập, Phật giáo luôn luôn cố gắng thực hiện hai điều đó là khế lý và khế cơ. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này Phật giáo sẽ chẳng còn là Phật giáo nữa. Duy trì và phát triển hai yếu tố này, Phật giáo được truyền vào Việt Nam và các nước khác.

Khế lý là nói về mặt tư tưởng nhờ khế lý nên dù ở thời gian và không gian nào, giáo lý Phật-đà vẫn hợp với chân lý, tư tưởng vẫn luôn luôn phong phú, sâu sắc mà vẫn giữ được bản chất của mình và chỉ có một vị đó là vị giải thoát[12].

Khế cơ thiên trọng về mặt lịch sử nhờ khế cơ nên dù trong hoàn cảnh và quốc độ nào thì sự sinh hoạt, thể hiện, truyền đạt cũng luôn luôn đa dạng[13]. Tùy theo phong tục tập quán của mỗi quốc gia mà vẫn không hề mất gốc (Phật giáo). Nói một cách khác thì có thể tùy nghi phương tiện theo từng vùng miền để truyền bá giáo lý Phật-đà nhưng không làm mất đi bản sắc của Phật giáo là ứng hợp với mọi tầng lớp và căn cơ chúng sanh.

Tên gọi tuy có khác nhưng giáo lý vẫn là một nên gọi là khế lý, dù một mà không phải một, nên có lắm tên Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Thái Lan, v.v. tất cả đều có tên chung là Phật giáo, bảo rằng giống cũng được nhưng bảo rằng không thì là sai. Đây gọi là khế cơ là bản địa hóa, hay sắc thái Phật giáo của từng vùng miền.

Khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đã được các vị thiền sư người Việt bản địa hóa, khiến Phật giáo hòa mình vào lòng dân tộc tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Phật giáo đã cùng sinh tồn cùng dân tộc. Điểm này dễ dàng nhận thấy trong những thời đại hưng thịnh của đất nước như Đinh, Lê, Lý Trần đều là những lúc Phật giáo cũng song hành hưng thịnh và các vị thiền sư có vị trí quan trọng trong các triều đại đó. Dù được bản địa hóa để quyện mình vào lòng dân tộc nhưng tam tạng kinh điển Phật giáo Việt Nam vẫn được truyền thừa trong suốt hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam[4].

Tính tổng hợp

Tổng hợp là một trong những đặc tính của lối tư duy nông nghiệp, chính vì thế tổng hợp là đặc tính nổi bật nhất của Phật giáo Việt Nam. ( Cần dẫn nguồn )

Tổng hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống

Phật giáo thờ Phật trong chùa, tín ngưỡng truyền thống Việt Nam là thờ thần trong miếu và thờ Mẫu trong phủ, bốn vị thần được thờ nhiều nhất là Tứ pháp: Mây-Mưa-Sấm-Chớp. Tuy nhiên bốn vị thần này đã được "Phật hóa". Các pho tượng này thường được gọi tượng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện, trên thực tế các tượng này hoàn toàn điêu khắc theo tiêu chuẩn của một pho tượng Phật. Nghĩa là đầy đủ 32 tướng tốt cùng 80 vẽ đẹp, mà một trong những nét tiêu biểu chính là tướng nhục kế, những khế ấn, và khuôn mặt đầy lòng từ mẫn v.v. Các hệ thống thờ phụ này tổng hợp với nhau tạo nên các ngôi chùa "tiền Phật, hậu thần" hay "tiền Phật, hậu Mẫu". Người Việt Nam đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc... vào thờ trong chùa. Đa số các chùa còn để cả bia hậu, bát nhang cho các linh hồn đã khuất.

Tổng hợp giữa các tông phái Phật giáo

Các tông phái Phật giáo Đại thừa sau khi du nhập vào Việt Nam trộn lẫn với nhau. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi pha trộn với Mật giáo. Nhiều vị thiền sư đời Lý như Vạn HạnhTừ Đạo HạnhNguyễn Minh Không,... đều giỏi pháp thuật và có tài thần thông biến hóa. Thiền tông còn kết hợp với Tịnh Độ tông như là trong việc tụng niệm Phật A Di Đà và Bồ Tát.

Các điện thờ ở chùa miền Bắc có vô cùng phong phú các loại tượng Phật, bồ tátla hán của các tông phái khác nhau. Các chùa miền Nam còn có xu hướng kết hợp Tiểu thừa với Đại thừa. Nhiều chùa mang hình thức Tiểu thừa (thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, sư mặc áo vàng) nhưng lại theo giáo lý Đại thừa; bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni còn có các tượng Phật nhỏ khác, bên cạnh áo vàng còn có áo nâu, áo lam.

Tổng hợp giữa Phật giáo với các tôn giáo khác

Tín ngưỡng truyền thống đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu Công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để làm nên "Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và "Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội, Đạo giáo lo thể xác con người, Phật giáo lo tâm linh, kiếp sau của con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh "Tam giáo tổ sư" vớiThích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt[14].

Ngoài ra Phật giáo Việt Nam còn được hòa trộn với tất cả các tôn giáo khác để hình thành Đạo Cao Đài vào thập niên 1920 với quan điểm là "Thiên nhân hợp nhất" và "Vạn giáo nhất lý".

Tính hài hòa âm dương

Sau tính tổng hợp, hài hòa âm dương là một trong những đặc tính khác của lối tư duy nông nghiệp, nó ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam làm cho Phật giáo Việt Nam có phần thiên về nữ tính.

Các vị Phật Ấn Độ xuất thân là nam giới, khi vào Việt Nam bị biến thành "Phật ông - Phật bà". Phật Bà Quan Âm (biến thể củaQuán Thế Âm Bồ Tát) là vị thần hộ mệnh của vùng Nam Á nên còn được gọi là Quan Âm Nam Hải. Ngoài ra người Việt còn có những vị Phật riêng của mình như Man Nương Phật Mẫu (tên khác: Phật Mẫu), Quan Âm Thị Kính (tên khác: Quan Âm Tống Tử), Quan Âm Diệu Thiện (tên khác: Phật Bà Chùa Hương, Bà chúa Ba).

Tính linh hoạt

Phật giáo Việt Nam còn có một đặc điểm là rất linh hoạt, mà nhà Phật thường gọi là "tùy duyên bất biến; bất biến mà vẫn thường tùy duyên" nghĩa là tùy thuộc vào tình huống cụ thể mà người ta có thể tu, giải thích Phật giáo theo các cách khác nhau. Nhưng vẫn không xa rời giáo lý cơ bản của nhà Phật. Ví dụ: Các vị bồ tát, các vị hòa thượng đều được gọi chung là Phật, Phật Bà Quan Âm (vốn là bồ tát), Phật Di Lặc (vốn là hòa thượng),... Ngoài ra Phật ở Việt Nam mang dáng dấp hiền hòa và dân dã: ông Bụt Ốc (Thích Ca tóc xoăn), ông Nhịn ăn mà mặc (chỉ Thích Ca Tuyết Sơn),... Trên đầu Phật Bà Chùa Hương còn có lọn tóc đuôi gà rất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Phật giáo Hòa Hảo

Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là Đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Phật giáo Hòa Hảo thể hiện rất rõ tính tổng hợp và tính linh hoạt của Phật giáo Việt Nam. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở đồng bằng Nam bộ.

Thực chất Phật giáo Hòa Hảo là tiếp nối của một tông phái Phật giáo có từ gần một trăm năm trước ở đồng bằng Nam bộ có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập vào năm 1849 tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Tiếp sau Phật Thày Tây An là Phật TrùmNgô Lợi (Đức Bổn Sư) rồi đến Huỳnh Phú Sổ. Thời kỳ Huỳnh Phú Sổ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phật giáo Hòa Hảo.

Giáo lý là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với Đạo Ông Bà. Tôn chỉ là "Học Phật Tu Nhân", noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)": cha mẹ, đất nước, tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), nhân loại.

Cách thức tu hành của Phật giáo Hòa Hảo rất đơn giản là "tu hành tại gia". Người "cư sĩ tại gia" cúng lạy vào hai buổi sớm mai và chiều tối với 16 lạy như một bài thể dục tòan thân ở "bàn thông thiên", ăn chay một tháng 4 ngày để cơ thể khỏe mạnh; thờ trần đỏ hoặc trần dà với ý nghĩa hòa hợp; không chấp nhận mê tín dị đoan (không đốt vàng mã, không cúng tà thần...); thực hành tiết kiệm triệt để như không dâng cúng thực phẩm cho Phật chỉ cúng bông hoa nước sạch, không ăn thịt trâuchó để giữ sức kéo...; không hình thức: không đúc tượng, không chuông mõ, "tử thì táng", không có hàng giáo phẩm và không có tổ chức đạo (trước năm 1947).

Phật giáo và Văn hóa Việt

Phật giáo đã thấm nhuần vào cách suy tư và sinh hoạt của người Việt nên dấu vết Phật giáo trong văn hóa Việt khá đậm nét. Nhiều người Việt theo lệ ăn chay vào những ngày mồng một hay ngày rằm.

Trong văn học thì truyện Nôm bình dân kể lại truyện Bà Chúa Ba tức truyện Quan âm chùa Hương. Nghệ thuật trình diễn có vở chèo Quan Âm Thị KínhTruyện Kiều của Tố như Nguyễn Du cũng hàm chứa nhiều tư tưởng Phật giáo.

Văn chương truyền khẩu thì số tục ngữ ca dao liên quan đến Phật giáo rất đa dạng.

Khuyên người thì có:

Dù xây chín đợt phù-đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người

Nhận xét nhân thế thì có:

Hiền như Bụt
Oan Thị Kính
Đi với Bụt mặc áo cà-sa
Đi với ma mặc áo giấy
Miệng thì nam-mô
Bụng bồ dao găm

Châm biếm thì có:

Trao lược cho sư
Nhất sư nhì vãi
Quay đầu trở lại
Nhất vãi nhì sư[15].

Tổ chức Giáo hội Phật giáo và Chính sự

Phật giáo Việt Nam có vai trò chính sự qua nhiều triều đại. Thời nhà Đinhnhà tiền Lênhà Lý, và nhà Trần đã nhiều vị cao tăng được triều đình trọng dụng như thiền sư Pháp ThuậnKhuông ViệtVạn HạnhPháp Loa, v.v. ra giúp tham chính và cố vấn.

Vào cuối thời Pháp thuộc năm 1951 Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời. Đây là tổ chức đầu tiên với ý định thống nhất các tổ chức rời rạc. Tổng hội thành công trong việc liên kết tất cả các thành phần Phật giáo Đại thừa khắp ba miền Nam, Trung Bắc. Tuy nhiên Tổng hội không có cơ cấu điều hành ngoài việc mở đường liên lạc.[16]

Khoảng thập niên 1960 Phật giáo lại có mặt trên chính trường Việt Nam Cộng hòa. Hiến chương 1964 đặt nền móng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức quy tụ nhiều giáo phái ở phía nam vĩ tuyến 17 thành một lực lượng tôn giáo đáng kể.

Công cuộc Chấn hưng Phật giáo

Vào đầu thế kỉ 20, phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh trên ba miền, đã tạo lập nên tổng thể Phật giáo Việt Nam hiện đại.