Chầu Bé Bắc Lệ. Chầu Bé vốn gốc người Nùng, dưới thời Lê Thái Tổ, chầu giáng sinh xuống miền Bắc Lệ, Lạng Sơn.
Chầu cũng là vị có công giúp dân, giúp nước. Có tài liệu cho rằng Chầu Bé tuy là một vị chầu bà người Nùng trên Lạng Sơn, nhưng chầu lại chính là do Mẫu Thượng Ngàn hóa thân, giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh, và sau này được vua phong là Lê Mại Đại Vương. Vậy nên đôi khi Chầu Bé cũng được đồng nhất với Bà Chúa Sơn Trang. Chầu dạo chơi khắp chốn thắng cảnh hữu tình, dạy dân chúng trồng trọt chăn nuôi, lên rừng làm ruộng bậc thang, xuống sông suối đánh bắt cá tôm. Tương truyền, Chầu Bé có phép thần thông do Đức Thái Tổ ban quyền có thể lay núi chuyển ngàn, đôi lúc rong chơi chầu lấy tàu lá giả làm hàng bán để trêu đùa người trần gian. Tuy đành hanh sắc sảo nhưng chầu cũng hết sức nhân hậu, có việc dữ lành chầu đều mách bảo cho người trần.
Chầu Bé cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, là một trong ba vị Chầu Bà trên Thượng Ngàn hay về ngự đồng nhất. Tuy thứ bậc chầu gần như là cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà chầu không ngự đồng. Chầu ngự về đồng thường hay mặc áo đen (hoặc xanh chàm, còn trước đây chầu chỉ mặc quầy và áo ngắn đến hông), chân đi xà cạp, trên vai đeo gùi hoa, chầu về đồng thường khai quang rồi múa mồi. Đôi khi Chầu Bé có thể giống như Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục: chầu về chứng tòa Sơn Trang trong đàn mở phủ, sang khăn cho tân đồng hoặc chứng mâm giầu trình.
Đền thờ chính của Chầu Bé là ngôi đền nhỏ bên cạnh đền Bắc Lệ ở xã Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với ngày tiệc chầu thì có nơi nói là 12/9 âm lịch, có nơi nói là 19/9 âm lịch. Ngoài Chầu Bé Bắc Lệ ra thì ở một số bản đền có các Chầu Bé cũng trên Thượng Ngàn, là Chầu Bé coi giữ ở đền đó và chỉ khi về chính đền, các vị đó mới ngự. Đó là:
a.Chầu Bé Đông Cuông (ở Đền Đông Cuông, Yên Bái)
b. Chầu Bé Đồng Đăng (ở Đền Đồng Đăng, Lạng Sơn)
c. Chầu Bé Tam Cờ (ở Đền Tam Cờ, Tuyên Quang)
d. Chầu Bé Đền Ghềnh (ở Đền Ghềnh, Hà Nội)
Nhưng thông thường, người ta chỉ hay hầu về Chầu Bé Bắc Lệ (cũng bởi vì có khi người ta coi các vị Chầu Bé kia cũng chỉ là Chầu Bé Bắc Lệ, giáng hiện ở khắp nơi, được phụng thờ ở đền đó làm Chầu Bé bản đền nên mang các tên gọi khác nhau). Khi chầu ngự, văn thường hát rằng:
“Ai lên tới Lạng Sơn châu thổ
Hỏi thăm đền Chầu Bé nơi nào
Hỏi thăm Bắc Lệ mà vào
Đền thờ Chầu Bé thấp cao mấy tầng”
Hay khi nói về những cuộc dạo chơi nơi non bồng nước nhược, nơi cảnh trí hữu tình của chầu:
“Thường dạo cảnh Bảo Hà Thác Cái
Đền Đông Cuông đức đại tối linh
Tuyên Quang cảnh trí hữu tình
Núi Giùm Mẫu ngự thác ghềnh nguy nga
Vào rừng cấm một tòa bích động
Đền Ỷ La lồng lộng ngôi cao
Cây Xanh chầu mắc võng đào
Mỏ Than chầu ngự thấp cao mấy tầng
Cảnh núi rừng đèo heo hút gió
Thú lâm sơn hoa cỏ tốt tươi
Minh Lương suối lượn quanh đồi
Chầu thường dạo cảnh khắp nơi hữu tình
Lai Châu, Suối Rút, Hòa Bình
Đỉnh non Bắc Kạn một mình cheo leo
Hài xanh đủng đỉnh lưng đèo
Trên dòng sông Vị mái chèo đua bơi
Khi về xứ Lạng rong chơi
Nức danh Chầu Bé nơi nơi phụng thờ
Đền Ghềnh cảnh đẹp nên thơ
Chầu lên Hương Tích hái mơ đem về”
Hay khi nói về sự tích và vẻ đẹp của Chầu Bé, văn cũng hát rằng:
“Chầu Bé vốn người Nùng chính gốc
Quả áo lam, khăn lục vấn đầu
Đai xanh kiềng bạc túi chầu
Một bên dao quắm che tàu lá gai
Chân hài xảo đầu cài trâm nhím
Vòng kim cương tam khí lồng tay
Hây hây mặt nước vơi đầy
Như bông hoa nở giữa ngày đầu xuân
Tuổi Chầu Bé đương tuần trăng độ
Trên Sơn Lâm Thái Tổ ban quyền
Phép tiên lay núi chuyển ngàn
Bẻ ba tàu cọ làm hàng bán chơi”.