Giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 15 - Kỳ 16


Kỳ 15: Ma nhập

Theo dân gian, ma nhập là hiện tượng “hồn” của một người nhập vào người khác. Kết quả người bị nhập tự xưng là một người hoàn toàn khác: giới tính và nhân thân khác, tính cách và học vấn khác, thói quen và phương ngữ khác... 

Trường hợp mắt thấy tai nghe 

Năm 1999, lần đầu tiên tôi chứng kiến “ma nhập” tại nhà hàng xóm. Nhà có 4 người, gồm cha mẹ và 2 chị em gái, chị học lớp 11, em học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Do xinh và học giỏi, nên cô em được cưng chiều hơn hẳn, khiến cô chị thấy mình như bị bỏ rơi. Một ngày, cô chị bị “ma nhập”, khi hồn một thanh niên nhập vào cô. Cô ngồi vắt chân chữ ngũ, hút thuốc lá và thở khói thành từng vòng tròn, và bằng giọng con gái giả thanh niên khàn khàn mắng mỏ cô em và lũ trẻ hàng xóm thường vẫn bắt nạt cô. Lời mắng thường có ý bênh vực “thân chủ”, kiểu: “Nếu bọn bay còn bắt nạt con X (tên cô chị), tao sẽ vật chết!”. Không chỉ cô em và lũ trẻ sợ rúm ró, mà bố mẹ cô và hàng xóm cũng rụng rời chân tay. 

Để xua đuổi tà ma, gia đình tổ chức cúng lễ mấy ngày mà “hồn ma” cứ lưu luyến mãi không chịu “thăng”. Mọi người nói tâm cô bé không đủ mạnh để đuổi hồn ma. Sau khoảng một tuần, cô dần trở lại bình thường và vị thế của cô trong gia đình cải thiện rõ rệt. 

“Ma nhập” như sự phân ly

Phần lớn nhà khoa học xem hiện tượng phân ly nhân cách trong tâm thần học là lời giải thích phù hợp nhất cho “ma nhập”, đó là sự phá vỡ sự đồng bộ của các hoạt động tinh thần có mức độ tích hợp cao. Khi bình thường, ký ức, tri giác, tư duy, cảm xúc cùng mọi hoạt động tinh thần và thể chất khác hoạt động nhịp nhàng với nhau tạo nên một thể thống nhất giúp ta cảm nhận bản thân và xung quanh. Một cú sốc thể chất hay tâm lý có thể làm một số bộ phận phân ly khỏi thể thống nhất chung, khiến bản chất tích hợp của ý thức bị rối loạn nghiêm trọng. Kết quả là hoạt động sinh lý và nhận thức sẽ trở nên bất thường: người bị “ma nhập” đã phân ly thành một người khác. 

Thực ra sự phân ly như thế là một cơ chế bảo vệ đối với một chấn thương thể chất hay tâm lý bất ngờ hay trường diễn. Người bị lạm dụng đòn roi lúc bé, bị lạm dụng tình dục hay bị đối xử không công bằng (theo một nghĩa nào đó, như trường hợp cô chị nói trên) thường hay phân ly như một cách thoát ra khỏi thực tế đáng buồn.

Rối loạn đa nhân cách 

Rối loạn đa nhân cách là hiện tượng tâm lý bất thường, khi một người có nhiều nhân cách, mỗi nhân cách đều có nhân thân riêng. Lịch sử pháp đình Mỹ từng ghi nhận trường hợp có tới 16 nhân cách, trong đó có “tính cách” của một con chó! Những trường hợp đó gây nhiều rắc rối tại chốn pháp đình, như Mark Peterson, nhân viên bách hóa tại Oshkosh, bang Wisconsin, Mỹ. Anh phải ra tòa vì hẹn hò với Sarah, người phụ nữ đa nhân cách 26 tuổi. Một trong các nhân cách là Emily mới 6 tuổi buộc tội Peterson quan hệ với trẻ vị thành niên. Peterson được tuyên vô tội vì bên nguyên không cho bác sĩ tâm thần kiểm tra Sarah trước phiên tòa.

Giới tâm lý không thống nhất về nguyên nhân của bệnh lý. Freud, ông tổ phân tâm học, xem đó là bằng chứng của cái tôi đã trở nên độc lập (phân tâm học xem nhân cách gồm cái tôi, cái siêu tôi và cái ấy, trong đó cái tôi không có vai trò quyết định). Một số người tin rằng, đơn giản là người bệnh đóng kịch, giống như trong thôi miên. Nói cách khác, cô chị nêu trên chỉ đóng thế vai người khác mà thôi.

“Ma nhập” và bệnh tâm thần 

Từ thời La Mã, động kinh được xem là bệnh quỷ, khi người bệnh bị “quỷ nhập hồn”. Một số dấu hiệu lâm sàng của động kinh rất giống với các hành vị bị “nhập”. Một bệnh khác là tâm thần phân liệt cũng có biểu hiện giống với “ma nhập”. 

Kết luận 

Cho dù cảm giác và hành vi của nạn nhân giống như bị “ma nhập”, những thành tựu khoa học mới đã bác bỏ các quan niệm thần bí truyền thống. Nghiên cứu về bộ não và tâm trí thì nhân cách là một hệ thống tích hợp của các tiểu thành phần bán tự động. Dưới một tác động thể chất và tinh thần nào đó, các tiểu thành phần có thể mất tính đồng bộ và hành động độc lập, thậm chí trái ngược nhau. Đó là lý do một phụ nữ lại tự xưng là một “đức ông” để “nói chuyện với người đã mất”. Kết quả là nạn nhân thấy mình như bị một thế lực vô hình mạnh mẽ xâm chiếm và điều khiển mọi hành động hay lời nói. 

Với trường hợp người viết trực tiếp chứng kiến, vấn đề rất rõ ràng và đơn giản. Cô gái tự nguyện bị nhập và “mượn hồn” một thanh niên để cảnh cáo mọi người về thân phận của cô. Và cuối cùng cô đã đạt mục đích. 

Kỳ 16: Kinh nghiệm cận kề cái chết

Kinh nghiệm cận kề cái chết được quan tâm vì nó hàm ý khả năng tồn tại sau cái chết. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ, đó thực sự là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay chỉ đơn giản là trải nghiệm của bộ não đang chết. Thuyết “sau cái chết” cho rằng, kinh nghiệm không thể phù hợp với các lý thuyết phân tích và do đó cần phải xem nó là bằng chứng của một cái gì thoát ly thế giới vật chất. Giả thuyết “bộ não đang chết” thì xem mọi yếu tố cận kề cái chết chỉ liên quan với một bộ não đang hấp hối mà thôi. 

Tính phổ biến 

Theo thăm dò của Gallup, 15% dân số có kinh nghiệm cận kề cái chết, trong khi một số nghiên cứu khác đưa ra tỉ lệ thấp hơn, từ 1 tới 10%. Trong số bệnh nhân gần chết, hơn 40% có kinh nghiệm này. Còn trong số 81 người sống sót sau trận động đất 1976 tại Trung Quốc, 32 người trải qua kinh nghiệm. Nói chung không thấy sự phụ thuộc vào tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, niềm tin tôn giáo... Sai khác duy nhất là người nhập vai tốt, như giới nghệ sĩ, dễ trải qua kinh nghiệm hơn. Cũng cần lưu ý rằng, không cần phải gần chết thực sự để có trải nghiệm đặc biệt này. 

Đặc trưng của hiện tượng 

Nhà nghiên cứu Moody đưa ra 15 tiêu chí của kinh nghiệm, bao gồm: không thể diễn tả lại, nghe được tin tức mới, cảm giác bình yên, tiếng ồn, đường hầm âm u, thoát xác, gặp người khác, tổng kết cuộc đời, thấy ranh giới sống - chết, quay về dương gian, kể cho người khác nghe, tác động lên cuộc sống sau đó, thay đổi quan niệm về cái chết và khẳng định niềm tin. 

Trong lúc đó, Ring lại nhấn mạnh 5 đặc điểm: cảm giác bình an, thoát xác, đi vào hầm tối, nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và gia nhập vùng sáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thỏa mãn mọi tiêu chí, khi tới 60% có cảm giác bình an, nhưng chỉ 10% thấy ánh sáng. 

Nhà nghiên cứu Twemlow chia người cận kề cái chết thành 5 loại. Nhiều nhất là nhóm “ít bị tress”, với đặc tính phản ứng trầm tĩnh với trải nghiệm. Người dùng chất gây nghiện hay rượu thì trải qua những căng thẳng cảm xúc mạnh sau trải nghiệm. Người dùng thuốc gây mê thường gặp kinh nghiệm giống giấc mơ. Bệnh nhân tim mạch thì có cảm giác giống như thiền, thấy mình bay lượn trên không. Đường hầm và ánh sáng chói lòa là đặc trưng chung của nhóm dùng thuốc gây mê và bị bệnh tim. Người bị tai nạn thường thấy cảm giác vui sướng và ít muốn nhập lại xác. 

Kinh nghiệm thường gặp 

Đường hầm: Người trải nghiệm thường thấy mình bò trong một đường hầm hẹp và tối với ánh sáng phía cuối. Khi bò tới nơi, họ chìm trong ánh sáng chói lòa với cảm giác bay bổng. Đường hầm là một trong bốn đặc trưng của các ảo giác xuất hiện do thuốc gây ảo giác, cảm sốt, đau nửa đầu, sự cách ly cảm giác, động kinh và thôi miên. 

Một số người xem đường hầm là con đường để “hồn” bay tới một chiều kích không gian khác, nhưng giới khoa học Hội nghị về kinh nghiệm cận kề cái chết tại Chicago, Mỹ. chỉ xem đó là một trạng thái ý thức biến đổi. 

Tổng kết cuộc đời: Khoảng 30% người cận kề cái chết do ốm hay tai nạn thấy cảnh “tổng kết cuộc đời”. Người gần chết đuối có tỉ lệ 47%, còn ở nạn nhân bị ngã là 16%. Cảnh tổng kết thường diễn tả chính xác cuộc đời người cận kế cái chết, hoặc hướng dẫn họ hiểu và tự phán quyết. Sự phán quyết thường nặng tính tha thứ và yêu thương. Vì thế khi sống lại, họ sống trách nhiệm và có ích hơn. 

Morphin nội sinh: Bên cạnh các chức năng khác, morphin nội sinh điều chỉnh sự thưởng phạt và khoái cảm, giảm đau, tạo cảm giác bình an và tĩnh lặng. Nghiên cứu cho thấy morphin nội sinh luôn được giải phóng lúc gần chết; và nhiều người xem đó là nguyên nhân tạo ra hiệu ứng ánh sáng cuối đường hầm. 

Thoát xác: Xuất hồn hay thoát xác là dấu hiệu phổ biến của hiện tượng, với tỉ lệ 37%. Vì thế nhiều người cận kề cái chết thấy “hồn” mình bay lên cao quan sát thân xác và môi trường xung quanh. Kết luận Cũng như xuất hồn, cận kề cái chết là một hiện tượng tuy lạ thường nhưng khá phổ biến và có hệ quả lâu dài với những ai đã từng trải nghiệm, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Một số người xem đó là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay “linh hồn bất tử”. Tuy nhiên, đa số giới khoa học cho rằng, đó chỉ là một trạng thái biến đổi của ý thức, hệ quả của một bộ não đang chết. Điều đó cho phép loại trừ các quan niệm siêu hình về hiện tượng, giúp ta phân biệt ranh giới giữa khoa học và chủ nghĩa thần bí mới mượn danh khoa học


Bài viết khác

Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn