Phải chăng đã có một nền khoa học bị thất truyền?
Vạn kiếp tông bí truyền thư của Trần Quốc Tuấn.
Quốc Tuấn chọn binh pháp các nhà, soạn thành một quyển gọi là “Binh thư yếu lược”
Quốc Tuấn lại sưu tập binh pháp các nhà, làm thành “Bát quái cửu cung đồ”, đặt tên là “Vạn kiếp tông bí truyền thư”. Nhân Huệ Vương viết bài tựa cho sách ấy như sau: “Người giỏi cầm quyền thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết...
Gia Cát xếp đá sông làm bát trận đồ, Vệ Công sửa lại thành Lục Hoa trận. Hoàn Ôn lập ra xà thế trận, có vẽ các thế trận hay, trình bày thứ tự rõ ràng thành khuôn phép. nhưng người đương thời ít ai hiểu được, thấy muôn đầu ngàn mối, cho là rối rắm chưa từng biến đổi. Như Lý Thuyên có soạn những điều suy diễn của mình, nhưng người đời sau cũng không hiểu ý nghĩa. Cho nên Quốc Công mới ra hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực...”
Sách gồm đủ ngũ hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ, không lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng, tam cát, ngũ hung đều rất rõ ràng, ngang với tam đại, trăm đánh, trăm thắng. Cho nên đương thời phía bắc có thể trấn ngữ hung nô, phía nam uy hiếp Lâm ấp. Rồi dùng sách dạy bảo con cháu làm gia truyền, không tiết lộ ra ngoài. Lại có lời dặn ràng:”Sau này con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí mật này, phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp thế trận không ngu dốt mà bày chữ truyền lời. Nếu không thế thì chẳng những mình phải chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó”.
Phải chăng cùng với Vạn kiếp tông bí truyền thư đã có một nền khoa học cổ về “thuật âm dương” cũng bị thất truyền?