Pháp trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật


Kinh Lăng Già
 
Đại yếu kinh Lăng Già là trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật. Khác với kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Hay Viên Giác về sự diễn tả cái vọng tâm hay tâm thức, và cái chân tâm như giác tánh, hay tri kiến phật, v.v..., phương pháp của Lăng Già là trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật : đi thẳng vào vùng chân như bản giác mà nắm lấy trí tuệ tánh giác mà thành Phật đạo; đó là một pháp môn đốn ngộ. Theo Cụ Trần Trọng Kim, "Kinh Lăng Ca - trước trực chỉ nhất tâm chân như để làm cho rõ cái nghĩa tam giới duy tâm, - sau chỉ thị nhất tâm sinh diệt để làm cho rõ cái nghĩa vạn pháp duy thức."
 
Toàn bộ kinh Lăng Già, chủ tâm của Phật là trình bày nội dung giác ngộ, nét đặc thù của Đại Thừa. Ý chỉ nhất tâm trong tam giới, dụ cho chân tâm và vạn pháp đều ở nhất tâm mà ra. Bởi vậy nên Bồ Tát Đại Huệ dựa theo nguyên tắc ấy phát biểu cái nghĩa sinh diệt, hữu vô, đoạn thường, nhân pháp vô ngã, niết bàn, tức là Bồ Tát dựa vào nhất tâm chuyển biến mà hỏi Phật, như ngũ pháp (danh, tướng, vọng tưởng, chánh trí, và như như); tam tự tính (biến kế sở chấp, Y tha khởi, và Viên thành thật); bát thức (Tiền ngũ thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức) nhị vô ngã (Nhân vô ngã và pháp vô ngã), cũng như mê và ngộ. Phật chỉ Tám thức,năm pháp, ba tư tánh, hai vô ngã cứu cánh đại thừa thánh đệ nhất nghĩa.
 
Thật ra cùng một tâm tại sao lại có chân và vọng, hay chân tâm và vọng thức? Chân tâm còn gọi là Bồ Đề, Chân Như, Niết Bàn, Chân Tánh, Như Lai Tạng, Như Như, Chơn Không hay Không. Còn Vọng Thức hay Tâm Thức luôn biến đổi không có thực thể. (Xem Nhất Nguyên Luận, Phổ Nguyệt, 2003 trong website Người Cư Sĩ, 8/2003).
 
Chúng ta nhận xét rằng không có vật chất nào hiện hữu độc lập, dù nó nhỏ như hạt tử hoặc lớn như quả núi. Vạn vật chỉ hiện hữu một cách tương đối, trong sự tương quan với những vật khác. Thí dụ, như ta ở trong trái đất, trái đấy quay theo quỷ đạo v.v; cũng như sự sống ta phải nhờ có đất, nước, lửa hay không gian v.v...Gần nhất, trong bát thức, điển hình là lục căn là chủ thể, là nhân tiêp xúc với đối tượng hay lục trần tức duyên để tạo ra cảm giác mà ta nhận thức được, gọi là lục thức hay tâm thức. Đúng ra, lục căn (chủ thể) kết hợp với lục trần (đối tượng) là duyên sanh ra hình ảnh được ý niệm hóa bởi căn Ý (Ý trí tác động) nên ta có tri giác hay giác thức. Nếu ta tri nhận (dùng ý trí tác năng) giác thức đó ta sẽ có giác trí. Tuy nhiên khi ta nhận thức niệm đầu của cảm giác ta có thức giác nguyên sơ hay chơn thức. Chơn thức dù bất sanh bất diệt, như lai tạng thanh tịnh chân tâm, tức chân như, nhưng chân như vì có cái dụng chiếu cảnh, cho nên cũng gọi là thức. Nhắc lại, kết cấu của Tâm Thức (Cốt tủy của kinh Kim Cang, Phổ Nguyêt) rất cần thiết khi phân biệt Thức và Trí, quan trọng hơn nữa khi nhận biết thế nào là Vọng Tâm và Chân Tâm.
 
Chúng ta cần biết rõ ràng cách thức cấu kết của Tâm Trí để thực hành đúng các pháp môn của Phật, nhất là ngồi Thiền. Do đó, sự phân biệt Cảm Giác (Sensation), Giác Thức (Perception hay Consciousness) Giác Trí (Cognition) và Giác Trí Tuệ (Pure Cognition) là cần thiết.
 
I. Tâm Thức
 
a). Nhận Diện (Sensation).
 
Ngủ giác quan là phương tiện tiếp xúc với trần cảnh để nhận diện ảnh hay hay bóng dáng của trần cảnh. Đó là chúng ta cảm giác được hình ảnh của sự vật qua ngũ giác quan mà thôi. Thí dụ, khi ta thấy con bò là thấy hình ảnh con bò ở võng mạc cuả mắt mà thôi. Đó là CẢM GIÁC. Nhắc lại, (Về thị giác) khi ta nhìn con bò, hình ảnh con bò hội tụ ở võng mạc của mắt, truyền dẩn bởi thị giác thần kinh lên não, lức đó ta mới nhận diện được hình ảnh con bò. Khi có thời gian thì sự vật chạy dài trong không gian, với ảnh ta vừa thấy đó không còn là ảnh thật nữa (Sắc tức thị không: Sắc lập tức (Một sát na) biến thành không thật nữa. Hể có thời gian thì có không gian. Sự vật huyễn hóa theo thời gian và ảnh không còn thật trong không gian. Vậy, khi nhận diện được hình ảnh (thấy), ấn tượng chấn động lực(nghe), không khí hay hơi (ngửi), ấn tượng kích thích (nếm), hình ảnh tiếp giáp của da hay cơ thể (xúc) là thể không của đối tượng qua tiền ngũ căn. Thí dụ, như thị giác, sự vật chiếm cứ trong không gian (hư không) một dung thể không: sự vật và dung thể không của nó khắng khít nhau như một, thì thể không của nó là hình ảnh sự vật được hội tụ ở võng mạc mắt khi mắt nhìn sự vật. Do đó khi thấy sự vật cụ thể ở trong không gian là thấy hình ảnh của nó ở võng mạc của mắt mà thôi.
 
b). Nhận Thức (Perception).
 
Khi chúng ta cảm giác hình ảnh sự vật thì lúc đó chúng ta mới nhận biết được (perceive) tên sự vật. Sự vật có tên mà ta nhận thức đó là GIÁC THƯC (hay Tâm Thức: Consciousness hay Perception) chạy dài theo thời gian. Khi nhận thức ngay niệm đầu một sát na và không có kéo dài thời gian nữa là ta có giác thức nguyên sơ (niệm đầu) hay là chơn thức (pure perception or true consciousness). Hình ảnh con bò là thể không được nhận thức bởi tâm trí (tâm trí cũng cùng thể không.) Tâm và vật đồng thể không, nên sự nhận thức mới thành hình. Lục căn phối hợp với lục trần (thể không) sanh ra lục thức. Lục thức không có thực thể, Phật gọi là lục tặc, vì thức là nghiệp. Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ. Nó không có khởi điểm cũng như kết thúc và nó dính nhiều pháp trần làm cho dòng tâm thức luôn ô nhiễm và vẩn đục.
 
c). Tri Thức (Cognition).
 
Trong đời sống hằng ngày, ta thường nhận thức sự vật bằng ngũ giác quan. Khi ta tri nhận (cognize) sự vật đã nhận thức, ta có tri thức (Cognition). Trong quá trình tri nhận sự vật trong hiện tại (Với cảm giác), quá khứ hay tương lai (với ý thức), cả ba thời chúng ta tri nhận được sự vật mới có GIÁC TRÍ (hay Tâm Trí). Giác Trí nầy là Tư Tưởng, Suy Nghĩ, Lý Luận v.v. theo thời gian. Nó là sự lập lại của tâm thức hay tri nhận các thức nên nó tạo ra nghiệp thức. Nên ta có thể gọi là tâm duyên ý mã vì tư tưởng chúng ta lúc nào cũng ẩn hiện trong tâm trí từng giây từng phút liên tục, chỉ trừ có những động lực khác hay pháp môn có khả năng chận dừng được vọng tưởng đó. Dù cho chơn thức hay giác trí khi chạy dài theo thời gian thì huyễn hóa, cho nên vạn pháp chạy theo tâm thức mà biến hóa từng sát na sanh diệt. Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ vô thủy vô chung chảy daì theo thời gian và lăn trôi trong không gian không lúc nào vắng mặt. Ở ngoại giới (không gian) hay trong nội tâm (tâm khảm) không nơi nào mà không bị dòng tâm thức ảnh hưởng.
 
II. Chân Tâm
 
Giác Trí Tuệ (Pure Cognition).
 
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí Tuệ hay Giác Trí Tuệ hay Tánh Giác thì các pháp giải thoát được thiết lập thực hành Giác Trí Tuệ trong các thời thiền tập. Thực ra Giác Trí Tuệ có thể thực hiện trong tứ oai nghi. Vậy Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói rõ hơn là khi chúng ta nhận thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có Giác Thức nguyên sơ (Pure Perception hay first consciousness), lập tức tri nhận Giác Thức nguyên sơ ấy để được Giác Trí (Cognition là Giác Trí có thời gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ (Vô thời gian). Vì Giác Trí Tuệ là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của Chân Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay tâm thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi nhận thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi, biết nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con voi, biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Thức là thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận (dùng ý trí) giác thức ấy để có giác trí. Vậy khi chúng ta nhận thức niệm đầu của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là ta có giác thức nguyên sơ, lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ không phải là perceive) giác thức nguyên sơ ấy để có giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì mới có giác trí tuệ toàn diện.
 
Đại để, kinh Lăng Già Phật chỉ rõ như như là bản giác, tự nhiên có sẵn muôn thuở cùng khắp thanh tịnh thường hằng không sanh không diệt như hư không vô tận, đó là lý pháp; còn trí tuệ là thủy giác, phải dùng pháp giác trí tuệ trên để hiển lộ cái minh tâm và kiến tánh mới thành Phật đạo. Ví như bản giác là thể hư không vô tận, trí tuệ là tướng hư không của giác trí giới hạng bởi lục căn và khi hòa nhập vào hư không vô tận thì tướng hư không hòa tan trong hư không vô tận thành một thể không không còn phân biệt gì giữa lý và trí, đó là dung hợp thành lý trí vậy.
 
Để trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật hay muốn đi thẳng vào thể hư không vô tận (minh tâm là tâm trong sáng: Chân tâm hay bản giác), hành giả cần phải nắm bắt được tánh giác (kiến tánh). Đó là giác trí tuệ. Kỹ thuật để kiến tánh là tri nhận thực tại điểm của giác trí. Chúng ta biết rằng giác trí và giác thức chỉ là tâm thức là vọng tâm. Dòng tâm thức luôn trôi chẳy, tam thời bất khả đắc. Quá khứ đã qua tiền ngũ căn không thể nắm bắt, tương lai chưa đến làm sao nắm bắt được, hiện tại là cái đang là nối tiếp những sát na sanh diệt không ngừng, cũng không thể nắm bắt được.
 
Tuy nhiên cái đang là của dòng tâm thức là cơ hội tốt để chúng ta có thể dùng tuệ quán nhắm ngay thực tại điểm của giác trí đang là. Vông tâm và chân tâm cùng là một tâm. Cái chuyển động là vọng, cái cố định là chân. Cho nên BT Long Thọ nói, cái đến có thật trong cái đang đến. Vậy cái chân tâm có thật trong cái vọng tâm, hai cái tuy hai mà một, và chân lý không đến từ cái bất động. Vậy, chúng ta nên nhớ, để trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật thì dùng hai cách:
 
Cách thứ nhất: Tứ oai nghi
 
"Nhận thức đầu của Cảm Giác để có Chơn Thức. Rồi tri nhận Chơn Thức nầy để có Giác Thức và xa lìa Giác Thức đó mới đạt được Giác Trí Tuệ; và khi vọng khởi (suy nghĩ, tư tưởng, tưởng tượng, nhớ lại v.v...), ta Biết là tưởng thức và xa lìa nó ngay; và cứ như thế, chúng ta tiếp tục tri nhận từng sự việc vô thời gian."
 
Cách thứ hai: bốn thứ thiền (do cụ Trần Trọng Kim trích giảng, chi tiết rất hay, chủ đích cần thiết để hành giả ôn lại)
Trong quyển thứ 2 kinh Lăng-ca Phật nói có bốn thứ thiền là : ngu phu sở hành thiền, quán sát nghĩa thiền, phan duyên như thiền, và như lai thiền.
 
1. Thiền là cái phương tiện vào lý, tức là nói nhân với hạnh mà thôi. Ngu phu sở hành thiền là cái thiền của Thanh-văn, Duyên-giác với ngoại đạo dùng để tu hành, quán sát cái tính nhân vô ngã, tự tướng, cộng tướng, cốt tỏa (xương nát), vô thường, khổ, bất tịnh tướng, rồi chấp trược những điều đó, không quên, cho nên cái ngã kiến càng tăng lên, thành ra không bỏ được cái tướng. Cái nhân địa đã không chân thực, thì cái quả tất phải cong queo, ngay đến cái gọi là niết bàn cũng không phải là chân thực. Bởi chưng nhị thặng và ngoại đạo không đạt tới cái tâm hiện lượng và cái lý chân vô ngã, tuy có quan sát cái ngã không, mà vẫn không quên cái chấp trược, cho nên mới gọi là phàm phu sở hành thiền.
 
2. Quán sát nghĩa thiền là cái phương tiện tu hành của Bồ-tát để biểu thị cái chính nhân. Tu phép thiền này là đã biết: nhân vô ngã, tự tướng, cộng tướng, ngoại đạo tự và tha đều không có tự tính, rồi cứ quan sát cái pháp vô ngã và cái tướng nghĩa ở chỗ ấy, rồi cứ tùy thuận mà quan sát mãi. Ấy gọi là quan sát nghĩa thiền. Cái thiền này vẫn còn thuộc vào môn tiệm giáo.
 
3. Phan duyên như thiền là cái hành tướng đến giải thoát đạo, nói cái vọng tưởng và hai cái vô ngã tướng (nhân/pháp vô ngã) đến chỗ như thực, không sinh vọng tưởng, nhân pháp bản vô, bình đẳng như như, không khởi phân biệt. Ấy là không ở trong phân biệt tâm, được cái cảnh giới tịch tĩnh. Ba cái thiền nói trên là cái hành tướng của tam thặng.
 
Nhất tâm ấy vốn không hình không tướng, cứ như như tự tại, tịch nhiên mà chiếu, không sinh không diệt. - Còn những hình tướng đều là do mê mà hiện ra. Mê cái nhất tâm mà làm ra sinh tử, cho nên biến nhất tâm thành tam giới. - Ngộ cái nhất tâm mà làm niết bàn, cho nên chuyển tam giới làm nhất tâm.
 
Song sinh tử là hữu pháp, mà niết bàn là vô pháp. Hai cái hữu và vô ấy đều do sự phân biệt vọng kiến của người phàm, chứ trong cái tịch diệt, tâm vốn không phân biệt (không có hữu-vô).
 
Khởi đầu, Ðại-Tuệ Bồ Tát đem hỏi Phật các thứ tướng khác nhau, là những pháp tương đối, như 8 cái kiến tà chánh, và 100 cái cảnh sở kiến, cộng 108 kiến của sự phân biệt vọng kiến, chớ không phải là cái tịch diệt nhất tâm tuyệt đối. - Vậy nên Phật chỉ thẳng vào chỗ tối cực tâm nguyên mà bác hết cả những điều hỏi ấy và bảo là phi giã, không phải. - Ấy là ý Phật bảo rằng phải lìa bỏ tâm, ý, thức, ra ngoài con đường phàm thánh, để chỉ còn cái cảnh giới tự giác thánh trí của chư Phật mà thôi.
 
Ðối với cái nhất tâm chân nguyên thì thánh phàm bình đẳng, không có tướng sai biệt. - Nhưng vì chia ra mê với ngộ cho nên mới có thập giới (Thập pháp giới: địa ngục, ngã quỉ, súc sanh, người, atula, trời, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật), y, chính, nhân, quả, các thứ tính tướng khác nhau. - Chỉ vì mê cái nhất tâm mà chính trí đổi ra làm vọng tưởng, như như đổi ra làm danh với tướng. - Ngộ cái nhất tâm thì vọng tưởng lại thành chính trí, và danh với tướng lại là như như. - Cho nên kinh nói: Thuận cái lưu chuyển thì là vọng kiến sanh tử; chán ghét cái lưu chuyển thì là vọng kiến niết bàn.- Vậy sanh tử và niết bàn đều không phải là cái tự giác thánh trí của Phật. Cho nên trong những câu đáp lại Phật bác cả đi, mà cho là phi giã, cốt để làm rõ cái nghĩa tam giới duy tâm.
 
Chân thức lá bất sinh bất diệt, như lai tạng thanh tịnh chân tâm, tức là chân-như. Song chân-như vì có cái dụng chiếu cảnh, cho nên cũng gọi là thức.
 
Hiện thức tức là đệ bát thức. - Vì nương theo A-lại-da thức nói có vô minh, bất giác mà khởi cái năng kiến, năng hiện, năng thủ cảnh giới, cũng gọi là trí thức, tức là trong đó có cái phân-biệt-sự thức, là 7 thức kia.
 
Nếu theo cái thí dụ trong gương thì bát thức chỉ là một thể khônghai, không khác biệt. Cho nên nói rằng hiện thức là nói năng hiện nhất thiết cảnh giới, như cái gương sáng hiện rõ các hình tượng, cứ tùy ngũ trần đối lại mà hiện ra, không có trước sau gì cả. Bất cứ lúc nào, tùy sự vận chuyển mà (vô tâm) khởi lên.
 
Xem thế, thì ba thứ thức nói đây là chân với vọng đối lập, cốt làm cho thấy rõ thức là chân-như, cho nên còn nói rằng như-lai-tạng tên là thức-tạng, vì sự liễu-biệt cùng với hiện-thức, tức là chân với vọng hợp lại mà nói vậy. Hợp là bất-sinh bất-diệt cùng với sinh-diệt hòa hợp thành A-lại-da thức.
 
4. Như-Lai thiền là nói vào Như-Lai địa, được cái tướng tự giác thánh trí, tâm chủng lạc trụ, thành biện chúng sinh bất tư nghị sự. Cái thiền này là cái hành tướng của tối thượng nhất thặng. Nói Như-Lai thiền không phải là nói cái thiền của Như-Lai sở hành, mà nói lấy cái giác của Như-Lai quả địa làm bản nhân tâm, tức lấy bất sinh bất diệt tâm làm cái nhân cho sự tu của mình. Vậy nên mới nói rằng vào Như-Lai địa, được tự giác thánh trí, ấy là cái đại phương tiện của người tu hành.
 
Hai cái thiền nói trên, thứ hai và thứ ba, tuy gọi là chính hành, nhưng còn thuộc về môn tiệm tu. Cái thiền thứ tư này là môn thiền đốn ngộ nhất tâm, đốn đăng Phật địa, tam đức (pháp thân, bát nhã, giải thoát) bí tàng, một niệm đắc đốn tức là thành tựu cái bất tư nghị của chúng sinh, cho nên gọi là Như-Lai thanh tịnh thiền.
 
Cái Như-Lai thanh tịnh thiền này chính là cái thiền của Tổ Ðạt-Ma đem truyền sang nước Tàu, tức là cái tâm ấn của tam thế chư Phật, lịch đại Tổ-Sư, đời đời truyền cho nhau. Cái tông chỉ, cái ý nghĩa trong kinh Lang-ca ở cả chỗ ấy. Những người tu hành phải lấy đó làm chân nhân mà ru, thì rồi mới được cái Như-Lai vô thượng đại niết bàn quả. Thế là nhân chân, quả chính, thấy rõ trong những lời thuyết pháp của đức Như Lai.
 
Tôi xem kinh Lăng-ca, thấy có nhiều ý nghĩa huyền diệu vô cùng, mà trước sau chỉ lấy nhất tâm làm tông, lấy tự giác thánh trí làm cứu cánh. Tuy không thể kể hết ra đây được, nhưng có ba điểm rất hệ trọng là tâm, thức và thiền. Những yếu điểm ất đều là then chốt trong Phật-Giáo Ðại Thặng, cho nên tôi trích mấy đoạn, đem trình bày ra đây, để biểu hiện đại khái một cái học cực ký cao siêu. Thiết tưởng những nhà Phật học nên xem kỹ kinh này thì mới có thể hiểu được rõ cái căn nguyên Thiền Tông là một học phái rất cao sâu trong Phật-Giáo Ðại Thặng.
 
Phật nói: Ðệ-nhất-nghĩa là cái sở đắc của thánh-trí tự giác, không phải là cái cảnh-giới do ngôn thuyết vọng tưởng mà biết. Vậy nên ngôn thuyết vọng tưởng không hiển thị được đệ-nhất-nghĩa.
Tức là nói mình phải tự chứng được cái đệ nhất nghĩa, chứ không phải lấy ngôn thuyết mà biết được.
 
III. Kết Luận
 
Vạch dòng tâm thức (vọng tâm) đang trôi chảy, tìm gặp vùng chân như bản giác để thể nhập giác trí tuệ (tánh giác) là tri nhận thực tại điểm của giác trí đang là, và xa lìa tứ tướng, là không trụ vào giác trí đó nữa; nghĩa là trực chỉ bản giác để thể nhập (thấy) được tánh giác; tức là tánh giác đã hòa nhập vào hư không vô tận, là đạt thành Phật đạo. Giải thoát vọng tâm có nghĩa là tri nhận tánh giác có thực trong dòng tâm thức đang trôi chảy; tức là khôi phục lại thực tính của tâm, đó là chân tâm hay bản giác. Thực hành tánh giác trực chỉ vào bản giác hư không vô tận là tìm về chân nguyên, tức thực tính của tâm. Vượt khỏi đối tượng tìm đến tự tính của nó cũng là đường về minh tâm. Lột xác tri kiến giả lập (tâm thức) để thể hiện tri thức thực sự (kiến tánh) tức tri thứ đúng hay hiểu biết chân thật. Vậy tri kiến như là phương tiện, như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhận thấy mặt trăng phải vượt khỏi ngón tay; cũng như vậy, vượt khỏi tri kiến mới nắm bắt được thực tại. Đó là pháp trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật.
 
Vậy
* Tri thức đúng cái tri thức sai lầm của chủ khách (nhị nguyên) là giải thoát mọi phiền não, nhân duyên chằng chịt, cũng là vượt khỏi dòng bộc lưu sanh tử hay kiến tánh thành Phật.
* Hành trình đi đến chân nguyên là sự miên mật "thắp sáng hiện hữu" trong từng khoảnh khắc sống tĩnh giác với "tâm bình thường," an nhiên tự tại.
* Nắm bắt được thực tướng của vạn hữu là sự vượt khỏi thời không làm cho tâm trở nên trong sáng thanh thản, tức là giải thoát khổ đau, nhân quả luân hồi.
 
Tham khảo
LĂNG CA KINH. Kinh Lăng Già - Lankavatara Sutra. Cụ Lệ Thần TRẦN TRONG KIM Trích giảng.Tủ Sách Phật học Tân Việt ấn hành.

Bài viết khác

Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn