Phật Giáo Việt Nam đến thế kỷ XX


KHÁI LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(Trích Lê Anh Dũng: Con đường Tam giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XX)

 

1. TRƯỚC THẾ KỶ III

Khi bị nhà Hán xâm lăng, miền đất phía bắc nước Việt ngày nay bị đổi tên là Giao Chỉ Bộ. Vào năm 203 (triều Hán Hiến đế), Giao Chỉ Bộ lại bị đổi thành Giao Châu.

Phật học vào Việt Nam trước tiên bằng đường biển, từ phương Nam lên, do các nhà sư Ấn Độ theo thuyền buôn. Luy Lâu (vùng Dâu, Hà Bắc) có thể là cửa ngỏ để từ Việt Nam, các nhà sư, nhà buôn viễn xứ mượn đường đi vào đất Hán.[1]

Theo Thiền uyển truyền đăng tập lục, Pháp sư Đàm Thiên trong khi đàm đạo với vua nhà Tùy (thế kỷ VI-VII) đã cho biết Giao Châu có đường thông thương với Ấn Độ, nên khi ở Giang Đông (Trung Quốc) đạo Phật hãy còn xa lạ thì tại thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có trên hai mươi chùa Phật, hơn năm trăm nhà sư, đã biết đến mười lăm bộ kinh.[2]

Có bằng chứng cho thấy Phật giáo đã từ Việt Nam vào Trung Quốc trước khi Phật giáo từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam. Thế kỷ III, Ngô Tôn Quyền ở Giang Đông đã được sư Khương Tăng Hội từ Giao Châu sang truyền đạo, Tôn Quyền đã cho cất chùa Kiến Sơ vào dịp này.[3]

Đại Việt sử ký toàn thư và Ngô chí (viết vào thế kỷ IV) chép lại lá thư của một người Hán là Viên Huy, gửi cho Thượng thư lịnh Tuân Úc năm 207. Thư kể rằng Thái thú Sĩ Tiếp (Sĩ Nhiếp) ở Giao Châu mỗi khi ra đường đều có các nhà sư Ấn Độ theo xe, xông trầm đốt hương, đánh chuông khánh, thổi kèn sáo.[4]

Do miền Bắc sớm trực tiếp gặp Phật giáo Ấn Độ nên người miền Bắc có từ Bụt. (Tục ngữ: Gần chùa gọi Bụt bằng anh; Đi với Bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy…) Bụt do gốc tiếng Ấn Buddha. Sau này tiếp xúc Phật giáo Trung Quốc nên có thêm từ Phật, mượn ở cách người Hoa phiên âm từ Buddha (tiếng Hán-Việt là Phật đà).

Về sau, việc truyền đạo trực tiếp từ Ấn sang giảm bớt dần, trong lúc theo đường bộ đạo Phật từ phương Bắc du nhập chiếm ưu thế hơn. Do ảnh hưởng từ phương Bắc xuống, hay Bắc tông, Phật giáo Việt Nam thuộc ngành đại thừa. Trái lại, do ảnh hưởng từ phương Nam lên, hay Nam tông, các lân bang như Lào, Cam-pu-chia, Thái thuộc ngành tiểu thừa.

2. TỪ THẾ KỶ III ĐẾN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIII

Trong các hệ phái Phật giáo ở nước Nam, Thiền tông phát triển mạnh nhất và có nhiều đặc sắc.

Khởi đầu với sư Khương Tăng Hội (đầu thế kỷ III), Sư có công khai sáng Thiền học Việt Nam và là người đầu tiên đem đạo Phật từ Việt Nam sang truyền cho người Hán. Phật giáo Việt Nam lúc này đã là đại thừa vì Sư đã cùng các cao tăng khác dịch kinh Bát nhã, rồi sư Chi-cương-lương-tiếp (Kalasivi) dịch kinh Pháp hoa tam muội.[5]

Tư liệu về thế kỷ IV còn khiếm khuyết.

Thế kỷ V, theo Tục cao tăng truyện, có Thiền sư Huệ Thắng, là môn đồ của sư Đạt-ma Đề-bà. Sư Huệ Thắng nhiều lần sang Trung Quốc hoằng giáo.[6]

Từ thế kỷ VI đến hết triều Lý, Việt Nam có ba dòng Thiền lớn:

a. Phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci)

Năm 580 Sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Việt Nam, trụ trì mười bốn năm ở chùa Pháp Vân (Bắc Ninh), liễu đạo năm 594. Phái này truyền được mười chín đời. Đời chót có Thiền sư Y Sơn (liễu năm 1213).

b. Phái Vô Ngôn Thông

Năm 820 sư Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang Việt Nam, trụ trì chùa Kiến Sơ (Bắc Ninh), liễu năm 826. Phái này truyền được mười bảy đời. Vua Lý Thái tông (1028-1054) là môn đệ đời thứ tám.

c. Phái Thảo Đường

Sư Thảo Đường từ Trung Quốc sang Chiêm Thành. Năm 1069, vua Lý Thánh tông thắng quân Chiêm, đưa sư về Thăng Long, phong Quốc sư. Sư trụ trì chùa Khai Quốc.

Phái này truyền được sáu đời. Trong hàng đệ tử có chín nhân vật đáng kể như: vua Lý Thánh tông (1054-1072), đời thứ hai: quan Tham chính Ngô Ích, đời thứ ba: vua Lý Anh tông (1138-1175) và quan Thái phó Đỗ Vũ, đời thứ tư; quan Thái phó Đỗ Thường, đời thứ năm; vua Lý Cao tông (1176-1210) và quan Quản giáp Nguyễn Thức, đời thứ sáu.

3. PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỜI TRẦN

Đầu thế kỷ XIII, ba phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường dần dần sáp nhập, đưa tới sự lớn mạnh của phái thiền Yên Tử để thành một phái duy nhất đời Trần là phái Trúc Lâm.

Phái Yên Tử xuất hiện từ núi Yên Tử. Tổ khai sơn là Thiền sư Hiện Quang (liễu năm 1220). Tổ thứ hai là thầy của vua Trần Thái tông, được tôn là Trúc Lâm Quốc sư, pháp hiệu Đạo Viên, có tên khác là Viên Chứng.

Trong hai mươi ba vị tổ của phái Trúc Lâm, tổ đời thứ sáu là vua Trần Nhân tông, pháp hiệu Trúc Lâm Đầu đà.

Trong hoàng tộc có một Thiền sư lẫy lừng là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ngài tên thật là Trần Quốc Trung, tước Hưng ninh vương, con cả của An sinh vương Trần Liễu, và là anh ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn. Khóa hư lục của vua Trần Thái tông và Ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ là hai kiệt tác trong thiền học đời Trần.

Đời Trần cũng noi theo Lý, mở khoa thi Tam giáo để chọn nhân tài ra giúp nước (đời Lý: 1195; Trần: 1247).

4. TỪ THẾ KỶ XV ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX

Nhà Hồ (1400-1407) rồi nhà Hậu Trần (1407-1413) mất, quân Minh xâm chiếm Việt Nam (1413-1427). Loạn lạc liên miên, đạo Phật suy yếu. Đuổi xong giặc, vua Lê Thái tổ (1428-1433) tổ chức khảo sát trình độ các sư, đạo sĩ. Ai kém phải hoàn tục.[7]

Nhà Hậu Lê suy, ngoài Bắc Chúa Trịnh thao túng, trong Nam Chúa Nguyễn tung hoành. Phật giáo suy. Đầu thế kỷ XVIII, thống nhất xong đất nước, vua Quang Trung (1788-1792) theo gương đời Lê, lo chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn lại việc cất chùa, chỉ đạo cất các chùa lớn có quy củ, gạn lọc các phần tử kém phẩm chất ra khỏi cửa thiền, buộc hoàn tục.[8]

Từ thế kỷ XV trở đi tuy không còn rực rỡ như hai triều Lý, Trần nhưng đời nào cũng có cao tăng, chân tu xuất hiện. Một số dòng thiền khác được ghi nhận như: phái Tào Động, gốc từ Trung Quốc, triều Lê Thế tông (1573-1599); phái Liên Tông, triều Lê Hy tông (1676-1705). Hai phái này ở miền Bắc. Miền Trung có phái Liễu Quán và phái Nguyên Thiều. Phái Nguyên Thiều có từ triều Lê Huyền tông (1663-1671), gốc từ Trung Quốc, là hệ phái của dòng thiền Lâm Tế…

Ngày 01-9-1858, phát súng đầu tiên của hải quân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh loạn lạc triền miên, đạo Phật bị ảnh hưởng, suy thoái dần.

Đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo đã lần lượt dấy lên ở nhiều nơi. Các cao tăng bấy lâu ẩn dật đến lúc nhập thế hoằng dương Phật pháp. Các kinh sách, tạp chí nghiên cứu đạo Phật nhờ phương tiện ấn loát tiến bộ đã có thể phổ biến rộng rãi hơn.

Bên cạnh các cao tăng còn có những cư sĩ trí thức cựu học lẫn tân học, uyên thâm về cả thế học và Phật học. Ở cả ba miền đất nước đều có những cư sĩ tài tuệ và tâm huyết tích cực góp phần đổi mới cách thuyết giáo và giảng dạy cổ truyền của nhà thiền. Trong số đó, ba nhân vật tiêu biểu là:

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954): Đông y sĩ, sáng lập Hội Phật học Bắc Kỳ, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội); phụ trách tạp chí Đuốc Tuệ của Hội.

Tâm Minh Lê Đình Thám (1887-1969): bác sĩ Tây y; sáng lập viên và là hội trưởng Hội Phật học Trung Kỳ (tức là An Nam Phật học hội), trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm (Huế); chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Viên âm, cơ quan hoằng pháp của Hội.

Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905-1973): đốc phủ sứ, sáng lập chùa Xá Lợi (Sài Gòn) và Hội Phật học Nam Việt, đóng góp rất nhiều cho tạp chí Từ quang của Hội.

Sau này, việc đào tạo tăng ni tại Việt Nam đã có quy củ với các hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học cũng nhờ sự quật khởi từ những thập niên đầu thế kỷ XX, cũng là lúc đạo Cao Đài vừa xuất hiện. Sự trùng hợp này đối với tín đồ Cao Đài không hề là một ngẫu nhiên. Thực vậy, tại Thiên lý Đàn (Sài Gòn), Tuất thời, 30-10 Mậu Thân (19-12-1968), đức Cao Đài dạy: “Về đạo pháp các con cũng biết Thầy đến lần ba này làm sao cho nhơn loại khắp trên mặt địa cầu được sống lại ơn cứu độ lan chảy khắp năm châu. Trước đây năm, sáu mươi năm các con cũng thấy các tôn giáo như ngủ mê mà từ ngày được đạo Thầy hoằng khai thì các tôn giáo lần lượt chấn hưng. Sự sống đó chẳng những đến cho các con mà đến khắp hoàn cầu, nên phong trào đạo đức đâu đâu cũng sống dậy.”

CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận. Sài Gòn: Nxb Lá bối, 1974, tr. 25.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 32. Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII. Tuệ Sỹ dịch. Sài Gòn: Viện đại học Vạn Hạnh, 1968, tr. 46.

[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 28, 33, 34. Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, tr. 53.

[4] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 30. Trần Văn Giáp, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII, tr. 41. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập I. Tạ Quang Phát dịch. Sài Gòn: Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, 1974, tr. 243.

[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 73, 75.

[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 87, 88.

[7] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Quyển Thượng. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu, 1971, tr. 247.

[8] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Quyển Hạ. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu, 1971, tr. 142.

(theo Dũ Lan Lê Anh Dũng)


Bài viết khác

Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn