Nhạc Phủ
Là hoá thân của Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở hầu khắp mọi nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang), và Bắc Lệ (Lạng Sơn).
- Gắn với di tích đền Suối Mỡ lưu truyền về bà chúa Thượng Ngàn là như sau:
Tranh thờ Mẫu Thượng ngàn
Vào thời Hùng Ðịnh Vương nhà vua có một Hoàng hậu mang thai mãi không đẻ, ba năm sau nhân lúc đi chơi Hoàng hậu đau đẻ đã ôm chặt vào thân cây quế, cuối cùng đã sinh hạ được một cô con gái. Nhưng vì quá kiệt sức, Hoàng hậu An Nương qua đời, Vua đặt tên cho con gái là Mị Nương Quế Hoa. Khi lớn lên vì nhớ mẹ, công chúa Quế Hoa thường vào rừng chơi, nên chính ở những nơi đó bà chứng kiến cảnh cơ cực của muôn dân. Một đêm, giữa rừng thâm u, bà linh cảm thấy hơi ấm của mẹ và một ông tiên hiện lên trao cho bà phép thần thông, có thể dời núi, lấp sông, cải tử hoàn sinh cứu muôn dân.
Một truyền thuyết khác liên quan đến Mẫu Thượng Ngàn ở Bắc Lệ: Công chúa La Bình, con của Sơn Tinh và Mị Nương, cháu ngoại của Vua Hùng. Nàng là cô gái tài sắc vẹn toàn, thường theo Cha đi chu du khắp thiên hạ. Ði tới đâu Nàng cũng quyến luyến với phong cảnh, làm bạn với cỏ cây, chim thú, các vị Sơn thần cũng quý trọng Nàng, dân lành cũng vì thế được sống yên vui. Hay tin đó, Ngọc Hoàng phong tặng Nàng là Bà Chúa Thượng Ngàn, cai quản 81 cửa rừng cõi Nam Giao. Dân gian lập đền thờ phụng Nàng ở Bắc Lệ (Lạng Sơn).