Thánh Mẫu - Thiên Phủ


Thánh Mẫu
 
Trong Ðạo Mẫu, Thánh Mẫu, gồm tứ vị được đứng ở hàng cao nhất, chỉ  sau vua cha Ngọc hoàng, các vị chia nhau cai quản ở bốn miền khác nhau, đó là Mẫu Thượng thiên cai quản Thiên Phủ, Mẫu Thượng Ngàn cai quản Nhạc Phủ, Mẫu Thoải cai quản Thoải Phủ, Mẫu Ðịa cai quản Ðịa phủ, tượng trưng cho bốn miền khác nhau trong trời đất.
 
Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ bước đầu đã thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, chứa đựng lòng yêu nước một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hoá và Mẫu là biểu tượng cao nhất. Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ đã bước đầu hình thành một hệ thống thờ cúng trong các Ðền, Phủ, những nghi lễ thờ cúng đã được chuẩn hoá, trong nghi lễ Hầu bóng và lễ hội "Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ" là một điển hình.
 
Thiên Phủ
 
VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU
 
Tam thế giáng sinh
 
-----------------
 
Thanh_mau
 
(Sự Tích)
 
Đức Vân - Hương Thánh Mẫu, Giáng sinh trước sau ba lần.
 
1. Lần thứ nhất Thánh Mẫu phụng mạng giáng sinh.
 
2. Lần thứ hai Thánh Mẫu bị trích xuống trần.
 
3. Lần thứ ba Thánh Mẫu tình nguyện xuống trần.
 
THÁNH MẪU GIÁNG SINH
 
(LẦN THỨ NHẤT)
 
1434 - 1473
 
Xưa ở Bắc kỳ về huyện Trấn Sơn Nam, gọi là tỉnh Nam Định phủ Nghĩa Hưng, Huyện Đại An, xã Trấn Xá, có một người gọi là Phạm Thái Ông, hiệu là Huyền Viên, húy là Đức Chánh. Vợ quán ở Miêu Duệ gọi là Phạm Thái Bà hiệu là Thuần Nhất.
 
Hai ông bà ăn ở rất hiền lành làm phước hậu. Ngày đêm chỉ lo vun trồng cội đức, bồi đắp ngành nhơn, hằng tâm đã sẵn hằng sản lại nhiều, cho nên sự làm phúc càng ngày càng tăng tiến, nào là tô tượng đúc chuông, nào là xây chùa lập miếu, nào là san cơm xẻ áo cho kẻ bần cùng, nào là phát gạo cấp tiền cho người cô quả.
 
Nói tóm lại là không có một việc thiện nào mà không có hai ông bà họ Phạm.
 
Nhưng Phạm Thái Ông, và Phạm Thái Bà, có một nỗi buồn riêng, là hào tử tức vẫn còn hiếm, buồn rồi lo, vì tuổi đã nhiều mà con chưa có, không biết lấy ai mà kế thế về sau, để giữ lấy cơ đồ họ Phạm.
 
Thường ngày Phạm Thái Ông, cùng Phạm Thái Bà cứ thiết đàn làm chay, cầu trời khấn phật xin cho có con hậu tự, lòng thành thấu đến trời xanh, việc cầu tự đức Ngọc Hoàng động tâm, xét sổ Nam Tào thấy Phạm Thái Ông khi xưa làm Phó Sứ Thiên triều Khâm Sai tra sổ, bị có điều bất công, nên phải bị tích xuống cõi trần thế; bởi vậy lời cầu của đức Phạm Thái Ông được trên Thiên Đình doãn hợp.
 
Đức Ngọc Hoàng tức thì hạ lệnh, truyền đòi đệ nhị Tiên Nương lên chầu, mấy phút sau, đã thấy một vị Tiên Nương mặc áo hồng, gót sen nhẹ bước, quỳ lạy trước sân rồng, chờ lệnh.
 
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế phán rằng: "Trần Hoàng có Phạm Thái Ông tu nhân tích đức đã lâu, mà chưa có con nối hậu, nay cha muốn con xuống đầu thai làm con nhà họ Phạm ít lâu, rồi sẽ trở về Linh Tiêu vậy con nghĩ sao?"
 
Đức Tiên Chúa tâu rằng: "Đội đức Thiên Nhan, non cao bể rộng, khôn toan cưỡng lời, Hoàng phụ phán dạy mấy lời con xin tuân mạng".
 
Đức Thượng Đế nghe Tiên Chúa cũng vui lòng thuận xuống trần, thì trong lòng vui vẻ lắm.
 
Lúc đó, Quần Tiên tâu hỏi đức Thượng Đế rằng:
 
"Cho Tiên Chúa xuống trần độ bao nhiêu lâu", Đức Thượng Đế liền cất bút son ngự phê hai chữ Linh Tiêu trên đầu tên của đức Tiên Chúa, và phía dưới năm chữ:
 
"Tứ phương lai cúng Phật," Rồi truyền cho lui chầu.
 
Buổi Thiên Triều hội nghị chính vào ngày rằm tháng sáu năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên lục niên (1433), Triều vua Lê Thái Tổ, giờ Tý đêm hôm đó, Phạm Thái Bà nằm chiêm bao thấy có Đức Tây Cung Vương Mẫu, cho một quả đào, mùi thơm ngào ngạt, kế đó Phạm Thái Bà có thai.
 
Đến ngày giáng thế, Đức Tiên Chúa trước vào lạy Đức Hoàng Phụ, và Mẫu Hậu, rồi trở ra chào văn võ bá quan, cùng các vị Quần Tiên, và dặn dò đâu vào đó xong rồi, mới bước lên loan xa đã chờ sẵn trước Thiên Môn, tức thì:
 
Sanh ca đàn hát đôi bên
 
Dập dìu phụng liễn xuống miền nhân gian
 
Cờ bay nhạc nổi trống vang
 
Theo hầu Tiên Chúa cả đoàn Tiên Nga.
 
Đêm đó Phạm Thái Ông nằm ngủ, mơ màng thấy các vị Tiên Nga vào nhà mình mùi thơm ngào ngạt, Phạm Thái Ông vội vàng khăn áo chỉnh tề để ra nghênh tiếp, khi bước xuống thềm, vì lòng kính sợ, khúm núm thụt lùi trật chân sắp ngã, lúc đó Phạm Thái Ông giật mình tỉnh dậy thì Phạm Thái Bà đã sanh đặng một người con gái:
 
Nhản quan lóng lánh tinh thần
 
Mây ngần vành nguyệt giá ngần vóc sương
 
Má đào môi hạnh phi thường
 
Giá so Tố-nữ Tiên-Nương khôn bì
 
Lúc đó chính vào giờ dần, niên hiệu là Thiệu Bình nguyên niên, Triều Vua Lê Thái Tôn Hoàng Đế (1434) trong nhà thơm nức mùi hoa huệ, ai ai cũng lấy làm mừng, và lấy làm lạ.
 
Hoa huệ đó là các vị Quần-Tiên đem dâng đức Tiên-Chúa trong khi tạm biệt. Phạm-Thái-Ông thấy con mình hình dung tuấn tú, cốt cách phi phàm, lại nhân thấy chiêm bao các vị Tiên Nga vào nhà, nên đặt tên là Tiên Nga.
 
Gặp cảnh lão bạn sanh châu, Phạm Thái Ông cùng Phạm Thái Bà chăm nom săn sóc cho một cách khác thường, nói không hết được, thật là:
 
Yêu như ngọc dấu như ngà
 
Nưng châu rún biển, hứng hoa lưng trời
 
Màn the trướng gấm thảnh thơi
 
Thâm khuê dưỡng dục, khác vời Tiên cung.
 
Phạm Thái Ông cùng Phạm Thái Bà từ khi sinh ra Tiên Chúa thường bảo nhau rằng:
 
"Từ khi kết nghĩa với nhau đã hơn hai mươi năm, mà chưa hề sinh nở lần nào, thế là biết hào tử tức của ta hiếm lắm bây giờ ta đã già rồi mới có.
 
Chắc vì thường ngày chúng ta hay làm những điều phước thiện, cho nên Hoàng Thiên không nỡ phụ lòng, thiệt là cảm ơn Trời Phật không biết nhường nào.
 
Phạm Thái Ông, cùng Phạm Thái Bà nghĩ vậy, nên lại lo làm những điều phước thiện hơn trước, ngày tháng thoi đưa, thì giờ thấm thoát.
 
Tiên Chúa đã lên năm tuổi, tức là năm mậu ngọ niên hiệu Lê Thiệu Bình ngũ niên (1438).
 
Đức Tiên Chúa biết mình thác sinh vào cửa nhà giàu, trong lòng không lấy làm vui, vì Đức Tiên Chúa tự nghĩ sinh vào nhà nghèo thì Đức Tiên Chúa dễ báo hiếu hơn. Đến năm quý hợi niên hiệu Thái Hòa nguyên niên (1443) triều Vua Lê Nhân Tôn, Đức Tiên Chúa lên mười tuổi khi đó đã có tri thức thông minh, con gái trần gian vào tuổi đó đương độ thơ ngây, có biết gì là sự khôn dại, là sự hiếu thảo, nhưng Đức Tiên Chúa đã xuất tính khác thường rất là hiếu thuận, cung phụng hai thân mẫu mùa hạ quạt mát mùa đông chăn mền.
 
Những khi Phạm Thái Ông, hay Phạm Thái Bà có đau thì Đức Tiên Chúa ngồi hầu luôn bên trướng, nửa bước không rời, lo chăm thang thuốc, lo việc cháo cơm, đến khi nào cha mẹ thiệt lành thì Đức Tiên Chúa mới an lòng.
 
Có một đêm về mùa đông tuyết sương lạnh lẽo, Phạm Thái Ông lâm bệnh đã ba bốn ngày, thuốc thang không chuyển.
 
Đức Tiên Chúa lấy làm lo lắng, ngày biếng ăn, đêm quên ngủ, vóc ngọc mình mai, hình dung tiều tụy, thiệt là bề trong trăm phần buồn bã, mà bề ngoài giả dạng làm vui, để cho Phạm Thái Bà yên dạ nhưng thấy bệnh Đức Phạm Thái Ông không giảm, Đức Tiên Chúa trong lòng hoảng hốt lúc đó lẻn dậy một mình, thắp hương ra giữa thinh không khấn với Phật Trời, phù hộ cho cha bệnh tình thuyên giảm.
 
Phạm Thái Bà trở mình sực tỉnh không thấy con, liền gọi cũng không thưa, bèn thắp đèn đi tìm, Đức Phạm Thái Ông thấy thế cũng thức dậy.
 
Bất đồ Phạm Thái Bà ra đến giữa sân, thấy Đức Tiên Cháu đương quỳ khấn nguyện, tuyết xuống phủ cả người, Phạm Thái Ông cùng Phạm Thái Bà thấy con như thế cảm động quá, chờ cho con khấn xong, mới gọi vào thay áo đi nghỉ. Đức Phạm Thái Ông thấy con mình còn nhỏ, mà đã chí hiếu như vậy, trong lòng khoan khái vui tươi, từ đó về sau bệnh đều thuyên giảm, thiệt là:
 
Năm lên mười tuổi khôn thay
 
Một bề hiếu thuận nết na ai tày
 
Thung thuyên sớm dép túi dày
 
Quạt nồng đắp lạnh đêm ngày vào ra
 
Tôn thần thượng mục hạ hòa
 
Lời ăn tiếng nói nhu hòa khoan thai
 
Đủ đều ngôn hạnh công dung,
 
Song xem cốt cách khác người trần gian.
 
Đến tuần tam ngũ phương phi
 
Bạn tấn khách tấn dập dìu vãng lai
 
Phạm Thái Công mới hỏi con thời, "chiêu thân sớm định để già tâm khoan, thấy con dưới gối thừa hoan, thân con nên phải lo toan việc nhà"
 
"Đức Tiên Chúa, nghe song thân dậy thế, cũng cảm động, nhưng Tiên Chúa nhất định thủ tâm trinh bạch, bụi trần không chút vương dơ, liền tự nghĩ thưa rằng:
 
Nay con, đội đức sinh thành,
 
Ơn tày biển rộng nghĩa đà non cao
 
Hổ thần chút phận thơ đào
 
Hình lâm tử tức triệt vào cung phu
 
Cuộc đời như thể phù vân
 
Thần Tiên bận lấy duyên trần làm chi
 
Nhớ khi nuôi dưỡng phò trì
 
Nghĩ sao báo đáp ơn nghĩa cho phụ
 
Con xin dốc chí đường tu
 
Chiều hôm ban sớm duy du vui cùng
 
Mặc ai mối điệp tin ong
 
Mặc ai lá thắm chỉ hồng bạn duyên
 
Khi xưa phẩm cách người Tiên
 
Lẽ nào nỡ để hồng liên bùn lầy
 
Phạm Thái Ông, cùng Phạm Thái Bà nghe con nói đã cạn lời, ngỡ rằng con mình Tiền thân Phật Quan Thế Âm giáng sinh chăng, nên cũng chiều lòng con, không nói đến sự nhân duyên nữa.
 
Đến năm nhâm ngọ hiệu Lê Thánh Tôn Quang Thuận tam niên, Đức Tiên Chúa hai mươi chín tuổi, thì Đức Phạm Thái Công tạ thế.
 
Ngán thay dưới đất trên trời.
 
Một người mà gánh hai vai thâm tình
 
Bao ân tứ đức sinh thành
 
Gần xa ai kẻ mức danh nữ tài.
 
Cử tang mới được hai năm, vừa Phạm Thái Bà cũng theo Phạm Thái Ông về nơi cực lạc.
 
Tức là năm giáp thân niên hiệu Vua Lê Thánh Tôn Quang Thuận ngũ niên (1464) Đức Tiên Chúa lên ba mươi mốt tuổi, Đức Tiên Chúa đau lòng xót ruột ngất đi tỉnh lại không biết mấy mươi lần.
 
Than ôi! trên không anh, dưới không em, một mình bối rối, ngậm thảm nuốt sầu, khó bề toan liệu, bèn mới các bậc trưởng lão trong làng, trong xóm lại bàn, các ông trông thấy Đức Tiên Chúa nết na hiếu để, ai cũng thương tình, rồi người giúp việc này, kẻ đỡ việc khác, sự tống táng Phạm Thái Bà rất là trọng hậu.
 
Thân Đức Tiên Chúa bao quản tàn toan, nào hầu hạ họ đương làng nước, nào tiếp đãi kẻ viếng người thăm, nào lo việc thiết đàn làm chay, cầu siêu cho song thân, nào lo việc tống táng, an toàn, nào lo sắm cỗ bàn thực phẩm, để tiếp đãi bà con làng xóm, một mình Đức Tiên Chúa trăm tính ngàn toan, lo xong đâu vào đó rất là chu đáo, sau việc tống táng xong rồi, Đức Tiên Chúa, lại lo báo đáp, những kẻ có công, lạy tạ những người giúp việc, không sót một điều gì đáng trách được, đến tuần tứ cửu làm chay, đại đàn bố thí bảy ngày đêm, Đức Tiên Chúa cầu nguyện cho vong linh hai thân được siêu độ, lòng hiếu thảo thấu đến cửu thiên:
 
Đức Thượng Đế liền truyền đem bộ trắc giáng ra ngự lãm, Đức Thượng Đế thấy Tiên Chúa còn mười năm nữa mới đến hạn quy tiên.
 
Còn Phạm Thái Ông, cùng Phạm Thái Bà, hằng ngày lo làm điều phước thiện, tu nhân tích đức, cũng được siêu độ.
 
Từ ngày Thung Huyên khuất núi, Đức Tiên Chúa buồn rầu, ngày biếng ăn, đêm biếng ngủ, chỉ thở vắn than dài, không còn muốn gì nữa, ở trong làng có một ông cụ già, thấy Đức Tiên Chúa nết nà hiếu thuận cũng thương tình, mới đến khuyên giải, bày vẽ cho Đức Tiên Chúa rằng:
 
"Đạo làm con, khi cha mẹ mất rồi, không phải là than phiền như thế mãi mới là hiếu, hai ngài không có con trai, chỉ một mình cô là gái, mà cô không xuất giá, thế là gái cũng như trai cô nên giải sầu làm vui, chăm sóc làm ăn, mà giữ bền cơ nghiệp, kẻo một mai cơ đồ sa sút, chắc hai ngài ở dưới hoàng tuyền cũng không được thỏa dạ, cô nên nghĩ lại, khuya sớm giải khuây"
 
Đức Tiên Chú nghe nói, mới hồi tỉnh liền quỳ xuống lạy tạ mà rằng:
 
"Thưa Cố, những lời cố dạy con xin ghi tạc vào lòng, và ơn đó, sau này con không dám quên".
 
Từ đó về sau, Đức Tiên Chúa canh cưởi vá may, lo lắng làm ăn, không buồn rầu như trước nữa, có một hôm Đức Tiên Cháu thấy chiêm bao có bà Tam Tinh Công Chúa lại nói rằng:
 
"Tôi là con gái Vua Động Đinh; vâng mệnh lệnh đem vàng bạc châu báu lại giúp"
 
Quả nhiên, trong khoảng mười năm đó, tài chí như xuyên, Đức Tiên chúa làm ăn phát đạt, chẳng bao lâu mà Đức Tiên Chúa giầu gấp năm gấp mười hơn trước.
 
Đức Tiên Cháu cảm cái ơn đó, nên bây giờ cứ đệ niên đến ngày mười hai tháng tám là ngày kỵ Vua Động Đình thì Quần Tiên hội lại, trần thiết lễ nghi làm lễ chiêm bái, để tỏ lòng không quên gốc và ơn.
 
Đức Tiên Chúa giàu thêm lên bao nhiêu, thì Đức Tiên Chúa lại làm phước thiện bấy nhiêu, nào trợ cấp cho đồng dân lo dựng chùa lập miếu cho làng, lo xây lăng đắp mộ cho các vị Tiên Linh, và sửa sang nhà từ đường để phụng sự, còn dư giả bao nhiêu, Đức Tiên Chúa bố thí cho tất cả bốn phương dân cùng.
 
Ngày tháng thoi đưa chẳng bao lâu, mà hạn của Đức Tiên Chúa về Linh Tiêu đã đến, một buổi chiều kia, về tuyết mùa xuân, năm quý tỵ, hiệu Lê Hồng Đức thứ tư, (1473) Đức Tiên Chúa chẵn bốn mươi tuổi. Một hôm khí trời mát mẻ, trong vườn trăm hoa đua nở, trên cành oanh hót líu lo, Đức Tiên Chúa cũng nhân khi nhàn hạ, dạo gót sen ra vườn ngọan thưởng xuân cho tiêu sầu giải muộn, bữa đó chính là ngày mùng chín tháng giêng, Đức Tiên Chúa sực nhớ lại ngày đó là ngày Vạn Thọ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế rồi Đức Tiên Chúa mơ màng ôn lại trong trí nhớ rằng:
 
Hiện bây giờ trên điện văn minh Đức Thượng Đế còn đương:
 
Cân đai áo mão rỡ ràng
 
Các quan văn võ, bày hàng hai bên,
 
Quần thiên nhạc mới tấu lên
 
Trần chầu mã não ngự viên sẵn bày
 
Kim Đồng Ngọc Nữ đông thay
 
Bàn đào được tiến ngay ngự tiền
 
Đức Tiên chúa nhớ vậy lấy làm buồn lắm, nên thường thường trông cho ngày tháng mau qua, để đến hạn về trời, mà hưởng vui cùng chị em trong cung Quảng.
 
Bước qua tháng ba năm quý tỵ (1473) đêm mùng một Đức Tiên Chúa thấy vị Thổ Thần tức là Phùng Vương đến tâu với Đức Tiên Chúa rằng:
 
"Quảng cai Long Mạch bấy lâu
 
Phụng sai rước Chúa về chầu Tiên Cung"
 
Tâu xong, bỗng có một trận gió ào ào, làm cho đổ lộc rung cây, có một đám mây ngũ sắc dựng lên, mùi thơm ngào ngạt, kế đó đá trên không trung rơi xuống, hiện ra các bà tiên nữ, Đức Tiên Chúa xem ra, đã thấy Quần Tiên chầu sẵn, có hai bà Tiên nữ, một bà bưng quả ngọc thạch, một bà bưng một quả ngọc đào, đệ lên dâng Đức Tiên Chúa, liền đó, Tiên Chúa dở ra, quả trầu sẵn có con dao, quả đào, Đức Tiên Chúa liền cầm dao cắt quả đào, trật tay, rơi ba dây máu, ba dây máu ấy, bây giờ gọi là Ba khê Công Chúa.
 
Tiên Chúa còn đương xem ngón tay, thì xa loan đâu đã đến nơi rước Đức Tiên Chúa về chầu Thượng Đế; bữa đó chính là ngày mùng hai giờ dần, tháng ba năm quý tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ tư, triều Vua Lê Thánh Tôn (1473).
 
Quần Tiên vâng mệnh chỉ truyền, Tam Tinh cùng với Chúa Tiên phản hồi, khi Tiên Chúa về đến Linh Tiêu, trước vào bái yết Phụ Hoàng, cùng Mẫu Hậu, rồi ra chào văn võ bách quan, sau đi thăm các vị Quần Tiên, cùng chị em trong cung Quảng thiệt là:
 
Bầu trời cảnh phật non tiên
 
Mới hay vui thú khác miền trần gian
 
Linh Tiêu ngày tháng thanh nhàn
 
Tràng sinh đơn nhược rõ ràng là đây.
 
 
 
MẪU GIÁNG SINH
 
(LẦN THỨ HAI)
 
1557 - 1577
 
Tại thôn Vân Cát, xã An Thái Huyện Thiên Bản, Phủ Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định có một người tên là Lê Thái Ông hiệu là Đức Chánh. Vợ Trần Thị Tự hiệu là Phúc Thuần, ăn ở rất hiền lành phúc đức, ngày làm việc thiện gì thì đêm thắp hương cáo với Hoàng Thiên, hậu Thổ trăm lần như một, đến năm bốn mươi tuổi, mới sinh được một người con trai đầu lòng đặt tên là Lê Lục.
 
Đức Lê Thái Ông nguyên dòng giõi họ Trần, nhưng sau gặp loạn Hồ Quý Ly và Trương Minh Phụ giết hại Trần Tôn Thất nhiều quá, nên phải cải họ Trần, ra họ Lê cho khỏi bị họa.
 
Đến năm đinh tý Thiên Hữu nguyên niên triều Vua Lê Anh Tôn (1557).
 
Lê Thái Bà có thai lần thứ hai, đã quá ngày sinh, mà chưa sinh được thường ngày các thức mặn không ưa, chỉ thích hoa quả mà thôi, trong nhà thấy thế, ngỡ là yêu quái nhiễu, bèn thiết đàn mời thầy phù thủy đến có trừ tà trị bệnh, nhưng không hiệu quả, lại tăng thêm.
 
Một hôm về tuần tháng 3 trời thanh trăng tỏ có một người chít khăn nâu áo vải, ra dáng đạo nhân, đứng ngoài cửa xin vào chữa bệnh, người nhà không cho vào người đạo nhân cười mà nói rằng:
 
"Ta đây có phép hành long phục hổ, xuất u nhập minh, thấy nhà người ăn ở hiền lành, mới vào cứu giải, sao nhà ngươi lại không cho vào."
 
Lê Thái Ông nghe nói liền mở cửa mời vào, người đạo nhân vào nhà, thì xõa tóc lên đàn, miệng niệm thông thiên thần chú, tay rút cái bùa ngọc trong tay áo ra, rồi ném xuống đất, tức thì Lê Thái Ông mê thiếp đi, bằng theo tay ngã xuống, thấy hai viên lực sĩ đầu đội nón dấu, mình mặc áo giáp, tay cầm hèo hoa, lại dẫn ông đi, thì ông cũng cứ theo đi, đường đi khúc khuất quanh co, càng lên càng cao, hết tầng này qua tầng khác, sắc trời mờ mờ như sáng trăng, trông không được rõ, Đức Thái Ông đi mãi đã mệt, không muốn đi nữa, bèn nói với hai ông lực sĩ ngồi nghỉ.
 
Nhưng hai ông không nhận lời, lại còn dục Đức Thái Ông đi gấp nữa, và nói rằng:
 
Kia kìa, cửa Kim Khuyết đã gần đến nơi rồi, mời ông chịu khó đi gấp kẻo trễ, hai ông lực sĩ vừa nói vừa dục, tay chỉ cho Thái Ông xem, Thái Ông bất đắc dĩ cũng phải theo, đi được một chốc nữa vừa đến, thấy một cái cửa làm toàn bằng vàng, sáng chói cả mắt, phía ngoài cửa ở tầng trên có hai con rồng chầu mặt nguyệt ở tầng dưới có hai con phụng ngậm quyển thư, ở tầng trong có hai con kỳ lân dỡn quả cầu, ở tầng dưới có hai con quy đội đồ bát quái, làm toàn bằng ngọc cả. Đức Thái Ông ngẫm nghĩ một hồi thì hai ông lực sĩ đem áo lại cho ông thay, lại đưa ngài qua chín tầng cửa nữa, mới đến một tòa nhà làm bằng mã não, hai người lực sĩ bảo ông đứng lại đó mà chờ, mấy phút sau, chợt thấy đám mây hồng dựng lên, mùi thơm ngào ngạt thấy ở trong đám mây bước ra một vị tóc bạc phau phau, khuôn mặt vuông chữ điền màu da đỏ thắm, đội mũ binh thiên, tay cầm ngọc như ý, mình mặc long bào, ngồi trên một chiếc long ngai bằng vàng để trên bệ ngọc, chung quanh mình có một đạo hào quang chiếu sáng rực rỡ, khắp một vùng trời, bốn phía có che cái tàng tía, hai bên có các quan đứng chầu, áo mão xiêm đai, văn quan võ tướng kể biết bao nhiêu, rất là nghiêm chỉnh, ở dưới trần thế Thái Ông chưa từng trông thấy.
 
Nhạc quân thiên bắt đầu tấu trước, khúc nghê thường chén gót múa sau, trên mâm lưu ly dâng quả bàn đào, của Đức Vương Mẫu trong bình đơn dược của Đức Lão Quân, hàng hà sa số châu bửu, không kể xiết.
 
Một lát, thấy một vị Tiên nữ áo hồng y vào làm lễ, bưng chén ngọc rượu chúc thọ, sẩy tay rơi xuống, lúc đó bên tả có một vị quan dở quyển sổ ngọc, biên vào ước chừng mười chữ, rồi thấy vị ngồi trên ngai rồng ở giữa, thịnh nộ lôi đình liền quở rằng, sao người không tròn phận sự giữa Đế Đình như thế.
 
Đoạn rồi có hai vị sứ giả, và mấy người thị nữ, dắt người Tiên nữ mặc áo hồng ra đi ngã cửa nam, có một người cầm tiên bài đi trước, trên kim bài có đề hai chữ Sức Giáng ở đoạn dưới có hai chữ Nam Nam ở dưới nữa thì có nhiều chữ nhỏ, vì Lê Thái Ông đứng xa trông không được rõ.
 
Lê Thái Ông quay lại hỏi hai ông lực sĩ rằng: "Đây là chỗ nào? đó là ai? và chuyện gì thế?" một người lực sĩ đáp rằng:
 
Đây là Thiên Đình, người ngồi giữa là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, còn người con gái mặc hồng y là Đệ nhị Quỳnh Nương bị trích giáng.
 
Người Lực sĩ vừa nói xong, thì ở phía sau tả và có một người quát hỏi, các ngươi làm chức tước gì, ở nơi nào dám tới đây, hai việc lực sĩ thưa rằng, chúng tôi là ngũ lôi thần binh, đến chờ chỉ, nói thế rồi hai viên lực sĩ lại đem ông về, lúc về thì bên thành trống đã tàn canh thì Lê Thái Ông lần lần tỉnh lại. Lê Thái Bà đã sinh đặng một người con gái rồi.
 
Mùi thơm ngào ngạt, ánh hào quang rực rỡ đầy nhà, ai cũng lấy làm vui mừng trong khi cả nhà đang vui mừng cười nói, xóm làng bà con xa gần đều đến viếng thăm mừng rỡ, hiện lúc đó, thì ông đạo nhân đã biến đi lúc nào không biết, ai nấy cho là sự linh cảm, ngợi khen và bái tạ ông đạo nhân.
 
Bữa đó chính là ngày giáp dần, giờ dần tháng ba (mùng ba tháng bính thìn), năm đinh tỵ niên hiệu Lê Thiên Hựu nguyên niên, triều vua Lê Anh Tôn (1557).
 
Lê Thái Ông tưởng đến sự xuất thần cho được trông thấy như thế, ắt là Tiên nữ giáng sinh, rất là mừng lắm, cho nên mới đặt con tên là Thắng hiệu là Giáng Tiên.
 
Nhà Lê Thái Ông sở dĩ mà được Đức Thiên Chúa bẩm sinh vào đó, là nhờ được ngôi mộ tổ, tam đại kết, ngôi mộ đó tọa khôn hướng cấn, ở xứ là hào, thuộc làng An Thái, huyện Vụ Bản.
 
Đức Tiên Chúa lớn lên, da trắng phau phau, tóc mây xanh mướt, mắt long lanh như thu ba, mày vòng cong hình bán nguyệt, nhan sắc dị thường, trần gian hiếm có.
 
Lê Thái Ông, cùng Lê Thái Bà yêu dấu như châu, như ngọc, cả ngày chỉ thay nhau bồng ẵm, tháng ngày thoi đưa, chẳng mấy chốc mà Đức Tiên Chúa lên 5 tuổi, thường thường Đức Tiên Chúa ra chơi nhà ngoài, hỏi Đức Thái Ông những chữ trên câu đối, Lê Thái Ông bày qua cho một lượt Đức Tiên Chúa nhớ suốt cả.
 
Lê Thái Ông thấy tư chất thông minh, mời bày cho vịnh phú ngâm thơ, và cho đi học, đến năm mười tuổi (1566) nào là ngũ kinh tứ thư, Đức Tiên Chúa đã thuộc lòng thông thạo, nói tóm lại Đức Tiên Chúa thông minh vốn sẵn từ trời, vả lại nhà Đức Thái Ông lại đông khách kẻ ra người vào, nên Đức Tiên Chúa không chuyên cần đặng sự học hành nghiên bút.
 
Đức Tiên Chúa liền xin phép Lê Thái Ông cùng Lê Thái Bà ra ở riêng một cái nhà ở vườn sau cho tịnh, để đọc sách ngâm thơ, hai thân liền chiều ý Đức Tiên Chúa.
 
Vì Lê Thái Ông cùng Lê Thái Bà thấy Đức Tiên Chúa thiên tự minh mẫn, nên đã làm sẵn cái nhà, đó là bản tâm để cho Tiên Chúa tịnh dưỡng, và tiện bề đèn sách.
 
Đức Tiên Chúa thường hay đề thơ vịnh phú, đọc sách gẩy đàn.
 
Một ngày kia Lê Thái Ông dạo chơi trước sân, bỗng nghe Đức Tiên Chúa gảy tiếng đàn thanh tao, văng vẳng như nhạc quân thiên ở trên Thiên Cung mà ông đã nghe trong mê thiếp, theo hai viên lực sĩ ngày trước đó.
 
Lê Thái Ông mới nghĩ rằng, con mình là người ở Thiên cung, thác sinh về nhà mình, là nhà trần gian sợ không nuôi được lấy làm lo cho tương lai của con, nghĩ thế, liền bàn với Lê Thái Bà rằng, con mình tôi sợ e khó nuôi, chúng ta nên đem gửi cho ông bạn là Trần Công làm nghĩa nữ.
 
Bàn thế, Đức Thái Ông cùng Thái Bà đồng ý, liền đem Đức Tiên Chúa gửi cho Trần Công, thì Đức Trần Công vui lòng nhận Đức Tiên Chúa làm nghĩa nữ.
 
Nguyên Đức Trần Công là một ông quan hồi hưu, giòng dõi Trần triều, kiều cư vào thôn Vân Cát, là quán của thân mẫu ngài. Sau khi Đức Trần Công đã bằng lòng nhận Đức Tiên Chúa làm nghĩa tử rồi, Đức Thái Ông làm cho Đức Tiên Chúa một cái biệt thự, ở sân gần bên vườn hoa, cho Đức Tiên Chúa ra đó ở cho thanh tịnh cố chăm nom đèn sách.
 
Không ngờ đó, về thôn Vân Đình cũng thuộc về làng An Thái lại có một nhà lão quan họ Trần không có con, nguyên một đêm kia, nhân khi nhàn hạ, gió mát trăng thanh, mới dạo gót ra vườn hoa chơi, tự nhiên gặp được người con trai, ở dưới gốc cây đào, ngài Trần lão quan liền đem vào nuôi mà đặt tên là Đào Lang.
 
Ngài xét thấy Trần Đào Lang thông minh dĩnh ngộ, diện mạo khôi ngô, Ngài liền cho đi học. Vì Trần lão Ông, cùng Trần lão Bà không có con cho nên thương chàng Đào Lang như con đã hết sức dạy vẽ đủ điều, chẳng bao lâu đã văn hay chữ tốt, tiếng tăm lừng lẫy khắp trấn Sơn Nam.
 
Đến năm quý dậu niên hiệu Gia Thái nguyên niên, Triều Vua Lê Thế Tôn (1573).
 
Chàng Đào Lang lên hai mươi tuổi, mà Đức Tiên Chúa đúng mười bảy tuổi, thường ngày Trần lão quan hay qua lại chơi nhà Đức Trần Ông, thấy Tiên Chúa nhan sắc tuyệt vời, thông minh quán chúng, bèn cậy người mối chước, tới Lê Thái Ông, và Đức Trần Công để cầu hôn cho chàng Đào Lang.
 
Song thân của Đức Tiên Chúa, và Đức Trần Công nghĩ rằng nhà họ Trần lão Công cũng giòng dõi trâm anh, mà chàng Đào học hành cũng nức tiếng, đã đồng hương, lại cân đối tài sắc nên hai thân của Đức Tiên Chúa cùng phụ dưỡng mẫu đều ưng thuận.
 
Nhưng Đức Tiên Chúa một hai không chịu, chỉ muốn thanh tu cho khỏi trần lụy, nhưng Lê Thái Ông, cùng Lê Thái Bà đôi ba lần khuyên giải, và nhất định hứa hôn cho chàng Đào Lang.
 
Tiên Chúa tự nghĩ đã xuống cõi trần, thôi cũng đành tạm kết duyên cho tròn kiếp, nên bất đắc dĩ cũng phải vâng lời cho đẹp lòng hai thân.
 
Đến năm mười tám tuổi, Đức Tiên Chúa bái biệt thân phụ, thân mẫu, cùng dưỡng phụ, dưỡng mẫu để vu quy với chàng.
 
Khi Đức Tiên Chúa từ giã song thân, trở về cùng với Lang quân, cử chỉ trong gia đình rất là nghi lễ, kính thờ, giữ đạo thần hôn, trong họ ngoài làng ai ai thấy đều khâm phục, đáng làm gương cho bạn nữ lưu: đạo đức, lễ nghi trinh thuần hiếu nghĩa, không thể tả đặng:
 
Được một năm Đức Tiên Chúa sinh được một người con trai, đặt tên là Trần Nhâm, mặt vuông tai lớn miệng rộng trán cao, thiệt là đúng trang hào kiệt. Những khi nhàn hạ, chàng Đào cùng Đức Tiên Chúa xướng họa thi ca, quang cảnh lạc thú trong gia đình ai thấy cũng khen ngợi.
 
Nhưng... than ôi! Tạo hóa trêu người, ông xanh cắc cớ không ngờ chưa vui sum hợp đã sầu chia phôi.
 
Đức Tiên Chúa tự nhiên không bệnh mà mất hưởng linh được hai mươi mốt tuổi, tạ thế ngày mùng ba giờ dần, tháng ba năm Đinh sửu, niên hiệu Gia Thái ngũ niên, triều Vua Lê Thế Tôn (1577).
 
Song thân, cùng dưỡng phụ, nhạc phụ đau lòng xiết nỗi thảm thương, làm lễ an táng rất hậu. Mộ Đức Tiên Chúa táng tại  cây đa bóng, ở làng An Thái. Kế đó, Đức Lê Thái Ông buồn sầu theo con, rồi lâm bệnh cũng tạ thế, mộ cũng táng tại đó, tọa càng hướng tốn. Triều vua Gia Long thứ tư, đổi xã An Thái làm xã Tiên Hương đến nay vẫn còn đền thờ Đức Tiên Chúa tại đó.
 
Tính từ khi Đức Tiên Chúa giáng trần lần thứ nhì, là năm đinh tỵ niên hiệu Lê Anh Tôn, Thiên Hựu nguyên niên (1557) cho đến năm Gia Thái Đinh sửu ngũ niên, triều vua Lê Thế Tôn là hai mươi mốt năm (1577) Đức Tiên Chúa từ khi thác hóa về chốn đế đinh, lấy sự trần duyên chưa mãn, trong lòng áy náy không nguôi.
 
Mỗi khi lên chầu điện Ngọc Hoàng, sầu ủ mày xuân, lúc hội tiệc Vương Mẫu, châu chan nét ngọc, các vị Quần Tiên thấy thế cũng thương tâm, mới tâu bày cùng Thượng Đế.
 
Đức Thượng Đế mới sắc phong.
 
"Liễu Hạnh Công Chúa" cho phép trắc giáng phi thường, tiêu diêu tự thích khỏi nỗi u sầu.
 
Lúc đó, tuân thừa mệnh lệnh, Đức Tiên Chúa về thẳng quê nhà thì ở dưới này đã giáp lễ đại tường của Đức Tiên Chúa.
 
Tức là năm kỷ mão, niên hiệu Quang Hưng nhị niên triều vua Lê Tế Tôn (1579).
 
 
 
 
THÁNH MẪU GIÁNG SINH
 
(LẦN THỨ BA)
 
1609 - 1610
 
Nguyên trước Đức Tiên Chúa giáng sinh lần thứ hai, hưởng thọ đặng hai mươi mốt năm, (21) tuổi, vừa tạ thế.
 
Khi lên chầu Đế Đình, thường thường Đức Tiên Chúa cứ sầu phiền sự trần duyên chưa mãn.
 
Đức Thượng Đế sắc phong "Liễu Hạnh Công Chúa", cho phép trắc giáng phi thường, tiêu diêu tự thích, Đức Tiên Chúa vâng mệnh lệnh về thẳng quê hương, hiện thân thăm tứ thân phụ mẫu, và lang quân, tử tức, cùng huynh đệ.
 
Chính là năm kỷ mão, niên hiệu Quang Hưng nhị niên triều vua Lê Thế Tôn (1579) tuy thế nhưng Đức Tiên Chúa hiển thân về thăm quê hương hai lần, rồi Đức Tiên Chúa vân du thiên hạ, khi ẩn khi hiện phi thường, lúc ngoạn cảnh danh lam, khi tiêu diêu bồng đảo, trong vòng ba mươi năm, về sau chàng Đào tái sinh lại tức là Mai Sinh, bấy giờ chàng Mai được hai mươi tuổi.
 
Đức Tiên Chúa mới giáng hiện, tái hợp với chàng Mai Sinh là đệ tam giáng sinh kể từ đó, tức là năm kỷ dậu niên hiệu Hoàng Định thập niên, triều vua Lê Kỉnh Tôn (1609).
 
Thế là Đức Tiên Chúa từ giã cảnh Tây Hồ qua núi Sóc Sơn Tỉnh Thanh Hóa, có một dãy núi toàn là cây đào xanh tốt dưới lại có một hòn đá vuông bằng phẳng, Đức Tiên Chúa mới lấy cành lá quét sạch, ngồi chơi, trông xem bốn bể cảnh trí thiên nhiên, không khác đào nguyên tiên cảnh, nhưng hiểm một nỗi vắng khách tri âm biết cùng ai ngâm thơ vịnh phú.
 
Đức Tiên Chúa lại gần bên khe nước ném hoa rụng mà chơi, bỗng thấy gã thư sinh, hình dung tuấn tú, cốt cách phi phàm thẳng đường Tây mỗ đi tới, Đức Tiên Chúa biết đích là Đức lang quân tái sinh mới đứng đường xa bảo rằng: "Tôi nhân đi chơi hội, vì quá vui chân bước tới đây, bây giờ quên cả lối về, may gặp quý khách qua đường, xin mang ơn chỉ giúp".
 
Gã thư sinh kia ngỡ là con gái giang hồ, không bằng lòng nên giả cách không nghe, rồi cứ rảo bước đi thẳng.
 
Nguyên gã thư sinh đó chính là chàng Đào Lang thủa trước nhân vì sầu uất cho nên lại tái sinh lần nữa, lần này tái sinh nhà họ Mai làng Tây Mỗ, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, chàng Mai Sinh tuổi mới hai mươi chí khí khác thường thông minh quán thế, song thân đều qua đời hết, anh em không có, nhà cửa lại nghèo, vợ con chưa có, ngày đó đi học về.
 
Không ngờ lại gặp Đức Tiên Chúa, tính ngài nghiêm chỉnh ghét sự nguyệt hoa, vả lại ngài không nhớ kiếp tiền sinh của ngài nên mới cự tuyệt.
 
Ngày bữa sau, chàng Mai Sinh đi học lại đi ngang qua chỗ đó, thấy có một mảnh giấy dán ở cây đào trong có bài thơ vịnh cây đào rằng
 
Diệm chất thiên nhiên bất giả tài
 
Phương tâm trinh thù kỷ niên lai
 
Khi dung trần tục đằng nhàn kiến
 
Trực đãi xuân quân thứ đệ khai
 
Tố nữ tương tri trường ngã chiếu
 
Phong di truyền tín vị thùy môi
 
Tảo tri lưu thủy vô tình luyến
 
Mạc tử phi hồng trục khách bôi
 
Dịch nghĩa:
 
Vóc đẹp trời sinh há sửa bày
 
Lòng thơm gìn giữ mấy năm nay
 
Dễ dàng mắt tục bao giờ thấy
 
Lần lượt mùi hoa đợi gió bay
 
Bóng nguyệt quen nhau sai đỏ mãi
 
Tinh xuân đưa mối đợi ai rày
 
Sớm hay giòng nước tình xao lãng
 
Nỡ để hồng rơi dục khách say.
 
Chàng Mai Sinh xem bài thơ xong khen rằng "thật là tài nhả ngọc phun châu, không ngờ giữa trần thế ở đây lại có tiểu thư nào tài tình đến thế, thật là đáng phục" khi đó chàng Mai Sinh liền họa một bài thơ rằng:
 
"Tạc kiến giao trì điện ngoại tài
 
Như hà Tiên chủng lạc trần lai
 
Mảng tiền phàm thảo nhàn vô ngữ
 
Độc bạn u lang không tự khai
 
Huyền quảng phong quang ung thủ tiếu
 
Chân môn cuồng đảng cảm thông môi
 
Tương phùng lâm hạ tăng trù trướng
 
Dục túy là phù nhất tửu bôi.
 
Dịch nghĩa:
 
Liếc mắt đền giao trước sẵn bày
 
Giòng tiên lưu lạc tới gì đây
 
Chán trông ngọn cỏ thầm nín
 
Riêng với mùi lang thoang thoảng bay
 
Đàn sáo xôn xao cười những thế
 
Bướm ong lợi lả dám đầu rày
 
Dưới rừng gặp gỡ càng vơ vẩn
 
Một chén non thần đã muốn say
 
Chàng Mai Sinh đề thơ xong, muốn đi tìm tiểu thư nhưng sợ đường đột quá, vả chăng bữa trước thì làm cao, nay đi chỗ này chỗ khác mà tìm cũng bất nhã, nên phải nén lòng mà về.
 
Lúc bấy giờ trời mưa dầm ngót đã mấy ngày lòng càng áy náy, chàng Mai Sinh liền làm luôn một bài thơ nữa cho thỏa tình khát vọng
 
Ngâm rằng:
 
Tài hà giai, tình hà hảo nhất phiến tài tình khiêu khách nào, khách nào kỷ thời hưu tương tầm bất phạ giao
 
Phong nhất hởi, vũ nhất chí, vu ta chỉ xích thành thiên lý, vũ bá phong đi nhất bạc tình, xuân sầu tịch mịch hộ thường khuýnh kỷ hồi mộng nhiễm đào nguyên lý, dục bả thiên kim mãi nhất tỉnh.
 
Dịch nghĩa:
 
Tài kia giỏi tình nầy hay, tài tình trêu người chi lắm nỗi, trêu nhau thế thế à, tìm nhau chẳng ngại xa, cơn mưa cầm cơn gió bấc hỡi ôi! gang tấc xa thăm thẳm, gì gió anh mưa tệ lắm thay
 
Buồn xuân vắng vẻ chốt thoan này
 
Nguồn đào xa thẳm chừng bao nhỉ?
 
Mưa tạnh nghìn vàng cũng muốn ngay.
 
Cách hôm sau mưa hòa gió tạnh, trời đất quang minh chàng Mai Sinh đi ra vẫn tưởng bài thơ chàng đề bữa trước bị mưa phai lợt, chẳng biết tiểu thư đã đọc đến cho chăng, khi chàng đến nơi xem, thì hoa đào tươi thắm, như lúc chưa mưa, bài thơ nét mực như y, mà người ngọc bây giờ không thấy, chàng Mai Sinh lại đem thơ trước họa lại thêm một bài nữa rằng:
 
Vạn chủng tương tư trần nhất tài
 
Tấm phương nhẫn phụ thử phiêu lai
 
Sổ hàng cẩm tự nhân như tại
 
Nhất trận xuân phong họa chính khai
 
Thủy cổ trùng mông, quân hữu ý
 
Khiêu kỳ thắc hận ngã vô môi
 
Vu ta kỳ ngộ thành ô hữu
 
Sầu hải mang mang tiếp độ bôi.
 
Dịch nghĩa:
 
Trăm mối sầu riêng những rỗi bày
 
Một phen nỡ phụ tới tìm đây
 
Người in chữ gấm đôi hàng mới
 
Hoa bán mùi xuân một trận bay
 
Dạ ngọc ân cần khen đó cũng
 
Tin sương ngơ ngác giận ta rày,
 
Than ôi! gặp gỡ còn đâu thấy
 
Man mác bể sầu mượn chén say
 
Chàng Mai Sinh họa bài thơ vừa xong, bỗng nghe trong rừng có tiếng chào hỏi.
 
Chàng Mai Sinh ngoảnh ra xem, thấy Đức Tiên Chúa khôn xiết nỗi mừng, liền đến trước thi lễ mà thưa rằng:
 
Ngày trước được mong ân Đức Tiên Chúa có lòng hỏi đến, bần sanh này lấy làm cảm tạ nhưng mắt trần không biết dạ tục rất ngây hồi tỉnh lại lúc đầu gặp gỡ, thơ sanh mong ân chẳng xiết không ngờ hôm nay Tiên nữ còn đoái tưởng đến hàn nho mà cho tái ngộ không biết quả phúc thế nào nay được như vậy.
 
Đức Tiên Chúa mời chàng Mai Sinh ngồi trên một tảng đá trắng, bằng phẳng như bức ghế cẩm thạch, chàng Mai Sinh ngồi đoan toạ, Đức Tiên Chúa quỳ xuống thưa rằng:
 
“Thiếp cũng con nhà khuê các, ở nơi cạnh Huyện này, song thân đều tạ thế, nhà cửa tiêu điều, không được bằng ai, nên phải lánh chốn phồn hoa, vào nơi lâm tuyền tịch mịch, may nay thiếp gặp người kiệt sĩ chân nho, nên tỏ ý giao cầu, nếu chàng không ngại gần xa, cho tiếp kiết nghĩa trăm năm thế là ba sinh hương lửa”.
 
Chàng Mai Sinh nghe thấy bấy nhiêu lời trân trọng, đính ước trăm năm, rất là cảm tình.
 
Liền nói lại với Đức Tiên Chúa rằng:
 
Đa tạ Tiên Nữ có lòng hạ cố, chẳng phụ kẻ hàn nho, nhưng song thân tôi đều mất sớm, anh em chẳng có nhà cửa lại sơ sài thanh đạm, chỉ một mình theo việc bút nghiên.
 
Nương thân cửa Khổng, bây giờ Tiên Nữ đã có lòng đoái tưởng, tôi đâu dám phụ lòng.
 
Nhưng xin Tiên Nữ miễn chấp cho tôi sẽ liệu bề mai mối.
 
Khi đó Đức Tiên Chúa nghiêm nét mặt mà thưa rằng: hai bên song thân quá cố, họ hàng thân thích đều không, biết lấy ai mà cậy người mai mối.
 
Thế đôi bên “Thiết bán bái yết Thiên Đình để xin kết duyên cầm sắt”.
 
Đức Tiên Chúa thưa xong bấy nhiêu lời, kể vịnh một bài như vầy:
 
Thơ rằng
 
Thiên thọ đào hoa hậu độ tài
 
Lưu lang hà hạnh hữu trùng lai
 
Bách niên duyên trái hoàng thiên thập
 
Vạn hộc u sầu tận bãi ???
 
Thuỳ vị xích thằng đồ lãng ngữ
 
Ưng tri hồng diệp thị lương môi
 
Cao châm tự cổ đa tiền định
 
Mạo oán Thiên Đình truỵ ngọc bôi
 
Dịch nghĩa:
 
Mấy cụm đào hoa vắn lạ bày
 
Chàng Lưu nay lại trở về đây
 
Trăm năm duyên nợ đành xong hẳn
 
Muôn hộc u sầu cũng xoá bay
 
Duyên bén tơ hồng ai bảo chẳng
 
Mối đưa lá thắm bấy lâu nay
 
Cảo chấm định trước từ xưa vậy
 
Chờ oán sân trời vỡ chén say.
 
Chàng Mai Sinh nghe đến câu kết, mới hỏi nghĩa làm sao có chữ “Thiên Đình” với chữ “ngọc bội”.
 
Đức Tiên Chúa thưa lại rằng, việc này sau sẽ biết, bây giờ tôi không dám thưa rõ, chàng Mai Sinh nghe vậy không dám hỏi nữa, liền theo nguyên vận họa lại, thơ rằng:
 
Làm ngọc hà duyên, cảm chủng tài
 
Hỷ phùng giai ngẫu tự thiên lai
 
Tích niên thu giạ ngân kiều cách
 
Kim nhật xuân viên ngọc toản khai
 
Xương thế tảo phùng phi phụng bộc
 
Ngự băng bát giả lịnh cô môi
 
Hàn nho giao bào tương hà nhi
 
Nguyện bả tân thi tạ nhất bôi
 
Dịch nghĩa:
 
Lam ngọc duyên đầu, dám chắc mà
 
Lứa đội may gặp tự trời cho
 
Xưa cầu ngân hán còn ngăn lại
 
Nay khoá vườn xuân đã mở ra
 
Bói hộp điềm lành, tin phủ đỏ
 
Vắn đưa lời mối mặc ta hồ
 
Lấy gì tỏ giải lòng cho được
 
Xin mượn tơ tình tạ chén say.
 
Đoạn Đức Tiên Chúa với chàng Mai Sinh hai ngài chỉ non thề ước, lạy tạ cao xanh.
 
Bây giờ hai ngài mới kết duyên cầm sắc, một nhà sum họp. Khi ăn nói lúc lễ nghi, xem trông âu yếm đều cùng kính yêu.
 
Đó là Đức Tiên Chúa giáng sinh lần thứ ba, tái hợp với chàng Mai Sinh, là năm Kỷ Dậu, tháng hai trọng xuân, nên hiệu Hoàng Định thập niên triều Vua Lê Kính Tôn (1609).
 
Lúc bấy giờ chàng Mai Sinh đã phối hợp được vợ đã phong tư diêm thế, sắc tướng nghiêm trang, rồi từ đó về sau cầm sắc hoá mình, khuê phòng lạc thú, cho nên có ý xao lãnh sự học hành, không được chuyên cần như trước nữa.
 
Đức Tiên Chúa thấy thế không bằng lòng, một hôm Đức Tiên Chúa dệt vải đã khuya mà vẫn cứ dệt để chờ Đức Mai Sinh đi chơi về. Đức Tiên Chúa mới lấy rượu ra ngồi đối ẩm. Đức Mai Sinh vô tình không biết Đức Tiên Chúa không bằng lòng nên mới bảo Tiên Chúa rằng:
 
“Đêm nay trăng thu vằng vặc, cảnh sắc xinh tươi, trên trời nhị thập bác tú phân minh, Đức Tiên Chúa có nhớ ở chốn Thiên Tinh chăng nhỉ.
 
Đức Tiên Chúa nghe Đức Mai Sinh nói đến nhị thập bát tú, nên nhân đó lấy hai mươi tám vị sao làm một bài thơ khuyên phu quân.
 
Thơ rằng:
 
Nữ nhan thuỳ vị viễn thơ phong
 
Tất bả nguỵ tâm định chủ trương
 
Lân chẩn thất hư phân bích diệm
 
Nguyệt đê mảo giác tá lâu quang
 
Liễu văn tinh bính tu sâm cứu
 
Cơ truyện ngưu mao ý tinh tường
 
Thuỷ thổ khuê hàm tranh quỷ đẩu
 
Vũ môn nhực vỉ sầu dương cang.
 
Dịch nghĩa:
 
Nữ nhan sắc có ở thơ phòng
 
Giữ vững lòng siêng để chủ trương
 
Bên xóm đèn giong tia giọi đến
 
Góc lầu trăng xế bóng soi ngang
 
Thể văn ông Liễu nên xem kỹ
 
Lối truyện chàng Cơ phải xét tường
 
Mở miệng thơ hay tranh giải nhất
 
Vũ môn vùng vẫy chí thêm hăng.
 
Đức Mai Sinh nghe thơ biết là Đức Tiên Chúa làm thơ đó có ý khuyên mình chăm học, nên họa lại một bài văn cũng dùng hai mươi tám vị sao.
 
Thơ rằng:
 
Thôn ngưu quật tinh chí phương cang
 
Cơ thụ sâm truyền dĩ tất tường
 
Đẩu thất bích để kinh quy đởm
 
Nguy lâu khuê vịnh động tinh quang
 
Giác tài thùy vị để đường Liễu
 
Nhựt mảo đa tâm vi hán trương
 
Tố nữ thanh hư ưng chẩn ngả
 
Quế chi nguyệt chủy tống văn phòng.
 
Dịch nghĩa;
 
Nuốt trâu đào giếng chí đương hăng
 
Kinh truyện Cơ, Sâm đã biết tường
 
Chữ vách đề xong hồn quỷ khiếp
 
Thơ lầu ngâm đoạn bóng sao ngang
 
Thi tài ai bảo thua ông Liễu
 
Giúp sức ta nào kém họ Trương
 
Ả Tố sẵn lòng thương ta nhỉ
 
Thì đem cành quế tới văn phòng.
 
Đức Tiên Chúa nghe Đức Mai Sinh họa thơ xong, liên nói rằng:
 
Kẻ nho nhã học cho cách vật tri tri thông kim bát cổ để ra thi thố với đời, lập nên sự nghiệp. Còn như học lấy văn chương phù phiếm vịnh phú ngâm thơ chẳng sai lắm ru, xin phu quân tỉnh ngộ.
 
Đức Mai Sinh hai ba lần tạ lỗi nói rằng: “Tôi sức hèn tài mọn, đãng trí phóng tâm may nhờ hiền thê nhắc nhủ”
 
Đức Tiên Chúa nghe nói biết là đức lang quân hối quá lấy làm vui mừng nên lại chuyện trò xướng họa cùng nhau đến khi trăng lặn mới nghỉ.
 
Được hơn một năm, Đức Tiên Chúa sinh được một người con trai đặt tên Mai Cổn thông minh dỉnh ngộ, diện mạo khôi ngô thế gian ít có. Sang năm sau Đức Mai Sinh đi thi đậu cả Hương và Hội, sung vào Hàn Lâm Viện rồi bổ ra làm quan. Tính ngài giản dị cho nên công việc cũng rảnh rang thường thường cùng Đức Tiên Chúa uống rượu ngâm thơ bên xướng bên họa như gấm dệt như hoa thêu.
 
Cảnh lạc thú trong gia đình Đức Tiên Chúa diễn ra như thế, được gần một năm thì hết.
 
Một hôm về cuối mùa đông, khí trời rét mướt Đức Mai Sinh cùng Đức Tiên Chúa ngồi đối diện bên cạnh lò lửa chuyện trò rất là tri kỷ ân nghĩa mặn nồng thiệt là tâm đầu ý hợp.
 
Đột nhiên, nước mắt Đức Tiên Chúa chảy xuống như mưa, bức tức nghẹn lời nói không ra tiếng. Đức Mai Sinh lấy làm ngạc nhiên hỏi cớ làm sao, Đức Tiên Chúa thưa rằng:
 
“Thiếp đấy là Thiên Đình đề nữ chỉ vì lỡ tay rơi chén ngọc, nên phải tạm trích xuống trần. Thiếp đã cùng phu quân tác hợp một kiếp trước rồi, nhưng trần duyên chưa mãn kiếp này lại tái hợp lần nữa nay trích kỳ đã hết Thiếp phải phụng mạng về trời.
 
Nhưng thảm thay… thiếp nghĩ đến phu quân gối chiếc chăn đơn, khuya sớm không ai hầu hạ, nghĩ đến con thơ đầu xanh tuổi trẻ ngày đêm ai kẻ bế bồng, thì lòng thiếp không nguôi cơn giận, khó nỗi khuây sầu.
 
Thôi … nhưng… mà … ly hợp bởi trời, hoan bi thường sự bây giờ dẫu phiền sâu cho ra tóc bạc, mà khóc cho chảy máu đào, cũng là vô ích.
 
Vậy thiếp kính lạy phu quân, xin phu quân đừng quá thương tâm mà không giữ nổi mình vàng vóc ngọc.
 
Huống chi con còn măng sữa, anh em chẳng có một ai bây giờ thiếp phải về chầu Thiên Cung, chỉ có một mình phu quân khi đau ốm, lúc sầu phiền lấy ai là người giúp đỡ xin phu quân nghĩ lại thiếp cũng biết sinh ly tử biệt, thê thảm nhường nào kể sao cho xiết, thử cảnh thử tình để cho phụ quân trăm bề thống khổ lòng thiếp thê thảm trăm đường cũng như phu quân vậy”.
 
Đức Mai Sinh nghe nói, mất vía hồn kinh chân tay rời rã rồi nói rằng:
 
“Tiên trần xa cách may được kết duyên nghĩa vợ chồng lẽ nào mà quên được ôi sao mà dễ hợp dễ ly như thế”
 
Đức Tiên Chúa thưa rằng:
 
“Thiếp thờ phụ quân đã bao nhiêu nay, xin phu quân lượng xét, thiếp không phải ham nơi bồng đảo mà quên nghĩa tào khang nhưng kỳ hạn quy tiên đã bức cận, thế không lưu lại được nữa”, Đức Mai Sinh nghe Đức Tiên Chúa nói dứt lời thì Đưc Mai Sinh lấy làm kinh hoàng nức nở khóc không nói phô gì được nữa. Đến cuối canh ba khi giờ sửu Đức Tiên Chúa bồng con đến trước mặt Đức Mai Sinh, Đức Tiên Chúa khuyên giải một hồi rồi cúi xuống lạy Đức Mai Sinh hai lạy để xin từ biệt; lạy rồi cầm lấy tay Đức Mai Sinh khóc nức nở tình cảm thê thảm Đức Tiên Chúa hết sức đau lòng.
 
Bỗng nghe có tiếng xe loan đã đến gần trước thềm nhà Đức Tiên Chúa lại phải giải ít lời nữa rồi bồng con trao lại cho Đức Mai Sinh.
 
Đức Tiên Chúa quá đau đớn nắm tay Đức Mai Sinh và tay con một cách thê thảm vô hạn… kế lạy Đức Mai Sinh mà bái biệt.
 
Đức Mai Sinh muốn níu lấy vạt áo nhưng chỉ thấy ánh hào quang rực rỡ, thơm ngát cả nhà, Đức Tiên Chúa không còn ở đó nữa Đức Mai Sinh xót ruột đau lòng quá bổ nhào xuống đất ngất đi một hồi mới tỉnh.
 
Thế là Đức Tiên Chúa bái biệt Đức Mai Sinh khi đó hóa ra đạo hào quang sáng rực mà đằng không nhi thượng cả chơn hình tức là hạ tuần tháng chạp năm canh tuất niên hiệu Hoàng Định thập nhất niên, triều vua Lê Kính Tôn (1610) là hơn một năm.
 
Từ đó trở đi Đức Mai Sinh ngày đêm rầu rĩ chiều sớm nhớ thương, rượu không uống thơ không ngâm việc quan phế trễ.
 
Thường thường than rằng:
 
“Phàm người ta đi học ra làm quan, trên là vì nước, dưới vì nhà, như ta đây đã không có tài kinh bang tế thế, và trên không có cha mẹ, dưới không có vợ và anh em lại đeo lấy cái lụy đọc túc cô phòng thế là có phải vì sự ăn mặc hay sao mà con đeo vào vòng danh lợi”.
 
Nghĩ vậy rồi dâng sớ xin về hưu về làm một cái nhà giữa rừng đào khi xưa đã gặp Đức Tiên Chúa để dạy con thành tài trọn đời ở vậy.
 
 
THÔNG TÍNH KHI GIÁNG KHI THĂNG
 
(Lần thứ ba)
 
 
 
Tính từ khi Đức Tiên Chúa giáng hiện lần thứ ba tại Sóc Sơn ở Tỉnh Thanh Hóa, tái phối với Đức Mai Sinh là tháng hai năm kỷ dậu, niên hiệu Hoàng Định thập niên, triều vua Lê Kính Tôn (1609).
 
Cho đến khi Đức Tiên Cháu bái biệt Đức Mai Sinh mà lên Tiên Cung là hạ tuần tháng chạp năm canh tuất niên hiệu Hoàng Định thập nhất niên triều vua  Lê Kính Tôn (1610).
 
Thế là lần thứ ba Đức Tiên Chúa tái phối hợp với Đức Mai Sinh hơn một năm rồi quy đế hương. Nói về phần Đức Tiên Chúa khi lên Linh Tiêu, tâu với Đức Thượng Đế rằng: “Cái án trích giáng trần của con nay đã hết hạn nhưng con nhớ nghĩa ba sinh, tình duyên chưa đoạn, cúi đầu lạy xin phụ hoàng ban cho đặc ân giáng bất thường để được vãn lai trần giới”.
 
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế xét thấy hai lần Đức Tiên Cháu bị tình duyên lỡ dở nghĩ cũng thương tình nên chuẩn tấu.
 
Rồi đòi nhị vị Tiên Nương một vị em dâu Đức Tiên Chúa một vị cháu Đức Tiên Chúa[1] rồi ngài phán rằng:
 
“Phen này Quỳnh Hoa (Tên Đức Mẫu) xuống trần tất có sự hay bây giờ ta cho hai Nương đi theo để giáng phúc cho dân.
 
Đức Tiên Chúa và hai vị Tiên Nương đó đều lạy tạ ân đức Thượng Đế rồi đằng không xuống.
 
 
ĐỨC TIÊN CHÚA VÀ HAI VỊ TIÊN NƯƠNG HIỂN THÁNH
 
 
 
Phố Cát tỉnh Thanh Hóa chỗ đó rừng xanh cây tốt cảnh trí thiên nhiên, ba Ngài mới hiển linh ở đó, dân thôn kinh sợ bèn thiết lập đền thờ.
 
Khoảng năm niên hiệu Dương Hóa thứ nhất ất hợi triều vua Lê Thần Tôn (1635), khách bộ hành đi qua lại trước đền thờ đó không có lễ phép và không xuống ngựa xuống võng đều bị ba ngài khiển trách chết không biết mấy.
 
Lúc đó triều đình ngỡ là yêu quái, Sắc minh cho ông Trịnh Hoàng Phúc đem một đạo binh tới đó từ yểm.
 
Trịnh Hoàng Phúc cũng sợ khó lòng làm nổi nên mời một ông thấy Phù Thủy có danh tiếng trong nước vào đó họa phù yểm trước rồi mới cử binh đi sau.
 
Thấy phù thủy cùng bốn người đạo tràng vừa vào đến Đèo Ngang (gần hạt Phố Cát) thì gặp một bà già chống gậy trúc đi lom khom bên đường thầy phù thủy hỏi rằng:
 
“Thưa bà nghe nói ở đây có một con yêu tinh thường hay quấy nhiễu nhân gian lắm phải không?”
 
Bà lão đáp rằng: “phải nhưng ông hỏi làm gì” thầy phù thủy nói:
 
“Tôi là Pháp sư ra đây để trừ yểm con yêu tinh đó cho dân gian khỏi bị tai hại vì tay nó nữa”.
 
Bà lão lại cười “Chớ, ông phải coi chừng với con yêu tinh đó nó cao phép lắm, chưa chắc ông trừ được nó lại nguy hiểm đến tánh mạng nữa, tôi khuyên ông về thì hơn.” Pháp sư nói:
 
“Bà lão không phải lo gì chuyến này nó sẽ biết tay tôi”.
 
Bà lão nói “Pháp sư ơi, con yêu tinh đó kia kìa, chính nó đã hiện ra cô gái đẹp đương đi lại đó ông phải lo mà chạy kẻo khốn”.
 
Bà lão vừa nói vừa chỉ tay ra đằng xa, Pháp sư ngó theo không thấy gì cả đến khi ngoảnh lại để hỏi bà lão, thì bà lão đâu chỉ thấy một cô gái thật đẹp ngó Pháp Sư mà cười một cách rất kiêu ngạo Pháp sư nói giận nói:
 
À mày dám hỗn với tao à, nói xong niệm chú bắt quyết liên thiên, mà cô gái vẫn cứ ung dung đứng cười như trước, Pháp sư càng ấn quyết thì cô gái lại càng cười thêm Pháp sư tức giận quá rút thanh gươm ra chém cô gái đó cứ từ từ đi thụt lùi.
 
Pháp sư chạy theo hết sức cũng không kịp chỉ cách nhau vài thước mà thôi, Pháp sư cố gắng hết sức bình sinh chạy đuổi cho kịp không ngờ khi lại gần đến nơi thì vấp phải hòn đá chẹn ngang đường ngã lăn xuống đó sặc máu chết tươi còn cô gái thì biến mất.
 
Mấy người đạo tràng đi theo Pháp sư thấy vậy kinh hoàng liền về bẩm với Trịnh Hoàng Phúc khi đó Trịnh Hoàng Phúc trong lòng bối rối tấn tiến thoái lưỡng nan như đi thì sợ Đức Tiên Chúa làm chết còn về e triều đình bắt tội. Sau khi đã tam tư tái tư rồi, ông quyết lòng đi vì trước đó đã khỏi trái vương mệnh mà sau khỏi bị nhục với triều đình dầu có chết cũng vinh.
 
Nghĩ vậy nên quyết chí cử bình đi khi đi đường gần Đèo Ngang thấy xác Pháp sư còn nằm ở đó, chẳng có hòn đó nào nằm chắn đường cả, quân lính thấy thế lấy làm kinh hoàng lắm.
 
Khi đạo quân đi đến Phố Cát thì Trịnh Hoàng Phúc ra lệnh đốt phá đền miếu tức thì tên bắn mù trời sấm vang dậy đất, non sông biến sắc, cầm thú kinh hoàng, trong chốc lát tòa Đền ra tro, không có một mảy may gì cả, đốt Đền xong Trịnh Hoàng Phúc và quân linh vẫn bình yên vô sự.
 
Cách vài tháng sau cả hạt đó mắc chứng ôn dịch người và súc vật chết không biết mấy dân thôn mới lập đàn cầu đảo khi đó đột nhiên có một tiếng rồi bảo rằng:
 
“Ta đây là Liễu Hạnh Công Chúa giáng ứng linh đồng bảo cho các người biết chúng người phải tấu với triều đình sửa lại Đền miếu hương hỏa phụng tự nếu không nghe lời chúng người còn bị hại nữa” trong dân thôn có người hỏi:
 
“Tâu Công Chúa, như Ngài quả thiệt linh ứng sao ông Trịnh Hoàng Phúc đem binh ra đốt phá Đền Ngài, Ngài lại không làm hại còn như chúng con không có tội gì Ngài lại trách phạt là nghĩa làm sao?”
 
Người đó vẫn đứng trên hương án nói “Ta không phải là không thiêng mà cũng không phải sợ gì Trịnh Hoàng Phúc nhưng ta không muốn làm chết ai là vì Trịnh Hoàng Phúc phụng mạng Vương Mạng mà phá Miếu Đền chứ không phải lòng nó muốn thế như ta giết nó ta mang tiếng chống vua, nên ta không muốn giết còn quân lính thì theo quân lệnh mà làm chớ cúng có dám ngạo mạng gì mà trị tội cho đàng.
 
Còn chúng người tuy không đốt phá nhưng vì quá ngu xuẩn há mấy lâu nay lại không biết chị em ta hiển ứng ở đây sao? Lại còn ngờ là yêu quái để đến nỗi triều đình phải sai quan quân ra đốt phá Đền ta cho ta mang lấy tiếng bởi thế ta mới trị tội các ngươi vì lẽ đó”
 
Người đó nói xong thì bổ ngửa xuống đất một hồi mới tỉnh (người đứng trên hương án truyền đó tức là Đức Tiên Chúa giáng đồng vào người đó)
 
Lúc bấy giờ dân thôn vâng lời cử mấy ông Hương lão tới cửa Đế Đô để tâu bầy lai lịch sự linh ứng của Đức Tiên Chúa.
 
Vua mới sắc hạ cho sửa Đền Miếu lại rất là nguy nga tráng lệ.
 
 
ĐỨC TIÊN CHÚA HIỂN ỨNG, VUA LÊ THẦN TÔN SẮC PHONG THƯỢNG ĐẲNG THẦN
 
(Từ đây làm đầu)
 
Ngài sắc phong Đức Tiên Chúa:
 
“Mạ vàng Công Chúa, Thượng đẳng tối linh tôn thần.
 
Sắc phong tại năm Lê Thần Tôn Dương Hòa ất hợi nguyên niên (1635)
 
Từ đó phương dân nhờ phép Đức Tiên Chúa gia hộ lại được yên tịnh như thường ai có cầu đảo việc gì thảy đều linh ứng.
 
Đến năm Nhâm ngọ niên hiệu Dương Hòa thứ tám (1642) về tiết thanh minh, Vua Thần Tôn lập ra một hội thi bách Thần thượng đẳng, để cho biết sự linh hiển của các vị Thần Tiên.
 
Trước một tháng lệnh truyền ra khắp trong nước, thỉnh bách Thần thượng đẳng hội tại Điện Kiến Trung dự thi. Đến bữa thi Vua Lê Thần Tôn ngự trên ngai vàng để giám sát hai bên linh cẩn tín, và thị vệ mang gươm cầm kiếm đứng chầu ngoài sân rồng ở chính giữa đặt một giãy hương án để cho bách Thần tựu hội; có đủ lọng vàng tán tía bửu kiếm long đao hương thắp đèn chong trầm hương ngào ngạt hai bên sân văn võ bá quan áo mão cân đai đứng chầu để thị hành khảo thí trông rất là oai nghi lẫm liệt.
 
Đến giờ thi Vua truyền nhắc ra hai con trâu một con đen một con trắng và phán rằng:
 
“Hễ nghe dứt một hồi chiếng và trống vị thần nào làm chết được hai con trâu là trúng tuyển”
 
Đoạn rồi lần lượt xướng danh hiệu vị nào vào thì đánh một hồi chiêng trống xong mà hai con trâu không chết thì lại xướng qua danh hiệu vị Thần khác. Từ giờ mão cho đến giờ tỵ mà chưa có vị Thần nào trúng tuyển, vị thì chưa vật đổ được con nào vị thì mới đổ được một con mà trống chiếng đã hồi.
 
Đến lần xướng đến danh hiệu Đức Tiên Chúa thì thấy tự nhiên gió thổi mưa sa sấm vang chớp dật mù trời mịt đất vừa dứt hồi chiêng hai con trâu nằm lăn ra chết đầy mình hai con trâu hơn vài trăm dấu vằm chém.
 
Vua phê Đức Tiên Chúa trúng tuyển Giải Nguyên.
 
Tức thì trời quang mây tạnh, hai con trâu lại được phước sanh như trước.
 
Vua và bá quan ai cũng lấy làm kinh dị sau vua lại truyền cho tung lên một cây lụa điều phán rằng làm thành năm cái áo đưa xuống Đức Tiên Chúa làm như lời.
 
Vua nhận thấy năm cái áo đưa xuống rồi vua lại tryền tung năm cái áo lên hẹn kết thành cây lụa đưa xuống thi Đức Tiên Chúa cũng làm hoàn thành cây lụa đưa xuống, Vua nhận xem cây lụa như xưa rất là kinh dị.
 
Vua khen ngợi Đức Tiên Chúa rất là anh linh hiển ứng nên kinh phục Tức thì Vua bèn phong cho Đức Tiên Chúa là:
 
“Thượng thượng thượng đẳng tối linh, vị bách Thần chi thủ”.
 
Đức Tiên Chúa liền hiện ra giữa không trung, một bức tường vân ngũ sắc như bức hoành thủ quyển đề bốn chữ địa tự:
 
“Thánh thọ vô cương” dưới đề sáu chữ nhỏ.
 
“Tiên Chúa mạ vàng kính tạ” Vua và văn võ triều đình ai ai cũng trông thấy bức mấy cứ đứng lưng chừng trước cửa Ngọ Môn hơn ba giờ mới tan, thần dân ai ai cũng kính phục, và khen ngợi tán dương sự linh ứng của Đức Tiên Chúa không thể tả cho hết được.
 
Sau đến đời Vua Lê Huyền Tôn niên hiệu Cảnh Trị có bọn mọi Xiêm làm loạn.
 
Vua sai Quận Công là ông Phan Văn Phái đi tiễu trừ, nhưng thế giặc hùng dũng quá khó nỗi phá tan được.
 
Ông Phan Văn Phái khi cử binh đi đến đèo Ngang (thuộc hạt Ninh Bình) ghé vào Phố Cát đền thờ Đức Tiên Chúa làm lễ tham yết mật nguyện âm phò mạc hựu rồi mới xuất quân, khi ông Phan Văn Phái kéo quân đến mặt trận lúc giao phong thì đột nhiên thấy ù ù sấm chớp gió cuốn cát bay nghe tiếng hò hét trên không trung rất là dữ dội!
 
Ngài và quân lính lấy làm kinh hoàng tuy vậy nhưng tự nghiệm biết đích rằng mình có cầu nguyện với Đức Tiên Chúa giúp sức nên truyền quân tấn công mới tấn công giây phút mà quả nhiên đã phá tan quân giặc.
 
Bây giờ ông Phan Văn Phái bảo với quân lính rằng chúng ta không tài giỏi gì đây là toàn nhờ Thần oai lực của Đức Tiên Chúa đánh tan quân giặc này.
 
Lúc đó ông Phan Văn Phái với quân tướng đều cảm phục và vọng không bái tạ ơn Đức Tiên Chúa rồi kéo quân khải hoàn..
 
Khi về đến Kinh Đô liền tâu chuyện mình vào Đền Phố Cát cầu nguyện Đức Tiên Chúa với Triều Đình và kể rõ lại khi xuất trận và oai linh của Đức Tiên Chúa hiển hiện phá tan quân giặc thế nào, để triều đình nghe rõ.
 
Vua Lê Huyền Tôn nhớ tới công Đức Tiên Chúa:
 
“Hộ quốc binh nhung” liền hạ chiếu gia phong:
 
“Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương” và sắc phong cho ba tổng sở tại đó.
 
NGƯỜI ĐỜI TÔN XƯNG ĐỨC TIÊN CHÚA LÀ THÁNH MẪU TỪ ĐÂY
 
Khỏi phải nạp sưu thuế đăng lính để phụng sự muôn thu từ đó về sau linh ứng dị thường ai cầu chi được nấy cho nên người đời cảm cái công đức to lớn mới gọi Đức Tiên Chúa là Thánh Mẫu.
 
Lúc bấy giờ Đền Phố Cát là anh linh hiển ứng quan thân sĩ thứ và am nữ đính hương lễ bãi liên lạc không ngớt.
 
Vậy nên đền Phố Cát càng lâu càng huy hoàng tráng lệ đến hiện bây giờ lại càng tăng quảng miếu điện thêm nhưng dấu tích tự triều Lê Thần Tôn sáng lập vẫn còn y cựu sau phương dân chỉ trùng tu.
 
Đền Phố Cát thuộc về huyện Thạch Thành ở Thanh Hóa ngang qua núi triệu Tường đi lên ngôi đền ở giữa quả núi như hòn non bộ chung quanh rừng rậm suối trong.
 
Trước tòa đền có một cái suối sâu chảy bao ở trước thông ra đền Rồng trước đền ở dưới suối có thứ cá như là cá gáy (cá chép) miệng đỏ đuôi như hoa sen nhiều lắm độ hơn vài ngàn con.
 
Cá đó gọi là cá Thần, chầu trước đền, không đi đâu mà chẳng ai dám bắt một sự cá đó cũng làm linh dị.
 
Trong lúc đó Đức Thánh Mẫu lại hiển tích ở núi Sòng Sơn cũng thuộc về Thanh Hóa rồi dân thôn lại lập lên ngôi đền nữa rất là tráng lệ đến bây giờ vẫn tăng huy hơn. Đền đó gọi là Đền Sòng, đến nay cách tỉnh Thanh Hóa đi ra ba mươi lăm cây số.
 
Sự linh ứng Đền Sòng cũng như Phố Cát, ở tỉnh Thanh Hóa đền thờ Đức Thánh Mẫu rất nhiều nhưng chỉ Đền Phố Cát và Đền Sòng rất là danh tiếng thứ nhất.
 
Rồi kế đến Đền Dâu và Đền Rồng Đức Thánh Mẫu giáng linh tại hai ngôi Đền đó rất là hiển ứng đến hiện bây giờ linh lại càng linh.
 
Từ đó về sau khôn nghi đại trứ viễn chấn linh thanh nên cả xứ Bắc Kỳ gia gia phụng tự xứ xứ lập từ nhân dân thờ tự Đức Thánh Mẫu rất là kính thành, đã cảm công đức Ngài mà lại kính thương Ngài như là con thương mẹ đẻ.
 
Vì Ngài đã chí hiếu, lại chí trinh là một điều kính phục thiệt đáng làm gương quần Lê, nên Đức Thánh Mẫu thiên hạ tôn xưng là “Mẫu nghi thiên hạ” lại rất là từ bi cứu thế giúp hộ lê dân. Ngài thương dân như con Ngài đẻ ra vì thế thiên hạ đã khâm phục, mà lại thương mến Ngài.
 
Ở tỉnh Nam Định tại huyện Vụ Bản, làng Vân Cát có ngôi Đền thờ Đức Thánh Mẫu gọi là Phủ Vân trong điện và đệ nhị đệ tam cung ngoài hồ vọng nguyệt và có một cái đài cao rất là nguy nga.
 
Đền này phụng tự rất là huy hoàng phi liễn đối toàn những bậc danh Thần khoa giáp để tiếng tán dương anh linh, và công đức của Đức Thánh Mẫu.
 
Ở chính điện có một bức hoành phi, treo ở chính giữa, đề bốn chữ đại tự “Tiên Nhân Cựu Quán”.
 
Đó chính là cựu chỉ của Đức Thánh Mẫu vườn hoa nhà cảnh khi xưa vẫn còn đó là lần giáng sinh thứ nhì lại có một tòa đền ở làng Tiên Hương gọi là Đền Phủ Giày cũng rất là nguy nga lại có một tòa nhà thờ liệt vị Tiên Nhân Đức Thánh Mẫu gọi là Đền Khởi Thánh có người cháu tự tôn làm trưởng họ để thừa tự các ngôi mộ Tổ và liệt vị Tiên Nhân táng ở xứ La Hào.
 
Lại có một Điện thờ Mẫu gọi là Nguyệt Du Cung trước Đền cách độ ba trăm thước tây là tôn lăng Đức Thánh Mẫu (tại địa phận làng Tiên Hương).
 
Tự tôn lăng đến ga Gôi chừng hai cây rưỡi số, có ngôi chùa thờ Phật, và thờ Thánh Mẫu ở tại trên núi Gôi (Gôi Sơn) có danh tiếng ở đó vì thường năm đến kỳ hội Đức Thánh Mẫu là tháng ba, thì làng rước Thánh Mẫu ở Đền Phủ Giày lên chùa Gôi làm lễ rồi mới rước Đức Thánh Mẫu về Đền hội xong mới hoàng tạ, vì thế chùa Gôi long trọng lắm.
 
Tự núi Gôi đi lại làng Tiên Hương có một dãy núi dài như hình con rồng xanh nằm trước địa phân làng, làm Tiền Án. Xem qua địa thế sơn thủy hữu tình, thiệt là làng Tiên mà sinh ra Thánh bây giờ làm Mẹ cho quần Lê, biết mấy muôn đời đúng thật đó là Tiên Hương Vân Cát, chính là cố lý quê hương Đức Thánh Mẫu.
 
Thiên hạ y quang theo Đức Thánh Mẫu học đạo Ngài rất nhiều, ai ai cũng kính phục, nên ở Đền Phủ Giày có đôi liễn rằng:
 
Hữu tử thành Tiên hoàn bất tử
 
Vô sanh dưỡng tử tức như sinh.
 
Nghĩa là:
 
Có chết thành Tiên là không chết
 
Vô sinh gọi mẹ ấy là sinh.
 
Nên chúng tôi y quang với Đức Thánh Mẫu gọi là “Tử dục quần sinh” Đức Thánh Mẫu “Mẫu nghi thiên hạ”
 
Sau Đức Thánh Mẫu giáng bút phê hiệu Ngài là “Vân Hương Thánh Mẫu”
 
Vân là Vân Cát, Hương là Tiên Hương nên Đức Thánh Mẫu lấy hiệu Vân Hương, là bất vọng kỳ bổn, có khi gọi là “Tiên Hương Thánh Mẫu” lại có người gọi là “Thiên Tiên Thánh Mẫu”
 
Bắc kỳ toàn hạt sùng bái uy nghiêm còn các tỉnh phía bắc Trung kỳ như là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị cũng sùng bái như là xứ Bắc vậy.
 
Từ năm Ất sửu đến nay Đức Thánh Mẫu hiển ứng vào Đế Kinh trong đó thiện nam tín nữ về đông theo đạo Mẫu nhất tâm cầu nguyện, khi đau ốm lúc tai nạn được nhờ hồng ân Đức Thánh Mẫu tai qua nạn khỏi cho nên kinh thành Huế vào đến Nam kỳ đều lập Đền thờ Đức Thánh Mẫu rất nhiều.
 
Đức Thánh Mẫu thường khi giáng phê cho các kinh văn nhiều bộ, để khuyên dạy. Tôi xin phụng sao ra đây chút ít để cho ai ai đều biết trong nước Việt Nam ta có Đức Thánh Mẫu hiển ứng như thế.
 
 
[1] Vị Tiên Nương cháu Đức Tiên Chúa tức là vị Quế Hoa Công Chúa, Vị Tiên Nương em dâu Tiên Chúa tức là Thụy Hoa Công Chúa. Hai vị đấy hiệp đồng cùng với Đức Tiên Chúa xuống trần thế để giáng phúc cứu dân.

Bài viết khác

Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn