Đầu thế kỷ 15, Tsongkhapa đã căn cứ vào trình tự tu hành học được từ phái Kadam để soạn nên các tác phẩm "Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận" và "Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận", xây dựng nên một trình tự tu học nghiêm mật, đồng thời chủ trương nghiêm túc tuân thủ giới luật, từ đó thành lập nên một giáo phái mới, đó chính là phái Gelug, hay còn được gọi là phái Kadam mới.
Đại sư Tsongkhapa (Tông Khách Ba, 1375 - 1419) sinh ra tại khu vực gần tu viện Kumbum (sKu-vbum) hiện nay, tức vùng Tsongkha, nên mới có tên gọi là Tsongkhapa, tức thánh nhân vùng Tsongkha. Năm ông lên ba tuổi, Phật sống (Karmapa) đời thứ tư của dòng Mũ Đen phái Karma Kagyu là Rolpey Dorjey trên đường đi từ Tây Tạng đến Bắc Kinh có ghé qua Tây Ninh, thấy ông khí chất bất phàm, bèn làm lễ Cận sự giới cho ông. Đến năm 7 tuổi, ông chính thức xuất gia, thụ giới Sa Di, và được đặt pháp danh là Lobsang Drakpa. Đến năm 17 tuổi, ông đến vùng Vệ Tạng (U-Tsang) tìm các danh sư học đạo, bắt đầu công cuộc "cải cách tôn giáo" của mình.
.....
Tsongkhapa tích cực đề xướng việc nghiêm túc tuân thủ giới luật, đồng thời thông qua việc soạn sách, thiết lập giáo lý để đặt cơ sở lý luận cho cuộc "cách mạng tôn giáo" của mình. Vào năm 1402 và 1405, tại tu viện Reting (Nhiệt Chấn), ông đã lần lượt soạn ra hai bộ trước tác là "Bồ Đề đạo thứ đệ quảng luận"菩提道次第广论 và "Mật Tông đạo thứ đệ quảng luận". Hai bộ trước tác trên đây đã đại diện cho hệ thống tư tưởng và những sáng kiến của Tsongkhapa trên cả hai phương diện Hiển giáo và Mật giáo.
Năm 1409 được coi là năm chính thức thành lập của giáo phái Gelug. Trong năm đó, vào tháng giêng theo lịch Tây Tạng, Đại sư Tsongkhapa đã phát động một Pháp hội quy mô lớn tại Lhasa, khởi đầu cho thông lệ "Pháp hội Truyền thiệu " (sMon-lam Chen-mo) được cử hành định kỳ mỗi năm một lần tại Lhasa trong Phật giáo Tây Tạng. Trong Pháp hội đó, mọi người tuyên bố chính thức rằng, Đại sư Tsongkhapa đã nối tiếp dòng truyền thừa của Tông giả Atisa phái Kadam, điều đó cũng có nghĩa là ông đã trở thành thủ lĩnh của phái Kadam. Do tổ chức lỏng lẻo, nên một lượng lớn các tu viện và tăng nhân của phái Kadam đã lần lượt chuyển sang gia nhập vào phái Gelug, bởi vậy, giáo phái này còn được gọi là "phái Kadam mới"
thaylinh.com