Giới thiệu tổng thể về Phật giáo Mật Tông
A. Dẫn nhập
Mật tông là một trong những tông phái của Phật giáo, xuất phát từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII, rồi sau đó được truyền bá sang Trung Hoa, Nhật Bản... và đặc biệt là phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng. Ở Tây Tạng, Mật tông còn được gọi là Kim cương thừa.
Kim cương thừa được coi như là con đường thẳng dốc đứng để đi lên đỉnh núi; điều đó vừa nói lên tính siêu việt, đồng thời cũng nói lên sự khó khăn và nguy hiểm của con đường, lối tu Mật giáo. Trong các kinh điển Đại thừa, có nhiều bộ kinh lồng vào những thần chú, Đà la ni như là để khai triển ý nghĩa sâu thẳm của tâm linh quả chứng hay ý lực chư Phật, Bồ tát; có lẽ đây là cơ sở để Mật giáo phát triển về sau.
Lịch sử phát triển Mật tông đôi khi đã có những xu hướng lệch lạc ra ngoài quỹ đạo hướng đến giải thoát theo lý tưởng của đạo Phật. Bởi có sự biểu hiện thiên về phù phép, tà thuật... làm cho uy tín của Mật giáo bị tổn thương nặng nề. Ngày nay, với sự nỗ lực truyền bá Mật giáo hay Kim cương thừa của các bậc đại sư Tây Tạng đã làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực của tông phái này. Kim cương thừa là một con đường giải thoát đặc biệt của Phật giáo Phát triển.
B- Nội dung
I. Lịch sử Mật tông
Mật giáo được thành lập vào thế kỷ thứ VII ở vùng Nam Ấn với sự xuất hiện của bộ kinh Đại Nhật (Mahàvairocana sùtra). Đây là bộ kinh căn bản của Mật tông. Ở Ấn Độ, giai đoạn mà Mật giáo phát triển mạnh mẽ nhất là dưới thời các vương triều Pàla (750-1150) ở Bengale. Nhà vua Dharmapala (thế kỷ VII), người đã nhiệt thành ủng hộ xây dựng tu viện Vikramasilà, làm trung tâm truyền bá Mật giáo.
Ngài Long Thọ (Nagarjuna, 600-650) được coi là vị Tổ sư của Mật giáo. Ngài thuộc dòng Bà la môn, thọ giới tại Nalanda, sau đó đến Vương Xá tu 12 năm đắc thánh quả Đại thủ ấn tất địa (Mahamudràsiddhi). Theo truyền thuyết, có lần Ngài gặp đứa trẻ chăn cừu giúp Ngài qua sông; để đền ơn, Ngài thi triển thần thông giúp đứa trẻ làm vua. Tranh tượng vẽ về Ngài có hình rắn phủ quanh đầu. Phật giáo Tây Tạng cho rằng Long Thọ (thế kỷ VII) và Long Thọ luận sư (thế kỷ II) là một, tức Long Thọ đầu thai trở lại. Ngài có đệ tử truyền pháp là Long Trí.
Long Trí (Nagabodhi) là truyền nhân của ngài Long Thọ. Ngài dòng dõi Bà la môn, nhưng lại thường đi ăn trộm, khi ngài Long Thọ đang ở tịnh xá Suvarna, Long Trí đến rình xem thấy ngài Long Thọ đang ăn bằng một cái bát vàng, bèn nảy ý trộm lấy cái bát. Ngài Long Thọ biết tâm ý của Long Trí, liền ném cái bát cho Ngài. Ngài kinh ngạc và cảm phục bèn xin đi theo tu học. Ngài Long Thọ làm phép quán đỉnh cho Ngài nhập môn. Sau 12 năm tu luyện, Ngài chứng ngộ thánh quả.
Kim Cương Trí (Vajrabodhi, 663-723) người Nam Ấn, tu học ở Nalanda. Năm 15 tuổi qua Tây Ấn học về Nhân Minh luận với ngài Pháp Xứng, sau đó tham học về Luật, Trung Quán luận, Du Già luận, Duy Thức luận..., sau cùng tu học và nghiên cứu Kim Cương Đỉnh (Vajra-Sekhàra) và các kinh Mật giáo với ngài Long Trí ở Nam Ấn 7 năm. Năm 720, Ngài qua Trung Hoa, đến Lạc Dương truyền bá Mật giáo. Ngài được coi như vị Tổ đầu tiên của Mật tông Trung Hoa đồng thời với ngài Thiện Vô Úy.
Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 750-774) là đệ tử xuất sắc của ngài Kim Cương Trí. Ngài người Bắc Ấn, thọ Sa di năm 15 tuổi, theo thầy đến Lạc Dương thọ Tỳ kheo giới năm 20 tuổi. Tu học 12 năm thông suốt Mật giáo. Sau khi thầy mất, Ngài cùng với các đệ tử qua Tích Lan nghiên cứu giáo lý Kim cương đỉnh du già và Đại Nhật thai tạng. Trở về Trường An với số kinh điển đồ sộ, Ngài khởi công dịch thuật. Ngài Bất Không Kim Cương là Quốc sư của ba triều vua Huyền Tông, Túc Tông và Đại Tông.
Thiện Vô Úy (Subhakarasimha, 637-735) là đệ tử của ngài Long Trí, tức là huynh đệ với ngài Kim Cương Trí, từng là vua xứ Orissa, tu học ở tu viện Nalanda, thâm hiểu Du Già, chân ngôn và ấn quyết. Ngài đến Trung Hoa năm 716, đời vua Huyền Tông, trước ngài Kim Cương Trí 4 năm và cũng được coi là vị Tổ sư của Mật tông Trung Hoa, được vua Huyền Tông trọng đãi. Ngài dịch nhiều kinh quan trọng của Mật tông như Đại Nhật kinh, Tô Tất Địa Yết La kinh... Đệ tử của Ngài có các ngài Nhất Hạnh, Huyền Siêu, Minh Trí, Nghĩa Lâm...
Ngài Nhất Hạnh (638-727) quê quán ở Thuận Đức, tỉnh Nhật Lệ, Trung Hoa, là người tinh thông Tam luận, Thiền học, Thiên Thai..., đặc biệt tinh thông cả thiên văn học. Khi ngài Thiện Vô Úy đến Trung Hoa, Ngài được truyền pháp "Thai tạng giới" của Mật giáo. Ngài cùng với thầy dịch kinh Đại Nhật và trước tác bản sớ Đại Nhật kinh. Sau đó, Ngài cũng học với Kim Cương Trí, được truyền cho nghi quỹ của Kim Cương giới. Ngài được lãnh hội cả hai phái của Mật giáo Ấn Độ.
Mật giáo Ấn Độ được khởi xướng và truyền bá do các cao tăng như Long Thọ, Long Trí, Kim Cương Trí, Thiện Vô Úy. Trên mặt giáo nghĩa và hành trì thì chia làm hai phái Chân ngôn thừa (Mantrayàna) và Kim cương thừa (Vajrayàna), dựa theo tư tưởng của hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh. Qua Trung Hoa, cả hai dòng hợp lưu ở Nhất Hạnh, đường lối Mật tông Trung Hoa tổng hợp của lý luận và thực tiễn. Mật tông phát triển mạnh và đã tạo nhiều ảnh hưởng đến nền văn hóa nghệ thuật Trung Hoa, được các triều vua ủng hộ nên rất hưng thịnh. Công đức truyền bá Mật giáo Trung Hoa do các ngài Thiện Vô Úy, Kim Cương Trí, Bất Không, Nhất Hạnh, Vô Hành...
Mật giáo được truyền vào Tây Tạng thế kỷ VIII do ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava), người Ấn Độ, sống cùng thời với vua Tây Tạng Ngật Lật Song Đề Tán (755-797). Ngài đến Tây Tạng, đem Mật giáo truyền bá và sáng lập tông phái Ninh Mã (Nuyingmapa), một trong bốn phái lớn của Mật giáo Tây Tạng. Ngài được coi là Đức Phật Thích Ca tái thế, có tài chinh phục ma quỷ, thiên tai và các giáo phái. Ngài xây dựng tu viện Tang Duyên (Samye) năm 775 và trước tác nhiều tác phẩm quan trọng như bộ Tử thư... Ngài là Tổ sư của Phật giáo Tây Tạng.
Sự truyền thừa của Mật tông Tây Tạng không rõ nét và rất phức tạp; những bậc đại sư nổi bật đóng góp làm hưng thịnh và sáng rỡ Phật giáo Tây Tạng sau Liên Hoa Sinh có Atisa (A Đề Sa, 982-1054), thế kỷ X, Ngài người Đông Ấn, được mời sang Tây Tạng và sống ở đó 12 năm, đóng góp rất nhiều cho Phật giáo Tây Tạng nói chung và Mật giáo Tây Tạng nói riêng. Ngài sáng lập ra trường phái Kadampa (Cam Đan) ảnh hưởng lớn Phật giáo Tây Tạng, trước tác Bồ đề đạo đăng luận, đặc biệt công trình sắp xếp hệ thống kinh sách Phật giáo Tây Tạng, lấy triết học Tánh không và Duy thức làm tư tưởng cho Phật giáo Tây Tạng, điều đó ảnh hưởng đến các hệ tư tưởng Mật giáo Tây Tạng rất lớn.
Người cải cách nổi tiếng của Mật giáo Tây Tạng là Tông Khách Ba (1357-1419), Ngài sinh tại Amdo, thuộc vùng Đông bắc Tây Tạng. Xuất gia khi còn nhỏ, tham học với nhiều vị đại sư khác nhau, tư tưởng của Ngài ảnh hưởng của Atisa. Ngài sáng lập tông phái Gelugpa (Hoàng Mạo phái), một tông phái quan trọng nhất của Tây Tạng hiện nay. Ngài chủ trương xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành hai tác phẩm chính: Lamrin Chenmo (Bồ đề đạo thứ đệ) tiêu biểu cho đường lối tu tập Hiển giáo, Ngagrim Chenmo (Chân ngôn đạo thứ đệ) tiêu biểu cho đường lối tu tập của Mật giáo. Phật giáo Tây Tạng được chấn chỉnh và phát huy rực rỡ nhờ Tông Khách Ba. Trước khi mất, Ngài phó chúc cho hai đệ tử là Dalai Blama và Panchen Blama, tức Đạt lai Lạt ma và Ban thiền Lạt ma; theo truyền thuyết thì hai vị này chuyển sinh để tiếp tục cai trị Tây Tạng, được dân chúng coi là hai vị Phật sống. Mật tông được Phật giáo Tây Tạng bảo tồn và phát triển, còn ở các nơi khác không phát triển mấy.
II. Giáo nghĩa Mật tông
1- Mandala
Xuất phát từ tư tưởng của hai bộ kinh Đại Nhật và Kim Cương Đỉnh, Mật giáo thiết lập hai Mandala: Thai tạng giới Mandala và Kim cương giới Mandala.
Mandala, Hán dịch là luân viên cụ túc, nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Đây là biểu tượng của vũ trụ và năng lực trong vũ trụ được trình bày bằng các hình vẽ. Mandala, về mặt triết lý, là cơ sở hợp nhất thế giới hiện tượng và thế giới bản thể, là đối tượng của thiền quán. Trong ý nghĩa thực tiễn thì Mandala là đàn tràng bằng đất để hành giả bày biện các lễ vật hay pháp khí phục vụ cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện...
Thai tạng giới Mandala (Garbhadhàtu mandala) là yếu tố thụ động tâm linh, cũng có nghĩa chỉ cho vũ trụ về mặt tĩnh, mặt lý tánh. Tác dụng lý tánh như thai mẹ chứa đựng đứa con, từ lý tánh thai tạng mà xuất sinh mọi công đức.
Kim cương giới Mandala (Vajradhatu mandala) là yếu tố tác động, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn, còn gọi là trí thủy giác. Kim cương giới là trí tuệ nội chứng của Phật. Bí tạng ký nói: "Thai tạng là lý, Kim cương là trí".
Như vậy, Thai tạng giới biểu hiện cho bản thể Phật tính của mọi chúng sanh và Kim cương giới biểu tượng cho trí tuệ viên mãn. Từ Thai tạng giới mà xuất sinh Kim cương giới theo tiến trình nhân quả. Sự hợp nhất Kim cương giới và Thai tạng giới là sự chứng ngộ tối thượng.
Đức Phật Đại Nhật (Tỳ Lô Xá Na) là biểu tượng hợp nhất tối thượng, vũ trụ là sự hợp nhất viên mãn. Vì vậy, Đức Đại Nhật chính là vũ trụ thân. Mật tông dựa trên cơ sở ấy cho rằng vũ trụ thân là pháp thân và pháp thân biểu hiện trong mọi hiện hữu, sở dĩ chúng ta không nhận thấy được vì tâm thức mê mờ, chúng ta chỉ thấy thế giới là bất an và khổ đau vì thiếu trí tuệ Kim cương; trí tuệ Kim cương có công năng là phá tan mọi chướng ngại pháp. Con đường trở về hợp nhất với vũ trụ thân, nói cách khác, muốn đi vào quỹ đạo của pháp thân phải có những tác pháp thiêng liêng, thể hiện sự gia trì giúp ta thể nhập một cách sâu xa và phổ quát của pháp giới tính. Lý thuyết này có phần tương tự với lý thuyết Bất tư nghì giải thoát trong kinh Duy Ma Cật.
Mạn đà la có nhiều loại, tựu trung có 4:
a) Đại Mạn đà la (Maha mandala): vòng tròn hội tụ các Đức Phật và Bồ tát, trình bày bằng hình vẽ hoặc điêu khắc. Mạn đà la này biểu tượng cho tự thân của Phật và mối quan hệ giữa tự thân Phật với toàn thể vũ trụ nên gọi là Đại.
b) Tam muội gia Mạn đà là (Samaya mandala): vòng tròn hội chúng với những pháp khí trong tay tùy theo bản nguyện của mỗi vị. Samaya dịch là bổn thệ, tức là xu hướng và khả năng hóa hiện độ sanh của mỗi vị Phật, Bồ tát.
c) Pháp Mạn đà la (Dharma mandala): là Mạn đà la của văn tự lý giải chân lý. Tất cả những lời Phật dạy, những chân ngôn của Phật và Bồ tát đều bao hàm trong đó.
d) Yết ma Mạn đà la (Karma mandala): là Mạn đà la bằng điêu khắc chạm trổ biểu hiện các động tác, các hành trạng độ sanh của Phật và Bồ tát.
Tóm lại, Đại mandala là tổng thể pháp giới, là tự thân của Phật; pháp môn mà chư Phật, Bồ tát thuyết gọi là Pháp mandala; vũ khí mà chư tôn cầm trong tay là Tam muội gia mandala và những hình ảnh của chư tôn gọi là Yết ma mandala. Bốn mandala này biểu tượng cho năng lực thiêng liêng của Tam mật: thân mật, khẩu mật và ý mật.
Trên đây là 4 mandala của chư Phật và Bồ tát; ngoài ra, tất cả muôn loài, mọi hiện tượng đều có 4 mandala của chúng, đại khái sắc tướng của chúng gọi là Đại mandala, đặc tính - khả năng riêng của chúng là Tam muội mandala, danh từ để gọi chúng là Pháp mandala, hành vi của chúng là Yết ma mandala. Điều cần chú ý là 4 mạn đà la không độc lập, chúng có mối liên hệ duyên sinh và mặc dù Phật, Bồ tát có mạn đà la riêng nhưng không tách rời mọi mạn đà la của pháp giới. Vì vậy, Phật và chúng sinh là một, cùng chung thể tánh là sáu đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Thức. Sự khác nhau giữa Phật và chúng sanh ở chỗ Phật thì tỉnh thức mà chúng sanh thì mê muội.
2- Mantra
Mantra là một số âm chứa đựng sức mạnh của vũ trụ hay biểu hiện khía cạnh nào đó của Phật. Mantra chính là thần chú, được đọc lặp đi lặp lại nhiều lần trong các buổi tu tập hành trì. Định nghĩa về thần chú, Lama Govinda nói: "Chữ "thần" là tinh thần, tức năng lực suy nghiệm; chữ "chú" là lời, là tiếng dùng làm công cụ biểu diễn. Như vậy, "thần chú" là công cụ để suy nghiệm, là hiện tướng dẫn khởi một ảnh tượng tinh thần. Thần chú vang lên kêu gọi nội dung của nó nơi thực tại trước mắt một cách trực tiếp. Thần chú là năng lực chứ không phải đơn thuần là ý kiến mà tâm trí có thể tránh trớ hay cãi lại. Thần chú phát lồ, tự thị hiện như thế, như vậy đó. Chính ở nơi đây chứ không phải bất cứ nơi đâu, lời nói là hành động mà sự thực hiện thì trực tiếp và tức khắc" (Cơ sở Mật giáo, Trần Ngọc Sinh dịch, tr.14).
Thần chú còn gọi là đà la ni (Dhàranì), Hán dịch là tổng trì, tức bao gồm tất cả, đó là những thần chú mang sức mạnh siêu nhiên, thường thì đà la ni dài hơn thần chú (mantra). Đà la ni là biểu hiện khía cạnh chứng đắc của Phật hay Bồ tát được thấy trong thiền định, biểu tượng hay ký hiệu hóa hình ảnh, nội dung chứng đắc ấy, được lưu trữ và dễ dàng hiện hành khi gọi chúng trở lại. Chức năng đà la ni không khác với thần chú. Mặt khác, tác dụng của thần chú hay đà la ni được coi như là phương tiện để đạt được thiền định.
Một vấn đề cần nói rõ là hình thức của thần chú hay cách đọc thần chú không phải làm cho ta thoát khỏi khổ đau hay những nỗi bất hạnh hoặc tiêu trừ được nghiệp chướng; mà chính là nhờ tâm trong sạch và thành thực mới cứu vớt được chúng ta, như Đại sư Milarepa nói: "Khi chư vị tự hỏi ác nghiệp có được tiêu trừ hay không, chư vị nên biết rằng: nó chỉ tiêu trừ bằng sự ước mong của thiện tâm" (Sđd).
Sự hành trì và đọc tụng thần chú là một trong ba khía cạnh thân mật, khẩu mật và ý mật. Đọc thần chú là khẩu mật. Thần chú thường được nhiều người Phật tử đọc nhất, tiêu biểu là thần chú "OM MANI PAD - MEHUM" được coi là của ngài Quán Thế Âm. Thần chú không phải là một công thức chết, cũng không phải là những sóng âm thanh tác động vào thế giới siêu hình để kêu gọi năng lực trong vũ trụ. Thần chú là một công cụ để biểu diễn tinh thần, thái độ tâm lý, tri thức, ý chí và thành thực mới là những yếu tố quan trọng để biến thần chú thành năng lực hay mời gọi các năng lực siêu nghiệm khác. Hơn nữa, thần chú chỉ có thần lực với những ai đã trải qua kinh nghiệm do thụ pháp và hành trí dưới sự hướng dẫn của một đạo sư (Guru).
Tóm lại, thần chú (mantra) là một phương tiện trong những phương tiện mà Mật tông thực hành để thanh lọc tâm linh và đạt được thiền định, sau cùng là hợp nhất và đồng hóa với vạn hữu. Thần chú được coi là "mật" vì nó chứng tỏ mối liên hệ mật thiết bên trong của sự vật hiện tượng, nhất là sự nối kết giữa vật chất và tinh thần.
3) Tam mật tương ứng
Như đã nói, Tam mật là thân mật, khẩu mật và ý mật. Theo Mật tông, để đạt được khả năng điều động năng lượng vũ trụ hay năng lượng tâm linh thì phải thực hành nghi thức đúng phép gồm cả ba lãnh vực của thân, khẩu, ý. Thân thể tác động qua điệu bộ, nhất là của hai bàn tay, được diễn theo lời thần chú sẽ tạo nên thái độ tâm linh phù hợp theo một điểm. Miệng đọc các mantra (thần chú), âm thanh biểu tượng, là hiện tượng thiêng liêng làm cho rung động nội tâm của hành giả. Tâm ý thì quán tưởng mandala, tạo thành một thể thống nhất để thể nhập Tam mật của Phật.
Tam mật của Như Lai bản thể bình đẳng, không giới hạn, có mặt khắp pháp giới, hay nói cách khác: mọi hình sắc đều là thân mật, mọi âm thanh đều là khẩu mật, mọi lý đều là ý mật. Như đã nói, thân Phật và thân vũ trụ là một nên quan điểm về thân mật trong Mật giáo lấy tư tưởng trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm làm cơ sở. Sự hiện hữu của thân không đơn giản là một hữu thể độc lập, mà có các mối quan hệ mật thiết với thế giới bên ngoài, hay nói cách khác là với cái không phải thân. Điều kiện mà thên tồn tạo gồm cả pháp giới, gọi là mọi hình sắc là thân. Tương tự trong Trung Bộ kinh, Phật dạy quán sắc uẩn bao gồm nội sắc, ngoại sắc, thô tế, liệt thắng, xa gần đều không hiện hữu (vô ngã). Sự mầu nhiệm hay bí mật của thân là cái mầu nhiệm của thân vô ngã.
Tương tự như thân, về ngữ mật thì mọi âm thanh đều là ngữ mật. Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới được biểu hiện bằng ngôn ngữ, mọi thứ đều có tên gọi, mọi thứ đều được khái niệm hóa qua ký hiệu ngôn ngữ, mọi vật đều được nhận thức và giải thích qua mẫu tự và văn cú, ngôn ngữ diễn biến linh động để làm hiển lộ cái mầu nhiệm bên trong, đó chính là sức mạnh của âm thanh. Mật tông cho rằng thế giới được tạo ra bởi 14 nguyên âm và 33 phụ âm. Thể nhập thực tại qua ngôn ngữ âm thanh là một phương cách đặc biệt của Mật tông.
Ý mật là sự cảm nhận một cách trực tiếp của tâm. Đó là cái tâm thuần túy, không bị chi phối bởi các kiến thức, không phải cái tâm suy nghĩa có đối tượng, mà tâm ấy nguyên vẹn đơn sơ cảm nhận trực tiếp thực tại vô ngã, thực tại vô ngã ấy được cảm nhận qua nhiều khía cạnh khác nhau. Thế giới tâm là một, Duy thức học gọi là thế giới tánh cảnh. Tâm nhận thức trực tiếp những gì đang diễn ra như thường nói: "Đương thể tức không". Đó là thực tại được cảm nhận một cách tích cực.
Thực hành tantra (nghi thức) là tạo thế cân bằng hòa điệu của thân tâm, rồi tạo mối quan hệ hay sự nối tiếp thân khẩu ý các vị tương ứng với Tam mật của Phật, Phật cũng chính là vũ trụ thân. Đó là sự thể hiện hòa điệu giữa con người và vũ trụ. Sự gia trì Tam mật của Phật sẽ nhập vào Tam mật của ta. Đó gọi là Tam mật tương ưng hay Tam mật du già.
C- Kết luận
Những gì được trình bày về Mật tông ở trên chỉ là những nét phác họa sơ sài, còn nghĩa lý bí mật, phương pháp thực hành tantra của Mật tông thì phức tạp vô cùng, cần phải nghiên cứu sâu rộng và hành trì nghiêm túc may ra mới có cái nhìn chính xác và đầy đủ.
Triết lý của Mật tông là triết lý của Bát nhã Ba la mật (Prajnãpàramità) và giáo lý Hoa Nghiêm cộng với Duy thức học. Sự phối hợp giáo lý siêu nghiệm với hình thức ấn, chú, mandala... là một sự kết hợp đặc biệt. Vũ trụ, thế giới, con người, vạn vật... đều mang một giá trị thiêng liêng đối với một hành giả Mật tông. Nếu nhìn phớt qua các biểu tượng và nghi quỹ của Mật tông có vẻ như sự thành tín sơ khai hoặc mê tín, nhưng chính thái độ tinh thần được thể hiện qua nghi quỹ ấy lại là hiển lộ mối liên hệ giữa tinh thần và vật chất, giữa con người và vũ trụ với những năng lượng vô cùng tận. Các biểu tượng Mật tông rất dễ bị ngộ nhận và phê phán, tuy nhiên khi lặn sâu vào biển tâm, ta mới khám phá ra được tác dụng và ý nghĩa của chúng, chúng là những phương tiện diễn đạt những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc nhất của hành giả.
Triết lý và phương pháp hành trì của Mật tông cơ bản vẫn xây dựng theo tiến trình Giới-Định-Tuệ như tất cả mọi đường lối tu tập khác của Phật giáo. Nó có mối liên hệ khá chặt chẽ với giáo lý Nguyên thủy và giáo lý Đại thừa. Sự khác biệt của Mật tông là ở phương tiện để thể nhập thực tại (Tánh không, Vô ngã), đó là phương tiện huyền bí.
Sự phát triển của đạo Phật tạo ra nhiều tông phái khác nhau và các phương pháp hành trì khác nhau; đã là phương tiện thì "đa môn", cho nên bất cứ phương tiện gì mà đưa đến niềm tin, loại bỏ chướng ngại nội tâm, giúp cho tâm thực chứng giải thoát tối hậu thì đều được sử dụng: Mật tông là một trong những phương tiện ấy.
Thích Viên Giác
(nguồn http://www.phoquang.org)
MẬT TÔNG
(CHÂN NGÔN TÔNG - MẬT THỪA - KIM CƯƠNG THỪA)
TÊN TÔNG:
Tông này gọi là Chân Ngôn Tông hay Mật Tông là dịch nghĩa từ chữ "Mantra" một thứ giáo pháp không thể phát biểu bằng thứ ngôn ngữ thông thường, mà được nói bằng chính ngôn ngữ của Phật, được phân biệt bằng ý tưởng ẩn kính trong tâm Phật, vốn không biểu lộ bằng lời. Chân Ngôn Tông tìm hiểu những Phật lý không biểu hiện thành ngôn ngữ ấy.
Tông này lấy ba bộ kinh sau là chỗ dựa chính:
1. Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì gọi tắt là kinh Đại Nhật.
2. Kinh Kim Cương Đỉnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương gọi tắt là kinh Kim Cương Đỉnh.
3. Kinh Tô Tất Địa Yết La ra gọi tắt là kinh Tô Tất Địa.
GIÁO NGHĨA: Tông chân ngôn phán thích giáo pháp của đức Phật thành hai hệ thống giáo lý và mười trụ tâm. Đó là:
1. Hiển Giáo: Là tất cả những giáo pháp về Tiểu thừa và Đại thừa do ? ứng thân của Phật tức là Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai nói ra.
2. Mật giáo: Là giáo pháp chân ngôn bí mật do Pháp thân của Phật tức là Đức Tỳ-lô-giá-na (dịch là Đại Nhật Như Lai) nói ra. Hiển giáo đại thừa thì mượn các kinh điển để hiển thị thực tướng. Mật giáo không những khai thị thực tướng trên giáo nghĩa mà còn biểu hiện thực tứ trên sự thật, chỉ thẳng thâm nghĩa thực tướng trên sự thật đó, nhất nhất biểu hiện rõ cảnh giới bất tư nghị, diệu lý thực tướng được kiến lập minh bạch trên ba nguyên tố lớn đó là:
- Thể đại tức duyên khởi của sáu đại.
- Tướng đại tức chẳng lìa, tức không lìa bốn Mạn.
- Dụng đại tức ba mật Du-già.
Tất cả muôn sự muôn vật ở thế gian không có sự vật nào mà không phải là duyên khởi của sáu đại: Địa, Thuỷ, Hoả, Phong, Không, Thức. Việc tu hành xuất thế gian cũng không ngoài sáu đại này, tất cả chúng sinh từ đỉnh đầu đến gót chân từ trong ra ngoài cũng đều do sáu đại này mà thành. Và vô lượng Phật thân Tỳ-lô-giá-na Như Lai cũng do sáu đại này. Vì thế, tất cả các pháp không lìa khỏi sáu đại Pháp tính của sáu đại biến khắp pháp giới. Lại tất cả pháp tính không pháp nào không phải là Đại Nhật, mà Đại Nhật Như Lai biến khắp pháp giới. Nghĩa là tất cả chúng sinh đều là Tỳ-lô-giá-na, tất cả các tướng không tướng nào không phải là cảnh giới Pháp Vương. Sáu đại của thân Phật và sáu đại của chúng sinh cho đến sáu đại của tất cả các pháp không cách biệt nhau. Do đó, nên căn cứ trên bản thể mà suy luận thì tất cả các pháp vốn đều là thực tướng cả. Đây gọi là duyên khởi của sáu đại.
Để biểu thị sự phát triển của tâm, Tông này chia làm mười giai đoạn (tức Thập trụ tâm) như sau:
1. Di sinh đê dương tâm: Chư hữu tình chúng sinh sát sinh, trộm cắp, mê muội, dâm dục, tạo tác tội nghiệp như con dê đực tự đâm đầu vào đường ác, tức thuộc tâm này.
2. Ngu đồng trì trai tâm: Chư hữu tình chúng sinh phát tâm làm lành, đều giữ hạnh lành, tuy có thể sinh ở nhân đạo, mà không thể xuất thế giải thoát được, tức thuộc tâm này.
3. Anh đồng vô uý tâm: Hàng ngoại đạo tiên nhân cầu sinh cõi trời, chẳng nghĩ đến sự thoái đoạ về sau, chẳng giải thoát sinh tử thế gian, tức thuộc tâm này.
4. Duy uẩn vô ngã tâm: Pháp tiểu thừa dạy người, tu tập Tứ Đế, biết tất cả là vô ngã, nhưng nhận thể của pháp là có, chứng ngã không mà chẳng thể chứng pháp không, đây là giáo pháp Thanh Văn Thừa.
5. Bạt nghiệp nhân chủng tâm: Quán mười hai nhân duyên tự đoạn được chủng tử nghiệp khổ, mà chẳng thể tế độ chúng sinh. Đây là Giáo pháp của Duyên Giác Thừa.
6. Tha duyên đại thừa tâm: Pháp đại thừa dạy người, vì muốn tự lợi, lợi tha, chỉ chỗ chí lý về pháp tướng của y tha khởi tính và viên thành thật tính. Đây là giáo pháp của tông Pháp Tướng.
7. Giác tâm bất sinh tâm: Liễu chi các pháp thực tướng xưa nay vắng lặng, không mê, không giác, chẳng sinh, chẳng diệt. Đây là giáo pháp của tông Tam Luận.
8. Nhất đạo vô vi tâm: Tuyên thuyết ba đế viên dung, vạn pháp nhất như, nghĩa là tất cả vạn hữu đều là một đạo thanh tịnh vô vi thật tướng. Đây là giáo pháp của tông Thiên Thai.
9. Cực vô tư tính tâm: Nói pháp giới Hoa Nghiêm viên mãn dung tức. Nghĩa là quán pháp thập huyền và lục tướng đều là thật tướng, vì phân ra mà nói. Đến quả phần của thật tướng còn phải lìa ngôn ngữ, dứt tư lự là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Do đó gọi là cực vô tự tính. Đây là giáo pháp của Tông Hoa Nghiêm.
10. Bí mật trang nghiêm tâm: Chỉ quả phần của thật tướng, nghĩa là cảnh giới bí mật chỉ Phật với Phật mới biết, là chân ngôn giáo của vô lượng vạn đức trang nghiêm bí mật.
Ngoài ra, Mật tông còn cho rằng chúng sinh và đức Như lai đều do sáu đại làm thể, và bốn pháp Mạn-đà-la làm tướng không sai khác.
Mạn-đà-la dịch là Luân viên cụ túc. Nghĩa là tròn đầy rộng lớn khôn lường. Tứ Mạn-đà-la là bốn tướng rộng lớn đầy đủ của bản thể do sáu đại mà biến hiện ra.
Bốn Mạn-đà-la như sau:
1. Đại Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là thân của các loài hữu tình trong mười pháp giới, là sắc tướng của muôn pháp trong vũ trụ, đi theo lục đại mà hiện.
Nghĩa hẹp là chỉ cái sắc tướng trang nghiêm của Phật, Bồ tát được thể hiện trong các pho tượng chạm trổ, tô
vẽ v.v...
2. Tam-muội-gia Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là hết thảy các cơ khí trong vũ trụ, những vật thường ngày của chúng sinh, hay rộng hơn nữa là cái đặc tính riêng biệt của mỗi pháp, núi sông, cây, cỏ v.v... Nghĩa hẹp là chỉ những vật mà Phật và Bồ tát thường cầm như hoa sen, ngọc bảo châu, cành dương liễu v.v... để tiêu biểu cho lời thề nguyện hay cái đặc tính thù thắng riêng của quý Ngài trong việc cứu độ chúng sinh.
3. Pháp Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là hết thảy âm thanh, lời nói, hình ảnh, tên gọi, ký hiệu trong vũ trụ. Nghĩa hẹp là chỉ cho những chủng tử hay chân ngôn của các đức Phật hay Bồ tát. Chủng tử đây tức là chữ cái, chữ tiêu biểu cho bản thể của Phật và Bồ tát như chủng tử của Đức Đại Nhật Như Lai là chữ (đọc là A), chủng tử của Ngài Kim Cương Tát Đoả là chữ (đọc là hùm). Còn chân ngôn tức là mật chú, và danh hiệu của Phật, Bồ tát cùng tất cả văn nghĩa trong các kinh điển.
4. Yết Ma Mạn-đà-la - Yết-ma nghĩa là cử động làm các sự nghiệp. Vậy nghĩa rộng của Yết-ma Mạn-đà-la chỉ cho hết thảy động tác của chúng sinh và muôn vật. Nghĩa hẹp là chỉ cho hết thảy uy nghi động tác của chư Phật và Bồ tát để làm sự nghiệp độ sinh.
Bốn Mạn-đà-la này đồng thời tồn tại, đã có một Mạn-đà-la, tức phải có ba Mạn-đà-la kia. Bốn Mạn này Phật, Bồ tát và chúng sinh đều có. Bốn Mạn của chúng sinh không lìa bốn Mạn của Phật. Vì thế, kinh thường gọi bốn Mạn không lìa nhau.
PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH
Cũng như các tông phái khác trong Phật giáo, sự tu hành của Mật tông gồm có hai phương diện: Sự và lý hay nói theo danh từ của Mật tông là giáo tướng và sự tướng.
"Sự tướng" là tất cả những thực hành như tụng chú, kết ấn, cúng dàng, lập đàn v.v. .. tất cả những thực hành ấy phải theo đúng khuôn phép nhất định, chứ không thể dùng ý riêng mà làm càn được.
"Giáo tướng" là tất cả những nghĩa lý sâu xa màu nhiệm mà chư Phật và Bồ tát đã rút ra trong sự tướng để chỉ dạy chúng ta.
Người tu hành phải học tập và thực hành cả hai phương diện ấy, không được thiên bỏ bên nào. Không học giáo tướng thời không lãnh hội được ý nghĩa của sự tướng để làm cho đúng. Không học sự tướng thì tất cả chỉ là nói suông. Giáo tướng thì có thể nương theo kinh điển mà học hỏi. Còn sự tướng thì phải có các bậc A-xà-lê, tức các vị truyền đạo của Mật tông truyền cho mới biết được.
Ngoài sự tu hành thường ngày, phương pháp tu hành trọng yếu của Mật tông là Tam mật.
Tam mật là phương pháp tu hành mầu nhiệm dựa trên thân, ngữ, ý. Tam mật gồm có: Thân mật, ngữ mật (khẩu mật) và ý mật.
Như trên đã nói, chúng sinh và đức Như Lai đều do sáu đại làm thể, bốn pháp Mạn-đà-la làm tướng, không sai khác. Vậy Như Lai và chúng sinh thì thể tướng mật. Như đức Đại Nhật Như Lai đều có Tam pháp giới là Thân mật, hết thảy tiếng tăm là Ngữ mật, cái thức lớn bao khắp hết cả là Ý mật. Còn chúng sinh thì tay bắt ấn là thân mật, miệng niệm chân ngôn là ngữ mật, tâm chuyên vào Tam-ma-địa (Thiền định) là Ý mật.
Nhưng Phật và chúng sinh khác nhau ở tịnh và nhiễm, ngộ và mê, giải thoát và ràng buộc. Vậy chúng sinh muốn được như Phật phải tu hành theo pháp Tam mật. Nhờ tay bắt ấn mà tịnh được thân - nghiệp, miệng niệm chân ngôn mà tịnh được khẩu - nghiệp, Trí quán tưởng đức Đại Nhật Như Lai mà dẹp được vọng tưởng, ý - nghiệp được thanh tịnh. Sự tu hành tam mật có thể chia làm hai giai đoạn lớn.
Giai đoạn đầu là Tam mật gia trì: Trong giai đoạn này, sau khi hành giả đã làm chủ được thân, ngữ, ý rồi thì tâm thuỷ (tâm vắng lặng như nước đứng yên) của mình được ánh sáng mầu nhiệm của Đại Nhật Như Lai chói rọi vào, tức là "Gia" và tâm thuỷ mình cùng cảm chịu, thu nhận được ánh sáng mầu nhiệm ấy tức là "Trì". Một bên thì "Gia", một bên thì "Trì", hai bên thừa tiếp nhau nên gọi là Tam mật gia trì.
Giai đoạn thứ hai gọi là Tam mật du-già. Khi giai đoạn Tam mật gia trì đã thuần thục, thì ánh sáng của đức Đại Nhật Như Lai là ánh sáng trong tâm thuỷ của hành giả hiệp nhau (Du-già) không sai khác, thì gọi là Tam mật Du-già. Đến đây tức là công phu tu hành hữu tướng tam mật đã thành tựu.
QUẢ VI TU CHỨNG:
Hành giả sau khi đã thành tựu Tam mật hữu tướng thông suốt được ý nghĩa nhiệm mầu của Bốn Mạn-đà-la thì nhất cử, nhất động đều khuôn rập đúng theo uy nghi của Phật, làm lợi lạc cho chúng sinh một cách tự nhiên, có làm tất cả mọi việc lợi ích mà như không làm. Đó tức là Vô tướng tam mật.
Đến độ Vô tướng tam mật thì mọi hành vi cử động đều toàn là ấn cả, hết thảy lời nói đều là chú và chân ngôn, hết thảy ý nghĩ đều là diệu quán cả. Do đó, nên trong kinh nói: "Mở miệng ra tiếng chân ngôn diệt tội, giơ tay động chân đều thành mật ấn. Theo việc khởi niệm diệu quán tự hành", đó là ý nghĩa tức thân thành Phật.
Sự lợi ích về việc tu Mật tông, đến khi kết quả cùng tột thì cùng một mục đích như các pháp khác. Nghĩa là ba nghiệp được thanh tịnh, do thân ngồi trì chú, tay bắt ấn, miệng đọc chân ngôn, tâm quán tưởng tự luân thần chú nên được Tam mật, khế hợp với tâm của Bản Tôn.
Trì chú có rất nhiều lợi ích như được tiêu trừ gốc rễ nghiệp chướng, đoạn trừ các ma chướng oan gia, phúc tuệ tăng long, tuỳ tâm hành giả cầu nguyện đều được thành tựu.
TRUYỀN THỪA:
Pháp môn của tông Chân Ngôn này là do Pháp thân của Phật tức là đức Tỳ-lô-giá-na ở cung Kim Cương Pháp Giới, thuộc cõi Ma-hê-thủ-la thiên nói ra, cũng như ở cõi này Ứng thân của Phật là đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Khi mới thành đạo bảy ngày đầu lúc đang tự thụ phác lạc, vì ngài Kim-cương Tát-đoả và các Bồ tát mà nói ra chân ngôn. Đây là nguồn gốc của Tông Chân Ngôn.
Ngài Kim-cương Tát-đoả sau khi thụ pháp bèn kết tập thành kinh Đại Nhật và kinh Kim Cương Đỉnh, mỗi kinh có mười vạn bài tụng rồi để vào Tháp sắt ở Nam Thiên Trúc. Sau Phật nhập diệt khoảng hơn 600 năm Bồ tát Long Thọ, đến Tháp sắt ở Nam Thiên Trúc yết kiến ngài Kim-cương Tát-đoả mở Tháp sắt nhận đại pháp và hai bộ kinh. Sau ngài Long Thọ truyền pháp cho ngài Long Trí, ngài Long Trí truyền cho ngài Thiện Vô Uý (637-735) và ngài Kim Cương Trí (671-741).
Vào đầu thời Đường hai ngài Vô Uý và Kim Cương sang Trung Hoa rộng truyền bí pháp Mật tông. Ngài Vô Uý truyền cho ngài Nhất Hạnh A-xà-lê. Ngài Nhất Hạnh chú sớ kinh Đại Nhật làm cho Mật tông ở Trung Hoa được rực rỡ.
Còn ngài Kim Cương Trí thì truyền giáo pháp cho ngài Bất Không Tam Tạng. Ngài Bất Không truyền cho ngài Huệ Quả A-xà-lê. Ngài Huệ Quả truyền cho ngài Không Hải (tức Hoằng Pháp Đại Sư) người Nhật Bản.
Ngài Không Hải trở về truyền bá và trở thành Sơ tổ Mật tông ở Nhật Bản. Phái này gọi là Đông Mật (Tương truyền: Ngài Thiện Vô Uý và Nhất Hạnh truyền Thai Tạng Giới; ngài Kim Cương Trí và Bất Không truyền Kim Cương Giới nên Mật tông có hai giới là: Thai Tạng và Kim Cương).
Dòng thứ hai được truyền vào Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ III do ngài Liên Hoa Sinh Đại sĩ đem Mật tông từ Ấn Độ truyền vào. Phái này gọi là Tạng Mật. Hiện nay trên thế giới có hai khu vực Mật tông là Đông mật và Tạng mật.
(Lược sử các tông phái Phật giáo, T.T Thích Viên Thành, 1999)
Giáo trình Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
KIẾT ẤN HỘ THÂN
Khi kiết ấn thì các bắp thịt của bàn tay nên được "thư giản vừa phải". Thực hành về khái niệm "thư giản vừa phải":
1. Ngữa bàn tay ra với các ngón tay khít lại với nhau.
2. Để bàn tay này lên trên mặt bàn.
3. Thư giản cái bắp thịt của bàn tay.
4. Chú ý đên độ thư giản của các ngón tay. Các ngón tay nghiên cở 45 độ là "vưà phải" còn cong lại như chữ "C" là thư giản nhiều quá.
Kiết ấn:
Với mức độ thư giản của các ngón tay thì khí lực mới cộng hưởng với tâm lực mà phát ra được.
Kiết ấn có ba trường hợp:
a. Tu sĩ mới tu hành và có những hiện tượng như sau:
1. Đã tu tập và có sử dụng "Thần Quyền" vào những việc như đánh võ, chữa bệnh, viết bùa ... Rất là nhiều lần, một cách siêng năng.
2. Khi đang tu tập một mình mà cửa tự mở hay là đồ đạc trong phòng tự di chuyển.
3. Tiền kiếp đã tu về "Thần Quyền".
Thực hành:
Tu sĩ kiết ấn bằng tay và hộ thân theo công thức.
b. Tu sĩ có khuynh hướng xuất hồn, hay là khi tập thì nó đau ngay ngực:
Hiện tượng này xảy ra là vì đang tu đến khoảng Tam Thiền và lúc này các trung tâm năng lực nó bị nở ra quá! Nhất là trung tâm năng lực Anahata (ngay ngực).
Thực hành:
Tu sĩ bất ấn bằng cách quán hình ellipse (hột gà dựng đứng với hai đầu bằng nhau) màu vàng khè. Trong hình ellipse vày có một tu sĩ đầu trọc và bận áo cà sa màu vàng khè. Tu sĩ quán cho ông tu sĩ này hộ thân. Khi ấn chạm tới đâu thì tu sĩ sẽ thấy chỗ đó lóe hào quang, căn cứ vào mức độ lóe sáng này thì tu sĩ sẽ biết được mức độ vững chắc của cách hộ thân.
c. Kiết ấn với trình độ "Thường Trú Tam Bảo".
Cách này dành cho Tứ Thiền Hữu Sắc trở lên. Ở trình độ này, khi tu sĩ để ý đến trên đảnh của mình, thì tu sĩ có thể thấy có những người ngồi hay đứng trên hoa sen.
Những người này được sắp xếp theo thứ tự sau đây:
Gần mình nhất có thể là vị Thầy của mình và cũng có thể là cái vòng phép (Mandala) mà mình đang học.
cao hơn một tý thì những vị Thầy khác và cao hơn tý nữa thì tới những vị Phật. Có hai trường hợp rõ ràng:
1. Tu sĩ chưa vào các định ở Vô Sắc: Vị Phật cao nhất là Tỳ Lô Giá Na phát quang màu xanh dương.
2. Tu sĩ vào được các định ở Vô Sắc: Vị Phật cao nhất là :Hắc Bì Phật phát quang 7 màu cầu vòng.
Các vị này cư ngụ thường xuyên trên đảnh của tu sĩ: Nên gọi là "Thường Trú Tam Bảo".
Đây là một tình trạng cao cấp của Mật Tông. Tuy nhiên nó lại có những mức độ cao thấp của chính nó.
Mức độ 1: Tu sĩ thấy hào quang của những vị này phát sáng rất là linh động, nhưng pháp thân thì cứng đơ, y như là hình chụp. Muốn tiến tu thì tu sĩ dùng nguyên tắc: "Muốn có thì phải cho" có nghiã là tiếp tục cho và tiếp tục làm việc thí pháp ...
Mức độ 2: Hào quang linh động và Pháp Thân cũng sinh động luôn. Đây quả thật là trình độ cao cấp nhất của Mật Tông.
Lúc này tu sĩ làm bất cứ việc gì thì những hành động này đều là "ấn".
Và dĩ nhiên là tu sĩ nói bất cứ điều chi thì lời nói này đều là "thần chú"
Thần Chú
Thần Chú là chân ngôn hay là lời nói chân thật, ý nghĩa của Chú chỉ có Chư Phật mới hiểu. Chú do tâm Phật, do lòng từ bi của chư Phật mà có. Mật chú của chư Phật là phép bí mật chỉ có Phật với Phật tự biết nhau, các vị Thánh không thể đạt. Chỉ tụng trì là diệt được đại lỗi mau lên Thánh vị.
Mật chú không thể giải thích được là vì Thần chú là viên mãn, giải thích bằng ngôn từ sẽ trở nên phiến diện, làm mất đi thần lực của chú, bởi vậy cho nên không giải thích cho người khác rõ được, mật nghĩa nằm trong đó, cần phải suy nghĩ.
Công năng của Thần chú khác nhau, tuỳ vào người truyền chú và cũng tuỳ thuộc vào tâm lực của hành giả. Sự chứng nghiệm và kết quả sẽ được hiện lộ sau khi hành trì.
Sau đây là những Thần Chú phổ biến:
Phật, Bồ Tát
|
Thần Chú
|
Phật Thích Ca |
Om, Muni Muni Mahamuni sakyamuni Svaha |
Phật Tỳ Lô Giá Na |
Om, Vairocana Hùm |
Phật Bảo Sinh |
Om, Ratnasambhava Tram |
Phật Bất Không Thành Tựu |
Om, Amogasiddhi Ah |
Phật A Di Đà |
Om, Amitabha Hrih |
Phật Bất Động |
Om, Akshobya Hùm |
Quan Thế Âm Bồ Tát |
Om Mani Padme Hùm |
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát |
Om Driym |
Chuẩn Đề Bồ Tát |
Om Kalê Kulê Kundê Svaha |
Địa Tạng Vương Bồ Tát |
Om Chalohê Kara svaha |
Hộ Pháp Kim Cang |
Om Vajra Agnipranan Pataya Svaha |
(nguồn: http://www.hoasentrenda.com)