Khẳng định tính - Giác ngộ giải thoát


GIÁC NGỘ GIẢI THOÁT
 
A. Giác Ngộ là Biết Gặp Thực Tướng Vạn Hữu
 
1. Chân Không Diệu Hữu
 
Chân không diệu hữu là hình trạng hằng hữu của không tướng các pháp, là tự tính sự vật, đầy đủ tính, muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường, hay sanh, trùng trùng duyên khởi trong hư không, trong tàng thức của chúng sinh.
 
Nhìn một trần cảnh, là dùng căn mắt để thấy đối tượng. Tất cả sự vật trong thế giới hiện tượng đều hiện hữu do ngũ giác quan nhận diện trong thời điểm hiện tại. Chỉ trong hiện tại tiền ngũ căn mới cảm nhận được mà thôi. Còn thời quá khứ và vị lai thì hoàn toàn tùy thuộc vào ý trí thường gọi là ý thức mới nhận thức được đối tượng khiếm diện. Thí dụ:
Bây giờ, lần đầu tiên đứa trẻ nhìn thấy con bò đang ăn cỏ,nó chỉ biết cảm nhận hình ảnh con bò (cảm giác), rồi được cho biết tên hình ảnh đó là con bò, nó mới biết được là con bò (có kinh nghiệm hay quan niệm) tức là tri giác.
 
Nếu sau nầy, nó thấy con bò hiện đang đi, nó biết được con vật đó là con bò. Thật vậy, nó Biết Thực Có con bò. Một hôm, có người hỏi nó ở một nơi khác không có con bò, nó sẽ trả lời rằng không có con bò. Tại sao vậy? Khi đối tượng hiện hữu mà tiền ngũ căn nhận thức được thì Biết Thực Có đối tượng, khi đối tượng không hiện hữu, thì Biết Thực Không Có đối tượng. Vậy thì khi thấy con bò, Biết Thực (Có Con bò), khi không có con bò thì Biết Thực (Không Có con bò). Biết Thực Có là Chơn Hữu do tiền ngũ căn. Còn Biết Thực Không là Chơn Không. Cái Biết thấy có đối tượng thì thật: khẳng định, không chối cải được, vì cụ thể qua tiền ngũ căn. Có hiện diện con bò hay không có hiện diện con bò chỉ là đối tượng vô thường, nhưng cái Biết vẫn hằng hữu. Đối tượng thì luôn phủ định, và tánh Biết vẫn khẳng định.
 
Tại sao cái Biết nhận thức được phủ định tính của đối tượng?
 
Đối tượng mà ta nhận thấy thật ra chỉ là thấy bóng dáng của đối tượng mà thôi. Như thấy con bò là thấy bóng dáng con bò ở võng mạc của mắt. Cái Biết của Tâm là phi vật chất; cái Thấy bóng dáng của đối tượng cũng phi vật chất đồng thể với tâm nên tâm mới nhận thức được.
Hình ảnh đối tượng trong võng mạc mắt là bào ảnh của nó. Bào- Ảnh hay Như-Là-Tính-Thể của sự vật là đối tượng nhận thức của Tâm. Tính- Thể của Tâm và Như-Là-Tính-Thể của sự vật đều đồng thể, nên sự nhận thức mới thành hình. Sự vật có thể xem là sản phẩm của Tâm. Nếu sự vật không được tính-thể hóa còn gọi Như-Là-Tính-Thể để đồng Tính-Thể của Tâm thì sự nhận thức không thể hiện được. Đó là quy luật: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng thể tương thông.
 
Bào thể của sự vật hay Như-Là-Tính Thể là phản ánh Tính-Thể của Tâm. Đặc tính Bào Thể chính là Đặc tính của Tâm. Như-Là-Tinh-Thể và Tinh-Thể là Một.
 
Nhắc lại, Cái Biết Thực Không (Có con bò). Con bò là Hữu. Không có con bò mà vẫn Biết là Diệu Hữu. Vậy Thực Không là Chơn Không, không có con bò là Diệu Hữu. Chơn Không Diệu Hữu là cái Biết muôn hình vạn trạng của các thức đã từng chứa trong Mạc Na Thức hay Alại Da Thức nhiều đời nhiều kiếp.
 
Dù không có hiện diện cụ thể mà bây giờ tiền ngũ căn không cảm nhận được, nhưng các Thức vẫn bao trùm trong hư không như Cái Biết vậy. Cái Biết và Thức thì bình đẳng và tự do như nhau. Cái Biết do Trí (Ý tác năng) và cái Thức (ý tác động) qua tiền ngũ căn đều bình đẳng vì cùng thể không của Tâm, và có liên hệ chặt chẻ với nhau. Thấy Biết tuy Hai mà Một.
 
Tri giác một đối tượng bình thường theo tiền ngũ căn là một nhận thức sai lầm vì tri giác đó còn nằm trong phạm vi thời không. Biết gặp Thực Tướng của vạn hữu là nhận thức vượt khỏi thời không như đã trình bày ở phần Thực Tại Tuyệt Đối & Chân Lý Tối Hậu. Như vậy Tri Thức Đúng cái Tri Thức sai lầm của tiền ngũ căn là Giác Ngộ (Biết Gặp) Thực Tướng của sự vật. Chơn Không Diệu Hữu nghĩa là Biết Thật trong Hư Không các pháp hiện hữu một cách mầu diệu. Vì các pháp không có thật tướng nên không sanh không diệt, không sạch không nhơ, không tăng không giảm.
 
B. Gặp Biết được Thực Tính của vạn hữu là Giải Thoát khỏi nhận thức sai lầm về Tự Tính Giả Lập hay Tùy Thuộc của chúng
 
Giác Ngộ tức là Giải Thoát, chính là Tri Nhận Thực Tại một cách Toàn Diện không thêm không bớt, là vượt khỏi Thời Không, là thể nhập Cõi Vô cùng Hằng Hữu, vì Hư Không ảo tưởng và Thời Gian huyễn hóa làm ngăn cách thế giới Hiện Tượng với Cõi Vô Cùng.
 
Sau khi nhận thức được rằng các đối tượng là những thực tại giả lập hay tùy thuộc, bậc trí giả thể nhập vào chân tâm, còn gọi là tri thức nguyên thủy, hay là thực tại toàn diện. Lúc ấy người ta trực tiếp nhận thức rằng chân lý vốn vượt ngoài nhị nguyên tính, hay vượt khỏi thời không. Như đã trình bày, những sự vật trong thế giới hiện tượng không những do duyên khởi mà còn được nhận thức bằng nhị nguyên tính và được xem là giả lập huyễn hóa, phiền não hay là tạp nhiễm ngoại lai đã che mờ cái tâm vốn thanh tịnh tự bản tính. Các thực tại tương đối được kiến lập theo nhị nguyên tính không thật theo quan điểm cứu cánh có thể tiêu trừ bằng tu tâm một cách chính đáng. Sau khi những tạp nhiễm được tẩy sạch, bản tính thanh tịnh trong sáng của tâm được phục hồi.
 
Chân Tâm được thể hiện bắng Tánh Giác hay Trí Vô Phân Biệt, Vô Giới Hạn, Bất Biến trong Cõi Vô Cùng Hằng Hữu, Thanh Tịnh tự Bản Tính tức là Thực Tại Toàn Diện Tuyệt Đối,Tri Thức Nguyên Thủy hay Chân Lý Tối Hậu. Tâm Thức được kiến tạo bằng Nhị Nguyên Tính, Trí Phân Biệt, Giới Hạn bởi các Căn là Tri Kiến của chúng sinh vốn mang nhiều hệ lụy Nhân Quả,Tạp Nhiễm. Phiền Não Khổ Đau, Sanh Tử Luân Hồi mà Nguyên Ủy là Vô Minh.
Cõi vô cùng của thực tại toàn diện hay tri thức nguyên thủy nằm trong khoảnh khắc tĩnh giác vô thời không. Việc phân chia thiện và ác, khổ đau và hạnh phúc (Nhị nguyên tính) chỉ là ảo tưởng, giả lập và huyễn hóa nhưng tri thức vụn vặt nầy vẫn được ghi lại trong dòng tâm thức những chuỗi nghiệp duyên nhân quả mãi lăn trôi theo thời không.
 
Giải Thoát Tri Kiến có nghĩa là Khôi Phực lại cái Thực Tính của Tri Kiến, tức là sự Hiểu Biết Chân Thật hay là Chân Lý Tối Hậu. Vượt khỏi đối tượng tìm đến tự tính của nó là đường về Chân Nguyên. Lột xác tri kiến giả lập để thể hiện Tri Thức Thực Sự tức là Tri Thức Đúng hay Hiểu Biết Chân Thật. Văy Tri Kiến như lả phương thức thực hiện. Như ngón tay chỉ mặt trăng. Nhận thấy được mặt trăng phải vượt thoát khỏi ngón tay; cũng như vậy, vượt khỏi Tri Kiến mới nắm bắt được Thực Tại.
 
Thực tại là thực tính của sự vật. Những hình ảnh của sự vật (Thức) theo thời gian kết tựu (Tàng Thức). Thời gian đi từ tự tính của sự vật: Chơn không, Thực tại, Thực hữu. Thực chất là chân lý thì không biến đổi. Đã là chân lý thì phải thường hằng, bất biến. Vì lẽ đó, cho nên ta có thể thấy lại trong thực tại bên ngoài cái ý niệm thời gian mà ta biết một cách tuyệt đối. Đó là ý niệm lại cái thực tại thì không còn là thực tại. Dù trải qua 1 sát na, nó chỉ là một quá khứ. Tri kiến là tâm quá khứ. Chân thể là sự trở lùi của Sử tính Thời tính. Ấn tượng tri giác vận chuyển nối tiếp như một dòng sông chảy xiết. Dòng nước trôi chảy liên miên, những giọt nước không bao giờ lập lại, nhưng những giọt nước đều có hình ảnh giống nhau; do đó dù tự thể của chúng luôn luôn sai biệt, nhưng hình ảnh của chúng không sai biệt.
 
Muốn dẹp bỏ tâm quá khứ để trở về giọt nước ban đầu của những giọt nước triền miên lưu chảy mà ta đang thấy, là một giả vọng trong quá trình tư duy mà thôi. Trở về nguồn của thực hữu, cái hiện đang là đó, tức là không có tâm quá khứ vốn mang nhiều tri kiến nặng nề, làm cho tâm hồn vẩn đục, vọng tưởng duyên khởi lăn trôi trong tương lai không dứt. Đó là ta mới giảm trừ thời gian. Còn điểm trở ngại nữa, cái tâm không thì không còn trung gian của các căn nữa (Chủ khách). Vượt khỏi ngũ giác quan của mình để nguyên vẹn cái tâm không trực nhận thực hữu. Là ta đã giảm trừ không gian và thời gian, là hai yếu tố làm chướng ngại cái tâm tự tại vậy. Tâm lúc bấy giờ thể nhập chốn tịch tĩnh y nhiên. Thực tại thực hữu chính nó là nó mà tâm thể nhập ngay lúc đó và tại đó hiện tiền. Khi dùng văn ngôn để diễn tả cái ý chỉ thì thực hữu ấy không còn là hiện hữu nữa. Giải Thoát Tri Kiến là tiến trình Tri Thức Đúng về Nhận Thức Sai Lầm Tri Kiến Giả Lập, và Giải Thoát nó, để trở về Thực Thể tức là Tự Tính Tuyệt Đối của Tri Kiến hay là Con Đường Giác Ngộ. Con đường trở về Chân Nguyên tức là con đường của Cõi Vô Cùng Hằng Hữu và Thế GiớI Hiện Tượng không còn phân cách.
 
Cõi Vô Cùng Hằng Hữu là: cõi của Chơn Không Diệu Hữu, cõi của A Lại Da Thức, cõi tự đầy đủ, không sanh không diệt, bất biến, thanh tịnh, không dao động, nhưng hay sanh muôn pháp, không phải là cõi của thế giới hiện tượng nhưng kết hợp với thế giới hiện tượng mới sanh muôn pháp. Cõi Vô Cùng là cõi của Trí Giác hay Tâm Trí, còn cõi của Thế Giới Hiện Tượng là cõi của Thức Giác hayTâm Thức cõi của Cảm Giác. Dù cho thức giác và trí giác bình đẳng, nhưng thức giác thì phân biệt và giới hạn ở các căn trong thế giới hiện tượng (không gian) và chỉ ở hiện tại, còn trí giác thì vô phân biệt vô giới hạn trong cõi vô cùng hằng hữu. Trí giác mênh mông bao trùm không những thế giới hiện tượng là hiển lộ trong mọi căn mà còn cả khắp mọi nơi (không gian) và cả ba thời.
 
Khi nhận thức một đối tượng một cách toàn diện (thí dụ về thị giác) nghĩa là cảm giác trọn vẹn sự vật, tức là nhận thức tại hình ảnh sự vật được hội tụ ở võng mạc mắt, hình ảnh ấy là Như-Là-Tính-Thể của Thức Giác, cũng là lúc Tâm trực nhận đầy đủ Thức Giác ấy. Lúc bấy giờ Tính-Thể của Tâm và Như-Là-Tình-Thể của sự vật đồng đẳng và đồng nhất thể. Nói rõ hơn, hình ảnh đối tượng (thức giác hay dung thể không của đối tượng) in trên võng mạc của mắt, cũng là lúc nhận thức của trí giác được hiển lộ trực tiếp khắn khít với thức giác như một. Thực tại toàn diện được nhận thức trọn vẹn trong trạng thái hợp nhất giữa thế giới hiện tượng và cõi vô cùng (không phân cách). Thực tại toàn diện nằm trọn vẹn trong chính nó không gì ngoài nó, có nghĩa là không thêm không bớt. Không thêm, vì ngoài thực tại không có gì nữa, tức là tha tính không để được nhận thức đầy đủ hoàn toàn dung thể không của nó. Không bớt, vì không thể thiếu một phần nào của thực tại (như không có thiếu thức giác) thì mới được toàn diện có tên riêng.
 
Nắm bắt được thực tướng của vạn hữu là sự vượt khỏi thời không làm cho tâm trở nên trong sáng thanh thản, tức là giải thoát khổ đau, nhân quả, luân hồi.
 
Vậy thì, Tri Thức đúng (Giác Ngộ) cái Tri Giác sai lầm của Chủ Khách (Nhị Nguyên) là Giải Thoát mọi phiền não, nhân duyên chằng chịt, cũng là Tự Giác và Giác Tha. Nắm bắt được thực tại toàn diện là thể nhận đối tượng một cách trọn vẹn. Khi Như-Là-Tính-Thể của đối tượng được Tâm trực nhận là lúc Tính-Thể của Tâm và Như-Là-Tính-Thể của đối tượng đồng đẳng hội nhập thảnh Một. Thực tại được toàn diện là nhận thức đối tượng đầy đủ không thêm không bớt. Không bớt vì phải thể nhận trọn vẹn không gian dung chứa đối tượng, mà dung thể không của đối tượng và đối tượng là một. Không thêm vì không cần có thời gian (phải vượt khỏi thời gian), bởi thời gian làm huyễn hóa đối tượng. Thực Tại Toàn Diện là thể nhận đối tượng một cách trọn vẹn đầy đủ không thêm không bớt cũng là lúc Giải Thoát mọi huyễn hóa, nhân duyên, sanh diệt, quan niệm vốn là sản phẩm của dòng Tâm Thức là Mầm Mống của phiền não khổ đau lăn trôi trong sanh tử luân hồi. Giải Thoát tức là Giác Ngộ mọi sự sai lầm của Nhận Thức thiếu Tĩnh Giác trong sinh hoạt hàng ngày của Thân Khẩu Ý. Hiện hữu sống, giải thoát mọi nhân duyên ràng buộc thì tương lai làm gì có dây nhân quả buộc ràng sanh tử lôi kéo!
 
Khẳng định tính là chân lý tối hậu, còn gọi là tri thức nguyên thủy, là trung đạo tức là thực tại điểm hiện hữu trong dòng duyên khởi của tâm thức, cũng là thực tại tuyệt đối của chân trí.
Tóm lại, cốt tủy của Phật đạo là Giác Ngộ Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử. Đó cũng là cứu cánh giáo lý của đức Phật.


Thông tin liên hệ

Điện thoại: 0389.977.999
Hotline     : 0389.977.999
Email: phongthuysongha@gmail.com
Địa chỉ: Trung tâm Thương mại Hyundai - Tô Hiệu - Hà Đông - Hà Nội - Việt Nam


Xem lịch âm
Tháng     Năm  

Liên kết nhanh

Website liên kết: https://topchuyengia.vn