Pháp Chánh Niệm khi Đi Đứng hay Kinh Khất Thực Thanh Tịnh


Tĩnh giác trong tứ oai nghi là pháp môn tu tập hữu hiệu nhất để được chánh trí và chánh niệm. Một sự sáng suốt hay chánh tư duy lúc đi đứng, lúc thiền hành hay khất thực là sự rèn luyện tâm an tịnh tốt hơn hết. Thật ra tư duy về sự không tư duy là điều thiết thực trong pháp chánh niệm này. Trong Kinh Khất Thực Thanh Tịnh, Phật dạy cách tu học các thiện pháp và tinh tấn đoạn diệt các ác bất thiện pháp. Đặc biệt trong đi đứng, chánh niệm là một pháp các hành giả cần phải nghiêm mật hành trì đúng cách, nếu không thì không thúc liễm được thân tâm. Trong kinh Khất Thực Thanh Tịnh do HT. Thích Minh Châu Việt dịch, nói lên những tinh yếu của lời Phật dạy.
 
a) An Trú vào Không Tánh
 
Hành giả tu tập pháp chánh niệm lúc đi đứng, thiền hành hay khất thực thì các căn được sáng suốt, diện mạo trong sáng thanh thản.
Kinh viết:, "Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).
 
Rồi Tôn giả Sariputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi dến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sariputta đang ngồi một bên:
-- Này Sariputta, các căn của Ông rất sáng suốt, sắc da của Ông thanh tịnh trong sáng. Này Sariputta, Ông nay đang phần lớn an trú với loại an trú nào?
 
-- Bạch Thế Tôn, con nay đang phần lớn an trú với Không trú.
-- Lành thay, lành thay! Này Sariputta, Ông nay đang phần lớn an trú với sự an trú của bậc Ðại nhân. Này Sariputta, sự an trú của bậc Ðại nhân tức là không tánh. Do vậy, này Sariputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: "Mong rằng tôi nay phần lớn an trú với sự an trú không tánh", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
 
Thật vậy, nếu lục căn thanh tịnh, là Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân Ý được thấy biết như thật như chơn, hay đưa lục căn giả lập nầy vào tánh giác, cái biết sáng suốt, trong sát na hiện tiền vô thời không, thì làm gì có chỗ nào mà an trú. Nói rõ hơn là lục căn an trú vào tuệ tri, cái biết sáng suốt, cái hư không, thì an trú vào cái không an trú (trong hư không). Vậy khi lục căn thanh tịnh hay tbiế sắc thọ tưởng hành thức sáng suốt thì sắc da của con người trong sáng, tâm địa thanh thản. Sắc da dụ cho vật lý mà vật lý ảnh hưởng đến tâm lý. Người mà sống ung dung tự tại thì thân tâm thường an lạc.Đó là an trú nơi không tánh. Như đi đến trở về trên con đường, nếu mắt thấy sắc, thì sự thấy biết như chơn các sắc thì không khởi lên dục (vì tuệ tri các sắc hay biết một cách sáng suốt vô thời không), không có dục thì không ái thủ hữu, thì tham sân si hay hận tâm không có.
 
b) Chánh Tư Duy.
 
Nhắc lại trong Đai Kinh Sáu Xứ Phật dạy, "Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là chánh tư duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là chánh tinh tấn. Niệm gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là chánh niệm. Ðịnh gì như chơn của vị ấy, định ấy là chánh định. Thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh mạng của vị ấy được thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập." (Đại Kinh Sáu Xứ, HT. Thích Tâm Châu Việt dịch)
 
Theo Phật, Cảm, Nghĩ, và Làm (Tình năng, Trí năng, và Hoạt năng) được thấy biết như chơn như thật là sự thấy biết vô thời gian, làm cho tâm trở nên trong sáng. Chánh Kiến là cái thấy như chơn pháp ấy. Chánh Tư Duy là sự suy tư như chơn pháp ấy. Chánh Niệm là nhớ (không có vọng khởi) như chơn của pháp ấy. Chánh Định là sự vắng lặng tịch tĩnh như chơn pháp ấy. Chánh Nghiệp là sự chơn chánh nghề nghiệp.Chánh Ngữ là sự lời nói chơn chánh hài hòa. Chánh Mạng là nuôi mạng sống bằng thức ăn tinh khiết. Thánh Đạo Tám Ngành này (Bát Chánh Đạo) được tu tâp và phát triển sung mãn thì thân tâm thường an lạc. Riêng trong oai nghi đi đứng, thì chánh tư duy được hành trì cẩn mật hơn để lúc nào cũng chánh niệm.
 
1) Đối với sắc:
 
"Này Sariputta, nếu Tỷ-kheo sau khi tư duy biết rằng: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sariputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi... ta đi khất thực trở về, đối với các sắc do mắt nhận thức, không có khởi lên nơi dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp."
 
Sau khi an trú với không an trú, cần phải tinh tấn đoạn các ác bất thiện pháp như mắt nhận thức khởi lên dục, tham, sân si hay hận tâm. Hành giả cần tu tập các thiện pháp ngày đêm bằng cách an trú với hoan hỷ và hân hoan.
 
2). Đối với thinh hương vị xúc pháp:
 
"Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi... , ta đi khất thực trở về đối với các tiếng do tai nhận thức,... đối với các hương do mũi nhận thức,... đối với cácvị do lưỡi nhận thức,... đối với các xúc do thân nhận thức,... đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên dục, tham, sân, si hay hận tâm không?"
 
Này Sariputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư biết được như sau: "Trên con đường ta đã đi... , ta đi khất thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si, hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp ấy. Nhưng này Sariputta, nếu Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Trên con đường ta đã đi... ta đi khất thực trở về, đối với các pháp do ý nhận thức, không có khởi lên nơi ta dục, tham, sân, si hay hận tâm", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp."
 
Chánh Tư duy trong khi đi, về trên đường đối với nhận thức của thinh hương vị xúc pháp bằng cách tinh tấn đoạn tận các ác bất thiện pháp của các nhận thức ấy khởi lên dục, tham, sân, si, hận tâm, và hành giả cần thường xuyên an trú với hỷ và hân hoan.
 
3. Đối với năm dục. năm triền cái:
 
"Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng chưa? Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa đoạn tận năm dục trưởng dưỡng", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm dục trưởng dưỡng. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã đoạn tận năm dục trưởng dưỡng", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
 
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái chưa?" Nếu, này Sariputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa đoạn tận năm triền cái", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải tinh tấn đoạn tận năm triền cái. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã đoạn tận năm triền cái ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp."
 
Hành giả cần tu tập trong các thiện pháp lúc đi đứng bằng cách an trú với hỷ và hân hoan và phải tinh tấn đoạn tận năm dục (sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, và xúc dục) và năm triền cái (năm dây trói buộc: tham dục, sân hận, mê ngủ, hối hận, nghi hoặc).
 
4. Đối với năm thủ uẩn:
 
"Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta có liễu tri năm thủ uẩn chưa?" Này Sariputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta chưa có liễu tri năm thủ uẩn", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tán liễu tri năm thủ uẩn. Nhưng nếu, này Sariputta, trong khi suy tư, Tỷ-kheo ấy được biết như sau: "Ta đã liễu tri năm thủ uẩn", thời này Sariputta, vị Tỷ-kheo ấy phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp."
 
Hành giả cần tu tập trong các thiện pháp lúc đi đứng bằng cách an trú với hỷ và hân hoan và phải liễu tri năm thủ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức), tức là biết được thủ uẩn chính là năm yếu tố của thân xác con người.
 
5. Đối với bốn niệm xứ, chánh cần, như ý túc, lực,giác chi, thánh đạo, và pháp chỉ quán:
 
"Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập bốn niệm xứ chưa?" Này Sariputta, nếu trong khi suy tư, Tỷ-kheo được biết: "Ta chưa tu tập bốn niệm xứ", thời này Sariputta, vị Tỷ-kheo cần phải tinh tấn tu tập bốn niệm xứ. Nhưng nếu, này Sariputta, trong khi suy tư Tỷ-kheo được biết như sau: "Ta đã tu tập bốn niệm xứ ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập bốn chánh cần chưa? "... "Ta đã tu tập bốn như ý túc chưa?"... "Ta đã tu tập năm căn chưa?"... "Ta đã tu tập năm lực chưa?"... "Ta đã tu tập bảy giác chi chưa?"... Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành chưa?" Nếu Tỷ-kheo, này Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa tu tập Thánh đạo Tám ngành, " thời này Sariputta Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Thánh đạo Tám ngành. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập Thánh đạo Tám ngành, " thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú trong hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
 
Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư: "Ta đã tu tập Chỉ và Quán chưa? " Nếu Tỷ-kheo, này Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa tu tập Chỉ và Quán ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập Chỉ và Quán. Nhưng nếu, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã tu tập Chỉ và Quán ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan, ngày đêm tu học trong các thiện pháp."
 
Sống theo Bát Chánh Đạo như vậy, thì bốn niệm xứ (thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã) được tu tập và phát triển sung mãn.Bốn Chánh Tinh Tấn (Tinh tấn phát triển những điều thiện lành chưa phát sanh, Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều thiện lành đã phát sanh, Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh, Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh) được tu tập và phát triển sung mãn.Bốn Như Ý Túc (Dục Như Ý Thần Túc, Niệm Như Ý Thần Túc, Tinh Tấn Như Ý Thần Túc, Tư Duy Như Ý Thần Túc) được tu tập và phát triển sung túc.Năm căn (Nhãn, Nhĩ, Tĩ, Thiệt, Thân) được tu tập và phát triển sung mãn. Năm lực ((Tín lực, Tinh tấn lực, Niệm lực, Định lực, Huệ lực) được tu tập và phát triển sung mãn. bảy giác chi (Trạch Pháp Giác Chi, Tinh Tấn Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Khinh An Giác Chi, Niệm Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi) được tu tập và phát triển sung mãn. Hai pháp là: Chỉ và Quán dược chuyển vận song hành. Với thượng trí những pháp nào cần phải đơạn tận và cần phải tu tập vớí thượng trí. Với thượng trí hành giả chứng ngộ những pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí. Đặc biệt những pháp cần phải liễu tri chánh tư duy và chánh niệm với thượng trí luc đi đứng. Hành giả luôn luôn an trú với hỷ và hân hoan này đêm trong các thiện pháp ấy.
 
c) Kết Luận.
 
Tóm lại, trong kinh Khất Thực Thanh Tịnh, Phật dạy lúc đi trên đường và lúc trở về, hành giả lúc nào cũng tu tập theo pháp thượng trí là an trú vào không tánh. Pháp chánh niệm và chánh tư duy trong chỉ và quán để được chứng ngộ minh tâm và giải thoát.
"Lại nữa, này Sariputta, Tỷ-kheo cần phải suy tư như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát chưa? " Nếu Tỷ-kheo, này Sariputta, trong khi suy tư được biết như sau: "Ta chưa chứng ngộ minh và giải thoát", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn tu tập minh và giải thoát. Nhưng nếu, này Sariputta, Tỷ-kheo trong khi suy tư được biết như sau: "Ta đã chứng ngộ minh và giải thoát ", thời này Sariputta, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm tu học trong các thiện pháp.
 
Này Sariputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời quá khứ đã làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Này Sariputta, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong thời gian tương lai sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Và này Sariputta, những Sa-môn, Bà-la-môn nào trong thơi hiện tại, làm cho khất thực được thanh tịnh, tất cả những vị ấy đã làm cho khất thực được thanh tịnh, bằng cách suy tư, suy tư như vậy. Vậy này Sariputta, các Ông cần phải học tập như sau: "Sau khi suy tư, suy tư, chúng ta sẽ làm cho khất thực được thanh tịnh". Này Sariputta, các Ông phải tu tập như vậy.
 
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Sariputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy."
 
Tựu chung, lục căn, lục trần, lục thức. bát chánh đạo, hay tất cả các pháp, khi an trú vào không tánh tức là cần phải an trú với hỷ và hân hoan ngày đêm trong các thiện pháp đều là sự nhận thức sáng suốt của Thượng Trí. Do sự tu tập Chánh Tư Duy như đi đứng được thanh tịnh, hành giả cần chọn những pháp cần phải được chứng ngộ với thượng trí để được Minh Tâm và Giải Thoát khỏi Vô Minh.
 
Tham khảo:
Đại Kinh Sáu Xứ. HT. Thích Minh Châu Việt dịch đăng trong websiteTrung Tâm Phật Giáo Các Chùa Việt Nam, Texas. http://www.vnbc.org
Kinh Khất Thực Thanh Tịnh. HT. Thích Minh Châu Việt dịch đăng trong website Trung Tâm Phật Giáo Các Chùa VN, Texas.