Quan Lớn Đệ Ngũ - Đạo Mẫu


Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh gọi nôm là Ông Lớn Tuần Tranh là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn quan (Ngũ vị vương quan, ngũ vị tôn ông) trong Đạo mẫu, Tam phủ, Tứ phủ, sau hàng Tam vị Thánh mẫu. Vai trò Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh là Thanh tra, giám sát nhân gian.
 
Có một số truyền thuyết về gốc tích của ông nhất là qua Ngọc phả Thần tích các đền phủ của Đạo mẫu, đền thờ Ông cũng như qua các bài Văn chầu. Một truyền thuyết tương đối phổ biến và qua Ngọc phả Thần tích đền Đồng Bằng thờ Vua cha Bát Hải động đình gốc tích của ông như sau: Ông là con trai thứ năm của trong một gia đình lái đò trên dòng sông Vĩnh, phủ Ninh Giang (nay thuộc Hải Dương) thời Hùng Triều Thập Bát (Hùng Duệ vương). Tuổi tác đã cao mà vợ chồng ông lái đò mà chưa có người nối dõi. Một lần ông bà bắt được bào thiêng trong có một ổ trứng trắng liền mang về nhà. Trải 9 mùa trăng đi qua, vào một ngày trời đầy mưa giông, sấm giật, 9 quả trứng nứt vỏ, 9 con rắn ra đời, ngày tháng thoi đưa, lũ rắn cũng lớn dần lên. Năm ấy, đất nước có giặc, vua Hùng phải lập đàn khấn cầu các Thần linh giúp sức, lại sai sứ giả đi chiêu tập hiền tài huấn luyện binh nhung. Nghe tiếng loa truyền, 9 rắn hoá thành 9 chàng trai, cùng vào yết kiến nhà vua xin tham gia tiễu trừ quân giặc. 9 anh em nhất hô, bách ứng kéo theo cả thuồng luồng, thuỷ quái ra trận. Chỉ một ngày giặc tan, đất nước trở lại thanh bình. Vua Hùng truyền lệnh phong cho 9 chàng trai là 9 ông Hoàng. Ngày 22 tháng 8 năm Bính Dần, bỗng một vầng hào quang chói loà, 9 chàng trai lại trở thành 9 con rắn trở về với dòng sông Tam Kỳ. Từ đó dân làng truy ơn lập 9 ngôi đền thờ các dũng tướng đã giúp vua trừ giặc ở dọc hai bờ sông, từ bến đò Tranh đến tận cửa biển Diêm Điền và đền Đồng Bằng là nơi thờ người cha chèo đò trên bến sông thuở ấy, với duệ hiệu Trấn Tam Kỳ giang linh ứng, Vĩnh Công đại vương, Bát Hải động đình gọi nôm là vua cha Bát Hải.
 
Một truyền thuyết khác kể rằng: Ông là con trai thứ năm của vua cha Bát hải Động đình. Ông là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên
 
hải sông Tranh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong Công hầu. Ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp là vợ lẽ của một viên quan, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh chồng chung, nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng. Ông vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan kia biết chuyện, vu cho ông đã quyến rũ vợ mình. Ông bỗng nhiên mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Tại đây, để chứng tỏ mình vô tội, ông nhảy xuống dòng sông Kì Cùng mong rửa oan. Hồn Ông trở lại quê nhà, hiện thành đôi bạch xà. Rồi một ông bà lão nông bắt được đem về nhà nuôi nấng như thể con mình. Đến khi viên quan phủ biết chuyện ông bà nông lão mua gà để nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và đòi giết chết đôi bạch xà. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội.
 
Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống Nam Việt ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, thuyền bè không tài nào qua được mà lại có cơn giông tố nổi lên giữa dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho ông và phong là Giảo Long Hầu. Sau này ông còn hiển Thánh linh ứng, có phép nhà trời, cai quản âm binh, ra oai giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.
 
Trong Đạo mẫu, Tam phủ, Tứ phủ thì thờ Phụ Vương Đại Thánh Lạc Long Quân cai quản Thủy phủ (Thoải Phủ) với vai trò là vua cha tức vua cha Bát hải Long vương (Thoải Phủ) hay Bát hải Động đình vương (Hồ Động Đình ở sông Dương Tử nay thuộc Trung Quốc). Nên Quan đệ ngũ Tuần Tranh chính là con trai của vua Lạc Long quân. Trong hàng Ngũ vị Tôn quan, Ông là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân tôn kính phụng thờ. Trong các buổi lễ Mẫu - Tam tứ phủ, Ông đều giáng ngự đồng. Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các quan lớn về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sớ trạng rồi mới được đem đi hoá.
 
Quan Tuần Tranh được thờ ở rất nhiều nơi, trong tất cả các đền, phủ, điện mẫu - Tam Tứ phủ nhưng đền chính là đền Tranh và đền Kì Cùng. Đền Ninh Giang lập bên bến sông Tranh ở xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn nay thuộc thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (là nơi chính quán quê nhà của ông, nơi ông trấn giữ duyên hải sông Tranh, cũng là nơi ông hiển tích) và đền Kì Cùng lập bên bến sông Kì Cùng ở xã Vĩnh Trại - Châu Thoát Lãng, nay thuộc TP Lạng Sơn (cầu Kì Lừa là nơi ông bị lưu đày).
 
Hội đền Tranh là ngày mở tiệc đón, ngày đản sinh (ngày 14/02 Âm lịch) từ ngày 10-20/2, ngày tiệc chính của Ông là ngày hóa (25/5 Âm lịch) từ ngày 20-26/5 (là ngày ông bị lưu đày và bảo nhân dân quê ông làm giỗ vào ngày này