(Ni sinh 1, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, giờ luận Câu-xá)
Phật giáo là lấy tâm làm cơ sở để tu tập. Vì tâm là một sự biến đổi không lường được.”Tâm viên ý mã” chỉ rõ sự vô thường của nó. Ðã luôn thay đổi như dòng nước tuông chảy thì dễ ô nhiểm dù chúng ta thấy trong trẻo nhưng thật ra bao nhiêu tạp chất khác bám dính. Tâm thường tình mà nói, là dòng tâm thức luôn vẩn đục, do ý niệm so đo, tư duy, tưởng tượng, v.v…gọi là vọng niệm hay vọng tưởng; tâm đó là tâm thức. Lục thức là lục tặc. nói rõ hơn thức là nghiệp. Dòng tâm thức vẩn đục chất chứa mầm móng của luân hồi quả báo từ đời nầy tới đời khác. Tâm phức tạp và luôn dính nhiều tạp nhiểm, nên Phật dạy phải tu tâm là trong sạch hóa dòng tâm thức luôn nhiểm ô. Nếu tâm không dính nhiểm gì để trở lại ”xưa nay không một vật”, đó là tâm không hay chân như bản tánh thì làm gì có nghiệp thức lôi kéo. Kinh như núi pháp như rừng mà Phật đã truyền dạy đã ghi lại đầy đủ mọi khía cạnh của tâm và pháp để giải thoát mọi gốc rể của phiền nảo khổ đau và vô thường của dòng tâm thức nầy.
Những kinh Phật dạy về tâm rất đa dạng trong pháp học cũng như pháp hành dù tu sĩ, cư sĩ ở ngoài đời hay ở tu viện rất chi tiết và rải khắp mọi mặt, nhiều khi chúng ta khó có thể nhìn thấu suốt hết, cho nên có những vị thiện tri thức, đại hoc sĩ, triết gia hay luận thuyết gia tổng hợp lai những bài giảng thuyết của Phật trong các kinh mà trước tác, như Vi Diệu Pháp, Duy Thức Học, Thiền tông hay các pháp môn Phật học, v.v…với mục đích là triển khai cũng như phân tích và nhận thức thật sâu sắc về tâm để tỏ rõ đường đi đến niết-bàn.
I. Vi Diệu Pháp.
Yếu lược nội dung Vi Diệu Pháp theo Tỳ Kheo Giác Chánh,
Theo bà Rhys David, một học giả người Anh, khi nói về nội dung Vi Diệu Pháp, đả viết: " Vi Diệu Pháp nói gì? - Vi Diệu Pháp nói những gì trong ta, ngoài ta và chung quanh ta”
Cái gì trong ta? - Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay Ngũ Uẩn- những thành phần hợp lại thành một con người, một chúng sanh. Vi Diệu Pháp trình bày con người về cả hai phương diện Tâm lý và Vật lý.
Cái gì ngoài ta và cái gì chung quanh ta? - Ngoài việc trình bày cho thấy bản thể, chơn tướng của chúng ta, Vi Diệu Pháp còn chỉ cho ta thấy những gì thuộc về ngoại thân, những hiện tượng sanh diệt của những gì thuộc về thế giới bên ngoài của chúng ta và sự thoát ly thế gian (Niết Bàn).
Như vậy, bà David đã cho ta thấy rằng Vi Diệu Pháp trình bày những chơn tướng, thực thể của cái gì thuộc về nội thân và những gì thuộc về ngoại thân. Cũng nên nói thêm là khi trình bày những điều ấy, Vi Diệu Pháp đã mô tả về trạng thái, nhân sinh, sở hành, ..., của từng pháp một cách rất chi tiết.
Tóm lại, với câu giải trên, chúng ta đã thấy Vi Diệu Pháp nói gì và đề cập đến những gì. Sang một khía cạnh khác, chúng ta có thể hỏi: " khi trình bày, phân giải những điều ấy, Vi Diệu Pháp muốn cho ta biết những gì?".
Ngài Ðại Ðức Santakicco (Tịnh Sự) - một học giả chuyên môn về Abhidhamma - đã nói: "Vi Diệu Pháp trình bày về sự vô thường, khổ não, vô ngã và cái gì vượt ngoài ba tướng trạng ấy".
Câu nói trên đã hàm tận những ý nghĩa hết sức sâu xa và cô động một cách đầy đủ về nội dung của Vi Diệu Pháp.
Ở tạng Diệu Pháp, bốn vấn đề trọng yếu được trình bày là Tâm (thành phần tri giác của chúng sanh); Sở hữu tâm (Thành phần phụ thuộc của tâm); Sắc pháp (thành phần vật chất) và Niết Bàn (sự vắng lặng các pháp hành).
Khi bàn về Tâm cũng như Sở hữu tâm, Vi Diệu Pháp đã cho ta thấy những Duyên (Paccayo) hay yếu tố tạo thành sự hiện hữu của Tâm và sự diễn tiến hoại diệt của từng tâm sát na trong Lộ trình tâm (Cittavithā).
Cũng vậy, khi nói về Sắc pháp, Vi Diệu Pháp đã trình bày về thể trạng của Sắc pháp, những duyên trợ tạo và gìn giữ sắc pháp, cũng như tiến trình sanh diệt của từng sát na sắc pháp trong Lộ sắc.
Cuối cùng, sau khi đã trình bày về các pháp hữu vi (pháp do duyên trợ tạo), Vi Diệu Pháp còn trình bày về Niết Bàn (một trạng thái vô vi), không bị chi phối bởi vô thường, khổ não, vô ngã.
Ðể kết luận, ta có thể nói, nội dung của Vi Diệu Pháp là dạy cho chúng ta rõ về con người, thế gian và xuất thế gian (Niết Bàn).
Mục đích của việc học Vi Diệu Pháp.
Khi đã hiểu biết Vi Diệu Pháp nói gì thì vấn đề cần bàn đến là học Vi Diệu Pháp để làm chi? Hay mục đích của việc học Vi Diệu Pháp là gì? Học Vi Diệu Pháp có lợi ích gì?
Phật giáo đã dạy về bản chất giả tạm, khổ não của thế gian và con đường vượt khỏi những điều ấy là con đường siêu thế gian. Vì vậy, khi đánh thức giấc mộng vô minh của chúng sanh, Phật đã dùng nhiều phương tiện, trình bày về bản chất thật thể của thế gian là như thế nào để chúng sanh có thể ý thức được bản chất thật của thế gian là vô thường, khổ não và vô ngã.
Trong tinh thần đó, Vi Diệu Pháp nói lên lẽ thật, chơn tướng bản thể của các pháp để chúng ta có được ý niệm đứng đắn về thế gian (dẹp bỏ những thành kiến sai lầm).
Vi Diệu Pháp giúp chúng ta thấy rõ chơn tướng của các pháp và nhờ đó ta có thể dẹp đi những kiến thức sai lầm về con người và thế gian.
Trên con đường tu tập, người phật tử cần làm hai việc: học pháp và hành pháp. Học pháp là tìm hiểu, thu lượm cho mình một kiến thức đúng, lợi ích cho việc tu tập. Hành pháp là đem những điều học được áp dụng cho đời sống hàng ngày. Vi Diệu Pháp sẽ thích ứng, và hết sức bổ ích cho cả hai việc làm đó.
Vi Diệu Pháp giúp cho ta một kiến thức cơ bản, không bị lầm lẩn khi nghiên cứu Phật pháp, bằng những cách diễn đạt Pháp vô ngại giải, Từ vô ngại giải và Biện vô ngại giải. Nhờ đó ta có thể lảnh hội dể dàng những ý nghĩa trong những lời dạy của Ðức Phật.
Thí dụ: Trong tạng Kinh, Ðức Phật dạy về Pháp Vô Ngã (không có cái ta, không phải là của ta), rồi trong tạng Luật, Phật lại dạy: "Lấy vật có chủ là trộm cắp", hai điều trên sẽ gây hoang mang cho chúng ta nếu chúng ta không biết về pháp tục đế (Sammuttisacca) và pháp chơn đế (Paramatthasacca) được giảng trong Vi Diệu Pháp. Ðó là lợi ích đối với việc học pháp. Về mặt hành pháp, nhất là đối với những người hành thiền quán, Vi Diệu Pháp lại là một môn học thiết yếu nhất, nó cho chúng ta một sự hiểu biết rõ ràng về Danh Sắc, phân tích, giải thích rõ ràng các pháp hữu vi, nhờ đó, khi thực hành thiền quán, minh sát, chúng ta sẽ nhận định rõ ràng và chính xác về các đề mục (Thân, Thọ, Tâm, Pháp).
Một người đã học Abhidhamma, khi hành Tứ Niệm Xứ sẽ nhận định rõ ràng và chính xác các đề mục. Trái lại, một người hành Tứ Niệm Xứ mà không biết gì về Vi Diệu Pháp thì có thể lẩn lộn, sai lầm trong việc quán sát các đề mục.
Muốn nghiên cứu phảI xem các mục lục sau đây ở bài chánh đầy đủ của tác giả:
DẪN NHẬP
1. Pháp. 2. Pháp Tục Ðế, 3. Pháp Chơn Ðế, 4. Tâm, 5. Tâm Bất Thiện, 6. Tâm Vô Nhân, 7. Tâm Dục GiớI Tịnh Hảo, 8. Tâm Sắc GiớI, 9. Tâm Vô Sắc GiớI, 10. Tâm Siêu Thề, 11. Tổng Kết các LoạI Tâm, 12. Sở Hữu Tâm, 13. Sở Hữu Tỡ Tha, 14. Sở Hữu Bất Thiện, 15. Sở Hữu Tinh Hảo, 16. Tổng Két Các Sở Hữu Tâm, 17. Sự PhốI Hợp Giữa Tâm và Các Sở Hữu Tâm, 18. Lộ Trình Tâm, 19. Phi Lộ, 20. Sắc Pháp.
Riêng “Vi Diệu Pháp Toát Yếu” của Narada được trình bày mục lục như sau:
Mục lục
Lời Mở Ðầu
Chương 1 -- Tâm Vương
Câu kệ mở đầu. Ðề Tài,Bốn Loại Tâm Vương,Tâm Bất Thiện, Thuộc Dục GiớI,Tâm Vô Nhân,Ðồ Biểu 1,2,3,Tâm "Ðẹp",Tâm Thuộc Sắc Giới. Thiền (jhāna),Tâm Thuộc Vô Sắc GiớI,Tâm Siêu Thế,121 Loại Tâm,Sự Chứng Ngộ Niết Bàn,Ðồ Biểu 4,5,6,7,8,9.
Chương 2 -- Tâm Sở
Lời Mở Ðầu. Ðịnh Nghĩa.
Năm Mươi Hai Loại Tâm Sở,Những Sự Phối Hợp Khác Nhau Của Các Tâm Sở,Tâm Sở Bất Thiện,Tâm Sở "Ðẹp",Tâm Cao Thượng,
Tâm "Ðẹp" Thuộc Dục GiớI, Tâm Bất Thiện, Tâm Vô Nhân.
Chương 3 -- Phần Linh Tinh
Thọ, Nhân, Tác Dụng, Tốc Hành Tâm (Javana), Tử Tâm, Môn,
Ðối Tượng, Thời gian, Siêu Trí, Căn.
Chương 4 -- Phân Tách Tiến Trình Tâm
Tiến Trình Tâm xuyên Qua Năm Căn Môn,Những Tiến Trình Tâm,
Tiến Trình Tâm Xuyên Qua Ý Môn,Tiến Trình Tâm Appanā, Phương Thức Diễn Tiến Của Chặp Ðăng Ký Tâm,Phương Thức Diễn Tiến Của Tốc Hành Tâm (javana),Diệt Thọ Tưởng Ðịnh,
Phân Hạng Chúng Sanh,Những Cảnh GiớI,Ðồ Biểu 9.
Chương 5 -- Phần Không Có Tiến Trình
Bốn Cảnh Giới Sinh Tồn,Cảnh TrờI,Bốn Phương Cách Tái Sanh,
Bốn Loại Nghiệp,Nghiệp Bất Thiện,Nghiệp Thiện,Nghiệp,Những Loại Nghiệp Khác Nhau,Hiện Tượng Chết Và Tái Sanh,Chết,Biểu Tượng Lâm Chung,Dòng Diễn Tiến Của Tâm,Ðồ Biểu 10, 11, 12.
Chương 6 -- Phân Tách Sắc Pháp
Lời Mở Ðầu. Câu Kệ Nhập Ðề,Liệt Kê Các Sắc Pháp,Phân Loại Các Sắc Pháp,Sự Khởi Sanh Của Các Sắc Pháp,Các Nhóm Sắc Pháp,Phương Thức Khởi Sanh Của Các Sắc Pháp,Niết Bàn,
Ðồ Biểu 13.
Chương 7 -- Toát Yếu Những Phân Loại
Câu Kệ Nhập Ðề,Những Loại Bất Thiện Pháp,Ðồ Biểu 14,Những Loại Pháp Linh Tinh,Những Yếu Tố Của Sự Giác Ngộ,Ðồ Biểu 15,
Tổ Hợp Tổng Quát,Tóm Lược.
Chương 8 -- Toát Yếu Về Những Duyên Hệ
Câu Kệ Nhập Ðề,Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh,Ðịnh Lý Tương, Quan Duyên Hệ,Những Duyên Hệ Của Danh Và Sắc,Khái Niệm.
Chương 9 -- Ðề Mục Hành Thiền
Câu Kệ Nhập Ðề,Khái Lược Về Thiền Vắng Lặng,Những Giai Ðoạn Luyện Tâm,Những Ấn Chứng Của Công Trình Luyện Tâm,Thiền Sắc GiớI,Thiền Vô Sắc,Siêu Trí,Những Bẩm Tánh,Những Pháp Thanh Tịnh Khác Nhau,Sự Chứng Ngộ,Giải Thoát,Những Bậc Thánh Nhân,Thanh Tịnh Ðạo,Những Sự Chứng Ðắc
Ước Nguyện.
Trong Lời Mở Ðầu Narada đã nhận xét:
Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cả danh và sắc, hai thành phần tâm linh và vật chất cấu tạo guồng máy phức tạp của con người, đều được phân tách rất tỉ mỉ. Những diễn tiến chánh yếu liên quan đến tiến trình sanh và tử đều được giải thích tường tận. Những điểm phức tạp và khó hiểu trong Giáo Pháp đều được rọi sáng. Con Ðường giải thoát được chỉ vạch với những ngôn từ rành rẽ.
Vi Diệu Pháp chắc chắn là vô cùng hữu ích để thấu đạt giáo huấn của Ðức Phật một cách đầy đủ và chứng ngộ Niết Bàn, vì pháp nầy là chìa khóa để mở cửa vào thực tại. Pháp nầy đề cập đến những thực tại và lối sống thực tiễn cao thượng dựa trên sự chứng nghiệm của các bậc đã thấu triệt và chứng đắc.
Thiếu kiến thức về Vi Diệu Pháp đôi khi ta thấy khó lãnh hội ý nghĩa thật sự của một vài giáo huấn thâm diệu của Ðức Thế Tôn. Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, chắc chắn rất hữu ích để khai triển Tuệ Minh Sát (Vipassanā).
Tuy nhiên chúng ta không thể khẳng định một cách quả quyết rằng Vi Diệu Pháp tuyệt đối thiết yếu để thành tựu Giải Thoát.
Hiểu biết thấu đáo và chứng ngộ là vấn đề thuần túy cá nhân, mỗi cá nhân phải thấu triệt chân lý và thành tựu giải thoát cho chính mình). Tứ Diệu Ðế, nền tảng của giáo huấn mà Ðức Phật ban truyền, tùy thuộc nơi tấm thân nhỏ bé nầy. Giáo Pháp không riêng biệt với ta, không ở ngoài ta. Hãy nhìn trở vào trong. Hãy tự tìm lấy ta. Chân lý sẽ tự nó bày trần, trải ra trước mắt ta.
Phải chăng thiếu phụ Paṭācārā, vô cùng sầu lụy vì mất tất cả những người thân yêu nhất trong đời, đã chứng ngộ Niết Bàn trong khi rửa chân dưới suối, nhờ quán niệm về những giọt nước từ chân rơi xuống gieo điểm trên mặt nước rồi tan biến theo dòng?
Phải chăng Cūlapanthaka, người không thể học thuộc một câu kinh trong thời gian bốn tháng trường đã thành tựu Ðạo Quả A La Hán nhờ thấu hiểu bản chất vô thường của một cái khăn tay sạch mà mỗi ngày ông đưa lên ngay mặt trời để nhìn?
Phải chăng Upatissa, về sau trở thành Ðức Sāriputta, Xá Lợi Phất, đã chứng đắc Niết Bàn khi chỉ nghe được phân nửa câu kệ liên quan đến nhân và quả?
Ðối với vài người, chỉ một chiếc lá vàng rơi cũng đủ để chứng đắc Ðộc Giác Phật.
Ðối với những vị thường xuyên suy gẫm sâu xa, một chỉ dẫn nhẹ nhàng thoáng qua cũng đủ để khám phá những chân lý vĩ đại.
Theo một vài học giả, Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) không phải do Ðức Phật truyền dạy mà về sau, do các nhà sư uyên bác soạn thảo và trau chuốt. Tuy nhiên, theo truyền thống, chính Ðức Phật giảng dạy phần nòng cốt của Vi Diệu Pháp.
II. Duy Thức Học
Lượt trích đại cương “Khảo Nghiệm Duy Thức Học, Tâm lý Học Thực Nghiệm” của H.T Thích Thắng Hoan để chiêm nghiệm dòng tâm thức của chúng ta.
Duy Thức Học là một khoa học không ngoài mục đích khảo sát, tìm hiểu vạn pháp trong vũ trụ về phương diện tên gọi (danh xưng), tính chất, thực thể và những hình tướng không giống nhau của những pháp đó để chứng minh rằng, tất cả đều là giả tạo, đều là duyên sanh, đều không thực thể mà trong đó chỉ do Duy Thức làm chủ biến hiện. Nói cách khác, vạn pháp trong vũ trụ đều do Thức đứng ra kết hợp các yếu tố quan hệ, cần thiết để xây dựng và chuyển hóa thành hình tướng. Duy Thức nếu như rút lui và không còn sinh hoạt nữa thì vạn pháp sẽ bị hoại diệt theo. Tâm Thức không có hình tướng, chỉ căn cứ nơi các sự vật có hình sắc trong vũ trụ do Tâm Thức kết hợp và biến hiện để xác định thực thể của Tâm Thức. Nhằm kết luận quy về Tâm Thức làm căn bản cho chúng sanh hiện có mặt trong vũ trụ. Duy Thức Học chú trọng đến giá trị tâm linh làm nền tảng để mở bày nguyên lý của vạn pháp.
MỤC ĐÍCH CỦA DUY THỨC HỌC:
Duy Thức Học là một môn học về Tâm, bắt đầu từ nơi Thức để tìm hiểu nguồn gốc của Tâm, nguyên do Tâm chính là thể (Static State) của Thức mà Thức lại là tác dụng (Activity) của Tâm Thể. Tâm Thể nếu như không có thì không có Thức tác dụng. Thế nên các nhà Duy Thức căn cứ trên sự tác dụng của Tâm Thể mà đặt tên cho nó là Thức, nhưng Thức ở đây chính là Thức Tạng (Thức Alaya dịch là Thức Tạng, nghĩa là Thức Chứa). Thức Tạng là một loại Tâm Thức có giá trị làm căn bản cho sự sanh khởi vũ trụ và nhân sanh, nghĩa là vạn pháp và loài người trong vũ trụ đều phát sanh từ nơi Tâm Thức này. Đó là lời khẳng định của các nhà Duy Thức.
Duy Thức Học còn nhiệm vụ nữa là tìm hiểu vạn pháp và loài người trong vũ trụ từ đâu sanh, ai sanh ra chúng và sanh bằng cách nào? Các nhà Duy Thức đi đến kết luận rằng: "VẠN PHÁP ĐỀU DO THỨC BIẾN HOẶC TẤT CẢ ĐỀU DO TÂM TẠO".
Khoảng 900 năm sau Phật nhập diệt, Ngài Vô Trước (Asanga) cũng là vị Bồ Tát ra đời, thọ giáo với Bồ Tát Di Lặc tại cung trời Đâu Xuất về môn học Duy Thức này. Sau khi đắc pháp, Bồ Tát Vô Trước đứng ra khởi xướng và phát huy môn học Duy Thức tại Ấn Độ. Em Ngài Vô Trước là Ngài Thế Thân (Vasubandhu) theo anh học Đạo. Đầu tiên Ngài Thế Thân sáng tác quyển "DUY THỨC TAM THẬP TỤNG" và quyển này được truyền bá khắp nơi trong nước Ấn Độ. Hệ phái tư tưởng Duy Thức được thành lập từ đây.
KHẢO SÁT SỰ CÓ MẶT CỦA CÁC TÂM SỞ
Đề cập đến học thuyết Duy Thức, chúng ta nghĩ ngay đến TÂM VƯƠNG và TÂM SỞ. Tâm Vương là chỉ cho những Tâm Thức mà chúng ta đã khảo sát và giải thích rõ ràng ở phần trước gồm có tám loại khác nhau. Tám Tâm Vương ở đây thường làm chủ cho sự hiểu biết, nên gọi là tám ÔNG VUA NHẬN THỨC (tám Tâm Vương nhận thức).
Ngoài tám loại Tâm Vương ra, con người còn có thêm một lô tâm lý khác và những tâm lý này vẫn hiện có mặt ở phía bên trong thân thể nơi mỗi con người với mục đích giúp đỡ cho tám Thức Tâm Vương sinh hoạt để hiểu biết (tám Ông Vua nhận thức). Những tâm lý vừa đề cập ở trên không được gọi là Tâm Thức. Nguyên vì bản chất của những tâm lý này không phải và cũng không có khả năng làm chủ cho sự hiểu biết, nhưng chúng không thể thiếu mặt trong khi các Tâm Vương sinh hoạt để hiểu biết. Vì thế, nhà Duy Thức gọi những tâm lý này một danh từ chung là TÂM SỞ.
A.- ĐỊNH NGHĨA: sao gọi là Tâm Vương và Tâm Sở?
1/- TÂM VƯƠNG: là những tâm thức, như trên đã trình bày luôn luôn làm chủ tất cả mọi sự hiểu biết về vạn pháp, nên gọi là TÂM VƯƠNG. Đầu tiên năm tâm thức ở trước như là: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức thì chuyên làm chủ hiểu biết năm khía cạnh khác nhau của một pháp. Năm khía cạnh khác nhau của một pháp mà năm tâm thức ở trước hiểu biết chính là: Hình Sắc (Visible Form), ÂmThanh (Sound), Hương Thơm (Odor), Mùi Vị (Taste) và Xúc Chạm (Tangible Object). Năm khía cạnh nơi một pháp thường làm đối tượng cho sự hiểu biết của năm Thức Tâm Vương. Mỗi Thức Tâm Vương chỉ có khả năng hiểu biết mỗi khía cạnh nói trên và không thể hiểu biết toàn diện năm khía cạnh của một pháp. Kế đến Ý Thức thứ sáu thì làm chủ cho sự hiểu biết về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của vạn pháp. Riêng Thức Mạt Na thứ bảy thì chuyên làm chủ về sự lựa chọn, suy tính so lường và chấp trước vạn pháp. Đặc biệt nhất là Thức Alaya thứ tám thì luôn luôn làm chủ về sự tàng trữ, bảo tồn và xây dựng vạn pháp.
2/- TÂM SỞ (Mental Factor): là những hiện tượng tâm lý phụ thuộc nơi Tâm Vương, chỉ yểm trợ và giúp đỡ các Tâm Vương trong sự hiểu biết vạn pháp. Nói cách khác, Tâm Sở theo nghĩa Duy Thức là những tâm lý lệ thuộc Tâm Vương, thừa hành và yểm trợ cho các Tâm Vương trong mọi lãnh vực hiểu biết vạn pháp, nên gọi là TÂM SỞ.
Thí dụ, Nhãn Thức thì làm chủ nhìn thấy vạn pháp và ngoài Nhãn Thức đây ra không tâm thức nào có thể thay thế để hiểu biết về sự nhìn thấy, nhưng Nhãn Thức nếu như không có Tâm Sở Dục muốn nhìn thì cũng không thể thấy được vạn pháp.
B.- SỰ QUAN HỆ GIỮA TÂM VƯƠNG VÀ TÂM SỞ:
Qua định nghĩa trên, các Tâm Vương tuy làm chủ tất cả mọi sự hiểu biết, nhưng phải nhờ đến các Tâm Sở giúp đỡ thì mới có thể sinh hoạt với vạn pháp. Các Tâm Vương không thể tự động sinh hoạt để có nhận thức và tạo nghiệp, nếu như các Tâm Sở không chịu hướng dẫn và chỉ đạo. Đối với vạn pháp, các Tâm Sở thường xuyên ràng buộc, điều khiển tất cả mọi sự sinh hoạt của các Tâm Vương. Các Tâm Sở không cho các Tâm Vương sinh hoạt trực tiếp và hiểu biết đúng nghĩa và lý về vạn pháp.
Thí dụ, Ý Thức Tâm Vương tuy đã hiểu biết sự sân hận là điều tội lỗi, nhưng luôn luôn bị Tâm Sở Sân điều khiển không thể tự chủ và cũng không thể tự xóa bỏ hết sự trói buộc của Tâm Sở Sân mỗi khi gặp phải những điều ngang trái.
Vì liên hệ quá nhiều với các Tâm Sở, thành thử các Tâm Vương hình như không còn trung thực trong mọi sự nhận thức về vạn pháp. Các tất cả hầu hết bị các Tâm Sở lôi cuốn và xúi giục, thường xuyên gây tạo những nghiệp nhân thiện ác để rồi tự mình chuốc lấy biết bao quả báo khổ vui bất an trong thế gian. Các Tâm Sở thì điều khiển gây nhân và các Tâm Vương thì lại thọ hưởng quả báo. Sự liên hệ giữa các Tâm Vương và các Tâm Sở được ghi nhận qua hai đặc điểm sau đây:
1/- Các Tâm Vương như trước đã nói làm chủ sự hiểu biết về vạn pháp. Nếu như không có các Tâm Vương sinh hoạt, sự hiểu biết về vạn pháp không có ai thay thế được, nhưng các Tâm Vương mỗi khi sinh hoạt thì không còn tự chủ để lãnh đạo trong việc hiểu biết. Các Tâm Vương thường xuyên bị các Tâm Sở như là: Tham Lam, Sân Hận, Si Mê, Kiêu Mạn, Nghi Kỵ, Ác Kiến v.v... thay nhau xúi giục gây tạo các nghiệp dữ như là: sát hại, trộm cướp, tà dâm vọng ngữ v.v... Những nghiệp dữ này trở lại lôi kéo các Tâm Vương sa đọa vào những con đường tội ác như là: Địa Ngục, Ngạ Qủy, Súc Sanh v.v...
2/- Ngược lại, các Tâm Vương nếu như lãnh đạo sáng suốt và tự chủ trong mọi sự sinh hoạt để hiểu biết về vạn pháp, đồng thời lại còn được các Tâm Sở Thiệm như là: Tín, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si v.v... ra tay giúp đỡ thì nhất định sẽ phát sanh trí tuệ và cũng sẽ giải thoát mọi khổ đau sinh tử trong thế gian.
C.- SỐ LƯỢNG CÁC TÂM SỞ:
Vì tánh chất và giá trị khác nhau của các Tâm Sở, nhà Duy Thức chia những tâm lý này thành 51 loại và trong đó phân làm sáu nhóm như sau:
1/- Biến Hành Tâm Sở gồm có 5 loại
2/- Biệt Cảnh Tâm Sở gồm có 5 loại
3/- Thiện Tâm Sở gồm có 11 loại
4/- Căn Bản Phiền Não Tâm Sở gồm có 6 loại
5/- Tùy Phiền Não Tâm Sở gồm có 20 loại
6/- Bất Định Tâm Sở gồm có 4 loại
Cộng chung là: 51 loại
III. Tâm Theo Tâm Lý Học
VớI sự nhận thức thường tình mà xét thì tâm được kết cấu như sau:
a). Nhận Diện (Sensation).
Ngủ giác quan là phương tiện tiếp xúc với trần cảnh để nhận diện ảnh hay hay bóng dáng của trần cảnh. Đó là chúng ta cảm giác được hình ảnh của sự vật qua ngũ giác quan mà thôi. Thí dụ, khi ta thấy con bò là thấy hình ảnh con bò ở võng mạc cuả mắt mà thôi. Đó là CẢM GIÁC. Nhắc lại, (Về thị giác) khi ta nhìn con bò, hình ảnh con bò hội tụ ở võng mạc của mắt, truyền dẩn bởi thị giác thần kinh lên não, lức đó ta mới nhận diện được hình ảnh con bò. Khi có thời gian thì sự vật chạy dài trong không gian, với ảnh ta vừa thấy đó không còn là ảnh thật nữa (Sắc tức thị không: Sắc lập tức (Một sát na) biến thành không thật nữa. Hể có thời gian thì có không gian. Sự vật huyễn hóa theo thời gian và ảnh không còn thật trong không gian. Vậy, khi nhận diện được hình ảnh (thấy), ấn tượng chấn động lực(nghe), không khí hay hơi (ngửi), ấn tượng kích thích (nếm), hình ảnh tiếp giáp của da hay cơ thể (xúc) là thể không của đối tượng qua tiền ngũ căn. Thí dụ, như thị giác, sự vật chiếm cứ trong không gian (hư không) một dung thể không: sự vật và dung thể không của nó khắng khít nhau như một, thì thể không của nó là hình ảnh sự vật được hội tụ ở võng mạc mắt khi mắt nhìn sự vật. Do đó khi thấy sự vật cụ thể ở trong không gian là thấy hình ảnh của nó ở võng mạc của mắt mà thôi.
b). Nhận Thức (Perception).
Khi chúng ta cảm giác hình ảnh sự vật thì lúc đó chúng ta mới nhận biết được (perceive) tên sự vật. Sự vật có tên mà ta nhận thức đó là GIÁC THƯC (hay Tâm Thức: Consciousness hay Perception) chạy dài theo thời gian. Khi nhận thức ngay niệm đầu một sát na và không có kéo dài thời gian nữa là ta có giác thức nguyên sơ (niệm đầu) hay là chơn thức (pure perception or true consciousness). Hình ảnh con bò là thể không được nhận thức bởi tâm trí (tâm trí cũng cùng thể không.) Tâm và vật đồng thể không, nên sự nhận thức mới thành hình. Lục căn phối hợp với lục trần (thể không) sanh ra lục thức. Lục thức không có thực thể, Phật gọi là lục tặc, vì thức là nghiệp. Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ. Nó không có khởi điểm cũng như kết thúc và nó dính nhiều pháp trần làm cho dòng tâm thức luôn ô nhiễm và vẩn đục.
c). Tri Thức (Cognition).
Trong đời sống hằng ngày, ta thường nhận thức sự vật bằng ngũ giác quan. Khi ta tri nhận (cognize) sự vật đã nhận thức, ta có tri thức (Cognition). Trong quá trình tri nhận sự vật trong hiện tại (Với cảm giác), quá khứ hay tương lai (với ý thức), cả ba thời chúng ta tri nhận được sự vật mới có GIÁC TRÍ (hay Tâm Trí). Giác Trí nầy là Tư Tưởng, Suy Nghĩ, Lý Luận v.v. theo thời gian. Nó là sự lập lại của tâm thức hay tri nhận các thức nên nó tạo ra nghiệp thức. Nên ta có thể gọi là tâm duyên ý mã vì tư tưởng chúng ta lúc nào cũng ẩn hiện trong tâm trí từng giây từng phút liên tục, chỉ trừ có những động lực khác hay pháp môn có khả năng chận dừng được vọng tưởng đó.
c). Giác Trí Tuệ (Pure Cognition).
Khi Phật thành đạo là do đạt được Trí Tuệ hay Giác Trí Tuệ thì các pháp giải thoát được thiết lập thực hành Giác Trí Tuệ trong các thời thiền tập. Thực ra Giác Trí Tuệ có th ể thực hiện trong tứ oai nghi. Vậy Giác Trí Tuệ là tri nhận đầu nguồn của Giác Trí và xa lìa nó ngay. Nói rõ hơn là khi chúng ta nhận thức niệm đầu của Cảm Giác (Sensation) để có Giác Thức nguyên sơ (Pure Perception hay first consciousness), lập tức tri nhận Giác Thức nguyên sơ ấy để được Giác Trí (Cognition là Giác Trí có thời gian) và xa lìa giác trí ngay mới có Giác Trí Tuệ (Vô thời gian). Vì Giác Trí Tuệ là Tri Thức Nguyên Thủy (Pure Cognition) của Chân Trí (Vô thời không). Thí dụ, chúng ta thấy con voi là giác thức hay tâm thức, vì thấy hình ảnh đối tượng hay con vật trước (Cảm Giác) rồi nhận thức (perceive) con vật đó là con voi (hay biết được là con voi, biết nầy thấy biết của căn, luôn luôn đi kèm theo cảm giác, nên thấy con voi, biết tên đối tượng là cái thức hay tâm thức hay giác thức. Nên thức là thực tại duyên khởi hay giả danh mà thôi). Rồi chúng ta tri nhận (dùng ý trí) giác thức ấy để có giác trí. Vậy khi chúng ta nhận thức niệm đầu của con voi (thấy biết con voi đầu tiên) là ta có giác thức nguyên sơ, lập tức ta tri nhận (Hay Biết: Cognize chớ không phải là perceive) giác thức nguyên sơ ấy để có giác trí tuệ và phải xa lìa cái biết ấy nữa thì mới có giác trí tuệ toàn diện.
IV. Tâm Theo Thiền Tông
Nhị Nguyên Tính: Tâm Thức hay Giác Thức.
Chủ thể gồm có lục căn: nhãn nhĩ tĩ thiệt thân và ý. Lục căn là căn để chủ yếu tiếp xúc đối tượng ngoài và trong tâm, là nguồn gốc, là nhân khi có điều kiện gặp đối tượng, sinh ra cảm giác. Lục căn kết hợp với lục trần, là đối tượng, là duyên để tạo ra cảm giác hay là Thức. Thức nầy do căn Ý Tác Động với đối tượng vừa sinh ra chơn Thức hay Cảm giác thì đồng thời Ý Tác Năng ý niệm hóa nên ta liền có Tri giác hay gọi là Giác Thức. Thí dụ, khi ta thấy cô gái, đầu tiên mắt ta thấy một hình ảnh, chỉ thuần là một hình thể được hội tụ trong võng mạc của mắt mà thôi, sau đó được dây thần kinh truyền đến não bộ và ý thức (hay biết được hay Tri Giác) được cô gái. Sở dĩ Tri giác được cô gái là vì Căn Ý Tác Động tiếp xúc với cô gái chỉ nhận được hình ảnh thuần túy mà chưa biết được cô gái. Ý Tác Động chỉ ghi nhận, Ý Tác Năng hay Tâm bắt đầu chọn lọc để có ý niệm về đối tượng ghi nhận cần được biết nầy. Ý Tác Năng có sẳn trong Tàng Thức và Ký ỨƯc (Kinh nghiệm) nên nó có thể nhận ra hình thể cảm giác ghi nhận là cô gái. Vậy Thức(Cảm giác) và Giác Thức (Tri giác) có chức năng ý niệm hóa đối tượng, nhận ra tên đối tượng qua kinh nghiệm cùng những đặc tính của chúng theo quan niệm con người.
Vậy, Chủ Thể (Lục Căn), Đối Tượng (Lục Trần) kết hợp nhờ Căn Ý (thường gọi là Ý Thức) mới sanh ra Lục Thức. Thức và Giác Thức còn gọi là Tâm Thức. Tâm thức nầy được hình thành bởi Nhị Nguyên Tính của Chủ Thể và Khách Thể.
Năng Sở Song Vong: Giác Trí Tuệ.
Căn Ý có hai phần, một phần hướng ra ngoài là Ý Tác Động với đối tượng thành Ý Thức hay Tâm Thức, phần hướng sâu vào trong có sẳn trong Tâm là Ý Tác Năng, khi ý niệm hóa Ý Thức hay Tâm Thức thành Ý Trí hay Tâm Trí. Lúc Ý Thức ở cùng chung một nhà với Ý Trí, thì Năng Sở đã song vong, căn trần đã phủ định, là Thức được chuyển thành Trí rồi, tức Nhất Nguyên Tính Tương đối.
V. Tâm Theo Triêt Học
1). Nhất Nguyên Tương Đối: Tâm Trí hay Giác Trí.
Dòng tâm thức luôn trôi chảy không ngừng nghỉ vô thủy vô chung chạy dài theo thời gian và lăn trôi trong không gian vô tận. Dòng tâm thức ấy hiện diện trong quá khứ, ngay cả hiện tại và cả tương lai không lúc nào nó vắng mặt. Ở ngoại giới (không gian) hay trong nội tâm (tâm khảm) không nơi nào mà dòng tâm thức không bị ảnh hưởng. Sáu Thức ra vào sáu Căn, nhân đó có tham trước muôn cảnh tạo thành Nghiệp dữ (Vô minh), che khuất Bổn thể Chơn như. Do ba độc (Tham Sân Si) sáu giặc (Lục Thức hay Lục Tặc), nên chúng ta bị mê hoặc và rối loạn thân tâm, trôi giạt trong sanh tử luân hồi, lăn lóc trong sáu đường (Lục đạo: Thiên, Nhơn, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục), chịu cảnh khổ đau. Nghiệp Thức như có hấp lực, lôi kéo Thân Khẩu Ý chạy theo Tâm viên Ý mã của mình. Tâm thức theo Thời Gian kết tụ. Dòng Tâm Thức bị chi phối bởi Nhị Nguyên Tính hay là sự lăn trôi của Giác Thức. Giác Thức là Vô Minh là Tâm Bất An. Muốn ra khỏi vòng kiềm tỏa của Vô Minh ta phải có Giác Trí cũng như ta muốn ra khỏi bóng tối (Vô Minh) thì phải có ánh sáng (Giác Trí). Làm sao đạt được Giác Trí?
Dòng Giác Thức (Tâm Thức) trôi lăn từng sát na liên tục. Trong Hiện Tại nầy ta không thể nắm bắt được. Dù cho ta nắm bắt được một điểm nào trên dòng Tâm Thức đang trôi chảy, thì chỉ là một điểm của Tâm Thức. Dù một điểm không có kích thước không có ba chiều đi nữa thì Giác Thức đó trở thành Nhất Niệm cũng còn nằm trong Nhị Nguyên Tính mà thôi (Chủ Khách, Căn Trần). Thấy cô gái dù thấy cô gái trong một sát na thời gian rồi ta duyên qua đối tượng khác, thì Giác Thức ấy cững lưu lại trong Ký Ức (Mạt Na thức và Tàng Thức). Vậy thì phải dùng Giác Trí (Ý Tác Năng) tri nhận Giác Thức nguyên sơ tại thực tại điểm của Giác Thức Đang Là. Vì lẽ nếu không nắm ngay khởi điểm của Giác Thức Nguyên Sơ thì Giác Thức của đối tượng mà ta ghi nhận đã huyễn hoá khi qua một sát na. Nên không thể nắm một điểm khác hơn là đầu nguồn. Nhị Nguyên biến thành Nhất Nguyên khi Chủ Thể và Đối Tượng hiệp lại làm một; nghĩa là Giác Thức đã được Tâm ý niệm hóa đối tượng là Cái Biết của Căn. Cái Biết ấy là do Tâm Biết nên gọi là Tâm Thức. Cái Biết của Trí do Ý Tác Năng, nó ở sẵn trong Tâm (Tàng Thức) và Cái Biết của Thức cùng một Tâm, cùng ở trong một nhà, cùng ở trong Không Gian của Tâm (Tâm Khảm), không còn hai bên, đối tượng và chủ thể, không còn khoảng không gian ngoài nào xen vào Giác Trí), cùng một cội nguồn, nên Giác Trí xóa hết dòng Tâm Thức, Vô Minh. Đó là thể cách CHUYỂN THỨC THÀNH TRÍ.Tuy vậy Giác Trí nầy cũng sẽ huyễn hóa theo Thời Gian. Do đó Giác Trí Đang Là lưu chuyển mãi thành ra Tư Tưởng, hayTrí Thức cũng còn bị ràng buộc của vọng tưởng theo Thời Gian. Giác Trí là đạo lý Nhất Nguyên Tương Đối.
2). Nhất Nguyên Tuyệt Đối : Giác Trí Tuệ.
Khi đã đạt được nguyên lý Nhất Nguyên Tương Đối hay Vô Không Gian, Cái còn lại là phải tiến hành làm cho Giác Trí Đang Là đó không thể sanh Tư Tưởng vẩn vơ trong Tâm làm cho Tâm vẩn đục. Quá khứ, đã qua, bất khả đắc vì tiền ngũ căn không thể nắm bắt; tương lai chưa đến nên tiền ngũ căn cũng không nắm bắt được; còn hiện tại là Cái Đang Là, nó nối tiếp bằng những sát na sanh diệt, cũng không nắm bắt được; chỉ có Cái Hiện Tiền hay Sát Na Hiện Tiền, là một Thực Tại Điểm có thể nắm bắt được. Làm sao nắm bắt ngay cái ĐiểmThực Tại đó?
Diễn tiến Nhận thức Giác Trí Tuệ hay Thể cách Tri nhận Tự Tính Tuyệt Đối
Nhất niệm hay cái Thức nguyên sơ là Thực Tại Điểm trong tiến trình nhận thức khởi đầu của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhị Nguyên tính của Năng Sở, Chủ Khách, Căn Trần;
Giác Trí là tiến trình tri nhận đầu nguồn của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tương Đối của Trí Thức hay Tư Tưởng. Nhất Nguyên là vì khi Ý Tác Động của Căn (Ý thức) tiếp xúc với đối tượng (thực tại giả lập), thành Giác Thức (hay Tâm Thức), lập tức được Ý Tác Năng (Ý Trí) ý niệm hóa Giác Thức thành Giác Trí (hay Tâm Trí). Tâm Thức và Tâm Trí cùng một Tâm. Thức chuyển thành Trí. Giác Trí Đang Là (hiện tại), dù nằm trong đạo lý nhất nguyên, nhưng nó cũng huyễn hóa theo thời gian. Cái Đang Là là sự nối tiếp những điểm sát na sanh diệt liên tục. Dòng Giác Trí ấy trôi chảy làm cho Trí và Thức liên hợp sanh ra Tư Tưởng. Còn tư tưởng là còn có sự thay đổi, nên chưa phải là chân lý. Chân lý thì thường hằng bất biến. Do dó Giác Trí Đang Là thuộc diện tương đối;
Chân Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí Nguyên Sơ được nhận thức ngay nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của động tác Giác Trí Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng Sở song vong và vô Thời Không. Vậy Chân lý tối hậu hay Tự tính tuyệt đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời Không, là Tánh Giác hay Tánh Không. Không dùng Tư Tưởng suy nghĩ bàn luận mà dùng pháp môn không hai, hay nói khác đi làThể hiện, là im lặng không dùng ngôn ngữ mà là Hành là Thiền. Đó là pháp "Bất Khả Tư Nghị", là Trung Đạo.
Tóm Tắt:
+ Phủ định nhận thức thực tại điểm của giác thức nguyên sơ là đạt đến giác trí;
+ Phủ định nhận thức thực tại điểm của giác trí nguyên sơ là đạt đến Giác Trí Tuệ;
+ Nhị Bội Phủ Định nhận thức Giác Thức Nguyên Sơ của sự vật để Khẳng Định nhận thứcTánh Không của chúng, đó là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối, Chân Lý Tối Hậu, hay Trung Đạo, là hai giai trình Hàng Phục Vọng Tâm và An Trụ Tâm.
Thực Tại Tuyệt Đối hay Chân Lý Tối Hậu: Vô Thời Không
Đứng trên phương diện chân lý tối hậu, thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tánh không. Nhắc lại, tánh Hư Không, đức Phật giải thích: A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh giác tức là thiệt hư không, Hư Khôngtức là Thiệt Tánh giác, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới... Vậy Thiệt Tánh giác hay Tự Tính Tuyệt Đối được xét theo hai khía cạnh sau đây:
1.-Không Gian
Cái không gian dung chứa sự vật và sự vật chiếm cứ không gian là một.Nói gọn là sự vật và dung thể không của nó là một. Chuyển Thức Thành Trí nên Thức và Trí là một. Sắc không khác không, và không không khác sắc. Cái chân lý thì nó chính là nó, không có tự tính nào áp đặt lên nó, không thể dùng ngôn ngữ, công ước để cưỡng ép lên tánh chất của nó. Nó là nó không có gì ngoài nó. Nó là dung thể không của sự vật nên nó không vượt ra khỏi sự vật. Theo Tử Thư Tây Tạng gọi là chân lý tự nó trống rỗng và trần trụi như Hư Không vô biên và không có tỳ vết. Đó cũng gọi là Chơn Không. Do đó Tánh giác là Thiệt Hư Không hay Hư Không là Thiệt Tánh giác. Tánh Giác là Chân Trí hay là cái dụng của Chơn Tâm.
2.-ThờiGian
Khi chơn tâm được hiển bày (hàng phục được vọng tâm) tức chơn tâm hay tuệ giác, và phải gìn giữ chơn tâm bằng cách không trụ vào cái biếtđó nữa. Xa lìa tứ tướng, hay xả bỏ cái mình biết. Muốn an trụ tâm chúng ta không bám vào tất cả chỗ mà phải xả bỏ xa lià đối tượng nhận thức; nghĩa là không dựa vào các thực tại giả lập (Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) mà phải xả bỏ cái mình biết là giả lập đó. Phật đã chỉ rõ về thân tướng không. Nếu hành giả không nương tựa vào đâu mà xa lìa cái mình biết thì phước đức cũng như hư không.
Cho nên thân tướng là thực tại giả lập (hay tự tính giả lập). Nơi nào có thân tướng là nơi đó còn có lường gạt (không thật). Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai. Đó tức là nhận ngay thực tướng hay thể không của thân tướng. Mà muốn an trụ tâm thì phải vô sở trụ tức là không bám vào sắc, thinh... mà phải xả bỏ ngay khi mình biết thực thể của sắc vì nếu trụ vào nó một sát na thì nó không còn là thật nữa.Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc tức thì biến thành không..., thời gian huyễn hóa sự vật. Chân Trí (hay Chân Tâm) được hiển lộ ngay nơi đối tượng hiện quán. Bồ Đề Đạt Ma nói, Hiện tại là bồ đề, vì không có quá khứ đầy đau khổ và không có tương lai để gây thêm tội lỗi ; thì ngay bây giờ há không phải là bồ đề sao! Trong khoảnh khắc hiện tại, chân lý xuất hiện tại đó (không gian) và lúc đó (thời gian) mà thôi. Thực tướng được hiện bày ở trạng thái vô thời không, vì có thời gian chạy dài trong không gian thì mọi sự vật đều trở nên huyễn hóa. Vậy muốn đạt được giác ngộ hay chân tâm thì phải theo hai cách: Hàng phục vọng tâm và An trụ tâm.Đó là để đạt được chân lý tối hậu, là tự tính tuyệt đối, là chân tâm, là thiệt tánh giác hay là hư không vv…
CÁC LOẠI TRÍ
1- Trí Phân Tích
Qua không gian, nhìn từ trí phân tích, sự vật hay hiện tượng, hay thực tại kiến lập chỉ là quả của những chủng tử sinh ra, hoặc giả dùng thực nghiệm (thí nghiệm) bằng kỷ thuật khoa học, hoặc do suy luận mà phân tích các thành phần kết hợp thành sự vật hay hiện tượng. Như nước, phân tích thành ra Hydrô và Oxy, cái bàn thì do cây, đinh, sơn...hợp thành.
Dùng Trí phân tích phải trải qua nhiều giai đoạn suy luận, qua phân tích, qua thí nghiệm, hoặc qua tưởng tượng mà nhận diện được sự vật là không có thực thể mà do các thành phần khác tạo ra nó. Kỳ thực, trên mặt lý thuyết ta thấy cái bàn, nước ngay trước mặt thì cái gì không thật là chúng nó?Ta chỉ tưởng tượng rằng cái bàn, nước chỉ là giả lập vì dựa trên sự phân tích thì đúng như thế. Phân tích sự vật là tiến trình trở về quá khứ của chủ khách. Thời gian bất khả đắc.
2- Trí Phân Biệt
Cái nhìn từ Trí Phân Biệt qua Thời tính, ta thấy ngay và rõ ràng tính chất của sự vật.
Thí dụ: Ở T1 (thời gian) ta thấy ông A1, Ở T2 ta thấy ông A2 không phải là A1 nữa.
Nếu ta nhìn ông A từ thời điểm T1 đến T2 thì ông A đã biến đổi theo thời điểm (T2 - T1) ; ông A đã thêm (T2-T1) tuổi rồi.
Vậy ông A2 không thật là A1, và A3 không thật là ông A 2, cứ như thế tiệm tiến thành ra huyển hoá sự vật theo thời gian.
Dùng Trí Phân Biệt thì nhìn hấy sự vật chỉ là thực tại giả lập, huyển hóa hay tướng hoa đốm theo thời gian mà thôi. Đó là lịch trình huyển hóa sự vật qua Trí Phân Biệt. Phân biệt dữ kiện ở tương lai là thấy tướng giả lập của nó mà thôi, cũng là quá trình tri nhận của chủ khách. Thời gian bất khả đắc.
3.- Trí Vô Phân Biệt
(Trí Vô Phân Biệt hay Vô Thời Không): Vượt qua chủ khách, Tánh Giác (Hư không) hay Tâm trực nhận thể không của sự vật. Tánh không của Tánh Giác thể nhập hay đồng nhứt với thể không của sự vật, mà không qua tiền ngũ căn.
Nhìn một vật trong không gian, thật ra nhìn ảnh của nó ở nhãn căn, tức là thấy hiện tượng giả lập, vì phân biệt được ý thức (biết) vật đó qua cảm quan (chủ tri). Cái biết của cảm quan thì còn sai lầm, vì nhận hình ảnh của sự vật cho là sự vật. Còn như dùng Tâm trực giác (không do cảm quan) mà thể nhận ngay tánh không hay thể không của sự vật chiếm cứ không gian --- thì tánh không của (Tâm) trực giác và tánh không của vật là đồng một thể, thì có gì phân biệt nữa. Lúc đó Tánh không (Hư không) là thiệt tánh giác vì thiệt tánh giác là Hư không.Sở dĩ nói Thiệt Hư không là nói đến đồng thể của Tướng không của sự vật. Thể không của Trực giác, Tánh giác hay Chơn tâm hay sự vật đều thật là Hư không. Còn thể không của hình ảnh của sự vật trong võng mạc mà ta thấy là không thật là ảo ảnh. Cho nên Phật đã nói, Tánh Giác là Thiệt Hư không và Hư không là Thiệt Tánh giác là ý đó. Đó là Tánh Toàn Giác vì Tánh Giác có nhiều bực như Tánh Giác từng phần... Tánh Giác toàn diện là Tự Tính Tuyệt Đối của Tâm, là Chơn Trí hay Chơn Tâm vậy. (Xem Nhất Nguyên Luận. Phổ Nguyệt, 2003)
VI. Kết Luận.
Dòng tâm thức nối tiếp từng sát-na sanh diệt lăn trôi không ngừng nghỉ trong thế giới hiện tượng là nhân tiếp xúc biết bao nhiêu duyên nên gây nhiều nghiệp quả, vì thế dòng tâm thức luôn vẩn đục che mờ tâm tri của chúng ta. Qua Pháp Học, biết rằng Tâm thức luôn thay đổi và dính đầy tính vẩn đục do nhiều nguyên nhân phát sinh như những nhân tố không kể xiết, thì Pháp Hành là phải biết cách làm trong sạch hóa dòng tâm thức nầy bằng cách Hư Không Hóa các Pháp. Khi biết mọi tánh bướng bỉnh của con ngựa hay tâm viên ý mã của mình thì phải tìm phương pháp để chế ngự để được trạng thái bình thường như nó là nó, thì thân tâm dù con vật hay con người mới được an bình. « Bình thường tâm tức thị đạo. » Học hỏi và thâm cứu Tạng Thư và Tạng Luật Phật dạy như một thí dụ điển hình, “Pháp Không Chấp Thủ.” (Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc, do HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Sự không cháp thủ vào lục căn, và không có thức y cứ vào lục căn. Sự không chấp thủ vào lục trần và thức y cứ vào lục trần. Sự không chấp thủ vào lục thứ và thức y cứ vào lục thức. Khi học tập không chấp thủ lục căn xúc và sẽ không có thức y cứ vào lục căn xúc. Sự không chấp thủ sắc thọ tưởng hành thức do lục căn sanh khởi, và sẽ không có thức y cứ vào sắc thọ tưởng hành thức do lục căn sanh khởi. Sự không chấp thủ vào địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, hư không giới, thức giới, và có thức y cứ vào địa hỏa thủy phong không thức ... giới. Sự không chấp thủ hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ,phi tưởng phi phi tưởng xứ va không có thức y cứ vào hư không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, thức vô biên xứ. Sự không chấp thủ thế giới ở đây, không chấp thủ thế giới khác và không có thức y cứ vào thế giới ở đây và thế giới khác.
Do vậy, hãy học tập như sau: "Sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)".
Các bậc đại Luận Sư đã tổng hợp, phân tách tất cả kinh Phật với đầy đủ chi tiết mọi khía cạnh của con người về phần tâm linh cũng như vật chất vốn hệ lụy đến sanh tử luân hồi của chúng sanh như Vi Diệu Pháp, Duy Thức, v.v.., đã chỉ rõ con đường giác ngộ giải thoát khỏi ưu khổ và sanh tử. Nên nhớ rằng, Giác Ngộ mà chỉ trong khoảnh khắc Tĩnh Giác là Trực Tâm, nên phải tiếp tục để được Thâm Tâm chí đến Bồ Đề Tâm mới gọi là Giác Ngộ Niết Bàn. Khi đám mây mờ tâm thức tan biến thì bầu trời trí tuệ trong sáng tự bản tính hiện ra.
Tham khảo
Khảo Nghiệm Duy Thức Học, Tâm Lý Thực Nghiệm. HT Thích Thắng Hoan. In lần thứ hai, có tu chính, Phật Lịch 2542 – 1998 tại nhà in Ðường Sáng, SJ, CA
Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc. HT. Thích Minh Châu Việt dịch đăng trong website Trung Tâm PG, các Chùa Việt Nam, Texas: http://www.vnbc.org/TTPH/
Nhất Nguyên Luận. Phổ Nguyệt, 2003. Trích trong Tạng Thư Phật Hoc: http://www.tangthuphathoc.net
Vi Diệu Pháp Giảng Giải. Tỳ Kheo Giác Chánh. Ban Hoằng Pháp Pháp Quốc Tái Bản, trích trong website Buddha Sasana: www.budsas.org
Vi Diệu Pháp Toát Yếu. Nārada Mahā Thera. Phạm Kim Khánh dịch trích trong website Buddha Sasana
Phổ Nguyệt, 2007