Xưa nay ai cũng biết Thiền là tìm về cõi tĩnh và lặng để cho tâm được an tịnh. Thãt ra Tĩnh là lúc nào cũng biết rõ ràng, còn lặng là yên lặng; tức là trong trạng thái như là thân tâm bất động, dừng mọi hoạt động của thân tâm. Làm thế nào để thân và tâm bất động? Phải biết điều thân là làm cho thân yên ổn không di động, cách ngồi cho chắc nịch như kiết gíà, bán già, hay sao cho việc ngồi thiền lâu. Từ đó tâm mới có thể được yên lặng, nhưng chưa phải là tâm không hoạt động vì dòng tư tưởng trong tâm lúc nào cũng trào ra như tâm viên ý mã vậy. Tâm được tĩnh lặng là lúc nào cũng tĩnh (tĩnh giác) là biết rõ ràng, còn tâm lặng là vắng mọi vọng niệm, bặt các vọng tưởng.
Ngoài cách điều thân ra, thiền cần mở ra nhiều phương pháp chế ngự tâm này cho nó thuần thục vâng lời theo Ta (ông chủ) được an tịnh mà Phật đã dạy nhiều Pháp Môn cho chúng sanh tùy căn cơ trình độ để tu tập. Dù có nhiều pháp môn khác nhau để điều tâm, tựu chung chỉ có phân biệt hai cách làm cho tâm được tĩnh lặng; đó Thiền tiệm ngộ, tương đối làm cho dòng tâm thức bớt chao đảo, bớt vọng niệm, bớt gây nghiệp thức, dòng tâm thức trong sáng hơn; còn Thiền đốn ngộ, tuyệt đối rèn luyện tuệ giác chặt chẻ và miên mật hơn để rửa sạch dòng tâm thức triệt để hơn, từ đó nghiệp thức trong tâm dần dần sáng sủa không còn vẩn đục. Bài này chỉ chú trọng đến cách điều tâm thuộc phạm vi trí tuệ, một phần trong toàn bộ tu tập của Phật Pháp.
I. Pháp Môn Căn Bản
Trong kinh Pháp Môn Căn Bản, Phật dạy phương pháp căn bản dùng trí để thiền định bằng hai cách sau: một cho phàm phu dùng tưởng tri để nhận thức, còn đối với vi hữu học, bậc A-La-Hán, và đấng Như Lai thì dùng thắng tri hay tuệ tri để nhận thức.
Phàm Phu
Tưởng thức là sự suy nghĩ, tưởng nhớ, tưởng tượng, ký ức, thuộc loại Mạc- Na- thức hay trong A-Lại-Da-thức, là những hình ảnh được khôi phục lại, có cái trung thực, có cái sai lạc và ngay cả có cái tương tự lẫn lộn với hình ảnh đối tượng cũ, nhưng không phải đối tượng cũ. Đã là những hình ảnh cũ khôi phục lại là những ảo ảnh của những đối tượng khiếm diện (kể như không có đối tượng). Do đó tưởng tri là biết do tưởng thức hoặc suy nghĩ lại những ý tưởng so đo, tưởng tượng những đối tượng không thật có do tiền ngũ căn trực tiếp nhận thức, nên sự nhận thức chấp trước, lệch lạc và không chơn thật của tri kiến phàm phu, chúng sanh thường tình mà thôi. Như Phật thuyết giảng:
-- Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại…
Vị hữu học
Những vị có học, thì tri kiến được chính xác hơn, cái biết sáng suốt như suy nghĩ rõ ràng, không đối chiếu lệch lạch mà nhìn thẳng vào sự vật. Thắng tri hay liễu tri sự vật mà không so đo, không suy nghĩ vẩn vơ, tưởng tượng và không dục hỷ mà dùng chơn trí bằng pháp chánh tri kiến.
Bậc A-La-Hán.
Bậc A-la-hán là những vị dùng pháp thắng tri để liễu tri sự vật (pháp chánh tri kiến) không dục hỷ và đoạn trừ được tam độc. Bậc I biết pháp liễu tri sự vật mà không dục hỷ. Bậc ÌI biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ và đã đoạn trừ được tham dục. Bậc III biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ, đoạn trừ được sân hận.Bậc IV biết pháp liễu tri sự vật, không dục hỷ, đoạn trừ được si mê.
Đấng Như Lai
Như Lai là bậc A-la-hán, chánh đẳng chánh giác, dùng pháp thắng tri hay pháp chánh tri kiến để liễu tri sự vật, không dục hỷ, hoàn toàn diệt trừ các ái, sự ly tham sân si, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.Như lời Phật giảng:
* Ðấng Như Lai - II
Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: "Ðịa đại là của ta" - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: "Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Tưởng tri là sự nhận thức dùng trí là tĩnh giác, và thức là chất liệu đối tượng để tư duy. Do đó tưởng tri còn dính dáng đến quan niệm, thất tình, lục dục của tự ngã hệ luỵ đến ái thủ hữu. Dù vậy hành giả cũng tạo được một phần tĩnh lặng, vì trau giồi đức tính tốt, bài học tốt cho đạo đức, giới luật, cho trí minh mẩn và tránh những điều bất thiện cho bản ngã.
Thắng tri là biết ngay, cái biết sa-na hiện tiền, tuệ tri, cái biết rõ ràng đầy đủ, liểu tri của tuệ giác. Trong thắng tri là đã tĩnh giác và trong sát-na hiện tiền thì không có thời gian để vọng tưởng xen vào. Vậy thắng tri là sự tĩnh giác vắng bặt mọi tư duy, tư tưởng. Từ hai pháp môn căn bản này có thể phân biệt được đệ nhất nghĩa cốt tủy của các kinh Phật, và thiền định cho đúng với lời Phật dạy.
II. Tĩnh Lặng Tương Ðối
Thiền Tiệm Ngộ là pháp hành từ tập trung trí và thức gom vào một đề mục duy nhất, hoặc dùng một đối tượng đặt ra do tư tưởng định trước. Dùng thực tại tương đối trên để lèo lái dòng tư duy, tư tưởng đặt ra ấy mà tâm tập trung vào không cho mọi vọng tưởng khác xen. Từ đó tâm thức không còn duyên theo tâm viên ý mã, trí và thức được chúng ta hướng dẩn đến chổ yên tịnh. Sự tập trung (định) này làm cho tâm thức ổn định không chạy lăng xăng, và hổn độn như trước nữa. Ðó là định của thức.
a). Ðề mục
Một đề mục đề ra, dù bài giảng của đức Phật về chân lý (tuệ giác: tánh không thì không chấp thủ mọi quan niệm, tư tưởng của tự ngã), đạo đức, hay giới luật (không chấp thủ những điều bất thiện). Tư tưởng dù giới hạn tối đa, cũng do trí cùng thức liên hợp để nhận định, đó cũng là một tư tưởng dù đơn giản, vì có thời gian làm huyễn hóa mọi tư duy chúng ta, mặc cho tư duy đó hạn định ngắn ngủi đi nữa. Tuy vậy dòng tâm thức bớt vẩn đục do sự định của thức. Một tuệ quán sâu sắc và sự tập trung cô đọng làm cho tâm sáng tỏ như những nhà minh triết, bác học, v.v…, còn thiền sư thì trở nên minh tâm, kiến tánh và tu hành lâu dài sẽ tiệm tiến đến bờ giác ngộ giải thoát.
Quán tứ niệm xứ (quán thân trên thân, quán thọ trên các thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp). Nếu tập thiền định thì có thể gọi là Thiền Tứ Niệm Xứ, hay Thiền Hơi Thở đều dùng tuệ quán. Lời Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ :
“Thế nào là bốn? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.”
Minh sát tuệ thì dòng tư tưởng, quan niệm vắng lặng, chỉ có tri nhận thẳng vào đối tượng tự phát từ trong hay ngoài thân tâm như hoạt động của thân thể và hiện tượng đột phàt trước mắt ở ngoài khi đi đứng nằm ngồi như những gì ngũ giác quan cảm nhận v.v…; hiện trong tâm như các hoạt động của hơi thở ra vào dài ngắn, cảm giác bụng phồng xộp v.v.. tất cả đều ghi nhận và biết rõ ràng tương tự tứ niệm xứ.
Các pháp môn thiền định, tứ niệm xứ, minh sát tuệ mặc dầu dùng thắng tri, biết ngay đối tượng tuy vậy cũng có thời gian nên kẻ hở để tư tưởng xen vào dù quá it. Hành giả chỉ chú tâm, tuệ quán vào các hoạt động của nội ngoại tâm vừa tu tập trí tuê vừa trau giồi phẩm hạnh và thực hành theo bát chánh đạo mở ra con đường sáng mau đến bờ giác ngộ.
Theo TÐPHVA, “Thiền định hay sự phát triển tâm linh, hay quán chiếu về khổ, vô thường và vô ngã. Thiền định trong các trường phái Phật giáo tuy có khác nhau về hình thức và phương pháp, nhưng cùng có một mục tiêu chung là làm tinh thần tập trung, thanh thản và trong suốt như một dòng sông nước trong mà người ta có thể nhìn thấy tận đáy, từ đó ý thức biết được sự thể nghiệm về ngộ, giải thoát và đại giác. Ngoài ra, cố gắng thực tập thiền định thường xuyên nếu hành giả chưa nhập vào chân lý thì ít ra cũng sẽ giúp chúng ta xa rời nhị nguyên phân biệt.
Thiền cũng là quá trình tập trung và thấm nhập nhờ đó mà tâm được yên tĩnh và nhất tâm bất loạn (qui nhất), rồi đi đến giác ngộ.”
b). Các Pháp Môn Khác
Niệm Phật.
Pháp niệm Phật nếu được nhất tâm, tất cả sẽ vãng sanh về cõi Di Ðà, tuy nhiên cách niệm Phật chỉ là để tránh mọi vọng tưởng củ nổi dậy và vọng tưởng mới phát sanh, mà chưa thể nắm bắt được chơn tâm. Nếu hành giả hằng sống với thế giới không có vọng tưởng, thì sẽ sanh vào thế giới an lạc như cõi Phật Di Ðà, dù chưa đến cõi hoàn toàn giác ngộ,niết bàn tuyệt đối.
Niệm Chú.
Pháp niệm chú là cách quán tưởng chủ khách, dù sự kiên cố và sự bít kín tất cả các vọng tưởng bằng câu chú qua thân khẩu ý, dù quán tưởng biểu tượng (câu chú) như là chính biểu tượng. Đó là sự tập trung chuyên nhứt vào một đối tượng giả lập hay một biểu tượng huyễn hóa, tức là giải thoát mọi vọng tưởng, khổ ách và phiền não, để đạt đến cảnh giới cực lạc của Phật A Di Đà Vô Lượng Quang hay Đại Nhật Như Lai.
Công Án.
Riêng tham thoại đầu, thoại là lời nói, khi chưa nổi niệm muốn nói là thoại đầu, nếu đã nổi niệm muốn nói dù chưa nói ra miệng cũng là thoại vĩ rồi. Như vậy thoại đầu tức là một khi một niệm chưa sanh. Tham là nghi, nghi là không hiểu không biết. Nếu có việc gì đã hiểu đã biết thì hết nghi, hết nghi tức là không có tham.
Vậy tham thoại đầu là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh, không biết đó là cái gì. Thiền Tông gọi là nghi tình, có nghi tình mới gọi là thoại đầu. Do nghi tình,đến chỗ giác ngộ gọi là kiến tánh thành Phật.
Tựu chung, dùng công án hay thoại đầu mà nghi tình là một thực tại giả lập cho nên vẫn còn dùng pháp nhị nguyên chủ khách --mặc dù chuyên chú vào một đối tượng duy nhứt và miên mật hành trì không có kẻ hở để vọng tưởng do nghiệp lực dẩn -- vì thế có thể vượt qua tất cả mọi vọng tưởng (chỉ còn có duy nhứt một công án hay thoại đầu tức là một thực tại giả lập) nên giải thoát mọi khổ ách cũng như các nhân duyên chằng chịt khác mà đạt đến cảnh giới cực lạc của chư Phật, và các pháp môn tương tự khác.
III. Tĩnh Lặng Tuyệt Ðối
a). Giác Trí Tuệ
Giác Trí tuệ, tuệ giác, tuệ minh, hay chân trí là động tác nắm bắt thực tướng vạn hữu.
Nhắc lại sự hình thành tâm thức (giác thức), tâm trí (giác trí), và giác trí tuệ (tuệ giác) như sau:
* Cảm Giác - Khi nhận diện hình ảnh đối tượng ta có cảm giác (sensation);
* Giác Thức - Kế nhận thức cảm giác ấy với tên gọi (perceive its name) mới có giác thức (consciousness or perception) hay tâm thức;
* Giác Trí - Rồi tri nhận (cognize) giác thức mới có giác trí hay tri thức hay tâm trí (cognition);
* Giác trí tuệ (Wisdom, discernment) hay tri thức nguyên thủy (pure cognition) là khi giác trí không có thời không, là cái biết sat-na hiện tiền, tức là tuệ giác hay tánh giác phải dùng thắng tri, tuệ tri, tuệ quán, biết vô trụ, hay liểu tri đối tượng mới đạt được. Biết nầy là cái biết của trí nó bao trùm cả năm căn (do ý trí tác năng) vô giới hạn, còn cái biết của từng căn (do ý trí tác động) giới hạn ở mỗi căn như tai chỉ nghe biết mà tai không thấy biết. Do đó Giác Trí Tuệ là cái Biết Sát-Na hiện tiền là cái Ðịnh của trí vậy, tức là sự tĩnh giác hay tĩnh lặng triệt để hơn hết.
Theo TÐPHVATP, Trí Tuệ: Jnana and Prajna (skt).
Nghĩa của Trí Tuệ—The meanings of wisdom:
- Sự hiểu biết về vạn hữu và thực chứng chân lý—Knowledge of things and realization of truth.
1) Trí: Jnana (skt)—Sự hiểu biết về vạn hữu—Knowledge of things.
2) Tuệ: Prajna (skt)—Thực chứng chân lý—The realization of truth—Trí tuệ dựa vào chánh kiến và chánh tư duy: Wisdom is based on right understanding and right thought.
b). Pháp Chánh Ðẳng Giác của đức Phật
Trong pháp tu chứng chánh đẳng chánh giác của đức Phật, Ngài đã dùng hơi thở, một đối tượng tự nhiên tự động trong thân để tri nhận (thắng tri, biết ngay) trong từng hơi thở một, biết sat-na hiện tiền (tĩnh giác) và vô trụ (không lập lại) nên không có một quan niệm hay tư tưởng nào khởi động được, vắng lặng mọi tư duy.
Ngài đã dùng Ðịnh Niệm Hơi Thở để đạt sự giác ngộ giải thoát như trong phẩm Tương Ưng Hơi Thở Vô Hơi Thở Ra-54 (kinh Tương Ưng Bộ):
…..14) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng các niệm, các tư duy của ta được đoạn tận", thời định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này phải được khéo tác ý.
Ðịnh niệm là biết và chánh niệm, tức Biết + Chơn Tướng, Biết + Chơn Thức và Biết + Chơn Trí.
Thí dụ trong kinh Tương Ưng Bộ Phật dùng hơi thở để định niệm.
Biết tôi thở vô ra bằng lời (tướng), tức biết đọc tôi thở vô và thở ra cũng đọc như vậy.
Biết tôi thở vô ra bằng thức, tức biết ý thức tôi thở vô (thầm hội) và thở ra cũng vậy.
Biết tôi thở vô ra bằng trí, tức tuệ tri tôi biết thở vô và tuệ tri tôi biết thở ra. Tuệ tri (Biết) trước là định, biết sau là dùng trí để niệm hơi thở.
Khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được khinh an;
Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an;
Khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an;
(Kinh Sống Một Mình - Rahogata Sutta)
(SN 36.11)
Ba trong bốn pháp Thiền đầu tiên đều dùng định niệm hơi thở nghĩa là Biết (Tuệ Tri) và Chánh niệm như hơi thở, ly duc, ly pháp bất thiện, tịnh chỉ tầm tứ, hỷ lạc sanh, ly hỷ trú xả theo thứ tự các thời thiền từ định niệm tướng đối tượng (ngônhành); định niệm Thức đối tương (ý hành hay tĩnh thức); định niệm Tánh (trí) đối tượng (trí hành, tĩnh giác).
Một nhận định chính xác là khi Ðịnh (Tuệ Tri) thì nó đã xóa hết năng tri (Trí của căn) sở tri (Thức) rồi. Tuy vậy cũng còn dính dấp đến Trí (Tâm), nên năng sở song vong vẫn ở trên bình diện tâm thức. (tương đối)
Năng Sở Song vong trên bình diện Tâm Trí (Tuyệt Ðối)
Trên tiến trình đi đến năng sở song vong vượt khỏi tâm trí là một nổ lực nắm bắt thực tướng của vạn hữu bằng sự miên mật thể nhập đối tượng một cách tuyệt đối không còn dùng trí. Thật ra, thực hiện định niệm đối tượng bằng thân hành, trong tứ oai nghi, đi đứng nằm ngồi, mọi cử động, mọi hoat động đều phải chánh niệm như trong Phẩm Thân Hành Niệm-119 (Kinh Trung Bộ), chỉ trích phần thân hành niệm ở đoạn ngồi thiền:
….. Và này các Tỷ-kheo, thân hành niệm tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, có quả lớn, có công đức lớn ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết : "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài vị ấy biết: " Tôi thở ra dài" . Hay thở vô ngắn, vị ấy biết : "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết : "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra". An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vi ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm
Bồ Tát phải sống một mình lúc đó thân tâm mới được yên tịnh mà tu hành, như trong phẩm Sống Một Mình-36.11 (kinh Tương Ưng Bộ):
…..5) Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt; ..
Thể Nhập Cảm giác Vô Ra (Thân Hành: Vô Niệm: không niệm tướng niệm thức cả niệm trí): Pháp bổn như vô pháp: Như là không thở: Thể Nhập chốn tịch tĩnh như nhiên, biết cảm nhận luồng hơi thầm lặng Vô Ra. Chỉ dùng cảm giác của đối tượngmà thể nhập, không dùng trí. Tâm không là trạng thái không còn dính dấp gì đến tri thức. tức là giác thức hay giác trí ngay cả tri giác nguyên thủy đi nữa, cũng phải dùng trí tuệ, thì tâm trí sẽ hao mòn, dòng trí tuệ không còn 100%. Cho nên chỉ sử dụng cảm giác, lúc đó trần cảnh hay vạn hữu ở trạng thái y nhiên; nó-là-nó không bị dòng tâm trí biến đỗi. Có tâm trí xen vào dù gì đi nữa cũng dễ bị ái thủ hữu lôi kéo hơn
“Cảm giác vô,
Cảm giác ra.” (Chỉ cảm nhận luồng hơi vô ra, chưa nhận thức tên “hơi thở”)”
Cảm giác Vô Ra, vì khi nhận dạng cảm giác (bóng dáng) của một đối tượng mà chưa được nhận thức (chưa được đặt tên hay đọc tên) tên đối tượng là chỉ thể nhập nơi tịch tĩnh y nhiên, tức là cảm giác chỗ đối tượng chưa thành hình, chưa có tên (giả danh), đó cũng gọi là tri thức nguyên thủy hay tuệ giác của chân trí. Cảm nhận luồng hơi vô luồng hơi ra mà thôi. Khi chưa có tên đối tượng thì làm gì có hỷ lạc trong tâm.
Khi xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.
23) Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh", thời định niệm...
Tĩnh lặng một cách tuyệt đối không dùng trí mà dùng thân cảm nhận (cảm giác) đối tượng mà thôi. Ðó là Chánh Giác (Vô niệm: buông xả}.
IV. Kết Luận
Tóm lại thiền là đi tìm về bản tánh vắng lặng tự nhiên trong sáng của tâm, nó hư không hóa mọi hữu tồn kể cả tâm hay vật. Tự tính dù thực tại tuyệt đối, cùng với thực tại giả lập hay tùy thuộc đều có tánh không, có điều là thực tại tuyệt đối là tánh không (tánh hư không bao la của tuệ giác), còn thực tại giả lập là tướng không (tướng hư không của trần cảnh) cũng bị hư không hóa, có điều thực tại giả lập vì còn thời gian chú tâm về đề mục, còn thực tại tuyệt đối thì triệt để hơn vì vô thời gian như cái biết sát-na hiện tiền. Thật vậy, nếu lục căn thanh tịnh, là Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân Ý được thấy biết như thật như chơn (chơn trí, tánh giác), hay đưa lục thức giả lập (tướng hư không) nầy vào tánh giác (tánh hư không), cái biết sáng suốt, trong sát na hiện tiền vô thời không, thì làm gì có chỗ nào mà an trú. Nói rõ hơn là lục căn an trú vào tuệ tri, cái biết sáng suốt, cái hư không, thì an trú vào cái không an trú (trong hư không). Vậy khi lục căn thanh tịnh hay biết sắc thọ tưởng hành thức sáng suốt (ngũ uẩn giai không) ắt hẳn tâm vắng lặng, hành giả mới được an tịnh. Người mà sống ung dung tự tại thì thân tâm thường an lạc. Đó là an trú nơi không tánh. Như thế thiền là cái tuệ giác, cái thường biết rõ ràng (tĩnh), vô thời gian nên nó yên lặng (lặng), không dính mắc mọi vọng tưởng. Vậy thiền là tìm về cõi tĩnh lặng của tâm.
Tham khảo:
Khẳng Ðịnh Tính, 2003. Phổ Nguyệt. Trích trong website Tạng Thư Phật Học
Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mùlapariyàya sutta). Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya). Thích Minh Châu Việt dịch. (Chữ nghiên) đăng trong website Quảng Đúc (Kinh Điển): http://www.quangduc.com
Năng Sở Song Vong. Phổ Nguyệt trích trong website Tạng Thư Phật Học
Pháp Tu Chứng Chánh Ðẳng Giác của đức Phật, 2008. Phổ Nguyệt trích trong websites Quảng Ðức, Tạng Thư Phật Học…;http://www.tangthuphathoc.net/tacgia/phonguyet
TĐPHVATP: Tự Ðiển Phật Học Việt Anh. Thiện Phúc trích trong trang nhà Diệu Pháp: http://www.dieuphap.com