Trần gian là một thế giới vô thường, với ánh sáng trí tuệ của Đức Phật đã soi sáng rõ ràng là mọi sự vật thường biến đổi. Màn vô minh đã che mờ nhận thức của thế gian. Vì vô minh nên mọi hoạt động của tâm trí, tình cảm và hành động được chúng sanh tư duy một cách sai lạc. Trong thập nhị nhân duyên chỉ rõ, vì vô minh, nên hành hoạt động nào cũng tạo ra thức. Như đã trình bày trên, thức hay tâm thức thì không thật. Biết rằng Tâm không có tự tính, và biến diệt. Vì sự vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nên tâm không có tự tính. Sáu thức hay tâm thức đã vô thường thì nó cũng không có chân thật.
Theo Shamar Rinpoche, THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG CỦA TÂM được diễn tả như sau:
"Trong sự nhận biết có hai thành phần: chủ thể nhận biết và vật được nhận biết. Hiển nhiên là có sự liên quan giữa hai bên, vì có hiệu ứng của các đối tượng trên Tâm. Đối tượng xinh đẹp sinh ra tham muốn, đối tượng không hấp dẫn gây ra ghét bỏ và đối tượng trung tính mang lại sự vô tâm. Vậy, hoặc tâm và các đối tượng có cùng tính chất chính yếu, hoặc có một liên hệ nhân quả giữa hai bên, như liên hệ giữa khói và lửa...
Vậy chỉ có một kết luận: đối tượng chính là tâm thức, như vậy những vấn đề trên không hiện hữu. Tuy nhận biết đối tượng vì chúng là sản phẩm của tâm, và tâm có thể sinh ra tâm. Thí dụ trong giấc mộng: nếu một người mơ thấy con ngựa, người đó có thể cảm nhận con ngựa, vì nó là vật do tâm tạo. Nó được sinh ra bởi tâm và có cùng tính chất với tâm. Cũng vậy, tất cả những đối tượng khác nhau và những cảm giác v ề chúng đều nạp vào dòng tâm thức đều do tâm tạo."
Diễn tiến Nhận thức Giác Trí Tuệ hay Thể cách Tri nhận Tự Tính Tuyệt Đối hay Tuệ Giác.
Nhất niệm hay cái Thức nguyên sơ là Thực Tại Điểm trong tiến trình nhận thức khởi đầu của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhị Nguyên tính của Năng Sở, Chủ Khách, Căn Trần;
Giác Trí là tiến trình tri nhận đầu nguồn của Giác Thức Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tương Đối của Trí Thức hay Tư Tưởng. Nhất Nguyên là vì khi Ý Tác Động của Căn (Ý thức) tiếp xúc với đối tượng (thực tại giả lập), thành Giác Thức (hay Tâm Thức), lập tức được Ý Tác Năng (Ý Trí) ý niệm hóa Giác Thức thành Giác Trí (hay Tâm Trí). Tâm Thức và Tâm Trí cùng một Tâm. Thức chuyển thành Trí. Giác Trí Đang Là (hiện tại), dù nằm trong đạo lý nhất nguyên, nhưng nó cũng huyễn hóa theo thời gian. Cái Đang Là là sự nối tiếp những điểm sát na sanh diệt liên tục. Dòng Giác Trí ấy trôi chảy làm cho Trí và Thức liên hợp sanh ra Tư Tưởng. Còn tư tưởng là còn có sự thay đổi, nên chưa phải là chân lý. Chân lý thì thường hằng bất biến. Do dó Giác Trí Đang Là thuộc diện tương đối;
Chân Trí hay Giác Trí Tuệ hay cái Trí Nguyên Sơ được nhận thức ngay nơi thực tại điểm khởi đầu tiến trình của động tác Giác Trí Đang Là, cũng là Nhất Nguyên Tính Tuyệt Đối của Năng Sở song vong và vô Thời Không. Vậy Chân lý tối hậu hay Tự tính tuyệt đối, hay đạo lý Nhất nguyên tuyệt đối là Nhận thức vượt Thời Không, là Tánh Giác hay Tánh Không. Không dùng Tư Tưởng suy nghĩ bàn luận mà dùng pháp môn không hai, hay nói khác đi làThể hiện, là im lặng không dùng ngôn ngữ mà là Hành là Thiền. Đó là pháp "Bất Khả Tư Nghị", là Trung Đạo, là cái biết trong sat-na hiện tiền tức là Tuệ Giác vậy.
-Tuệ Giác là Thường Biết Rõ Ràng. Khi ta thấy biết rỏ ràng sự vật, nghĩa là sự vật mà ta biết chính là sự vật nguyên thủy, rõ ràng và chính xác, không gì ngoài sự vật. Cái biết rõ ràng đó không phải là sự vật lập lại. Cái thường biết thì hằng hữu.
- Tuệ Giác là Cái Biết Như Chơn Như Thật Phật đã giải về nhản căn sắc trần và nhãn thức theo chơn trí. Chúng ta nhìn một vật thì thấy và biết như chơn mắt, thấy biết như chơn các sắc, thấy biết như chơn nhãn thức vì chúng ta đã hiểu được chơn mắt, chơn các sắc, và chơn nhãn thức theo thật tướng của chúng như đã trình bày trên. Chơn mắt, chơn sắc, và chơn nhãn thức là một khi nhìn một vật gì thì sử dụng một lần mà thôi (vô thời gian). Nếu không kéo dài thời gian thì vật đó còn nguyên thủy: nó-là-nó tại đó và lúc đó, vô thời không hay mắt, sắc (vật), hay thấy (nhãn thức) vẫn còn chơn nguyên, thấy biết không bị xúc thọ ái lăn trôi theo thời gian mà có những khái niệm, nên mắt, sắc, thấy biết không thay đổi, cố định. Nói chung, trong Trí (hay Tâm) chúng ta đều có chứa sẵn biểu hiện Trí Năng, Tình Năng và Hoạt Năng, nên dây thần kinh dẩn truyền lên não hình ảnh của chơn sắc từ chơn mắt để có chơn nhãn thức thì đồng thời đã xúc chạm dây thần kinh thị giác, có nhân nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vì chúng ta thấy biết chơn cảm thọ không có thời gian, nên không có ái trước (trong A Lại Da thức) đối với mắt (mắt không lập lại), không có ái trước đối với các sắc (hình ảnh các sắc có sẵn tích tụ) và ái trước đối với nhãn xúc (Xúc có sẵn trong A-Lai-Da Thức: ký ức). Từ đó do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ , bất khổ bất lạc thọ mà không có ái trước đối với cảm thọ ấy. Nhhu vậy thì cái biết đó chơn thật.
-Tuệ Giác Là Tuệ Quán Không Động Không Rung Chuyển.(Kinh Nhất Dạ Hiền) -Tuệ Giác Là Thực Tại Điểm Có Thật Trong Động Tác Giác Trí Đang Là.
Dòng tâm thức nối tiếp từng sát na sanh diệt liên tục luôn trôi chảy không ngừng, do đó tri giác không thế nào nắm bắt thực tại một cách toàn diện được. Không gian bao la, ngũ giác quan không định vị chính xác được vì mỗi căn chỉ cảm nhận phần chức năng của mình, chẳng hạn như mắt chỉ thấy không thể nghe v.v...Thực tại toàn diện không thể giao cho tiền ngũ căn nhận thức trong không gian và thời gian trọn vẹn.
Thời gian huyễn hóa. Quá khứ đã qua và đã đoạn tận, tri giác không thể nhận diện., nên không truy tìm. Tương lai chưa đến, đối tượng không có mặt làm sao cảm nhận được, nên không ước vọng trong tương lai. Hiện tại là thời gian đang trôi chảy nối tiếp những điểm li ti sát na sanh diệt, là cái Đang Là, không nắm bắt được. Tam thời bất khả đắc, nên Phật dạy, quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, và không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại. Nhưng chỉ có pháp hiện tại, thì Tuệ Quán mới có thể nắm bắt đựợc. Tuệ quán được hiển lộ thực sự trong chuyển động của pháp hiện tại (trong động tác đang là). Trong động tác đang là cuả pháp hiện tại nối tiếp những điểm sát na sanh diệt. Nhận thức ngay thực tại điểm của tri giác nguyên sơ và liền xa lìa nhận thức đó. Tri giác nguyên sơ là chơn thức vừa cảm nhận (vừa sanh) là vừa nhận biết thì chơn thức ấy (giác thức nguyên sơ) biến thành Giác Trí, nên gọi là Chơn thức sanh mà vô sanh vì điểm sát na sanh mà không bị diệt, do mủi tên Tuệ quán nhắm trúng và đã chuyển thức thành trí rồi. Cho nên Phật dạy, Tuệ Quán ở nơi pháp hiện tại, không động không rung chuyển. Tuệ quán là tri nhận một cách sáng suốt, vô thời gian. Vì lẽ chơn thức (tri giác nguyên sơ) là một điểm nhận thức có thật trong động tác nhận thức đầu nguồn của tri giác. Thực tại điểm nầy thì không động, không rung chuyển vì một điểm có thật một cách toàn diện không thêm không bớt, chính nó là nó ở đó và lúc đó (vô thời không). Vậy tri nhận thực tại điểm của giác thức nguyên sơ, chúng ta có tri thức nguyên thủy của chân trí. Thí dụ, khi gặp con bò đang đi, ta nhận diện hình ảnh con bò đầu tiên khi thấy nó (cảm giác: first sensation), nhận biết (perceive) tên con bò là nhản thức nguyên sơ (first visual consciousness, hay chơn thức: pure perception; gọi chung là tâm thức nguyên sơ); tri nhận nhản thức đó là ta có tri thức nguyên thủy (pure cognition) cuả chân trí (True mind without time). Nói khác đi, khi ta thấy (niệm đầu) con bò (perception), ta biết có tánh thấy (cognize the pure perception). Vì không có thời gian kéo dài cái tri thức nguyên thủy đó nữa nên niệm đầu (thực tại điểm) của dòng tâm thức đang lăn trôi (cái đang là), nên không có trí và thức liên hợp, tư tưởng, hay khái niệm gì về con bò cả). Đó mới thật sự Giác Ngộ mọi sai lầm của Tri Giác và Giải Thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử.
Thật vậy, chỉ có trong pháp hiện tại, bậc an tịnh nhiệt tâm trú quán như vậy ngày đêm không mệt mỏi, mới xứmg đáng là "Nhứt dạ hiền giả." (tham khảo kinh Nhứt Dạ Hiền Giả, HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
-Tuệ Giác là Cái Biết Sáng Suốt Vô Thời Không hay Tuệ Giác là Cái Biết trong sát-na hiện tiền.Tuệ Giác là thực tại tuyệt đối hay thực tại toàn diện, không thêm (không thêm niệm nào ngoài cái chơn thức (vô niệm); không thêm ảo ảnh nào trong không gian ngoài chơn thức (Vô tướng, không có thêm hình ảnh nào trong không gian); và không bớt thức, nếu không có thức thì không có trí, thì cũng không có tuệ giác hay là thưc tại toàn diện,; và khi tri nhận được chơn thức thì không lập lai, không có thờì gian (vô trụ). Thật vậy, theo Đốn Pháp của Lục Tổ (Vô Niệm, Vô Tướng và Vô Trụ, Phổ Nguyệt, 2006) thì:
1. Vô Niệm.
Lục Tổ dạy," Nầy Thiện tri thức! Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bổn tâm mình, nếu biết bổn tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát Nhã tam muội, tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là vô niệm."
Trí tuệ quán chiếu trong ngoài tức là thấy biết như chơn như thật lục căn lục trần lục thức, nói chung thấy biết tất cả các pháp như chơn như thật. Quán chiếu sáng suốt là tuệ tri hay biết một cách sáng suốt tức là biết rõ ràng (do bổn tâm) các pháp như là các pháp, chỉ có các pháp đó mà thôi, không có gì ở ngoài các pháp đó, không có niệm nào khác nữa.. Khi chúng ta quán chiếu các pháp hay các đối tượng mà bản tâm thanh tịnh, đó là vô niệm; nghĩa là lục căn tự nhiên tiếp xúc với sáu trần nên có sáu thức, ta tri nhận trọn ven chỉ có sáu thức đó mà thôi, không thêm thức nào khác. Thí dụ, tôi thấy con bò (giác thức nguyên sơ), biết có tánh thấy (con bò) thôi (giác trí tuệ), (chỉ biết có thấy con bò mà thôi, không thêm niệm nào khác nữa; nếu biết con bò rồi còn tìm hiểu thêm đặc tính con bò hay thêm trần cảnh khác nữa thì tạo ra quan niệm, tư tưởng, lý luận để phát sanh ái thủ hữu, là gây ra dây oan trái, là tà niệm rồi, không phải là vô niệm.) Vô niệm đây, nói theo tâm lý học, là giác trí tuệ. Khi ta nhận thức niệm đầu cảm giác để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó là ta có giác trí tuệ Đầu tiên ta thấy (Cảm giác) hình ảnh con vật, nhận thức được tên nó là con bò (nhãn thức hay tâm thức, giác thức) tri nhận giác thức đó mới có giác trí); và nếu ta nhận thức niệm đầu của con bò để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó mới có giác trí tuệ. Như trong kinh Kim Cang Phật dạy cách hàng phục tâm bằng cách, đưa tất cả các thực tại giả lập (chúng sanh) vào thực tại tuyệt đối (vô vi niết bàn: hư không) mà không còn thấy các thực tại giả lập đó nữa. Nên muốn hàng phục tâm (vô niệm), hành giả trực nhận (quán chiếu) thể không của sự vật, ngay đó lìa tứ tướng (Xa bốn tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả, là không có khái niệm, không lập lại, để có ý tưởng về sự vật.). Kỹ thuật để kiến tánh là tri nhận thực tại điểm của giác trí. Chúng ta biết rằng giác trí có thời gian vẫn còn liên hợp với thức sanh tư tưởng vẩn vơ nên xem như là giác thức, tâm thức, hay vọng tâm. Dòng tâm thức trôi chảy, tam thời bất khả đắc.Quá khứ đã qua tiền ngũ căn không thể nắm bắt, tương lai chưa đến làm sao nắm bắt được, hiện tại là cái đang là nối tiếp những sát na sanh diệt không ngừng, cũng không thể nắm bắt được. Tuy nhiên cái đang là của dòng tâm thức là cơ hội tốt để chúng ta có thể dùng tuệ quán nhắm ngay thực tại điểm của giác trí đang là. Vọng tâm và chân tâm cùng ở một tâm. Cái chuyển động là vọng, cái cố định là chân. Cho nên BT Long Thọ nói, cái đến có thật trong cái đang đến. Vậy cái chân tâm có thật trong cái vọng tâm, hai cái tuy hai mà một, và chân lý không đến từ cái bất động. Vậy, chúng ta nên nhớ, để trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật cũng đồng với pháp vô niệm của Huê Năng,
2. Vô Tướng
Vô tướng là như thế nào? Ngay nơi tướng mà lìa tướng đó gọi là vô tướng. Tổ lại định nghĩa thế nào lấy vô tướng làm thể. " Ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh." Ngay các tướng chúng ta không dính mắc các tướng thì đó là pháp thể của mình lúc nào cũng thanh tịnh.
Trong kinh Kim Cang,Phật đã chỉ rõ về thân tướng không của "Sắc thinh hương vị xúc pháp' khi tri nhận là đã hòa nhập vào tánh giác mà tánh giác là thiệt hư không bao la vô giới hạn. Khi ta thể hiện tánh không, dòng tâm thức không còn vẩn đục nghĩa là trong sáng hay còn gọi là phước đức. Vậy khi hàng phục tâm và an trụ được tâm là ta đã tạo ra nhiều phước đức không thể nghĩ lường ví như hư không vậy.
Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, giả lập hay duyên khởi, nên không thể thấy Như Lai bằng thân tướng được. Thân tướng thật không phải thân tướng, vì khi nhận thức thân tướng của đối tượng nào, ta chỉ thấy thể không của nó ở lục căn mà thôi. Khi tri nhận thể không của Như Lai (Biết được, Tánh Giác), thể không của thân tướng đã hòa nhập vào hư không, nên thấy các thân tướng không phải là tướng nữa mà là tánh hư không là thật tướng không của Như Lai.
3. Vô Trụ
Vô trụ là thế nào? Bản tánh con người là vô trụ, nên mới lập vô trụ làm bản, tức là bản tánh của chúng ta không dính, không mắc, dính mắc đó là vọng chớ không phải bản tánh. Vô trụ là ngay nơi cảnh không dính không kẹt.
Ngay khi thể nhận thực tướng của sự vật (các chúng sanh, những thực tại giả lập hay đối tượng), liền lìa ngay tướng giả lập đó (đối tượng) và cả tứ tướng, tức là không có thời gian kéo dài sự tri nhận ấy. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật bảo Tu-bồđề cách thức an trụ tâm như sau" Khi chơn tâm hiển bày (hàng phục tâm rồi) thì phải gìn giữ chơn tâm ấy bằng cách: Bồ-tát không có chỗ trụ mà bố thí, tức là không trụ vào Sắc,thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà bố thí." Trụ là bám vào, dựa vào, lập lại. Bố thí là ban bố, cho ra cái mình có, cái mình biết, xả bỏ. Muốn an trụ tâm Bồ-tát không bám vào, không trụ vào (không lập lại, vô thời gian) tất cả các thực tại giả lập (Sắc thinh hương vị xúc pháp) mà phải xả bỏ cái mình biết đó (dứt ngay sự tri nhận ấy).
Tuệ Giác là Thực TạiTòan Diện, không thêm, không bớt. Tuệ Tri, Tuệ Quán, Thường Biết Rõ Ràng, Cái Biết Sáng Suốt, Biết Vô Thời Gian, hay Biết sat-na hiện tiền, v.v.. là hành trình đi đến Giác Ngộ (Bắt Gặp Thực Tướng Sự Vật) hay nói chung là Tánh Giác. Tuệ Giác là Cái Thực và Bất Biến. Cái Thực của Chơn Tâm hay Tuệ Giác (Thực Tại Tuyệt Đối) thì thường hằng và không bị định luật nhân quả chi phối nó cố định vô thời không. Còn Cái Thực của Tâm Thức (Thực Tại Giả Lập) thì vô thường và bị định luật chi phối, vì nó thay đổi và lăn trôi theo thời không. Nếu cái thực ấy mà còn định luật nhân quả chi phối thì cái thực ấy chỉ là khổ đau, nhiệt não, tử sanh. Nếu cái thực ấy không còn bị định luật nhân quả chi phối thì đồng nghĩa với hư vô, cái không thực hữu, cái vô tự tính, cái ngoang không niết bàn.
Cái thực ấy (Tuệ Giác) là cái sáng suốt, mặt trời đại huệ. Cái thấy từ tâm, trí, tư tưởng trí mà có, từ tuệ, tuệ minh, cái tuệ minh ấy nó có trong tâm của bậc giác ngộ, bậc A La Hán, kẻ đã đoạn tận lậu, hoặc giải thoát khổ đau và phiền não.
"Tuệ Giác, là cái Biết sat-na hiện tiền thực hiện bằng cách, [Nhận thức niệm đầu của Cảm Giác về trần cảnh để có Chơn Thức. Rồi tri nhận Chơn Thức nầy để có Giác Trí Tuệ và xa lìa tứ tướng (Với tiền ngũ căn). Với tâm thức, khi vọng khởi (suy nghĩ, tư tưởng, tưởng tượng, nhớ lại v.v...), ta Biết là tưởng thức và xa lìa nó ngay; và cứ như thế, chúng ta ttếp tục tri nhận từng sự việc vô thời gian]." (Phổ Nguyệt)
Đó là An Trú vào Không Tánh (Pháp Chánh Niệm Lúc Đi Đứng, Phổ Nguyệt, 2006, trong Kinh Khất Thực Thanh Tịnh do HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Hành giả tu tập pháp chánh niệm lúc đi đứng, thiền hành hay khất thực thì các căn được sáng suốt, diện mạo trong sáng thanh thản.
Kinh viết:, "Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc (Kalandakanivapa).
Rồi Tôn giả Sariputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi dến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Sariputta đang ngồi một bên:
-- Này Sariputta, các căn của Ông rất sáng suốt, sắc da của Ông thanh tịnh trong sáng. Này Sariputta, Ông nay đang phần lớn an trú với loại an trú nào?
-- Bạch Thế Tôn, con nay đang phần lớn an trú với Không trú.
-- Lành thay, lành thay! Này Sariputta, Ông nay đang phần lớn an trú với sự an trú của bậc Ðại nhân. Này Sariputta, sự an trú của bậc Ðại nhân tức là không tánh. Do vậy, này Sariputta, nếu Tỷ-kheo ước mong rằng: "Mong rằng tôi nay phần lớn an trú với sự an trú không tánh", thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy tư như sau: "Trên con đường ta đã đi vào làng để khất thực, tại trú xứ ta đã đi khất thực, và trên con đường từ làng ta đi khất thực trở về, tại chỗ ấy, đối với các sắc do mắt nhận thức, có khởi lên ở nơi ta dục, tham, sân si, hay hận tâm không?"
Thật vậy, nếu lục căn thanh tịnh, là Nhãn Nhĩ Tỷ Thiệt Thân Ý được thấy biết như thật như chơn, hay đưa lục căn giả lập nầy vào tánh giác, cái biết sáng suốt, trong sát na hiện tiền vô thời không, thì làm gì có chỗ nào mà an trú. Nói rõ hơn là lục căn an trú vào tuệ tri, cái biết sáng suốt, cái hư không, thì an trú vào cái không an trú (trong hư không). Vậy khi lục căn thanh tịnh hay biết sắc thọ tưởng hành thức sáng suốt thì sắc da của con người trong sáng, tâm địa thanh thản. Sắc da dụ cho vật lý mà vật lý ảnh hưởng đến tâm lý. Người mà sống ung dung tự tại thì thân tâm thường an lạc.Đó là an trú nơi không tánh. Như đi đến trở về trên con đường, nếu mắt thấy sắc, thì sự thấy biết như chơn các sắc thì không khởi lên dục (vì tuệ tri các sắc hay biết một cách sáng suốt vô thời không), không có dục thì không ái thủ hữu, thì tham sân si hay hận tâm không có.
Không Trụ Tướng, Phước Đức Khôn Lường (Kinh Kim Cang):
Diệu Hạnh Vô Trụ (trong đoạn 4):
Lại nữa Tu-bồ-đề, Bồ-tát với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đế, nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.
-Tu Bồ-đề, ý ông nghĩ sao? Hư không ở phương Đông có thể nghĩ lường được chăng?
-Bạch Thế Tôn, không vậy.
-Này Tu-bồ-đề, hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phía trên dưới có thể nghĩ lường được chăng?
-Bạch Thế tôn, không vậy.
-Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát không trụ tướng mà bố thí, phước đức cũng lại như thế, không thể nghĩ lường. Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. (HT. Thích Thanh Từ dịch)
Sức Mạnh của sat-na hiện tiền
"Tất cả mọi dục vọng đều là hoạt động của tâm trí nhằm tìm cầu sự cứu rỗi hay thỏa mãn ở các sự vật bên ngoài và trong tương lai, thay thế cho niềm vui của Bản thể hiện tiền. Bao lâu tôi còn là tâm trí của tôi, thì bấy lâu tôi vẫn là các dục vọng ấy, các nhu cầu, các ham muốn, các ràng buộc, cùng các sự ghét bỏ ấy, và ngoài chúng không có “tôi” ngoại trừ một điểm: chúng đơn thuần chỉ là một khả năng, một tiềm năng không được thỏa mãn, một hạt giống chưa đâm chồi. Trong trạng thái đó, ngay đến mong ước được tự do hay giác ngộ cũng chỉ là một khát vọng được thỏa nguyện hay được trọn vẹn trong tương lai. Cho nên, đừng tìm cách giải thoát khỏi dục vọng hay “đạt đến” giác ngộ. Bạn hãy hiện trú trong khoảnh khắc hiện tại. Hãy lưu trú ở đó với tư cách chủ thể quan sát tâm trí. Thay vì trích dẫn lời của Đức Phật hạy là Đức Phật, hãy là “người thức tỉnh”, bởi vì đây chính là ý nghĩa của từ Phật Đà (Buddha) vậy. ... Khi nói “Thời gian là ảo tưởng”, tôi không nhằm đưa ra một quan diểm triết học. tôi chỉ nhắc nhở bạn về một sự thực đơn giản - nó hiển nhiên đến mức bạn thấy khó hiểu và thậm chí cho là vô nghĩa - nhưng một khi bạn triệt ngộ rồi, nó sẽ là lưỡi gươm bén giúp bạn chém đứt phăng các tần lớp trùng trùng mọi “vấn đề” phức tạp do tâm trí tạo dựng ra. Xin được nhắc lại ở đây: khoảnh khắc hiện tại là tất cả mọi thứ bạn từng có được. Chưa hề có lúc nào mà cuộc đời bạn không phải là “khoảnh khắc này” cả. Đây chẳng phải là sự thực sao?..."(Sức Mạnh của Hiện Tiền [The Power Of Now], Phi Thời Gian, Eckhart Tolle)
[Pure Cognition. Xem " Zen: A Cognition to the Mind, Phổ Nguyệt"]
Buddha-wisdom, innocent mind in all which is independent of birth and death, one of the three states of minf or consciousness mentioned in the Lankavatara Sutra. When we cognize a pure perception, we get a pure cognition. The pure cognition to the true mind is without space-time. It is empty, broad, wonderful, bright, real, absolute, and without space-time. (The Cognition of Now, or the Mind of ksana without time)
True Mind = Pure Cognition + spaceless-no time
"Perceive a first point of a sense to get a pure perception.
Cognize the pure perception to get a pure cognition and separate it. It is a True Mind or an Absolute Entity: A ksana Without Time" (Phổ Nguyệt)
Kết luận.
Tuệ giác hư không hóa mọi tâm thức hay tâm trí, là cái biết sat-na hiện tiền. Sức mạnh của cái biết sat-na hiện tiền là làm trong sạch hóa dòng tâm thức (vô niệm), không mải mai bụi trần (vô tướng), không lăn trôi theo thời gian, không lập lại (vô trụ). Không tánh ấy làm tâm thức không còn vẩn đục, là phước đức như hư không, không thể đo lường.Tuệ giác cũng là thấy biết như chơn mắt, chơn sắc, chơn nhãn thức...chơn lục căn, chơn lục trần, chơn lục thức (Đại Kinh Sáu Xứ), như đã hàng phục được vọng tâm và an trụ tâm (kinh Kim Cang), tri kiến Phật (kinh Pháp Hoa), minh tâm kiến tánh thành Phật (kinh Lăng Già), viên giác v.v...Nói tóm, Tuệ Giác là cái Biết sat-na hiện tiền có sức mạnh không thể nghĩ lường.
Tham khảo:
Cốt Tủy các Kinh Căn Bản Phật Giáo, Phổ Nguyệt, 2006. Trích kinh Kim Cang, kinh Nhất Dạ Hiền, và Pháp Vô Niệm: Đốn Giáo của Lục Tổ, v.v..., đăng trong website Tạng Thư Phật học: http://www.tangthuphathoc.com
Sức Mạnh của Hiện Tiền (The Power Of Now), Phi Thời Gian, Eckhart Tolle, Hồ Kim Chung-Minh Đức biên dịch (sách) đăng trong Website Thư Viện Hoa Sen: http://thuvienhoasen.org, tháng May.2007)
Zen: A Cognition to the Mind, Phổ Nguyệt, 2006" đăng trong website Tạng Thư Phật Học:
Phổ Nguyệt, 2007