Việt Nam là quốc gia đầu tiên cung nghinh Phật Ngọc


Như là một nhân duyên lớn đối với Phật giáo thế giới khi khối ngọc thạch vĩ đại Polar Pride - niềm tự hào Bắc Cực, sự phát hiện của thiên niên kỷ - được tạc thành tượng Phật để “tạo niềm xúc cảm cho khắp thế gian”. 

Phật ngọc đã khắc xong

Phật ngọc - niềm xúc cảm hòa bình


Như là một nhân duyên lớn đối với Phật giáo thế giới khi khối ngọc thạch vĩ đại Polar Pride - niềm tự hào Bắc Cực, sự phát hiện của thiên niên kỷ - được tạc thành tượng Phật để “tạo niềm xúc cảm cho khắp thế gian”.

Ian Green đã trở thành chủ nhân của khối ngọc thạch nephrite vĩ đại nặng đến 18 tấn được phát hiện vào năm 2000 với giá đấu thầu 1 triệu USD. Theo lời khuyến phát của Lạt ma Zopa Rinpoche, ông đã lên kế hoạch tạc tượng, và pho tượng đã hoàn tất vào cuối năm 2008.

Đạo hữu Green là người 35 năm theo Phật. Sau chuyến hành hương Ấn Độ đầu năm 1970, Ian Green tự thấy “không có sự chọn lựa nào khác mà hiển nhiên là một Phật tử”.

Đạo hữu cho biết: “Phật ngọc được tạc theo mẫu của tượng Phật nổi tiếng nhất thế giới - tượng Phật bên trong Đại tháp Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng. Tượng đã được chư Tăng tại Thái Lan chú nguyện và sẽ được Đức Đạt lai Lạt ma làm lễ gia trì vào tháng 12 năm nay”.

Tuy nhiên, nếu tượng Phật ở Đại tháp Giác Ngộ với đôi mắt hơi khép trong tư thế thiền định, thì tượng Phật ngọc có đôi mắt mở nhìn thấu vạn loại và đôi môi phảng phất nụ cười hoan hỷ với tất cả chúng sanh. Gương mặt Phật ngọc được dát vàng tạo nên nét sắc sảo, sống động, có thể ngắm rõ từ xa, và nhất là không phản chiếu hình ảnh của những người chiêm bái - theo lời dạy của Đức Đạt lai Lạt ma.

Đạo hữu Ian Green cho biết: “Tên gọi Phật ngọc cho Hòa bình Thế giới là do Lạt ma Zopa Rinpoche chọn, bởi Ngài tin rằng Phật ngọc sẽ ‘soi sáng thế giới’. Trong hành trình vòng quanh thế giới này, bất kỳ đến nơi đâu chúng tôi cũng dâng hiến hòa bình cho nhân loại… vì hành trình Phật ngọc cho Hòa bình Thế giới có thể truyền xúc cảm cho bất kỳ ai chiêm ngưỡng và ngẫm nghĩ về hòa bình; hòa bình cho thế giới; hòa bình trong những mối quan hệ; hòa bình cho gia đình và bè bạn; hòa bình cho công việc; và hòa bình cho tự tâm”.

Phật ngọc và tình cảm của người dân Việt

Tượng Phật ngọc cao 3,5m, nặng 4,5 tấn này hiện được tôn trí tại Vạn Phật Đại Tòng Lâm, Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi rời chùa Quán Thế Âm, TP.Đà Nẵng và sẽ đến chùa Phổ Quang, TP.HCM vào ngày 29-3-2009.

Tại Đà Nẵng, nhân Lễ hội Quán Thế Âm, có hơn 100.000 lượt người đến tham dự lễ và chiêm bái Phật ngọc. ĐĐ.Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, Phó ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Ước tính, số lượng người đến tham dự lễ hội năm nay nhiều gấp bốn lần so với năm ngoái. Ngoài việc tham dự lễ, phần lớn khách đến là để chiêm bái Phật ngọc. Không dễ có pho tượng Phật nào tạo được sự thu hút lớn đến như vậy”.

Cũng trong lễ hội này, một số Phật tử Hải Phòng, sau khi chiêm bái Phật ngọc, đã ôm chầm lấy đạo hữu Ian Green và bật khóc trong niềm cảm kích, quý mến. Ian Green cũng không cầm được nước mắt. Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông cho biết: “Chúng tôi rất hạnh phúc khi có mặt tại Việt Nam. Tôi tin rằng đây là đất nước thích hợp nhất trên thế giới để tổ chức sự kiện này, đặc biệt trong Lễ hội Quán Thế Âm. Tôi rất vui khi cảm nhận được sự thành tâm của các bạn qua những gương mặt luôn nở nụ cười thân thiện”.

Một vị Thượng tọa tại TP.HCM ra miền Trung lo Phật sự cũng đã tranh thủ thời giờ đón taxi đến chùa Quán Thế Âm để chiêm ngưỡng Phật ngọc. “So với trong hình thì Phật ngọc thật đẹp và trang nghiêm hơn rất nhiều. Trước đây tôi hơi thất vọng khi thấy gương mặt Phật được dát vàng làm mất đi màu sắc của ngọc, nhưng bây giờ thì tôi hiểu tại sao người ta đã làm như thế”, vị này cho biết.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngay ngày khai mạc triển lãm Phật ngọc, hàng chục ngàn người đã đến chiêm ngưỡng, lễ bái. Khuôn viên Cửu phẩm Cực lạc tại Vạn Phật Đại Tòng Lâm rộng khoảng 2ha trở nên chật chội. “Chúng tôi đã huy động các học Tăng của trường Trung cấp Phật học ra giữ trật tự và bảo vệ Phật ngọc”, ĐĐ.Thích Nhuận Trí, Phó ban triển lãm Phật ngọc, cho biết. “Chính quyền địa phương cũng cử người đến hỗ trợ nhằm đảm bảo an ninh và đảm bảo an toàn cho Phật ngọc. Dù đông, nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho tất cả Tăng Ni, Phật tử được đến gần để đảnh lễ Đức Phật”.

Không chỉ Phật tử tại Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu hay một số tỉnh thành khác tranh thủ thời gian chiêm bái Phật ngọc, mà ngay cả Tăng Ni, Phật tử tại TP.HCM - nơi Phật ngọc sẽ đến không lâu sau đó - cũng nôn nao không kém, nhiều người tổ chức cho cả nhà cùng đi chiêm bái Phật ngọc. “Một sự xúc cảm sâu sắc… khi tôi chiêm bái Phật ngọc”, chị Huỳnh Long Ngọc Diệp nói. “Nhiều người nói với tôi rằng, tổ tiên ông bà mình không có được cơ hội này, vậy mà mình lại có được. Tôi đã chiêm bái Phật ngọc tại Đà Nẵng, rồi Đại Tòng Lâm, lần nào trong tôi cũng dâng lên niềm hạnh phúc, an lạc. Phật ngọc đẹp một cách hoàn hảo; nét cười của Ngài đúng là biểu tượng của hòa bình. Xin cảm ơn tất cả những con người và những nhân duyên để Phật ngọc đến được Việt Nam”.


Đạo Hữu Ian Green, giám đốc công trình Phật Ngọc đã đến tận địa điểm mỏ Ngọc
ở miền Bắc Canada để tìm kiếm Ngọc để khắc tượng Phật

Tại sao Việt Nam được chọn là quốc gia đầu tiên cung nghinh Phật ngọc?

“Đó là cách mà tôi cảm ơn những Việt kiều Úc, những người đã hỗ trợ tôi trong rất nhiều Phật sự”, đạo hữu Ian Green cho biết. “Và chúng tôi quyết định chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên cho hành trình triển lãm Phật ngọc trên khắp thế giới”.

Trong số những người Việt kiều Úc “hỗ trợ” Ian Green, có cô Hoàng Lan và đạo hữu Bằng. Họ thường tham gia nhiều công tác Phật sự với đạo hữu và trở thành những cộng sự thân thiết.

Khoảng cuối năm 2008, trong chuyến viếng thăm và thuyết giảng tại Úc, TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp - TP.HCM, đã gặp cô Hoàng Lan và đạo hữu Bằng, qua đó biết được chương trình triển lãm Phật ngọc vòng quanh thế giới. Thông qua hai Phật tử này, Thượng tọa đã có cuộc gặp gỡ với đạo hữu Ian Green và ngỏ ý muốn được cung thỉnh Phật ngọc về Việt Nam. Đạo hữu Ian Green hoan hỷ nhận lời.

Thực ra trước đó, Phật giáo Đài Loan đã có nhã ý cung thỉnh tôn tượng Phật ngọc về Đài Loan vào dịp Lễ Phật đản, tuy nhiên, do họ chưa tiến hành những thủ tục cần thiết nên cơ duyên đã đến với người Việt.

“Đà Nẵng được chọn là địa điểm đầu tiên cho hành trình vòng quanh thế giới của Phật ngọc bởi Lễ hội Quán Thế Âm được ghi nhận là lễ hội Phật giáo lớn”, ông Ian Green cho biết. “Tại Việt Nam, tượng Phật ngọc sẽ được trưng bày tại 5 ngôi chùa lớn trong vòng 10 tuần lễ. Sau khi hành trình triển lãm vòng quanh thế giới kết thúc, pho tượng sẽ được cung thỉnh về Bendigo, Victoria, Úc và được tôn trí tại Đại Bảo tháp Pháp giới Từ bi. Đây là ngôi bảo tháp lớn nhất tại phương Tây và hiện đang còn xây dựng. Mục đích của chúng tôi là Phật ngọc và Đại tháp sẽ truyền đến tất cả chúng sanh nguồn xúc cảm về hòa bình và con đường tâm linh cho ít nhất 1.000 năm nữa”.

Cuộc triển lãm Phật ngọc vòng quanh thế giới hoàn toàn không có bất kỳ hợp đồng về kinh tế nào. Mọi kinh phí đều do đạo hữu Ian Green và các cộng sự của ông lo liệu bằng cách vận động sự tài trợ và phát tâm cúng dường của những người tín tâm cũng như của chính bản thân ông.

 Theo Giác Ngộ