Bí ẩn của giây phút hấp hối


Con người đã và đang tìm kiếm các dấu hiệu tin cậy về cái chết để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học thực sự lúng túng khi một số người đã kề cận cái chết cho biết những gì mà họ cảm nhận được trong thời gian bất tỉnh hoặc mất hết hy vọng được cứu sống...

Vào năm 1957, tại một sân bay nhỏ của Anh đã xảy ra tai nạn khi máy bay hạ cánh. Một bác sĩ ngồi ghế phía sau bị văng khỏi máy bay, ngất đi và không có dấu hiệu sống. Từ nơi mà ông ngã gục không thể nào nhìn được quang cảnh xung quanh, nhưng thật lạ lùng là người đó thấy rõ tất cả những gì xảy ra ở sân bay. Nạn nhân thấy thân thể của ông nằm bất động ở phía dưới bản thân khoảng 60m, thấy cả người hoa tiêu và phi công dính máu đang chạy về phía mình. Việc những người đó biểu lộ sự chú ý đối với thân thể của ông đã làm bác sĩ ngạc nhiên và bực tức. Ông muốn được yên tĩnh. Sau đó, nạn nhân thấy một ô tô cứu thương từ nhà để xe đi ra và một bác sĩ nhảy vào. Xe chở nạn nhân dừng lại ở một trạm xá và lấy theo một thiết bị. Tiếp đó, nạn nhân theo dõi thấy xe chạy với vận tốc lớn, mang “thi thể” của ông tới bệnh viện thành phố. Thân thể nạn nhân được đặt lên một cái bàn trắng, mọi người cúi xuống làm việc. Ông ta cảm thấy mùi khó chịu của clorua amônium. Vào đúng thời điểm đó, ý thức rõ ràng và bình thản của nạn nhân đột nhiên mờ hẳn và lại quay vào thân thể bị thương, kèm theo cảm giác đau đớn. 

Sau này, do tò mò, người đó đã phục hồi tỉ mỉ các sự việc ấy và những điều được mô tả hoàn toàn khớp với thực tế.

Vào năm 1892, một nhà địa chất người Thụy Sỹ tên là Enbơ Hem bị trượt ngã xuống vực sâu, nhưng may mắn thoát chết. Quan tâm đến những cảm giác của mình trong khoảnh khắc hoàn toàn thất vọng, nhà địa chất đã thu thập được 32 trường hợp tương tự. Ông nhận thấy rằng, tất cả các “đồng sự” của mình đều trải qua một cái gì đó giống nhau ở ngưỡng cửa của cái chết khó tránh khỏi. Những quan sát đó của E. Hem đã được bổ sung đáng kể, đặc biệt là vào những năm gần đây, khi công việc hồi sinh đã có nhiều kết quả.

Khi rơi từ độ cao lớn, ở thời điểm đầu tiên, con người trải qua sợ hãi mạnh mẽ, tìm kiếm một cách vô vọng các khả năng cứu thoát. Giai đoạn thứ hai xuất hiện sự nhận thức đầy đủ về cái chết không thể tránh khỏi và các ý định thoát thân đã rời khỏi não bộ. Cái chết không còn làm kinh hoàng và phiền muộn, nhưng những điều vụn vặt ngớ ngẩn lại làm lo lắng: xót xa vì rách bộ quần áo đang mặc, vỡ vụn cặp kính đang đeo hoặc hỏng mất cái máy ảnh... Nếu thời gian rơi đủ dài thì sẽ xuất hiện giai đoạn thứ ba - hồi tưởng quá khứ. Các thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời hiện ra thành những mảng hình ảnh, giống như quan sát chúng từ tầng trên của rạp hát. Tuy nhiên, những hình ấy mãnh liệt đến mức nào còn tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân của mỗi người. Vào năm 1972, một người trượt tuyết 19 tuổi bị ngã từ độ cao hàng ngàn mét và thoát chết với cái mũi dập nát. Nạn nhân kể lại: “Khi bắt đầu rơi, tôi gào thét thảm thiết, nhưng sau đó, tôi hiểu rằng tôi đã chết. Cả cuộc đời hiện ra trước mắt tôi như một ánh chớp. Tôi thấy khuôn mặt của mẹ tôi, thấy ngôi nhà mà trong đó tôi sống, thấy các bạn bè...”. Còn E. Hem lại mô tả bức tranh quá khứ như sau: “Tôi thấy mình là đứa bé bảy tuổi đi đến trường học, rồi thấy mình hồi lớp bốn cùng với thầy giáo yêu quý”.

Các cảm xúc hồi tưởng quá khứ kéo dài không lâu và chuyển sang một trạng thái thần bí “mê ly khoái lạc”. Khi một người rơi xuống vực thẳm thì người đó hiểu được rằng, thân thể của mình sẽ va đập vào đá và bị huỷ hoại, xương sẽ gãy vụn và dập nát. Nhưng sự hồi tưởng về bản thân hoàn toàn không liên quan tới cơ thể nữa. Bắt đầu từ một thời điểm nào đó, nạn nhân không hề lưu tâm đến “thân xác” của mình. Sự cảm nhận của nạn nhân bị xâm chiếm bởi các ý nghĩ tuyệt đẹp và xen lẫn những nốt nhạc du dương. Trong một trạng thái tinh thần thanh thản, nạn nhân bay qua các bầu trời màu hồng và màu lam lộng lẫy. Ở trạng thái siêu việt đó, nạn nhân cảm thấy dễ chịu đến nỗi nảy sinh sự phản kháng rõ rệt chống lại những cố gắng đưa cơ thể về với sự sống.

Tuy nhiên, đôi khi con người cũng có thể rơi vào trạng thái đặc biệt do quá sợ hãi. Trường hợp như vậy đã xảy ra với nhà du lịch nổi tiếng Đêvit Lêvingxtơn tại một vùng rừng châu Phi. Một con sư tử nhảy đến sau lưng ông và bắt đầu cấu xé. Nạn nhân ngã sấp, cảm thấy rơi vào trạng thái thiêm thiếp, không hề thấy đau và hoảng hốt. Nạn nhân không thể và không muốn cử động, phản kháng. Con sư tử chấm dứt hành hạ cơ thể nạn nhân và ngồi cạnh ông. Khi đó sức lực của nhà du lịch đột nhiên trở lại. Ông bật dậy và phóng chạy thoát thân. 

Trong những năm gần đây, các cảm nhận của những người chết lâm sàng đã được phân tích tỷ mỷ trong cuốn sách của R. Moody “Cuộc sống sau cái chết”. Những người như vậy trải qua một cái gì đó giống nhau, mặc dù độ rõ nét có thể khác nhau. Họ rời bỏ “thân xác” và dễ dàng bay bổng lên không trung, quan sát hành vi của mọi người khác từ phía trên. Sau đó một quầng sáng xuất hiện, giúp họ nhớ lại các sự cố của cuộc đời. Quầng sáng có thể thúc giục họ trở lại với “thân xác” vì còn chưa tới lúc “chuyển tiếp”...

Một câu hỏi hay được đặt ra là làm thế nào để phân biệt một người bất tỉnh nhân sự với một người vừa mới chết?

Lịch sử y học đã chứng kiến nhiều trường hợp mà trong đó các bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất cũng mắc phải sai lầm. Vào thế kỷ XVI, Anđrei Vezali bị kết án tử hình vì đã giải phẫu thân thể một nhà quý tộc Tây Ban Nha. Người này đã tỉnh lại trên bàn mổ và bình phục trở lại. Tuy thế, bản án đối với A. Vezali vẫn được thi hành. Một điều trùng hợp kỳ lạ là chính viên quan tòa đã dựng nên bản án đó chẳng bao lâu cũng hồi tỉnh trên bàn mổ tử thi, nhưng sau đó ông không qua khỏi.

Vào năm 1964, tại một trong các nhà xác ở New York có một “tử thi” sống lại, đã nắm chặt lấy cổ nhà phẫu thuật bệnh lý khi ông ta vừa thao tác dao mổ. Một nhà thơ tên là Petrarka đã hồi tỉnh trước khi đưa đi mai táng 4 giờ và còn sống thêm được 30 năm nữa. Một người phục vụ ở Vatican được coi là đã chết do bệnh hen. Trong số các bác sĩ làm nhiệm vụ có một người rất cẩn thận, đã đưa ngọn nến đến gần mắt người chết. “Tử thi” co giật mạnh và sau đó còn sống được khá lâu với một cái sẹo trên mũi do bỏng.

Vào đầu thế kỷ XX, một hội đồng các bác sĩ có uy tín của Anh đã tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng, mỗi năm ở nước này có khoảng 2.500 người bị chôn sống. Có thể điều vừa nêu bị phóng đại, nhưng quả thật có không ít trường hợp những người còn sống đã bị chôn vùi. Chính tại Anh vào cuối những năm 60, đã xuất hiện một thiết bị đầu tiên cho phép ghi nhận được hoạt tính điện rất nhỏ của tim. Trong lần thử đầu tiên tại một nhà xác, người ta đã phát hiện ra một cô gái còn sống nằm giữa các tử thi.

Những điều nêu trên cho thấy rằng, giữa sự sống và cái chết không có một ranh giới rõ ràng như đôi khi chúng ta vẫn tưởng. Sự ngừng thở được coi là dấu hiệu đầu tiên của cái chết. Nhưng ngay từ thế kỷ trước, quan niệm đó đã bị phủ nhận hoàn toàn. Một số nhà yoga có thể tự ngừng thở mà sau đó vẫn sống khỏe mạnh. Dấu hiệu khác của cái chết là sự mất mạch và sự ngừng hoạt động của tim. Tuy nhiên, điều đó không phải bao giờ cũng đúng. Các nhà yoga có thể điều khiển nhịp đập của tim sao cho dụng cụ đo chính xác cũng chỉ báo là tim hoàn toàn ngừng đập. 

Số đo thân nhiệt cũng không thể là dấu hiệu đầy đủ của cái chết. Đã có những trường hợp người đứng tuổi sống qua ngày ở một khu nhà lạnh lẽo, nhiệt độ thân thể hạ xuống khoảng 24 độ C mà họ vẫn không chết. Một cậu bé ở Thụy Điển được tìm thấy dưới lớp tuyết với nhiệt độ thân thể 18 độ C, nhưng đã bình phục mà không có những biến chứng đáng kể. Một số chứng bệnh (như tả, đậu mùa, uốn ván) có thể làm cho thân thể tăng nhiệt độ sau khi chết. 

Sự thay đổi ở nhãn cầu hay sự cứng đờ của thân thể cũng không phải là dấu hiệu tin cậy của cái chết. Hơn nữa, một số cơ quan tiếp tục hoạt động sau thời điểm chết lâm sàng. Cái chết tiến đến không tức thời. Đó là một dạng tồn tại đặc biệt, một sự tiến hóa dần dần với một xác suất thuận nghịch nhất định. Tử thi không có trường sinh học và cái đó cũng không thể là dấu hiệu của cái chết, bởi vì trường sinh học ở một số người sống cũng có thể tạm thời biến mất. Tử thi có thể lưu giữ một hoạt tính điện nào đó cho đến ngày thứ 39, khi mà xung não đáng kể cuối cùng được ghi nhận.

Tuy vậy, việc hồi sinh được phép tiến hành sau khi nạn nhân bị chết lâm sàng chỉ mấy phút. Bởi vì nếu để lâu quá thì trong một số trường hợp, những người được cứu sống sẽ tiếp tục tồn tại mà không có tri giác, giống như những con búp bê sống. Giới hạn thời gian hồi sinh phụ thuộc vào các khả năng của nền y học.

Tất cả những điều nêu trên có tác dụng lưu ý chúng ta hãy thận trọng khi xem xét các quá trình xảy ra với con người trên ranh giới giữa sự sống và cái chết.