Được cứu sống nhờ linh tính


Đã nằm dưới mộ 3 ngày vì bệnh tả, cậu bé Maks Hoffman vận được trở lại với cuộc sống nhờ linh tính của người mẹ rằng con bà vẫn sống. Không ít người khác cũng đã được cứu sống nhờ điều kỳ diệu này.

Năm 1865, cậu bé Maks Hoffman, 5 tuổi (bang Wisconsin, Mỹ) bị mắc bệnh tả. Bác sĩ nói rằng không còn tia hy vọng nào cứu sống. 3 ngày sau đó, chú bé trút hơi thở cuối cùng và được mai táng trong nghĩa địa của bang. 

Mặc dù bé đã nằm sâu dưới ba tấc đất nhưng không hiểu sao bà mẹ vẫn cứ cảm thấy con mình còn sống và nó đang gọi mình từ trong quan tài. Mọi người đều cho rằng vì quá thương con nên bà mới cảm thấy như vậy. Nhưng đến hết ngày hôm sau, bà quyết tâm cùng người nhà ra cứu con. Khi nắp quan tài vừa mở, ai cũng sửng sốt vì thấy cậu bé vẫn còn biểu hiện của sự sống. Một giờ sau, cậu tỉnh lại. Mọi người tìm cách chữa khỏi bệnh tả và giúp cậu phục hồi sức khỏe. 

Về sau, Hoffman sống tới 80 tuổi tại thành phố Lincoln (bang Iowa, Mỹ). Vật kỷ niệm quý giá nhất đời của ông là cái núm sắt nhỏ ở nắp quan tài mà từ trong đó, ông đã được cứu sống nhờ linh tính của người mẹ.

Thủ tướng Anh Churchchill cũng từng thoát chết nhờ linh tính. Ảnh: Johnstodderinexile. Một số nhà chính trị nổi tiếng cũng đã nhờ linh tính mách bảo mà thoát khỏi tử thần. Thủ tướng Anh Churchchill là một ví dụ. Năm 1944, ông vừa chuẩn bị rời trận địa tên lửa thì máy bay oanh tạc của phát xít Đức ập đến. Người tài xế vội vàng nổ máy cho xe đi. Không hiểu sao, Churchchill không chịu vào xe mà vòng chạy ra phía sau. Đúng lúc ấy, một quả bom nổ ngay cạnh cửa xe, làm thành một cái hố lớn ngay chỗ Churchchill vừa đứng. Trong tập hồi ký của mình, ông viết: “Dường như có một sức mạnh nội tâm đã mách bảo tôi phải rời ngay chỗ đứng”.

Nhà thơ Nga Lermontov (thế kỷ 19) kể lại câu chuyện khi ông còn là sĩ quan biên phòng ở Kabkaz: Một hôm ông đang ngồi đánh bài với lính của mình và nhìn thấy một người có vẻ mặt khác lạ so với ngày thường. Ông bèn nói với người ấy: “Anh phải đề phòng, có lẽ anh sắp bị chết bất đắc kỳ tử. Đêm nay, anh nên ngủ lại ở đồn biên phòng và sáng mai hãy về”. Người lính ấy không tin, ra về và dọc đường đã bị một người say rượu đâm chết. Lermontov cho biết bản thân ông cảm thấy rất rõ từ khuôn mặt của người lính kia một điều, là anh ta sắp đi vào cõi vĩnh hằng.

Xưa nay, quan niệm thông thường cho rằng phụ nữ có linh tính nhiều hơn nam giới, rằng phụ nữ giải quyết nhiều vấn đề xuất phát từ cảm tính; còn đàn ông bao giờ cũng đi từ logic của vấn đề. Nhưng cũng có nhiều phát minh nổi tiếng của các nhà bác học nam giới lại bắt đầu từ sự mách bảo và chỉ dẫn của linh tính. Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Mozart khẳng định rằng, mỗi tác phẩm âm nhạc của ông là sự kết tinh của nguồn cảm hứng, tư duy sáng tạo và linh tính mách bảo. 

Viện sĩ Xobolev của Nga tìm ra kim cương ở vùng Iakutsk, viện sĩ Muratov tìm ra dầu mỏ ở vùng Tây Xiberi cũng đều được cho là một phần do linh tính mách bảo.

Nhiều lúc linh tính hoàn toàn trái ngược với logic, tư duy nhưng lại thích hợp. Napoleon khi đánh vào nước Nga năm 1812 đã linh cảm là sẽ thất bại nhưng ông vẫn cứ tiến hành vì theo ông, cái vĩ đại chỉ cách cái lố bịch có một bước.

Các nghiên cứu về linh tính hiện có rất ít. Nhiều cơ chế của các quyết định xuất phát từ linh tính chưa được hiểu rõ ràng. Cho đến nay, không ai biết cơ cấu tâm sinh lý của linh tính như thế nào, làm sao để phát triển đặc tính kỳ diệu này ở con người...

Theo những nghiên cứu mới nhất thì có 2 khía cạnh giúp ta hình dung rõ linh tính: vụt lóe và cảm giác. Các ví dụ cổ điển về sự vụt lóe như: Newton phát minh ra định luật hấp dẫn vào lúc mà quả táo rụng vào đầu ông; Acsimet phát minh ra định luật lực đẩy khi ông đang tắm...

Trong lịch sử cũng đã có những trường hợp linh tính về sự nguy hiểm sắp gặp phải mà lý học gọi là “trạng thái alert” - sự báo nguy, tức là linh tính chờ đón một hiểm họa nào đó. Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận rằng sự vụt lóe không xảy ra nơi đồng không mông quạnh mà là kết quả của một quá trình tích lũy thông tin sau nhiều ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, hoặc là sau một khoảng thời gian dồn nén tâm trạng. Ở đây đã diễn ra quy luật biến đổi lượng thành chất. Dường như bộ não đã thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ, đến nỗi đột nhiên con người xuất hiện ý nghĩ mới. Vì thế mà Newton chỉ cần một quả táo rơi trúng đầu, Acsimet từ trong bồn tắm đã nảy sinh ra một phát minh khoa học. 

Điều khó hiểu hơn cả là tín hiệu mà ta cảm nhận được, cái mà ta gọi là linh cảm ấy thực sự là lời mách bảo của một sức mạnh siêu nhiên nào đó, hay là thuộc tính tự nhiên của loài người?

Từ thời Aristot, người ta đã gọi linh tính là cội nguồn của khoa học. Sau đó Lepnich, Spinoda coi linh tính là phương thức nhận biết cao nhất của con người. Nhiều nhà bác học khác thì cho rằng đó là một dạng của quá trình suy nghĩ.

Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp, như trường hợp của nhà thơ Nga Lermontov chẳng hạn. Rõ ràng ở đây, linh tính không phải là kết quả quá trình tư duy, nó nằm ngoài phạm trù logic và biện chứng. Nhưng thật ngược đời, sự logic mà linh tính mách bảo, trong nhiều trường hợp dường như lại hợp lý và lại là điều cần phải quan tâm. Do không giải thích được đặc tính kỳ diệu này của tâm lý trong nhiều trường hợp nên con người thường cho đó là “điềm trời báo”. Họ phủ quyết khả năng của lý trí, coi linh tính như một khả năng huyền bí thâm nhập vào bản chất của vạn vật. 

Mặc cho những tranh cãi, linh tính vẫn xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi lúc và ở mọi người. Quan trọng là, ai sẽ là người có đủ sự nhạy cảm để nắm bắt được những điều mách bảo của linh tính mà thôi.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)