Thiên văn đối với Trung Hoa xưa có một tầm mức hết sức quan trọng. Thiên văn quan trọng vì có nhiều lý do. Những lý do ấy sẽ được lần lượt trình bày trong chương này.
II. ĐIỀM TRỜI VIỆC NGƯỜI TƯƠNG ỨNG VỚI NHAU
Các triều đại Trung Hoa sau này thường cho rằng mỗi khi có điềm trời gì khác lạ, thì ở trần gian trước sau cũng sẽ có những chuyện tương ứng sẽ xảy ra.
Tư Mã Thiên đã ghi trong bộ Sử Ký của ông nơi sách Thiên quan như sau:
«Trong vòng 242 năm đời Xuân Thu có 36 lần nhật thực, 3 lần sao chổi hiện. Đời Tấn Tương Công có vẫn thạch rơi xuống như mưa.
«Thiên tử suy yếu, chư hầu cai trị bằng vũ lực. Ngũ bá thay nhau mà cầm quyền, lấy lệnh mình thay lệnh vua. Thế rồi, đông hiếp ít, lớn hiếp bé. Tần, Sở, Ngô, Việt tuy là di địch nhưng cũng xưng bá một phương.
«Năm thứ 15 đời Tần Thủy Hoàng, sao chổi xuất hiện 4 lần, lần lâu nhất là 80 ngày, dài suốt cả khung trời.
«Sau đó Tần hưng binh diệt 6 nước, thôn tính Trung Quốc, đuổi di địch bốn phương, người chết như rạ.
«Về sau, khi nước Sở dấy lên, trong vòng 30 năm, binh sĩ dày xéo lên nhau chết không biết cơ man nào mà kể. Từ thời Si Vưu đến lúc bấy giờ, chưa hề có như vậy bao giờ.
«Khi Hạng Võ cứu Cự Lộc, thì sao chổi Uổng Thỉ xẹt phía trời Tây. Phía Đông, chư hầu bèn hợp tung; phía Tây người ta giết dân Tần, và tàn sát dân chúng đất Hàm Dương.
«Khi nhà Hán hưng lên, có ngũ tinh liên châu (5 sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) thẳng hàng nhau nơi chòm sao Đông Tỉnh (năm thứ 7 đời Hán Cao Tổ, năm 200 tcn).
«Khi Hán Cao Tổ bị vây ở Bình Thành, trăng quầng 7 vòng ở chòm sao Sâm, Tất.
«Khi họ Lã phản loạn, có nhật thực và ngày trở nên hôn ám.
«Khi 7 nước phản loạn (trong đó có Ngô, Việt) thì sao chổi hiện ra dài mấy trượng và sao Thiên Cẩu (cũng là một loại sao chổi) xẹt qua không phận nước Lương. Sau đó binh cách xảy ra và trong vùng đó, người chết đầy dãy, máu chảy chan hòa.
«Những năm Nguyên Quang (134-129) và Nguyên Thú (122-117) đời Hán Vũ Đế sao chổi cờ Si Vưu lại xuất hiện hai lần, dài choán nửa vòm trời.
«Sau đó quân ở kinh sư xuất chinh 4 lần, giết Hung Nô trong vòng mấy chục năm, chinh phạt rợ Hồ còn khốc liệt hơn nữa.
«Khi nước Việt mất (111 tcn) sao Huỳnh Hoặc (Hỏa Tinh) đóng ở chòm sao Đẩu (sao Nam Đẩu là phân dã của Ngô- Việt). Khi Cao Ly bị diệt (108 tcn) có sao chổi hiện ra ở vùng Hà Giới (ở vào các chòm sao Nam Hà và Bắc Hà).
«Khi quân ta hạ nước Đại Uyển, sao chổi hiện ra nơi sao Chiêu Diêu.
«Đó là đại khái những hiện tượng chính, còn những hiện tượng nhỏ thì không sao kể xiết. Như vậy, mỗi khi có một hiện tượng lạ trên trời, là sẽ có một biến cố dưới đất ứng với.» [5]
Tấn Thư- Thiên văn chí sau này cũng ghi các biến tượng trên trời song song với các biến cố dưới đất trong vòng khoảng 200 năm, từ năm 250 đến 450.