Thiên văn đối với Trung Hoa xưa có một tầm mức hết sức quan trọng. Thiên văn quan trọng vì có nhiều lý do. Những lý do ấy sẽ được lần lượt trình bày trong chương này.
VII. THIÊN VĂN VỚI CÁC TRIỀU ĐẠI TRUNG HOA
Vì các điềm trời có ảnh hưởng lớn lao đến nhân sự như thế, nên khoa thiên văn được vua chúa Trung Hoa hết sức sùng thượng.
Vua Nghiêu tỏ ra rất thông thiên văn,[9] vua Thuấn đã biết dùng Tuyền ky để độ 7 sao Bắc Đẩu.[10]
Thời vua Trọng Khanh nhà Hạ (2159-2146), hai nhà thiên văn Hi Hòa đã tỏ ra trễ nãi không đoán trước được nhật thực xảy ra vào năm 2154, nên vua đã sai Dậu hầu cử binh đi chinh phạt Hi Hòa. Câu chuyện còn ghi nơi thiên Dậu chinh trong Thư Kinh.
Theo Hồng Phạm Cửu Trù thì một vị vua xứng đáng với danh nghĩa phải thông thiên văn lịch số.
Chính vì thế mà trong chương trình giáo hóa các vị đông cung thái tử, tức là các vị vua tương lai, ta thấy có môn thiên văn. Trong bài «Cách huấn luyện một vị hoàng đế tương lai» (L’instruction d’un futur empereur de Chine en l’an 1193) đăng trong tập I bộ Đông Phương Ký Sự (Mémoires concernant l’Asie Orientale) của Sénart, Barth, Chavannes và Cordier; Chavannes đã cống hiến cho ta đầy đủ tài liệu về vấn đề này.
Các vua chúa xưa thường xây Linh Đài gần nhà Minh Đường để xem tinh tượng.
Đức Khổng cũng rất am tường về thiên văn, ngài viết Xuân Thu, tức là một bộ sử mà đã nhiều lần lấy thiên văn phối hợp với nhân sự. Đường lối này đã được các sử gia Trung Hoa bắt chước. Đọc Sử Ký Tư Mã Thiên hay Tấn Thư ta sẽ thấy rõ điều đó.
Xuân Thu Tả Truyện chép: «Mùa Đông tháng 12 (năm Ai Công XII) có châu chấu phá hoại. Quí Tôn hỏi Khổng Tử. Khổng Tử đáp: «Khâu tôi nghe rằng: chiều mà không thấy sao Hỏa nữa thì côn trùng ẩn phục hết. Nay sao Hỏa vẫn còn thấy chuyển vận về phía Tây. Chắc các nhà làm lịch đã nhầm.»
Ý nói nay theo lịch là tháng chạp. Đáng lý ra thì sao Hỏa không còn thấy được vào buổi chiều. Sâu bọ phải ẩn phục hết rồi, vì lạnh. Thế mà nay sao Hỏa vẫn còn thấy hiện, côn trùng còn phá phách, như vậy các nhà làm lịch đã nhầm, đáng lẽ phải có tháng nhuận nữa mới phải.
Mạnh Tử cũng luận về thiên văn như sau: «Trời thì cao lồng lộng, các ngôi tinh tú thì xa tít mù, nhưng nếu người ta để tâm tìm tòi việc vận hành tự nhiên của tinh tú, người ta có thể ngồi một chỗ mà biết rất đúng thời tiết đông chí trong mỗi năm, dẫu đến ngàn năm cũng không hề sai vậy.» [11]
Các vua chúa về sau, nhất là từ thời Hán trở đi, thường coi thiên văn là một bộ của triều đình. Nơi kinh đô thường có hai đài thiên văn, một đài là Thiên Văn Viện ở ngay trong cung, một đài là Tư Thiên Giám ở ngoài cung. Hai đài hằng đêm xem tinh tượng, rồi đối chiếu với nhau để trình lên nhà vua. Những hiện tượng quan trọng đều được ghi lại cho hậu thế.[12]
Tấn Thư chẳng hạn đã ghi chép tất cả các biến cố trên trời từ nhật thực, nguyệt thực, đến sao chổi, đến yêu tinh, yêu khí, tường vân, thụy khí xảy ra trong vòng mấy trăm năm , từ 250 đến 450.
Vua Văn Tông (827-840) nhà Đường còn ra sắc chỉ cấm các nhà thiên văn học tiếp xúc với các bộ khác hoặc với thường dân để khỏi tiết lộ bí mật.[13]
Sau này, đời Khang Hi (1662-1723), ta thấy các giáo sĩ dòng Tên như Ferdinand Verbiest, Terrentius, Schall von Bell, James Rho (La Nhã Cốc), Nicholas Longobardi (Long Hoa Dân) đã dùng thiên văn để chinh phục vua và triều đình Mãn Thanh, tức là dùng thiên văn để dọn đường cho cuộc giảng giáo Phúc Âm tại Trung Hoa.[14]
Mới hay thiên văn quan trọng là vậy.
☸
Để kết thúc chương này, ta nhận định như sau:
Thiên văn học Trung Hoa xưa có một điểm rất đặc biệt: Ấy là xem thiên văn không phải là để ghi nhận những biến tượng trên trời, nhưng mà còn là để đoán định xem điềm trời ấy ứng vào ai, vào năm nào, xứ nào, và sẽ đem lại hậu quả gì. Đoán rồi lại còn phải theo dõi xem biến cố xảy ra có đúng như lời dự đoán hay không.
Ví dụ, Xuân Thu chép:
1. Mùa Đông có sao chổi hiện ra ở chòm sao Đại Thần (Thiên Yết), năm ấy là năm Chiêu Công XVII, tức là 524.
2. Đoán: sao chổi hiện ra nơi sao Hỏa, như vậy sẽ có hỏa hoạn tại các vùng ứng với sao Hỏa, đó là các nước Tống, Vệ, Trần, Thịnh.
3. Biến cố đã thực sự xảy ra: Xuân Thu chép mùa hè, tháng 5 (năm Chiêu Công XVIII, tức 523), ngày Nhâm Ngọ, Tống, Vệ, Trần, Thịnh bị hỏa tai.
Như vậy biến cố đã xảy ra đúng với lời đoán năm trước.
Ví dụ như trong Tam Quốc, Khổng Minh xem thiên văn biết trước sẽ mưa dầm một tháng. Sự việc xảy ra đã đúng như sự tiên đoán của Khổng Minh.
Như vậy không thể bảo người xưa đoán liều được. Chúng ta chỉ có thể nói rằng: những điềm trời có ảnh hưởng gì đến nhân sự hay không? Và dĩ nhiên chúng ta phải trả lời rằng có.
Chúng ta không thể nói được rằng ngày nay khoa học đã chứng minh nhật thực, nguyệt thực, sao chổi hoặc các vết trên mặt trời mọi sự xảy ra đều có định kỳ, như vậy thì làm gì có chuyện lành dữ, tốt xấu.
Nhận định như vậy thiết tưởng không sâu sắc và cũng không khoa học. Bởi vì, ngày nay khoa học bắt đầu công nhận các hiện tượng thiên nhiên có ảnh hưởng đến các biến cố dưới đất.
Các khoa học gia mới chú trọng đến những hiện tượng trên mặt trời như những vết đen (taches solaires) hay những sự phun lửa trên vòng sắc cầu (éruptions chromosphériques).
Nhiều khoa học gia đã đưa ra giả thuyết rằng có nhiều loại biến cố dưới đất có liên lạc với những vết đen trên mặt trời và tăng giảm theo chu kỳ vết đen là 11 năm. Ví dụ: giá lúa mì, nạn thất nghiệp, những tảng phù băng (icebergs), ôn dịch, mưa gió, điên cuồng, chiến tranh, v.v. Đã đành về nhiều điểm cũng chưa chứng minh được rõ ràng, tuy nhiên, nay ai ai cũng công nhận:
- Các vết đen có ảnh hưởng đến từ trường mặt đất và có thể gây nên những cơn giông tố từ lực (orages magnétiques).
- Sự xuất hiện của các vết đen làm cho bầu điện tử của trái đất bị xáo trộn (pertubations ionosphériques).
- Chu kỳ các vết đen ảnh hưởng đến sự phát triển của thảo mộc. Nếu cưa một thân cây ra ta sẽ thấy nhiều vòng khoanh tròn, mỗi khoanh tròn tiêu biểu cho sự tăng trưởng của cây trong một năm.
Gặp những năm mà mặt trời có nhiều vết đen, thì những khoanh nơi cây ấy dầy hơn, chứng tỏ rằng những năm ấy nóng hơn, ẩm thấp hơn, và làm cho cây cối được phát triển nhiều hơn.[15]
Linh mục Théophile Moreux, đồng thời cũng là một nhà thiên văn học, là người đầu tiên đã lưu ý đến ảnh hưởng của mặt trời đối với sức sản xuất của lúa mì và rượu nho. Ông cũng nhận ra rằng mỗi khi có những sự thác loạn về từ trường thì trong các học đường học trò bị phạt nhiều hơn, và ngoài đời thì bệnh sưng khớp xương nhiều hơn.
Từ năm 1922, bác sĩ Maurice Faure cùng với nhà khoa họx Joseph Vallot đã công nhận rằng: cứ mỗi khi mà mặt trời phun lửa, thì dưới đất xảy ra rất nhiều biến cố như chết bất ưng, tự tử, tội ác, tai nạn xe hơi hay hầm mỏ, các bệnh kinh niên tái phát, v.v. Ông bèn lập ra khoa vũ trụ sinh lý học (cosmobiologie) và đến năm 1932 lập ra một hiệp hội quốc tế để khảo sát vấn đề này.
Năm 1938, một giáo sư người Nga là Tchijevski cho xuất bản một cuốn sách lớn cho rằng mặt trời là chủ xướng về các vụ ôn dịch. Ông cho rằng cứ vào những thời kỳ hoạt động cao nhất của chu kỳ mặt trời là hay có dịch tả. Có lẽ vi thời kỳ đó, mặt trời phát ra nhiều làn sóng ngắn hơn, làm cho vi trùng dễ nảy nở hơn.
Năm 1959, các ông Poumailloux và Viart thông báo cho Hàn Lâm Viện Y Khoa biết rằng các bệnh tắc nghẽn mạch máu tim (infarctus) bị ảnh hưởng của các biến chuyển mặt trời và xảy ra những khi từ trường trái đất bị xáo trộn,
Năm 1960, Hàn Lâm Viện Khoa Học Leningrad xác nhận rằng những người bị bệnh tim hay bệnh mạch máu dễ bị ảnh hưởng bởi các cuộc phun lửa của mặt trời…
Theo sự điều tra của Picardi đồng thời căn cứ vào những nhận định của các nhà khoa học nổi tiếng là đứng đắn, chúng ta có thể nói được rằng những nhận định trên không phải là những ý kiến mơ hồ, vô căn cứ, mà chính là những sự kiện đã được kiểm chứng. Tương lai sẽ trả lời về vấn đề này.[16]
Nếu chúng ta chấp nhận mặt trời ảnh hưởng đến nhân sự, thì chúng ta cũng phải chấp nhận mặt trăng và các ngôi sao cũng ảnh hưởng đến nhân sự. Trong trường hợp này, thiên văn Trung Hoa với tiêu đề «Điềm trời ứng với việc người» vẫn còn là một thách đố cho trí thức con người và vẫn còn là một cửa ngõ rộng mở cho những chương trình khảo cứu về thiên văn mai hậu.
CHÚ THÍCH
[1] Tấn Thư - Thiên văn chí, quyển trung, chương Nhật thực.
[2] Trung Dung, XXIV.
[3] Xuân Thu, Văn Công XV, tức 611 tcn.
[4] Phi Long diễn nghĩa, tr.29.
[5] Sử Ký Tư Mã Thiên, chương Thiên quan 7.
[6] Tống Từ Vân, tr.133.
[7] Tam Quốc, Tử Vi Lang dịch, tr. 1768-1769.
[8] Đông Hán diễn nghĩa.
[9] Thư Kinh, Nghiêu điển.
[10] Thư Kinh, Thuấn điển.
[11] Mạnh Tử, Ly Lâu hạ, 26.
[12] Joseph Needham, Science and Civilisation in China, Vol.III, p. 191.
[13] Ibid. p. 193.
[14] Ibid. p.447 et ss.
[15] J. Gauzit, Les grands problèmes de l’astronomie, Collections «Les Heures Scientifiques», tr.70-73.
[16] Pierre Roussau, Tout ce qu’il faut savoir sur l’astronomie, p.316-317.