Tháng 11/1977, Hiệp hội sưu tập đồ cổ nước Pháp mở cuộc họp báo bất thường và đưa ra lời cảnh báo với những ai sưu tập và đam mê chơi đồ cổ: Tuyệt đối không nên tìm kiếm, mua, lưu giữ chiếc gương soi cổ trên khung gỗ của nó có khắc chữ “Louis Alvarez 1743”. Bởi nó là chiếc “gương ma quỷ” giết người hàng loạt. Đã có 38 người Pháp chết "bất đắc kỳ tử" vì soi nó.
1. Lịch sử đầy tội ác
Chiếc gương kể trên được xuất xưởng năm 1743, do Louis Alvarez chế tác. Chỉ 2 ngày sau khi hoàn thành chiếc gương này, người thợ lành nghề nổi tiếng đang khỏe mạnh bình thường bỗng lảo đảo, gục xuống ngay trong nhà xưởng.
Pháp y khám nghiệm tử thi cho hay, Alvarez chết vì chứng tràn máu não (Cerebral hemorhage). Khi đó, không ai nghi ngờ và liên hệ giữa cái chết “bất đắc kỳ tử” này với chiếc gương soi do chính ông ta làm ra.
Chiếc gương về sau được bày bán tại cửa hàng tạp hóa. Kể từ đây, nó bắt đầu cuộc lữ hành gieo rắc tội ác.
Tesemer là ông chủ cửa hàng kinh doanh bột mì tại thành phố cảng Mareseille. Một hôm, ông tới cửa hàng tìm sắm quà mừng sinh nhật cho vợ. Trông thấy chiếc gương lồng trong khung gỗ chạm khắc vô cùng tinh xảo, ông thích thú và mua về.
Ngay tối hôm đó, Tesemer trịnh trọng thắp sáng 25 cây nến trên mâm bánh sinh nhật cùng với hộp quà. Người vợ yêu quý hồi hộp chứng kiến và chờ đợi Tesemer nhẹ nhàng bóc lớp giấy bọc, mở nắp và lấy ra chiếc gương soi.
Lúc này, Tesemer thuận tay đưa chiếc gương lên soi và nở nụ cười mãn nguyện với mình. Bỗng ông cảm thấy ớn lạnh toàn thân, rùng mình và đầu óc đột nhiên đê mê, cảnh vật trước mắt chao đảo. Bà vợ vội đỡ lấy chồng và cố dìu ông tới giường, đặt nằm xuống. Nhưng Tesemer nhanh chóng chìm vào giấc hôn mê sâu. Sáng sớm hôm sau, khi bác sĩ được mời đến khám thì Tesemer đã ngoẹo đầu ngừng thở.
Kết quả chẩn đoán cho hay, ông chết bởi cơn tràn máu não lúc 7h30 sáng ngày 3/6/1743.
22 năm sau, tức năm 1765, chiếc gương “yêu quái” đó lại xuất hiện. Vị chủ nhân Armold đã mua nó tại 1 hàng xén vỉa hè Paris và đem về treo phía đầu giường nằm của mình.
Mấy ngày liền, nhà xuất bản không thấy Armold đi làm. Ông chủ nhà xuất bản liền cử người tới nhà riêng của Armold tại khu chung cư tìm, nhưng cánh cửa bị khóa. Họ phải mời người quản lý toà nhà tới dùng chìa khoá riêng mở cửa. Vừa bước vào, mọi người hoảng hốt và đứng sững lại khi thấy Armold nằm bất tỉnh trên sàn.
Cảnh sát tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác nhận Armold đột tử khi đang chuẩn bị cạo râu sau khi tắm. Giám định pháp y chứng thực nguyên nhân dẫn tới tử vong là tràn máu não.
6 năm sau, ông chủ cửa hàng đồ cổ tên là Henry đã mua lại chiếc gương này với cái giá rẻ mạt. Ông đem về bày trong cửa hàng đồ cổ của mình với hy vọng bán lại được với giá cao. 3 ngày sau đó, Henry đột quỵ và nguyên nhân lại là tràn máu não.
Một người bạn thân của Henry tới dự đám tang, ông này vốn cũng từng là bạn thân của biên tập viên Armold đã qua đời mấy năm trước. Trong đám tang, ông ta nhìn thấy và nhận ra chiếc gương “Alverez 1743”. Ông hoảng hốt, chân tay run lẩy bẩy vì phát hiện ra mấy năm trước, khi dự tang lễ Armold ông cũng bắt gặp chiếc gương này. Người đàn ông này giật mình liên hệ cái chết của 2 bạn mình với chiếc gương. Bởi nguyên nhân dẫn tới cái chết đột ngột đều là... tràn máu não.
Gần 70 năm nữa trôi qua, khi hồi ức về chiếc gương “ma quỷ” này đã nhạt nhòa trong tâm trí mọi người, thì điều bất hạnh lại dội xuống ông Hanmer và vợ ông là Juna.
Trong lần dạo chơi, bác sĩ ngoại khoa Juna đã mua được chiếc gương cổ này. Sau khi mua về, bà luôn đặt trên bàn viết. Ngay sau đó đã xảy ra chuyện đau lòng với cả 2 vợ chồng. Họ nối tiếp nhau lảo đảo ngã gục xuống sàn nhà. Người thân phát hiện vội vã đưa ông bà tới bệnh viện cấp cứu nhưng cả 2 đều trút hơi thở cuối cùng trên đường trước khi tới bệnh viện. Nguyên nhân dẫn tới tử vong đều là tràn máu não.
Tới lúc này, chiếc gương soi trên khung gỗ điêu khắc tinh vi có chạm hàng chữ “Alvarez 1743” chính thức được mọi người quan tâm, cảnh giác, xa lánh.