Giải mã các hiện tượng dị thường - Kỳ 2 - Kỳ 3


Kỳ 2: Niềm tin vào các chuyện lạ

Năm 1997, tuần báo Time đưa ra số liệu thăm dò tại Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ. Trong số những người được thăm dò ngẫu nhiên qua điện thoại, 81% tin thiên đường có thật, trong lúc chỉ 16% không tin; 63% tin có địa ngục so với 30% không tin. Trả lời câu hỏi: Điều gì xảy ra sau khi chết?, 61% tin là được lên thiên đường, 5% tin sẽ luân hồi, 4% cho rằng đó là dấu chấm hết và 1% sợ bị đầy xuống địa ngục. Như các con số đã thể hiện, ở đây đức tin cảm xúc đạt tới tỷ lệ 70%, trong khi sự tường minh trí tuệ chỉ có 4%!

Uri Geller: Nhìn cong thìa - tâm linh hay ảo thuật?

Những thăm dò gần đây cũng cho kết quả tương tự. Chẳng hạn kết quả của Gallup năm 2005 cho thấy, 73% số người được hỏi tin ít nhất một trong mười hiện tượng lạ. Trong đó 41% tin ngoại cảm có thật; 37% tin có những ngôi nhà bị ma ám; 25% tin thuật chiêm tinh; 20% tin có luân hồi; và đặc biệt vẫn có tới 21% số người tin phù thủy có thật! Nghiên cứu đối tượng trên toàn thế giới qua mạng của Đại học Monash, nước Úc, năm 2006 cũng cho thấy, 70% tin có các hiện tượng không giải thích được làm thay đổi cuộc đời của họ, thường là theo hướng tích cực; 80% tin có linh cảm và 50% tuyên bố đã gặp kiếp trước của chính mình. Điều đáng quan tâm là các kết quả đó bền vững với thời gian, cho dù khoa học ngày càng phát triển, giúp con người khám phá nhiều bí ẩn của tự nhiên.

Lý giải như thế nào?

Đứng trước thực tế đó, các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra nhiều cách lý giải. Chẳng hạn trong cuốn Vũ trụ nghệ thuật, do đại học danh tiếng Oxford (Anh) ấn hành năm 1995, nhà thiên văn nổi tiếng John Barrow cho rằng, hệ quả âm tính của việc trông gà hóa cuốc, tưởng có sư tử ở một nơi không có, là rất nhỏ (mất chút công sức đi đường vòng để tránh) so với việc không nhìn thấy khi nó có thật (có thể bị sư tử ăn thịt). Nói cách khác, có thể có hoặc không có ma quỷ, với người nguyên thủy, đó là một thách đố không có lời giải. Vậy tốt nhất là cứ tin nó có thật và tổ chức thờ cúng, còn hơn không tin mà nó có thật thì nguy to. Theo Barrow, đây chính là căn nguyên mang tính sinh tồn của sự mê tín.

Còn theo cố thiên văn gia Carl Sagan thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh trong vũ trụ SETI, trong cuốn Thế giới quỷ ám - Khoa học như ngọn nến trong bóng tối, năm 1996, thì ngay cả ma quỷ cũng không đáng sợ bằng nỗi sợ hãi không tên; vì thế người ta cứ thích tin vào ma quỷ.

Hai nhà tâm lý Singer và Benassi thì cho rằng, việc thừa nhận thế giới huyền bí giúp con người có cảm giác làm chủ số phận tốt hơn. Bằng cách đó họ giảm được sự bất định của cuộc sống, ít nhất trong tâm tưởng. Vì thế khi có một “lý thuyết” giản đơn cho phép biết trước tương lai vốn không thể biết trước, chúng ta có xu hướng tin theo một cách không phê phán. Đó chính là nhu cầu qui hoạch trong một vũ trụ không thể qui hoạch, một nhu cầu rất con người và rất chính đáng! Vì thế chúng ta tin tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, tướng số... mà không hề băn khoăn xem chúng có đúng hay không. Các kết luận đó được đưa ra sau một nghiên cứu năm 1981, khi hai ông bố trí một nhà ảo thuật trình diễn trước hai nhóm sinh viên tâm lý đại cương. Một nhóm được thông báo trước rằng, đó là một nhà tâm linh có các khả năng “kỳ diệu” như nhìn cong thìa hay làm đồ vật biến mất; trong khi nhóm còn lại biết trước rằng, đó chỉ là sự khéo tay. Sau buổi trình diễn, hai phần ba số sinh viên thuộc nhóm thứ nhất tin rằng, đó chính là khả năng tâm linh huyền diệu. Tuy nhiên, hai nhà khoa học rất ngạc nhiên khi thấy, hơn một nửa số sinh viên thuộc nhóm thứ hai, dù biết trước đó chỉ là ảo thuật, vẫn khẳng định rằng, đó không phải là ảo thuật, mà là “tâm linh”!

Và không nên quên rằng với người nguyên thủy, nhìn đâu cũng thấy thánh thần và ma quỷ. Cái nhìn đó đã lặn sâu vào vô thức để trở thành bản chất con người. Nói cách khác, niềm tin vào sự huyền bí, như loạt bài phản ánh hiện tượng luân hồi vừa đăng trên TT&VH, chính là nhu cầu của con người và được quyết định từ bản năng sinh tồn, từ bản chất bên trong của con người. Khoa học chỉ như ngọn nến trong bóng tối (lời Sagan), nên rất khó đẩy lùi xu hướng đó.

Cũng không nên quên nhu cầu giải trí của công chúng và sức ép đối với giới truyền thông. “Đuôi một con cá” không phải là tin, nhưng “Quái vật hồ Loch Ness” thì đích thị là một tin mà đa số chúng ta đều muốn nghe. Chúng ta ai chẳng thích xem cảnh David Copperfield bay lượn trong không trung hơn cảnh một vị giáo sư khẳng định, điều đó trái với qui luật tự nhiên? Vì thế khi các nhà khoa học Mỹ lập một kênh truyền hình để giải thích các hiện tượng lạ bằng khoa học vào năm 1988, thì chỉ sau ba buổi phát sóng, họ phải đóng kênh vì không có người xem. Trong khi đó, hàng chục kênh chuyên kể chuyện lạ thì phát sóng năm này qua năm khác mà không bao giờ sợ thiếu người ngồi lì trước ti vi và xem chăm chú!

Cũng có người cho rằng, vì khoa học hiện hành không thể lý giải mọi hiện tượng tự nhiên, nên nhiều hiện tượng lạ cũng có thể nằm ngoài sự giải thích của khoa học. Người viết bài này thì cho rằng, ngoài các lý do kể trên, nguyên nhân chủ yếu của niềm tin vào sự huyền bí nằm ở bí ẩn của bộ não, cấu trúc phức tạp nhất tự nhiên. Bộ não phức tạp đến mức, số khả năng kết mạng của các tế bào thần kinh - yếu tố quyết định khả năng tư duy và nhận thức - lớn hơn tổng số hạt cơ bản có trong toàn vũ trụ. Vì thế có lẽ bộ não và tâm trí mãi mãi là những bí ẩn không thể lý giải được đến tận cùng. Và đó có thể là lý do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật hay tôn giáo, cũng như của niềm tin vào sự huyền bí của con người.

Kỳ 3: Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường

Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường CSICOP (Committee for the Scientific Investigation for Claims of the Paranormal), nay đổi tên thành Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI (Committee for Skeptical Inquiry), là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1976 tại Mỹ. 

Chính xác hơn, nó được thành lập ngày 30/4/ 1976 tại hội thảo quốc tế “Các trào lưu phi lý tính mới: phản khoa học và giả khoa học” tại ĐH quốc gia New York. Đây là phản ứng tự nhiên của cộng đồng khoa học đối với “cơn trào dâng” các hiện tượng mê tín mới và sự thừa nhận không phê phán các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh (còn gọi là các hiện tượng psi) của dư luận Mỹ và một số nước phương Tây nửa cuối TK 20.

Mục tiêu

Tuyên bố của hội thảo do nhà triết học Paul Kurtz chấp bút, viết: “Hiện có sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận đối với tâm linh, các hiện tượng huyền bí và sự giả khoa học. Truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách, tạp chí thường xuyên đưa tin về trị liệu tâm linh, viễn di sinh học, sự bất tử, luân hồi, ảnh Kirlian, năng lượng sinh học, phẫu thuật tâm linh, trị liệu niềm tin, thuật chiêm tinh, vật thể bay không xác định, ma nhập, ma quấy rối, và “các tài năng” như Uri Geller, Edgar Cayce và Jeane Dixon”. Vì thế theo tuyên bố, xuất hiện xu hướng lành mạnh là tổ chức một chiến lược phản bác các quan điểm phản khoa học đó. Tuyên bố viết tiếp: “Với những ý nghĩ đó trong đầu, chúng tôi thành lập tổ chức tạm gọi là CSICOP (tên gọi sẽ được chỉnh sửa sau)”. 
 

James Randi bóc trần khả năng "bẻ cong thìa bằng ý nghĩ"

Phương châm hành động của Ủy ban là không phản đối bất cứ hiện tượng lạ nào chỉ dựa trên định kiến hay tiền niệm, mà sẽ khảo sát chúng một cách cởi mở, hoàn chỉnh, khách quan và cẩn thận. Nhiều học giả lừng danh thế giới tham gia Ban điều hành Ủy ban, như Paul Kurtz (chủ tịch), Carl Sagan (cha đẻ chương trình tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất SETI bằng cách ghi sóng điện từ), Murray Gell-Mann (Nobel vật lý), Francis Crick (Nobel vì cấu trúc ADN), Stephen Jay Gould (tác giả thuyết tiến hóa hiện đại hóa), Richard Dawkins (nhà sinh học bác bỏ quan niệm về sự sáng tạo tối cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu), Sergei Kapitza (nhà vật lý Nga đoạt giải Nobel), Skinner (cha đẻ thuyết hành vi của cảm xúc)... Bên cạnh đó là nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà báo, nhà ảo thuật mà điển hình là James Randi,người đã thực hiện nhiều “hiện tượng tâm linh” chỉ bằng khả năng ảo thuật siêu hạng của mình. Hoạt động của Ủy ban bao gồm mọi hoạt động học thuật liên quan với các hiện tượng lạ như tổ chức nghiên cứu, đào tạo, xuất bản sách báo và tạp chí, hội thảo, tuyên truyền, phản biện... Tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ ra hàng quí là nơi đăng tải các nghiên cứu gốc của Ủy ban, trong đó nhiều công trình đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá các hiện tượng psi.

Một số nghiên cứu điển hình

* Đọc nguội. Trong bài “Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào” (tập 1, số 2, 1977) nhà tâm lý Ray Hyman chứng tỏ rằng, giới tiên tri, bói toán, bói bài, bói chỉ tay, cũng như giới cầu hồn, gọi vong có thể thu được thông tin qua đọc ngôn ngữ cơ thể nhờ hiệu ứng Hans thông minh. Đây là công trình được trích dẫn nhiều nhất. 

Tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ số 1-2/2006


* Đi trên than hồng (số Thu 1985). Nhà vật lý Bernard Leikind và nhà tâm lý William McCarthy đi trên than hồng và thấy rằng, đó không phải nhờ “sức mạnh của tâm trí”, mà do nhiệt dung riêng thấp của loại than củi dùng trong thực hành (vì thế không ai đi trên sắt nung!).

* Thuật chiêm tinh (số Đông 1986-1987 và số Xuân 1987). Nhà vật lý Geoffrey Dean khảo sát thuật chiêm tinh phiên bản thật (chứ không phải các phiên bản trên báo) và nhận thấy, tuy không đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học, nhưng nó “không nhất thiết phải đúng”. Theo Dean, nó giống như “kẹo cao su tâm lý”, thỏa mãn nhu cầu nhai (tâm lý) chứ không cần có thật.

* Thử nghiệm psi tại Trung Quốc (số Hè 1988). Đoàn đại biểu của Ủy ban được Trung Quốc mời nghiên cứu khí công và một số trẻ em có khả năng tâm linh. Mọi thử nghiệm đều cho kết quả âm tính. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ, không một khí công sư nào tác động được tới các đối tượng ở phòng bên cạnh. Trẻ em thì không thể hiện được khả năng “tâm linh” khi sự lừa gạt bị ngăn ngừa. Và khả năng lại xuất hiện khi các điều kiện kiểm soát được gỡ bỏ.

* Kinh nghiệm cận kề cái chết: Nhập hay thoát xác? (số Thu 1991). Nữ tiến sĩ tâm lý Susan Blackmore khảo sát kinh nghiệm cận tử bằng các tiếp cận hóa thần kinh, sinh lý và tâm lý. Bà giải thích thành công kinh nghiệm dị thường đó bằng các yếu tố khoa học.

* Luân hồi (số Thu 1994). Leonard Angel khảo sát một trong 20 trường hợp luân hồi điển hình nhất của GS tâm thần học Stevenson và kết luận, nó thất bại trong sáu điểm căn bản đặc trưng cho luân hồi (Stevenson không đồng ý với phân tích).

Vĩ thanh 

Ngoài Ủy ban trên (có sự tham gia của giới học thuật quốc tế), các tổ chức nghi ngờ cũng được thành lập tại nhiều nước. Ngoài các hoạt động học thuật thường qui, họ treo giải 200.000 euro mỗi nước cho bất cứ nhà ngoại cảm hay tâm linh nào thực hiện được khả năng của mình trong các thí nghiệm được thiết kế đặc biệt để ngăn ngừa sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác và sự lừa gạt. Cho đến nay chưa một ai nhận được các giải thưởng danh giá đó.

Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường, Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng